Ông Nguyễn Đức Chung nói quan hệ với ông chủ Nhật Cường là ‘quan hệ xã hội’
Tại tòa, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định mối quan hệ với ông chủ Công ty Nhật Cường chỉ là ‘ quan hệ xã hội’, và không có chuyện người này có thể ‘chỉ đạo được chủ tịch UBND thành phố’.
Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trả lời thẩm vấn sáng 12-7 – Ảnh: GIANG LONG
Sáng 12-7, hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm tiếp tục thẩm vấn cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Câu hỏi của chủ tọa và đại diện viện kiểm sát đặt ra xoay quanh việc làm rõ mối quan hệ giữa cựu chủ tịch Hà Nội với Bùi Quang Huy – ông chủ Công ty Nhật Cường và lý do ông Chung chỉ đạo đình chỉ gói thầu số hóa doanh nghiệp.
Giống như hôm qua, ông Chung tiếp tục đưa ra nhiều lý do phủ nhận cáo buộc đình chỉ gói thầu là để “dọn đường” cho Công ty Nhật Cường tham gia và trúng thầu.
Cựu chủ tịch Hà Nội cho rằng gói thầu này lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư không thực hiện theo chỉ đạo mà UBND thành phố đã giao từ trước đó. Gói thầu được thực hiện chưa đảm bảo các quy định pháp luật, Sở Thông tin và truyền thông chưa thẩm định hồ sơ trước khi mở thầu.
“Việc dừng thầu tôi bắt đầu đưa ra vào chiều 15-5-2016, yêu cầu anh Tứ giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư kiểm tra các sai phạm. Sau cuộc gọi đầu tiên phát hiện sai phạm, sáng ngày 16 chúng tôi còn bàn nhau là tôi hay anh Tứ ra quyết định dừng thầu. Nhưng anh Tứ nói để anh ấy ra quyết định dừng thầu cho đúng thẩm quyền”, ông Chung khai.
Về mối quan hệ với Bùi Quang Huy, ông Chung khai “chỉ là quan hệ xã hội, chưa bao giờ đến nhà Huy chơi”.
Ông Chung khai biết Huy từ trước khi làm giám đốc Công an TP Hà Nội. Bị cáo biết Huy vì người này từng làm một số phần mềm liên quan đến quản lý dân cư, quản lý tang vật cho Công an Hà Nội.
“Bị cáo có thân với Bùi Quang Huy hay không” – chủ tọa hỏi?
“Nói thân hay không thì vô cùng, nhưng tôi chưa bao giờ đi ăn cùng Bùi Quang Huy”, ông Chung phân trần.
Ông Chung giải thích thêm rằng thời điểm Tết năm 2018-2019 ông có một chuyến đi công tác tại Pháp, chuyến đi có một số người khác. Do biết Huy thân với một số người nên ông Chung có mua một số túi quà nhờ Huy đi tặng hộ.
“Tại sao không thân thiết mà lại nhờ Huy đi tặng quà hộ” – chủ tọa truy.
“Tôi không nhận được một yêu cầu gì từ Huy cả” – ông Chung trả lời.
Về nội dung email Bùi Quang Huy gửi cho ông Chung ngay trước ngày mở thầu đề nghị dừng thầu, cựu chủ tịch Hà Nội giải thích từ trước đó rất lâu đã không sử dụng email này nên không biết Huy gửi thông tin gì.
“Tôi bỏ không dùng email này khoảng từ năm 2011-2013 gì đó. Khi sang chủ tịch UBND TP tôi đã dùng mail mới. Khi xảy ra vụ án, cán bộ của cơ quan điều tra in nội dung ra thì tôi mới biết đến email mà Huy gửi”, ông Chung khai và tiếp tục khẳng định chưa bao giờ giới thiệu Nhật Cường với ban chỉ đạo công nghệ thông tin của thành phố.
“Bị cáo khai không đọc email nhưng ở đây có sự trùng hợp là ngày 15 Huy gửi mail và ngày 16 bị cáo yêu cầu đình chỉ gói thầu. Ngày 30-7 Huy tiếp tục gửi thư và 1 ngày sau thì bị cáo biết công nghệ Nga”, đại diện viện kiểm sát đặt vấn đề và đề nghị ông Chung giải thích sự trùng hợp này.
Cựu chủ tịch Hà Nội tiếp tục đưa ra nhiều thông tin về những cuộc họp, dịp kỷ niệm thời điểm đó mà mình tham gia để khẳng định không biết đến nội dung email mà Bùi Quang Huy gửi cho mình.
Trả lời câu hỏi của luật sư, ông Chung cho rằng “việc suy diễn” vì email Bùi Quang Huy gửi mà ông chỉ đạo dừng thầu là “không đúng”.
Ông Chung cũng phân trần rằng một chủ doanh nghiệp như Huy thì không thể chỉ đạo, yêu cầu được chủ tịch UBND thành phố.
Cựu chủ tịch Hà Nội tiếp tục phản bác bản án của tòa sơ thẩm quy kết trách nhiệm cho ông trong việc Công ty Nhật Cường và Công ty Minh Hoa (công ty của vợ ông Chung) đã ký với nhau hợp đồng hợp thức về năng lực nhằm giúp doanh nghiệp được trúng thầu.
“Tôi không liên quan gì đến công ty này cả”, ông Chung nói và cho rằng đây là việc làm độc lập của đơn vị khác nên “ai sai người đó chịu trách nhiệm”.
Cũng liên quan nội dung này, trong phần trả lời thẩm vấn chiều hôm qua (11-7), ông Chung cho rằng với nhận thức của bản thân, Bộ luật hình sự chưa có nội dung nào quy kết “vợ làm sai thì chồng phải chịu trách nhiệm”.
Chiều nay phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn.
Ông Nguyễn Đức Chung viết giải trình gần 60 trang, mong phúc thẩm 'thấu tình đạt lý'
Từ trại giam, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã viết bản giải trình gần 60 trang, gửi tòa cấp phúc thẩm để giải trình nhiều nội dung kháng cáo trong vụ can thiệp để Công ty Nhật Cường trúng thầu, và mong tòa ra quyết định "thấu tình đạt lý".
Dự kiến ngày 11.7 tới, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 2 đồng phạm trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở KH-ĐT Hà Nội năm 2016.
Đã làm đúng quy định?
Trước khi phiên tòa được mở, từ trại giam, ông Nguyễn Đức Chung đã viết bản giải trình dài gần 60 trang, gửi TAND Cấp cao tại Hà Nội để giải trình nhiều nội dung kháng cáo và cho rằng bản án mà cấp sơ thẩm tuyên là không đúng đối với mình.
Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội trong phiên phúc thẩm gần đây. Ảnh TRẦN CƯỜNG
Theo bản giải trình của ông Chung được luật sư cung cấp, cựu Chủ tịch Hà Nội cho rằng ngay từ cuối năm 2015 đã yêu cầu tất cả các quận, huyện, sở, ngành dừng các dự án về công nghệ thông tin để rà soát, xây dựng hệ thống dùng chung cho toàn thành phố, với mục đích sử dụng có hiệu quả nguồn tiề.n ngân sách, đảm bảo hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát.
Đến tháng 2.2016, UBND TP.Hà Nội giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở KH-ĐT Hà Nội bổ sung 2 nội dung vào kế hoạch đấu thầu và hồ sơ mời thầu gói thầu số hóa. Thứ nhất là phải tích hợp toàn bộ kết quả số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào phần mềm quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Thứ hai là toàn bộ dữ liệu này phải được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu chung của thành phố.
Tuy nhiên, đến thời điểm chiều 15.5.2016, khi ông Chung gọi điện cho ông Nguyễn Văn Tứ, cựu Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, để kiểm tra thì được biết Sở KH-ĐT vẫn chưa bổ sung nội dung chỉ đạo nêu trên vào hồ sơ mời thầu.
"Đây chính là nguyên nhân quan trọng số 1 để tôi làm căn cứ yêu cầu ông Tứ phải đình chỉ mời thầu vào ngày 16.5.2016", ông Chung lý giải, và phủ nhận cáo buộc đã chỉ đạo dừng thầu nhằm tạo điều kiện cho Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường (Nhật Cường) tham gia gói thầu.
Ông Chung cho rằng việc bút phê đồng ý đề xuất cho Nhật Cường thực hiện thí điểm số hóa hồ sơ doanh nghiệp "là đúng nguyên tắc, đúng quy định". Chính vì vậy, tòa sơ thẩm cáo buộc ông tạo điều kiện giúp Nhật Cường đấu thầu và trúng thầu là "thiếu căn cứ và không khách quan".
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lãnh 3 năm tù tại phiên xét xử ngày 31.12.2021
Người dân được hưởng nhiều lợi ích?
Giải trình thêm, ông Chung cho rằng từ 2015, TP.Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng hệ thống dùng chung phục vụ cho chương trình mục tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin. Từ cơ sở này, thành phố hình thành nhiều cơ sở dữ liệu dùng chung và phần mềm dùng chung. Điển hình như phần mềm quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; phần mềm quản lý giáo dục, phần mềm về bảy dịch vụ công cấp phường; cơ sở dữ liệu chung về dân cư; các phần mềm dùng chung trong lĩnh vực bảo hiểm...
Vẫn theo ông Chung, người dân khi Hà Nội được hưởng nhiều lợi ích khi triển khai tích hợp các dữ liệu doanh nghiệp và phần mềm dùng chung của thành phố. Trong đó, toàn bộ cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp do Sở KH-ĐT quản lý đã được đấu nối liên thông để chia sẻ dùng chung giữa các đơn vị, giúp cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp mới của người dùng trên địa bàn Hà Nội rút xuống từ năm ngày còn một ngày, từ bảy lần đi lại còn một lần đi lại...
Ngoài ra, trong bản giải trình, cựu Chủ tịch Hà Nội đề nghị tòa cấp phúc thẩm căn cứ các thành tích của bản thân trong quá trình công tác và thành tựu Hà Nội đạt được thời điểm đương nhiệm để ra quyết định "thấu tình đạt lý" đối với cá nhân trong vụ án này.
Mới đây, ông Chung cũng có bản giải trình dài hơn 100 trang để kêu oan trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C xử lý ô nhiễm nước hồ gây thiệt hại hơn 36 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, HĐXX nhận thấy ông Chung đã nhận thức được hành vi, nộp đủ 25 tỉ đồng mà cấp sơ thẩm buộc khắc phục hậu quả vụ án, nên giảm án từ 8 năm xuống 5 năm tù.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2016, bị cáo Nguyễn Văn Tứ là người có thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm gói thầu số hóa dữ liệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, với tư cách Chủ tịch thành phố, ông Chung đã nhiều lần gọi điện chỉ đạo quyết liệt ông Tứ dừng mở thầu. Việc làm này được xác định là trái quy định của pháp luật.
Ngoài ra, ông Chung còn yêu cầu Sở KH-ĐT chọn công nghệ mới của Nga và từ đó tạo điều kiện cho Nhật Cường trúng thầu, thí điểm số hóa. Ngoài ra, Công ty Minh Hoa (do vợ ông Chung làm Giám đốc) ký hợp đồng khống với Nhật Cường để hợp thức hóa hồ sơ năng lực, tạo điều kiện cho Nhật Cường đấu thầu và trúng thầu.
Án sơ thẩm quy kết ông Nguyễn Đức Chung vì vụ lợi cá nhân, đã lợi dụng chức vụ Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo Sở KH-ĐT cùng nhóm bị cáo Tứ "ưu ái" trái quy định cho doanh nghiệp được thí điểm số hóa dữ liệu doanh nghiệp của Hà Nội.
Các bị cáo trong vụ án. ẢnhANH HÙNG
Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt ông Chung 3 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Các bị cáo Nguyễn Văn Tứ và Nguyễn Tiến Học, cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, cùng lĩnh án 30 tháng tù; Phạm Thị Kim Tuyến lãnh án 4 năm 6, Phạm Thị Thu Hường lãnh án 42 tháng tù; Võ Việt Hùng, cựu Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh nhận 4 năm tù; Lê Duy Tuấn, cựu Giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh lãnh án 42 tháng tù cùng về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Xét xử ông Nguyễn Đức Chung: Giám đốc Công ty Đông Kinh hé lộ áp lực vụ dàn xếp "quân xanh" để trúng thầu Võ Việt Hùng - Giám đốc Công ty Đông Kinh thừa nhận, cả trong 2 gói thầu số hóa năm 2016, 2017 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội làm chủ đầu tư thì đơn vị này là Công ty Nhật Cường đều dàn xếp "quân xanh" để trúng thầu. Giám đốc Công ty Đông Kinh thông thầu Liên quan vụ...