Phó Thủ tướng: ‘Chuyện Bắc Giang là danh dự ngành giáo dục’
“Nghe tin như vậy, nói thật là tôi giật mình. Lâu nay Bắc Giang không có những việc như thế” – Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói về vụ clip giám thị ném phao thi.
Nếu có thiếu sót thì phải nhận
Vừa trở về sau chuyến công tác nước ngoài, ngày 7/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, clip tiêu cực thi cử ở Bắc Giang ông chưa xem, nhưng đã kịp biết tin qua bản tin sáng của đài truyền hình Việt Nam.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Đó là danh dự của ngành giáo dục, hội đồng sẽ làm rõ”.
“Tôi có hỏi Bắc Giang hiện đang xử lý thế nào. Lãnh đạo Bắc Giang cho hay, hôm 6/6 Bắc Giang có họp hội đồng tuyển sinh toàn tỉnh. Họ đang chỉ đạo xác minh lại tất cả các clip ấy và sẽ có thông báo chính thức” – Bộ trưởng nói.
Chiều 7/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có hẹn làm việc với Bộ trưởng GD-ĐT.
“Nguyên tắc là trách nhiệm thi ở địa bàn nào thì hội đồng ở tỉnh đó sẽ có trách nhiệm làm rõ. Đó là danh dự của ngành giáo dục, hội đồng sẽ làm rõ. Nếu có thiếu sót thì phải nhận, nếu không có thì cũng nói rõ”, Phó Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Việc này chủ yếu là của người lớn
Video đang HOT
Cũng trong ngày 7/6, bên lề phiên họp Quốc hội, trao đổi về việc xử lý em học sinh đã quay clip, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: “Việc này chủ yếu là của người lớn. Các cháu học sinh còn nhỏ tuổi, nghĩ chưa tới, nên dễ bị lôi kéo làm việc sai”.
Ông Luận cũng cho biết, nếu theo quy chế về thi tốt nghiệp THPT, việc các em làm như vậy là vi phạm quy chế: “Nhưng việc xử lý các cháu như thế nào cần phải cân nhắc theo hướng: Giúp các cháu nhận ra sai phạm, làm bài học và nhằm mục đích giúp các cháu trở thành người tốt”.
Khi được hỏi, “có thông tin cho rằng, còn có các clip khác có nội dung tương tự. Ý kiến của Bộ trưởng về việc này như thế nào”, ông Luận cho rằng, việc phát tán trên mạng nhiều video clip như vậy làm cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp khó khăn, đồng thời ảnh hưởng không tốt tới nhận thức và suy nghĩ của người xem, nhất là các cháu học sinh còn nhỏ tuổi.
“Do vậy, theo tôi, chúng ta không nên hướng sự quan tâm thái quá đến các video clip như thế này. Nếu nhận được các video clip tương tự, chúng tôi sẽ xem xét, xác minh và xử lý theo đúng quy định”- Bộ trưởng khẳng định.
Trước đó, Bộ GD-ĐT gửi công văn tới Sở GD-ĐT Bắc Giang yêu cầu phối hợp với cơ quan liên quan, xác minh làm rõ danh tính, hành vi vi phạm quy chế thi của lãnh đạo hội đồng, các giám thị, thí sinh và các đối tượng liên quan trong hội đồng coi thi tốt nghiệp tại Trường THPT dân lập Đồi Ngô (huyện Lục Nam).
Chiều cùng ngày Sở GD-ĐT Bắc Giang đã có văn bản báo cáo nhanh kết quả xác minh vụ việc với Bộ GD-ĐT về tính chính xác của video clip đăng tải trên một số trang thông tin điện tử.
Kết quả bước đầu cho thầy clip ghi lại cảnh lộn xộn ở phòng thi được đăng tải trên mạng là Hội đồng coi thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Sở đã làm việc với Chủ tịch Hội đồng coi thi và Phó chủ tịch sở tại của hội đồng.
Sau khi xem các đoạn video clip, bước đầu Chủ tịch hội đồng coi thi nhận định hình ảnh các giám thị trên clip là giáo viên của trường THPT Lý Thường Kiệt và THPT Lục Ngạn số 2 Phó chủ tịch sở tại nhận định hình ảnh thí sinh trên video clip là các học sinh của Trường THPT Dân lập Đồi Ngô khóa 2009-2012.
Theo Vietnamnet, Tiền Phong
GS Văn Như Cương nói về clip gian lận thi cử
"Tôi không hoàn toàn đồng tình với ý kiến cho rằng đây là sự việc dùng biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực" - GS Văn Như Cương cho biết.
Liên quan đến việc trên mạng Internet xuất hiện đoạn băng video ghi lại hình ảnh gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua tại Bắc Giang, chiều qua (06/06), Giáo sư Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội) đã có cuộc chia sẻ với Khampha.vn.
Theo GS Cương, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp PTTH, Bộ GD&ĐT luôn tổ chức họp, thông báo kết quả và năm nào cũng giống nhau. Đại loại là "kỳ thi rất nghiêm túc, đề thi được bảo quản an toàn. Năm nay, số người vi phạm ít hơn năm trước..."
"Chuyện này ai cũng biết, năm nay cũng thế, sang năm cũng họp tổng kết và thông báo như thế" - vị hiệu trưởng này nói.
Với đoạn băng video vừa được tung ra, GS Cương cho rằng sẽ có nhiều người bị sốc nhưng ông cũng nhấn mạnh, đây chỉ là hiện tượng chứ không phải đặc trưng, phổ biến của ngành giáo dục. Dù chỗ này chỗ kia đôi khi còn những vi phạm, học sinh hay giám thị không làm tròn trách nhiệm, đều phải bị xử lý.
Đi vào nội dung đoạn video, theo giáo sư Cương, việc thật giả đúng sai còn phải kiểm định, xem xét. Nhưng theo quan sát, có thể thấy đây là vụ gian lận thi cử có tổ chức, có kế hoạch từ trước. Đó là điều hết sức nghiêm trọng.
Trong video, có cảnh giám thị chỉ cho học sinh làm bài, cảnh giám thị đứng ngoài hành lang buôn chuyện để học sinh làm gì thì làm, cảnh giám thị ném bài vào. Trong khi đó, khuôn viên trường thi kín cổng cao tường, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Vậy, đây là tiêu cực từ bên trong. Có một tổ chức tiêu cực trong phạm vi trường thi. Ngay trong nội bộ hội đồng coi thi tại trường này, có người ngồi làm bài giải để đưa ra.
Vị hiệu trưởng này cho rằng ai vi phạm đến đâu sẽ phải xử lý đến đó. Em thí sinh quay video kia, cho dù tự mang máy quay vào phòng hay được thầy giáo trong phòng đưa máy nhờ quay, theo quy định đều sẽ bị xử lý.
Tuy nhiên, GS Cương tỏ ra không đồng tình trước ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - ông Đào Trọng Thi rằng "không thể dùng biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực". Bởi theo ông, tiêu cực đó phải xem xét hậu quả.
Cần xem xét, việc quay phim của thí sinh này có làm ảnh hưởng, gây hại tới tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của ai không? Rõ ràng là không. Nếu em ấy không thực hiện quay phim, chúng ta không thể phát hiện được sự gian lận đó.
Em thí sinh đó có thể bị hủy kết quả thi hay cấm thi theo quy định. Nhưng cần được xét công trạng.
Giáo sư Cương lấy ví dụ, khi anh đi xe máy trên đường đến vạch dừng đèn đỏ, bỗng một tên cướp của giết người đang bỏ chạy. Anh rồ ga vượt lên đuổi theo và bắt giữ tên cướp đó. Vậy anh vi phạm luật giao thông, nhưng lập công lớn là bắt được cướp. Trường hợp đó, xử lý thế nào?
Một ví dụ khác, anh làm thư ký cho một giám đốc tham ô. Anh phát hiện giám đốc này vừa ký kết hợp đồng nào đó vi phạm pháp luật, có thể rất nguy hại. Khi ông ta đi vắng, anh lén mở tủ, lấy bản hợp đồng đó, giao nộp, tố cáo tới công an. Vậy anh có bị xử lý về tội trộm cắp hay không?
"Tôi cho rằng, không nên nhấn mạnh về tiêu cực của thí sinh đó" - Nhà giáo Văn Như Cương kết luận.
Cũng theo thầy Cương, quy định trong ngành giáo dục, những cán bộ giáo viên vi phạm quy chế coi thi có thể phải chịu mức ký luật cao nhất là bị đuổi khỏi ngành.
Theo khám phá
Còn nhiều người vi phạm trong vụ clip giám thị ném phao thi Người cung cấp clip vụ tiêu cực thi tốt nghiệp tại Bắc Giang cho biết có tổng cộng 6 clip. Ngoài ra, còn có các giáo viên khác vi phạm quy chế. Chiều 6/6, anh D.T.N., người cung cấp clip tiêu cực trong phòng thi tại Trường THPT Dân lập Đồi Ngô trong đợt thi tốt nghiệp THPT tiết lộ thêm, trong số...