Phim bị ‘ăn cắp’ trắng trợn, đưa lên mạng không thể kiểm soát
Các trang review phim mọc lên như nấm, vi phạm bản quyền nghiêm trọng đang trong tình trạng không kiểm soát được, những hình thức vi phạm ngày một nhanh và mới.
‘ Siêu lừa gặp siêu lầy’ như nhiều phim khác bị vi phạm bản quyền ngay sau khi ra rạp.
Trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam 2023 tại Đà Lạt, hội thảo Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh được tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, giới làm phim, chuyên gia luật cũng như các công ty cung cấp giải pháp công nghệ nhằm ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền ngày càng nhiều như hiện nay.
Phim vừa ra rạp đã xuất hiện hàng trăm video vi phạm
Chuyên gia dự hội thảo nhận định các hình thức vi phạm ngày một nhanh và mới, vượt qua quy định của luật. Vì vậy, biện pháp phòng vệ sau phát hành “như thả gà ra đuổi và thực tế không đuổi được”. Các cơ quan quản lý, hỗ trợ pháp lý chưa hình dung và phổ cập những lớp bảo vệ. Các đơn vị có quyền và liên quan chưa được trang bị cách thức bảo vệ trong điều kiện mới.
Do vậy, vào thời điểm diễn ra nội dung trực tiếp trên truyền hình gần như không bảo vệ nổi. Thực tế, từ khi có Internet việc vi phạm bản quyền diễn ra mọi nơi có kết nối và ngày càng khó ngăn chặn.
Các kênh chính thống đầu tư mua bản quyền và chuẩn bị nội dung nhưng nhanh chóng bị ‘ăn cắp’. Sau đó, các đơn vị vi phạm che logo của nhà đài và phát lại. Phim vừa phát sóng hay chiếu rạp cũng dễ dàng bị vi phạm bản quyền đưa lên không gian mạng. Nhiều bộ phim vừa khai thác ngoài rạp đã bị cắt ghép nội dung và tóm tắt trong các mục review phim, hút lượng người xem lớn, ảnh hưởng đến các rạp cũng như nhà sản xuất.
Ông Đoàn Văn Việt – Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu tại sự kiện.
Ông Đoàn Văn Việt – Thứ trưởng Bộ VHTTDL nói: “Sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã làm ra công cụ sáng tạo mới, tạo môi trường lưu giữ cùng với các phương thức phân phối, hình thức khai thác, sử dụng mới đối với các loại hình được bảo hộ nói chung, sản phẩm của ngành công nghiệp điện ảnh nói riêng. Môi trường số đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan”.
Video đang HOT
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp được đưa ra như cách tham chiếu những biện pháp hữu hiệu để bảo hộ quyền tác giả vốn bị vi phạm trắng trợn suốt thời gian dài.
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho hay, hai bộ phim của anh mới ra rạp gần đây là 578 và Thành phố ngủ gật đều bị vi phạm bản quyền trên không gian mạng. Đội ngũ sản xuất tìm mọi cách và liên hệ nhiều nơi để được trợ giúp nhưng không hiệu quả. Theo tìm hiểu thì trang vi phạm bản quyền và đăng tải phim trái phép có máy chủ ở nước ngoài. Đạo diễn mong muốn Việt Nam sớm có trung tâm về bản quyền hỗ trợ các nhà làm phim như anh.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa bất lực vì tác phẩm của mình bị vi phạm bản quyền.
Còn đạo diễn Võ Thanh Hòa ngán ngẩm khi thông báo nếu tìm kiếm phim Siêu lừa gặp siêu lầy do anh đạo diễn sẽ thấy hàng trăm video clip xuất hiện. “Giải quyết vi phạm bản quyền cần xuất phát từ hướng người xem thay vì hướng người làm phim”, anh nói.
Walt Disney chưa có đại diện tại Việt Nam vì tình trạng vi phạm bản quyền phổ biến
TS. Ngô Phương Lan – nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ nhiều trang phim lậu đã tồn tại mà khi dẹp trang này thì mọc lên trang khác. Bà nói các nghệ sĩ lâu nay chỉ biết làm nghề, chưa biết cách bảo vệ đứa con tinh thần của mình.
Theo TS. Ngô Phương Lan, một số studio lớn ở Hollywood, trong đó có Walt Disney muốn có đại diện sản xuất ở Việt Nam nhưng thấy tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan nên ngập ngừng chưa muốn vào. Năm 2021, trang web lậu đầu tiên bị khởi tố là phimmoi.com nhưng đến giờ vẫn chưa được xét xử.
Chủ tịch Hội Điện ảnh – ông Đỗ Lệnh Hùng Tú.
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh nêu thực trạng các nhà làm phim tài liệu sử dụng tư liệu hình ảnh ở nhiều nguồn cho tác phẩm của mình nhưng khi ra mắt chỉ ghi vài dòng “Phim có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp” một cách chung chung.
“Đó là thực trạng vi phạm bản quyền rất nhức nhối. Đáng ra trước khi đưa vào tác phẩm, các nhà làm phim phải xin phép, chú thích rõ ràng những tư liệu được lấy từ đồng nghiệp nào, phim nào. Đó mới là sự tôn trọng cần thiết với vấn đề tác quyền trong điện ảnh”, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú nói.
Từ thực trạng vi phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng hiện nay, đại diện Văn phòng Luật sư Phanlaw cho rằng: “Xuất phát từ thực tế lạm dụng cơ chế cảnh báo – gỡ bỏ dẫn đến xử lý hành vi xâm phạm không hiệu quả, chúng ta phải nâng cao nhận thức đối với các đơn vị trung gian, doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội trực tuyến. Họ phải chủ động trong việc ngăn chặn các hành vi xâm phạm, chứ không chỉ lệ thuộc vào việc được chủ thể quyền hay cơ quan chức năng yêu cầu mới thực hiện một cách đối phó. Cần khích lệ áp dụng biện pháp khởi kiện dân sự”.
Luật sư Quản Văn Minh đề xuất: “Để giải quyết vấn nạn xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, cần có thời gian và sự vào cuộc, triển khai đồng bộ, khoa học của các cơ quan chức năng, phối hợp kết nối với các tổ chức quốc tế, đặc biệt vai trò nòng cốt là Bộ VHTTDL. Bên cạnh đó, không thể thiếu vai trò của tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bản quyền và điện ảnh”.
Phim kinh dị Việt trên hành trình tìm hướng đi riêng
Phim kinh dị, dù là mảnh đất màu mỡ, được rất nhiều nhà làm phim Việt quan tâm nhưng vẫn còn đó rất nhiều thách thức.
Các bộ phim kinh dị luôn được khán giả chờ đón bởi sự kịch tính, giật gân. Điện ảnh Việt Nam dù đầu năm ghi nhận sự xuất hiện của nhiều bộ phim ở thể loại này, nhưng ở thời điểm hiện tại thể loại này vẫn còn là thách thức lớn.
Đang ra rạp trong giai đoạn này chỉ có duy nhất "Thành phố ngủ gật", bộ phim kinh dị gắn mác 18 . Phim được sản xuất từ năm 2019, đã tham gia rất nhiều Liên hoan phim và đến thời điểm hiện tại mới ra mắt khán giả trong nước. Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ: "Thành phố ngủ gật nằm trong chiến lược chung của chúng tôi để phát triển phim kinh dị, phim có kinh phí thấp nhưng cơ hội rất lớn. Phim này sẽ mở màn cho chúng tôi để đưa các phim kinh dị ra thế giới".
Ảnh: Poster phim "Thành phố ngủ gật" - Đạo diễn Lương Đình Dũng.
"Tôi nghĩ chúng ta cần tìm những điểm sáng, những câu chuyện tạo sự tò mò, mang đậm chất Việt, thay vì việc chúng ta dùng những chi tiết kiểu Mỹ, kiểu Châu Âu, người ta xem nhiều người ta chán rồi. Chúng ta hãy tìm những câu chuyện thật sự gây tò mò, với cả chúng ta nữa thì sẽ tạo được sức hút." - Đạo diễn Lương Đình Dũng nói thêm.
Song song với Thành phố ngủ gật, một dự án khác cũng đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, đó chính là dự án phim kinh dị cổ trang dài tập "Tết ở làng địa ngục", lên sóng truyền hình K từ ngày 23/10. Kịch bản được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, rất ăn khách, kỳ vọng sẽ gây được tiếng vang lớn và ghi dấu trong lòng khán giả. Nhưng đó cũng chính là khó khăn mà Tết ở làng địa ngục phải đối mặt, làm sao để tái hiện lại không khí âm u và rùng rợn, khiến khán giả không mất đi cảm giác như khi đọc tiểu thuyết gốc.
Chị Đào Diệu Loan - Biên kịch phim "Tết ở làng địa ngục" chia sẻ: "Có rất nhiều thứ khó trong văn học không thể chuyển thể thành hình ảnh. Suốt quá trình biên kịch cho Tết ở làng địa ngục, có nhiều chi tiết buộc phải cân nhắc lược bỏ bớt, hoặc thêm thắt những chi tiết mới để tác phẩm đậm tính điện ảnh hơn".
Ảnh: Poster Phim "Tết ở làng địa ngục".
Là thể loại thường được nhiều nhà làm phim chọn bởi bối cảnh đơn giản, không cần tốn chi phí quá cao, cái khó của phim kinh dị nằm ở việc lựa chọn được một kịch bản tốt, câu chuyện hay và cách kể hấp dẫn. Việc đầu tư trang phục cũng là bài toán lớn đối với các đạo diễn làm phim. "Toàn bộ phục trang phải Việt Nam trước đã, bên cạnh đó những chi tiết, hoa văn thêu thùa trên trang phục của nhân vật đều mang ý đồ. Và để hình dung được toàn bộ phục trang của cả ngôi làng thì là một kỳ công rất lớn. - Anh Trần Hữu Tấn - Đạo diễn phim "Tết ở làng địa ngục" chia sẻ.
Ảnh: NVCC
Ngoài "Tết ở làng địa ngục", "Thành phố ngủ gật", một loạt các dự án phim kinh dị khác như "Móng vuốt", "Đồi hành xác", "Mật mã 45: Ma đói" cũng đang nhận được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của khán giả. Hy vọng sẽ đem đến những tín hiệu vui cho điện ảnh Việt ở mảng thể loại này.
"Đất rừng phương Nam", "Nhà bà Nữ", "Em và Trịnh" tranh giải tại LHP Việt Nam Sáng 30/10, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức họp báo thông tin về Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23. Họp báo dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Phạm S. Với khẩu hiệu "Xây...