Phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái , nghỉ dưỡng , giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thác Yên trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên .
Theo đó, đề án thực hiện trên toàn bộ diện tích 23.815,5 ha thuộc Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2020 theo Quyết định số 2405/QĐ-UBND ngày 12-7-2013 của Chủ tịch UBND tỉnh với mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên ; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân địa phương và thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển Khu BTTN Xuân Liên .
Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025 thu hút trên 45.000 lượt khách du lịch , trong đó có trên 5.000 lượt khách du lịch quốc tế; lượng khách lưu trú đạt khoảng 16.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 25.300 triệu đồng.
Đến năm 2030, thu hút trên 110.000 lượt khách du lịch , trong đó có khoảng 10.000 lượt khách du lịch quốc tế; lượng khách ở lại lưu trú đạt trên 48.500 lượt; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt trên 83.250 triệu đồng.
Non nước Cửa Đạt.
Theo đề án, hệ thống các điểm du lịch sinh thái Khu BTTN Xuân Liên sẽ được xây dựng, bao gồm: Điểm trung tâm Du khách; điểm du lịch sinh thái , nghỉ dưỡng ; điểm cứu hộ động vật bán hoang dã Sông Khao; điểm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; điểm trình diễn mô hình rừng; điểm du lịch thác Yên; điểm du lịch Hón Can; điểm du lịch thác Thiên thủy; đỉnh Pù Gió; rừng nguyên sinh- bản Vịn . Đồng thời kết nối với các điểm ngoại vi như Khu di tích Cửa Đạt; di tích hòn Mài Mực; hồ thủy điện Xuân Minh; di tích hội thề Lũng Nhai …
Đề án cũng nêu các giải pháp cụ thể về quản lý bảo vệ và phát triển rừng; bảo tồn thiên nhiên , đa dạng sinh học; ứng dụng khoa học kỹ thuật; vốn; nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; bảo tồn bản sắc văn hóa…
Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nằm ở thượng nguồn sông Chu và thuộc địa giới hành chính của 5 xã Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Xuân Cẩm và Vạn Xuân, huyện Thường Xuân.
Xuân Liên nổi tiếng với khu hệ động thực vật rừng phong phú và đa dạng, với các kiểu rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới đặc trưng cho miền Bắc Việt Nam.
Bên cạnh giá trị nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên mặt nước ở đây cũng là một loại hình tài nguyên du lịch quý giá, có sức hấp dẫn du lịch rất lớn.
Xung quanh khu bảo tồn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa – tín ngưỡng. Các dân tộc anh em sinh sống quanh khu bảo tồn chủ yếu là người Mường, Thái vẫn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, nếp sống, nếp sinh hoạt truyền thống độc đáo… Tất cả các yếu tố ấy đều là tài nguyên tự nhiên và nhân văn giàu giá trị, làm cơ sở cho việc phát triển các hoạt động du lịch sinh thái và sinh thái cộng đồng.
Theo thống kê của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, bình quân mỗi năm khu bảo tồn đón được khoảng hơn 2.500 lượt khách, chủ yếu là khách trong nước. Riêng năm 2019, đã có khoảng 4.200 lượt khách đến tham quan, nghỉ ngơi tại đây.
Gắn du lịch với bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa
Một xu hướng dịch chuyển nổi bật của thị trường du lịch những năm gần đây là nhu cầu tìm về với tự nhiên, hòa mình vào thiên nhiên để khám phá, trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Đây là cơ sở cho các địa phương giàu tài nguyên, tăng cường đầu tư xây dựng các điểm đến, các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch sinh thái - cộng đồng để thu hút du khách. Tuy nhiên, do là sản phẩm gắn chặt với thiên nhiên, cho nên, không cách nào khác, du lịch phải trở thành một giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên.
Bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống đồng bào Thái phục vụ phát triển du lịch.
Mục đích của du khách, nhất là khách nước ngoài khi lựa chọn sản phẩm du lịch sinh thái hay sinh thái cộng đồng, là muốn khám phá thiên nhiên và tìm hiểu đời sống cư dân bản địa. Cho nên, họ sẽ không mấy hào hứng với lối sinh hoạt có phần hiện đại. Do vậy, làm du lịch cộng đồng trước hết phải bắt đầu từ văn hóa bản địa. Đó là giữ được những phong tục, tập quán đẹp, ví như nếp nhà sàn truyền thống sạch sẽ; lối giao tiếp ứng xử thân thiện, chân thành; các món ăn đậm đà phong vị dân tộc... Tiếp đó là cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ; môi trường tự nhiên trong lành, xanh - sạch - đẹp... Nói cách khác, để có thể làm du lịch lâu dài thì mỗi người dân, mỗi thôn bản phải có ý thức giữ gìn môi trường sống và bảo vệ môi trường tự nhiên. Có như vậy mới thu hút và giữ chân du khách lâu dài.
Dựa vào các điều kiện tự nhiên nguyên sinh độc đáo, sẵn có và các giá trị văn hóa truyền thống đặc thù để làm du lịch sinh thái cộng đồng, trên lý thuyết có vẻ không quá khó khăn. Song thực tế, nhìn từ phía cộng đồng làm du lịch, để đạt được mục đích là nâng cao thu nhập và xa hơn là bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; góp phần quảng bá và bảo vệ các giá trị văn hóa tộc người... thì du lịch sinh thái hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu. Với tiềm năng lớn từ các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia, việc phát triển du lịch sinh thái là một trong những hướng đa dạng hóa hoạt động kinh tế nông thôn ở tỉnh ta. Đó là chưa kể, khi kinh tế được nâng cao, các hoạt động giải trí, tinh thần được cải thiện cũng sẽ góp phần giúp đồng bào các dân tộc gìn giữ được bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, du lịch sinh thái nếu không được tổ chức tốt và người làm du lịch không được trang bị các kiến thức, kỹ năng thì rất có thể sẽ làm ảnh hưởng, thậm chí là hủy hoại môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa.
Có một thực tế là, tự nhiên rất dễ bị tổn thương trước mọi tác động của con người. Trong đó, phát triển du lịch sinh thái, về bản chất là dựa vào vẻ đẹp tự nhiên và môi trường văn hóa của cư dân bản địa, để xây dựng nên các sản phẩm du lịch và chào bán cho du khách. Điều này dẫn đến một nghịch lý là, du lịch sinh thái hay sinh thái cộng đồng càng phát triển nhanh chóng thì càng đe dọa tính bền vững của cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường văn hóa. Do vậy, vấn đề trọng tâm đang và luôn được đặt ra trong việc phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững, đó là phải kiểm soát hay "tiết chế" lượng khách phù hợp. Nghĩa là, sản phẩm du lịch này - về lâu dài - không thể thiên về lượng mà cần hướng về chất. Nghĩa là chú trọng đến chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ để tăng giá trị, tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, như nhiều chuyên gia đã chỉ ra, một nguyên tắc cơ bản của du lịch sinh thái phải phù hợp với các quy định về môi trường; tăng cường và khuyến khích cả về ý thức trách nhiệm và đạo đức của các bên liên quan đối với môi trường tự nhiên.
Nhiều nghiên cứu đã đưa ra những căn cứ cụ thể để ước lượng sức chứa tối đa của một khu, điểm du lịch. Theo đó, một điểm đến có thể đáp ứng một lượng khách tối đa là bao nhiêu, thì phải dựa trên các thông số cụ thể như điều kiện về hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, năng lực quản lý điều hành... và nhất là các hệ số giới hạn về môi trường như mức độ ô nhiễm, tiếng ồn, nguồn nước, an toàn cho du khách, giới hạn ảnh hưởng đến hệ sinh thái... Căn cứ trên những tính toán và những con số cụ thể, ngành chức năng và chính quyền các địa phương khi xây dựng quy hoạch phát triển du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch, cần tính đến yếu tố sức chứa của điểm đến. Đây cũng chính là căn cứ để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào loại hình du lịch này sao cho phù hợp. Đồng thời, giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thể quản lý được hoạt động du lịch và công tác bảo vệ môi trường tại điểm đến một cách hiệu quả. Ngoài ra, việc thu hút một lượng khách "vừa đủ" cũng giúp cho điểm đến không bị quá tải, đời sống cư dân bản địa không chịu quá nhiều xáo trộn và môi trường tự nhiên có thời gian phục hồi cần thiết.
Suy cho cùng thì, một sản phẩm du lịch sinh thái hay sinh thái cộng đồng, là tổng hòa của nhiều yếu tố và có sự tham gia của nhiều bên liên quan. Do đó, hiểu đơn giản, những người được hưởng lợi từ du lịch, thì phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa. Cộng đồng trách nhiệm ấy bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, cư dân bản địa và khách du lịch.
Dự án Khu du lịch sinh thái và safari Vườn Xoài II: Tạo điểm nhấn cho Đồng Nai UBND tỉnh vừa chỉ đạo các sở, ngành tập trung triển khai các bước hoàn thiện thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch (KDL) sinh thái và safari Vườn Xoài II (Safari), tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu). Nhóm du khách trải nghiệm các...