Ông Trump và bà Harris đặt cược vào podcast để thu hút cử tri mới
Ngày 25/10, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã tham gia một trong những cuộc phỏng vấn có thể coi quan trọng nhất trong cuộc bầu cử năm nay.
Nhưng ông không trả lời phỏng vấn tờ The New York Times hay Washington Post, mà là với Joe Rogan, người dẫn chương trình podcast nổi danh.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP/TTXVN
Hãng thông tấn AFP (Pháp) đánh giá, để theo đuổi đối tượng khán giả mới, cả cựu Tổng thống Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris phần lớn tránh xa các phương tiện truyền thông truyền thống. Các chuyên gia đánh giá điều này phản ánh bức tranh truyền thông Mỹ đang thay đổi.
Podcast trở thành kênh hiệu quả để các ứng cử nhắm mục tiêu đến những đối tượng khán giả khó tiếp cận. Lượng khán giả lắng nghe podcast ngày càng tăng, nhiều trong số họ là những người trẻ tuổi và có khả năng là những cử tri bỏ phiếu lần đầu. Do đó, sức hấp dẫn của podcast là rõ ràng.
Đơn cử, podcast của người dẫn chương trình Rogan có tới 17,5 triệu người đăng ký chỉ riêng trên YouTube và 14 triệu người trên Spotify. Theo Media Monitors, độ tuổi trung bình của những người lắng nghe podcast của Rogan chỉ là 24.
Trong thập niên qua, báo in và tin tức trên truyền hình phải đối mặt với tình trạng suy giảm độc giả, khán giả. Theo dữ liệu của Pew, trong cùng khoảng thời gian này, phạm vi tiếp cận của podcast tăng theo cấp số nhân, bao gồm cả đối với những khán thính giả coi chúng là nguồn tin tức. Pew phát hiện ra rằng khoảng 1/3 người trưởng thành Mỹ dưới 30 tuổi cho biết họ nghe podcast ít nhất một vài lần trong tuần.
Giáo sư dự bị Megan Duncan tại Đại học Bách khoa Virginia (Mỹ) phân tích: “Hệ sinh thái truyền thông Mỹ luôn thay đổi, vì vậy các chiến dịch cũng phải thay đổi. Trong một chiến dịch như thế này, khi cử tri đã quá quen thuộc với những người được đề cử, bởi vậy việc tiếp cận những cử tri mới là điều hợp lý”.
Lựa chọn của bà Harris và ông Trump trên đường đua đã phản ánh sự thay đổi này. Kể từ tháng 7, phó Tổng thống Harris đã tham gia 6 podcast, với kế hoạch sẽ tiếp tục “góp giọng” trong thời gian tới. Trong khi đó, ứng cử viên đảng Cộng hòa Trump đã nhiệt tình tham gia tới 16 podcast, nói chuyện với những người dẫn chương trình từ các ngôi sao thể thao đến những nhân vật thích chơi khăm trên YouTube – hầu hết đều có lượng khán giả là nam giới áp đảo. Vậy, các ứng cử viên sẽ đạt được điều gì qua thay đổi này?
Video đang HOT
Theo các chuyên gia, những cuộc trò chuyện dài trên podcast được thực hiện trong bầu không khí thoải mái hơn so với trả lời phỏng vấn với các nhà báo chuyên nghiệp. Giảng viên Lea Redfern tại Đại học Sydney (Australia) đánh giá: “Podcast rất phù hợp với ông Trump. Những cuộc trò chuyện một kèm một này giống như thảo luận hơn là phỏng vấn truyền thống và ông Trump có vẻ rất thoải mái”.
Cô Redfern bổ sung rằng podcast khiến người nghe cảm thấy như họ đang tìm hiểu về ứng cử viên. Ví dụ, trong một lần xuất hiện gần đây trên podcast nổi tiếng This Past Weekend của diễn viên hài Theo Von, ứng cử viên Trump đã nói rất nhiều về cuộc đấu tranh của anh trai ông với chứng nghiện rượu và tác động của điều đó đã giúp hình thành con người ông như thế nào. Ông cũng bày tỏ đồng cảm với cuộc chiến chống lại chứng nghiện của chính người dẫn chương trình Theo Von. Điều đó hoàn toàn khác xa với lời lẽ hùng hồn thường thấy của ông trong chiến dịch vận động tranh cử.
Trong khi đó, tại chương trình podcast Call Her Daddy nổi tiếng, phó Tổng thống Harris đã chia sẻ một cách thoải mái về quá trình trưởng thành của bản thân và những thách thức mà bà phải đối mặt với vai trò là một người phụ nữ làm việc trong dịch vụ công.
Một sức hút khác là sức ảnh hưởng lớn mà những người dẫn chương trình podcast nổi tiếng có thể tạo ra đối với khán thính giả của họ. Cô Redfern đánh giá: “Khán thính giả podcast là những người trung thành. Người dẫn chương trình podcast tạo kết nối thông qua tai nghe, trực tiếp vào tai người nghe. Điều này tạo ra cảm giác giống như một mối quan hệ thân mật”.
Giáo sư dự bị Duncan bổ sung rằng sự quen thuộc khi lắng nghe những người dẫn chương trình nói chuyện cởi mở về cuộc sống của họ nhiều lần một tuần cũng có thể tạo ra mối quan hệ “bán xã hội” cho khán thính giả. Điều đó có thể mang lại cho người dẫn chương trình sức mạnh đáng kể để định hình quan điểm của người nghe.
Trong một cuộc bầu cử có thể được quyết định bởi biên độ rất mong manh, cả ông Trump và bà Harris đều hy vọng rằng việc tác động đến đúng đối tượng khán giả thích hợp có thể tạo nên khác biệt.
Hai ứng viên Tổng thống Mỹ gấp rút chuẩn bị cho cuộc tranh luận quan trọng
Cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ trên kênh ABC News vào ngày 10/9 (giờ Mỹ) có thể là cuộc tranh luận duy nhất giữa bà Kamala Harris và ông Donald Trump.
Cuộc tranh luận dự kiến thu hút lượng khán giả lớn nhất mà cả hai ứng viên chưa từng gặp trước ngày bầu cử.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (giữa) phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Washington Post, trước khi Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump gặp nhau vào tối 10/9 (giờ Mỹ) tại Philadelphia, họ đã có những cách chuẩn bị hoàn toàn khác nhau cho cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên và có lẽ là duy nhất giữa hai ứng cử viên.
Bà Harris đã dành phần lớn thời gian bốn ngày qua tại khách sạn Omni William Penn ở Pittsburgh để tham gia "trại tập huấn tranh luận" cường độ cao. Các trợ lý của bà mô phỏng bố cục của trường quay tranh luận; chọn một người đóng giả ông Donald Trump dày dặn kinh nghiệm để tung ra các cuộc tấn công và bình luận gay gắt; đặt Phó Tổng thống vào các phiên hỏi đáp kéo dài hàng giờ.
Cách đó khoảng 530km về phía Đông, ông Trump đã dành phần lớn thời gian cuối tuần tại câu lạc bộ golf của mình ở Bedminster (New Jersey) để tổ chức các phiên thảo luận chính sách với các trợ lý và đồng minh thay vì các buổi tập luyện thông thường. Ông đã tham gia nhiều phiên này trong những tuần gần đây, trong đó ông xem xét hồ sơ chính sách của bà Harris từ chiến dịch tổng thống năm 2020 và luyện tập cách đối phó với những đợt tấn công mà bà Harris có thể đưa ra khi công kích tính cách của ông.
Dù đã có nhiều cuộc đấu khẩu qua lại, nhưng bà Harris và ông Trump chưa từng gặp nhau. Sự kiện này có khả năng thu hút lượng khán giả lớn nhất cho cả hai trước tháng 11 tới. Cả hai bên đều thấy rằng cuộc tranh luận này sẽ mang lại rủi ro rất cao, đặc biệt là do lịch trình chiến dịch gấp rút và thực tế rằng các cuộc thăm dò cho thấy cuộc đua hiện tại gần như ngang ngửa.
Cuộc tranh luận tổng thống trước đó vào tháng 6 đã làm thay đổi đáng kể chiến dịch khi Tổng thống Joe Biden gặp khó khăn trong đối phó với ông Trump. Màn thể hiện đó đã dẫn đến quyết định ông từ bỏ chiến dịch tái tranh cử và ủng hộ bà Harris thay thế mình.
Lần này, ông Trump sẽ đối đầu với một đối thủ được dự đoán là sẽ mạnh mẽ hơn nhiều trên sân khấu tranh luận và quyết tâm tạo ra sự tương phản không chỉ với Tổng thống Biden mà còn với cả ông Trump.
Là cựu công tố viên và thượng nghị sĩ, người từng nổi tiếng trên toàn quốc qua các phiên điều trần tại Thượng viện khi đặt câu hỏi gắt gao với các ứng cử viên do ông Trump đề cử, bà Harris dự kiến sẽ áp dụng các chiến thuật tương tự vào cuộc tranh luận này, đáp trả các nhận xét đáng ngờ của ông Trump và cố gắng kiểm chứng thực tế ngay tại chỗ.
Tuy nhiên, kế hoạch của bà Harris đã gặp một số trở ngại. Các trợ lý của bà đã muốn kênh ABC News thay đổi quy tắc để cả hai micro đều không bị tắt trong suốt cuộc tranh luận, hy vọng điều này sẽ khuyến khích ông Trump nói lạc đề và tạo cơ hội để bà Harris đưa ra các phản hồi sắc bén. Ông Trump đã tỏ ra sẵn lòng để micro không bị tắt, nhưng các trợ lý của ông kiên quyết giữ nguyên quy tắc, nói với cựu tổng thống rằng đội ngũ của bà Harris đang cố gắng gài bẫy ông.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một hội nghị ở bang Maryland. Ảnh: THX/TTXVN
Các trợ lý của bà Harris lo ngại rằng ông Trump sẽ tung ra quá nhiều tuyên bố hoặc lời công kích không có căn cứ trong thời gian ông có thể nói mà không bị gián đoạn, khiến bà không thể bác bỏ tất cả. Sau khi thất bại trong cuộc đấu tranh về quy tắc liên quan micro, các trợ lý của bà Harris đã dành cuối tuần để điều chỉnh chiến lược, hy vọng bà sẽ tìm được cách khác để đẩy lùi các cuộc tấn công của ông Trump.
Các trợ lý của bà Harris nói rằng bà đã chuẩn bị kỹ cho dù ông Trump xuất hiện với phong cách nào trong cuộc tranh luận, mặc dù xét quy tắc tranh luận, họ dự báo ông Trump sẽ tương đối tuân thủ kỷ luật và thể hiện như lần đối đầu với ông Biden.
Một số đồng minh của bà Harris thừa nhận rằng cuộc tranh luận về micro là một phần để giảm bớt kỳ vọng về màn thể hiện của Phó Tổng thống. Họ lo ngại rằng quá nhiều cử tri Dân chủ và cử tri xoay chiều mong đợi bà sẽ đánh bại ông Trump trên sân khấu.
Chiến dịch của bà Harris đã nhiều lần nhấn mạnh rằng đây sẽ là cuộc tranh luận tổng thống thứ 7 của ông Trump. Ông Kevin Munoz, phát ngôn viên chiến dịch của bà Harris, cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi dự đoán ông Donald Trump sẽ sẵn sàng cho cuộc tranh luận. Ông ấy là người thu hút, người đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận gần nhất vào tháng 6 và chúng tôi biết ông đã tập luyện thậm chí còn nhiều hơn và chuẩn bị kỹ càng hơn bao giờ hết".
Ông nói thêm: "Phó Tổng thống sẽ tham gia cuộc tranh luận sau khi chuẩn bị sẵn sàng để chia sẻ tầm nhìn của mình về một con đường mới cho đất nước, để lật sang một trang mới. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ giúp người dân Mỹ thấy rõ những gì đang bị đe dọa trong cuộc bầu cử này".
Trong khi đó, càng tiến về giai đoạn cuối của chiến dịch tranh cử ổng thống Mỹ, đặc biệt là thời điểm trước thềm cuộc tranh luận trực tiếp, cuộc cạnh tranh giữa hai ứng viên càng gay cấn và sít sao. Theo kết quả của cuộc khảo sát mới đây nhất do tờ New York Times và Siena College thực hiện, vừa được công bố vào ngày 8/9, ông Trump hơn bà Harris 1 điểm phần trăm, đạt mức 48% so với 47% của đương kim Phó Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, với biên độ sai số 3%, điều này có nghĩa là bất cứ ứng cử viên nào cũng có thể giành chiến thắng và cách biệt mà ông Trump tạo được so với đối thủ là vô cùng mong manh.
Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy cử tri Mỹ cần có thêm thông tin về bà Harris, trong khi ý kiến của công chúng về cựu Tổng thống Mỹ Trump gần như đã được xác định. Có 28% số người được hỏi cho biết họ cần có thêm thông tin về Phó Tổng thống Harris, trong khi chỉ 9% có ý kiến như vậy về ông Trump.
Kết quả khảo sát này càng cho thấy cuộc tranh luận giữa ông Trump và bà Harris dự kiến diễn ra vào ngày 10/9 tới có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là cơ hội để bà Harris công bố chi tiết hơn về các chính sách tranh cử, nhưng cũng là cơ hội để ông Trump củng cố các luận điểm của mình. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng với sự cạnh tranh sít sao như hiện nay, chỉ cần một lợi thế nhỏ cũng có thể đem lại kết quả tốt cho cả ông Trump cũng như bà Harris.
Bầu cử Mỹ 2024: Hai ứng cử viên ráo riết cạnh tranh tại các bang chiến trường Hàng chục triệu cử tri Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu sớm, trong khi hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump tăng cường hoạt động tại các bang chiến trường. Sự cạnh tranh gay gắt khiến bang Pennsylvania và Georgia trở thành điểm nóng chính trị trong cuộc đua...