Phạt mạnh hơn vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông
Mặc dù tai nạn giao thông giảm sâu trên cả ba tiêu chí, nhưng tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông vẫn diễn biến phức tạp.
Trên cả nước, trung bình một ngày có hơn 450 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị kiểm tra, xử lý. Ðáng chú ý, tình trạng này đang có xu hướng tăng mạnh trong thời điểm gần đến Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn của lái xe trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Ảnh: QUANG THANH
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), trong năm 2020 có hơn 170 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị kiểm tra, xử lý. Mặc dù tình hình trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc có nhiều chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu cả ba tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết và bị thương), nhưng tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn vẫn có chiều hướng tăng cao.
Ðáng chú ý, số vụ vi phạm nồng độ cồn luôn tăng đột biến vào thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới. Cụ thể, chỉ trong một tháng (từ ngày 15-10 đến 14-11-2020), lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã phát hiện hơn 13 nghìn trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 283 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Tổng số tiền mà CSGT đã ra quyết định xử phạt là 59,3 tỷ đồng. Chỉ trong 10 ngày đầu ra quân đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán (từ ngày 15-12 đến 24-12-2020), lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý gần 6.000 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn. Trong ba ngày nghỉ Tết Dương lịch 2021 vừa qua, đã có gần 2.000 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện xử lý; có nhiều trường hợp chống đối người thi hành công vụ, bất hợp tác khi lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.
Nghị định số 100/2019/NÐ-CP ngày 30-12-2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 với chế tài xử lý tăng nặng với hành vi vi phạm nồng độ cồn, đã làm thay đổi thói quen tham gia giao thông của nhiều người, có tác động tốt đối với đời sống xã hội , được dư luận đồng tình ủng hộ. Sau một thời gian thực hiện, ý thức tự giác chấp hành của người dân, nhất là những người tham gia giao thông được nâng cao. Các lái xe đều nhận thức rất rõ tính nghiêm khắc về chế tài xử lý các hành vi, nhất là hành vi liên quan việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông . Thêm vào đó, thời điểm đầu năm 2020, khi cả nước tập trung phòng, chống dịch Covid-19, có thời gian áp dụng giãn cách xã hội , nhu cầu đi lại của người dân thấp, khiến tai nạn giao thông cũng vì thế giảm thấp cả ba tiêu chí.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi đã nới lỏng giãn cách xã hội , các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trở lại, số người tiêu thụ rượu, bia cũng tăng theo, ý thức chấp hành việc “Ðã uống rượu, bia – không lái xe” của một bộ phận người tham gia giao thông đang có phần chuệch choạc.
Trước những diễn biến phức tạp trở lại của tình hình trật tự an toàn giao thông, Cục CSGT cần tiếp tục chỉ đạo CSGT các địa phương thực hiện có hiệu quả kế hoạch, nhằm ngăn chặn kịp thời các vụ tai nạn và ùn tắc giao thông. Mục tiêu trọng tâm là tập trung xử lý các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến TNGT như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, kiểm soát chặt nhóm xe kinh doanh vận tải bởi trong thời gian qua, các xe này đã gây ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.
Nghị định số 100/2019/NÐ-CP là chủ trương xuyên suốt lâu dài, cần được triển khai sâu rộng, không có điểm dừng, không nên chỉ làm theo chương trình cao điểm rồi lại thôi. Do đó, lực lượng chức năng cần quyết liệt, siết chặt hơn nữa việc thực hiện nghị định này.
Theo lãnh đạo Cục CSGT, chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSGT đến các địa phương trong thời gian hiện nay là triển khai kiểm tra, xử lý mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, có thời gian cụ thể. Tăng cường tuần tra, kiểm soát vào buổi tối (thời gian sử dụng rượu, bia nhiều), nhất là trên các tuyến quốc lộ nơi thường xuyên xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Lực lượng CSGT được tập huấn theo quy chuẩn, có kinh nghiệm quốc tế, trường hợp xử lý nồng độ cồn đều có dữ liệu ghi lại qua ca-mê-ra. Ðể bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng người dân, kéo giảm số vụ tai nạn xuống mức thấp nhất, lực lượng CSGT cần xử lý kiên quyết hơn nữa những trường hợp vi phạm.
Buồn chuyện tình cảm, người đàn ông lao xe máy vào CSGT… tìm cái chết
Thấy chốt CSGT đang làm nhiệm vụ tại nút giao Nguyễn Văn Linh - cầu Tân Thuận 2, người đàn ông điều khiển xe máy bất ngờ lao sang làn đường ngược chiều, cố ý tông vào lực lượng CSGT.
Sự việc xảy ra vào lúc 22 giờ 10 phút ngày 2-1. Theo ghi nhận của phóng viên có mặt tại hiện trường, người đàn ông say xỉn, có biểu hiện bất ổn về tinh thần.
Cụ thể, trong lúc đang làm nhiệm vụ đo nồng độ cồn tại nút giao cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh, tổ chuyên đề thuộc Đội CSGT Nam Sài Gòn, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP HCM, phát hiện một người đàn ông có dấu hiệu say xỉn, không đội mũ bảo hiểm đang lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh hướng về cầu Tân Thuận 2.
Thời điểm này, dòng phương tiện lưu thông qua khu vực này rất đông. Bất ngờ, người đàn ông điều khiển xe máy lao sang làn đường ngược chiều, cố ý tông vào lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. Rất may, do kịp phát hiện, phản ứng nên không có ai bị thương.
Ngay lúc này, trung tá Nguyễn Hào Hiệp, Phó đội trưởng Đội CSGT Nam Sài Gòn - người trực tiếp chỉ đạo tổ chuyên đề, đã nhanh chóng chỉ đạo lực lượng khống chế đối tượng để tiến hành xử lý.
Công an phường Tân Thuận Tây, quận 7 có mặt tại hiện trường để hỗ trợ xử lý.
Người đàn ông điều khiển xe máy bước xuống xe lập tức lè nhè "chất vấn" CSGT, tại sao không bắt mình dù trước đã cố tình không đội mũ bảo hiểm "lượn" qua khu vực này nhiều lần.
Dưới sự chỉ đạo của trung tá Nguyễn Hào Hiệp, lực lượng chức năng đã tiến hành đo nồng độ cồn và kiểm tra hành chính đối tượng này. Người đàn ông khai tên Dương Nhật Linh (SN 1983, ngụ An Giang) tuy nhiên, không xuất trình được giấy tờ tùy thân cũng như giấy tờ xe. Kết quả đo nồng độ cồn của người này hiển thị 1.164 mg/l khí thở, tức vượt nhiều lần so với mức vi phạm cao nhất.
Phương tiện vi phạm của người đàn ông này được đưa về Đội CSGT Nam Sài Gòn.
Nhận được biên bản xử lý vi phạm sau đó, người đàn ông lập tức vò nát và tiếp tục lè nhè: "Tôi đi từ Đồng Nai lên đây để tìm con. Hôm nay là ngày vợ tôi lấy người khác, tôi buồn quá, muốn tự tử, hôm nay không chết thì ngày mai tôi chết".
Nhận thấy vụ việc có tính chất phức tạp, trung tá Nguyễn Hào Hiệp đã nhờ Công an phường Tân Thuận Tây, quận 7 đưa đối tượng về trụ sở, hỗ trợ chỗ nghỉ ngơi đến khi tỉnh táo sẽ tiếp tục điều tra, xử lý.
Một trường hợp không vi phạm nồng độ cồn nhưng do không xuất trình được giấy tờ tùy thân, bằng lái xe nên bị tạm giam phương tiện chờ xử lý.
Trước đó, tại địa điểm này, tổ chuyên đề đã tiến hành dừng xe, kiểm tra hành chính và đo nồng độ cồn những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có dấu hiệu say xỉn. Trong đó, có một trường hợp không vi phạm nồng độ cồn nhưng do không xuất trình được giấy tờ tùy thân, bằng lái xe nên bị tạm giam phương tiện chờ xử lý. Những trường hợp không có vi phạm được mời tiếp tục lưu thông.
Tri Tôn quyết tâm kiềm chế tai nạn giao thông Trước tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tăng cao, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho xã hội, huyện Tri Tôn (An Giang) triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nỗi đau này. Trong đó, việc thành lập mô hình "Cấp cứu người bị TNGT" và tăng cường phối hợp giữa ngành công an với ngành y tế để xử...