Nức tiếng món lưỡi heo sốt pate trong biệt thự cổ giữa lòng thành phố
Còn gì thích thú hơn việc được nhâm nhi ổ bánh mì nóng giòn, chấm kèm với nước sốt pate và nhai lát lưỡi heo dai giòn, đậm vị… ngay trong ngôi biệt thự cổ kiểu Pháp giữa lòng thành phố.
Để nói về một hàng quán hơn 30 năm ở Sài Gòn, ngoài món ăn thì chắc chắn phải kể đến không gian
Có câu ví rằng, ẩm thực là một môn “nghệ thuật” và người thưởng thức nó chính là “nghệ sĩ”. Tôi thích ăn ngon và dĩ nhiên cũng muốn được trở thành “nghệ sĩ” chân chính. Vậy là, trong một buổi tối mát trời, tôi chọn Mây Bốn Phương làm “sân khấu” của mình.
“Sân khấu” hôm nay là một căn biệt thự cổ kiểu Pháp nằm ẩn mình trong con hẻm 132 Vườn Chuối (quận 3, TP.HCM). Không gian quán khá rộng, được chia làm nhiều gian và đều được thắp đèn điện màu vàng rất bắt mắt.
Pate được làm thủ công, trữ lạnh tới khi khách gọi mới rã đông và chế biến
Tôi gọi cho mình món lưỡi heo sốt pate, vốn không hề xa lạ với những người “sành ăn” cách đây hơn 30 năm về trước. Sau 20 phút chờ đợi, cơn đói của tôi cũng được thỏa mãn bởi mùi hương thơm lừng của món ăn khi được bưng ra.
Theo lời kể của chị Trần Nguyễn Phương Vy (30 tuổi, chủ quán đời thứ 3), ban đầu, chủ nhân ngôi biệt thự này là chú của chị đã nghĩ ra cách chế biến pate từ gan heo và gan gà. Lúc bấy giờ, món ăn mang phong vị khác lạ so với ẩm thực địa phương nên không được nhiều thực khách yêu thích.
Các nguyên liệu ở đây đều được chủ quán chọn lựa và sơ chế kĩ lưỡng
Thất bại là mẹ thành công, mẹ của chị Phương Vy (chủ quán đời thứ 2 – PV) cho rằng, nếu biết cách sáng tạo hoặc kết hợp pate với một nguyên liệu nào đó thì chắc chắn sẽ làm tăng gấp đôi vị ngon của pate và không còn thấy ngán khi ăn nhiều.
Và thứ nguyên liệu mà mẹ chị lựa chọn chính là lưỡi heo. “Mẹ tôi kể, trong một lần bà đi chợ Bến Thành thì nhìn thấy sạp thịt có bán lưỡi heo nên đã mua về chế biến xem sao. Nếu được thì bán, không được thì coi như thử nghiệm cho cả nhà ăn vui một bữa”, chị kể lại.
Chị Vy cho biết, ông nội chị vốn là kiến trúc sư và cũng là người xây dựng ngôi biệt thự này. Phần lớn các nguyên liệu để xây tường, lát nền, lợp mái đều do chính tay ông lựa chọ
Thất bại lần nữa bởi hương vị món ăn “chẳng giống ai”, nhưng “mẹ tôi không bỏ cuộc, bà lại tiếp tục thêm cái này, bỏ cái kia. Cứ nấu đi nấu lại như vậy rất nhiều lần và cuối cùng đã thành công khi tạo ra món lưỡi heo sốt pate thơm ngon và riêng biệt”.
Bí kíp là pate phải đậm đà và khác với các loại pate ăn kèm bánh mì. Lưỡi heo thì chọn nhà cung cấp quen thuộc để luôn có lưỡi heo mới hằng ngày tươi ngon sau đó được sơ chế kĩ lưỡng để vừa mềm, vừa giòn sần sật mà không hôi.
Quán nhỏ nằm trong ngôi biệt thự cổ nên càng gần gũi và mang dáng dấp của một quán ăn gia đình với những món ngon bí truyền
Video đang HOT
Chị cũng nói thêm: “Muốn chọn được lưỡi heo ngon thì phải xem phần lưỡi có dày không, có trong và màu sắc có sáng không? Tiếp theo là xem thử phần tiếp giáp với cuống họng phải trắng đều, không bị đọng huyết”.
Lưỡi heo sau khi mua về sẽ được chủ quán sơ chế bằng cách rửa sạch bằng nước lạnh, đun một nồi nước đến khi sôi thì thả lưỡi heo vào luộc khoảng 5 phút rồi tắt bếp. Lưỡi heo sau đó sẽ được vớt ra và rửa lại bằng nước lạnh một lần nữa, theo chị Vy “đây chính là “chiêu” giúp lưỡi heo có độ giòn khi ăn”.
Món ăn hoàn thành sẽ được bài trí trong một chiếc dĩa trắng sâu lòng, bên trên rắc thêm chút tiêu và vài cọng ngò xanh để tạo sự hài hòa về màu sắc
Công việc tiếp theo của chủ quán là dùng dao cạo thật sạch lớp màng trắng bám trên lưỡi vì lớp màng này chứa mùi hôi, nếu để sót lại sẽ làm hỏng món ăn sau khi luộc. “Đặc biệt là phải cạo sạch cả phần cuống họng và hai bên cạnh của lưỡi rồi rửa lại dưới vòi nước chảy cho sạch, để ráo bớt nước mới đem nấu với pate được”, chị Vy cặn kẽ.
Về phần pate, chị Vy nói: “Toàn bộ pate đều được gia đình tôi làm thủ công theo công thức của mẹ để lại. Mỗi lần chúng tôi làm khoảng 50kg pate để trong tủ đông, khi nào hết thì làm tiếp chứ không làm trước quá nhiều, vì như vậy sẽ làm mất độ thơm ngon”.
Lưỡi heo được nấu chung với cà rốt, đậu Hà Lan và hành tây để không tạo cảm giác pate quá béo khi ăn
Mỗi khi có thực khách chị mới bắt đầu rã đông pate rồi cho vào chiếc nồi đang thơm lừng mùi tỏi phi trên bếp. Đợi phần pate tan gần hết thì cho thêm chút nước hầm xương vào.
Trong thời gian chờ nước sôi, chủ quán sẽ cắt lưỡi heo, cà rốt và hành tây thành từng lát vừa ăn rồi lần lượt cho vào nồi, nấu đến khi sôi lại lần nữa thì tắt bếp.
Quán bán từ 11 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, giá dao động từ 90.000 – 150.000 đồng/món
Bà Trần Mai Thanh Hương (50 tuổi, ngụ quận 5) hài lòng: “Tôi ăn ở đây mấy chục năm nay rồi, người già thì kén ăn, tôi cũng vậy nhưng ăn lưỡi heo sốt pate ở đây thì không hề thấy ngán. Sốt pate được nấu đậm đà và hài hòa khi ăn với bánh mì nóng. Nó có vị bùi bùi, hơi béo, kèm theo cà rốt, đậu Hà Lan và hành tây nên có cảm giác như đang ăn lagu, rất ngon”.
Nhân viên của quán hầu hết đều lớn tuổi, họ là người thân quen trong gia đình luôn tận tâm và nhiệt tình với thực khách
Còn đối với anh Đỗ Hùng Long (32 tuổi, ngụ quận 3): “Ăn ở mấy quán sang trọng không thoải mái bằng ăn ở những nơi ấm cúng và có cảm giác quen thuộc. Tôi chọn quán này vì cách trang trí giống như nhà mình. Lưỡi heo thì không phải bàn, rất ngon. Tuy nhiên món này nên ăn khi mới nấu xong, nếu để nguội thì rất dễ ngán vì pate béo”.
Bên cạnh câu chuyện về món ăn, nguồn gốc cái tên Mây Bốn Phương cũng khiến nhiều thực khách thích thú. “Tôi có một người bác làm phi công, hồi đó quán mở ra đâu có tên gì đâu, bác thấy vậy nên mới nói đặt tên Mây Bốn Phương đi. Giống như việc bác bay đi khắp nơi, còn thực khách khi ghé quán thì cũng được thưởng thức nhiều món ăn mang hương vị khắp bốn phương”, chị Vy lý giải.
Ngoài lưỡi heo sốt pate, quán còn có rất nhiều các món ăn được “tự chế” khác rất đặc sắc
Gỏi cá chẽm…
Trong vai “nghệ sĩ”, tôi nhẹ nhàng xé mẩu “bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ”, từ tốn chấm vào phần sốt pate sánh đặc rồi thả hồn mình khi nhâm nhi lát lưỡi heo dai giòn, đậm vị… cảm thấy mình dường như đã thấu hết sự thăng hoa của từng cung bậc cảm xúc.
Và như thế, tôi đã kết thúc ngày dài của mình một cách khá trọn vẹn…
Theo Thanhnien
Ăn thử quán 40 năm được báo Mỹ mệnh danh 'đệ nhất cà ri dê Sài Gòn'
Vị cay nồng xé lưỡi của ớt, hòa với hương thơm nồng của cà ri, thêm một ít vị béo ngậy của thịt dê cắt miếng vừa phải tạo thành món ngon độc đáo nức tiếng giữa Sài Gòn.
Thịt dê của quán được người thân ở huyện Gò Công (tỉnh Tiền Giang) nuôi rồi xẻ thịt gửi lên chế biến, tuyệt đối không ra chợ mua thịt dê không rõ nguồn gốc
Nằm sâu trong con hẻm nhỏ 149F trên đường Trần Quang Khải (phường Tân Định, quận 1) có một quán cà ri dê đã tồn tại hơn 40 năm nay. Ngoài hương vị của món ăn được nhiều người gọi là "huyền thoại cà ri dê" thì câu chuyện về cái quán nhỏ, cũ kỹ này cũng rất thú vị.
Ghé quán vào buổi chiều tối, tấm biển hiệu "Cà ri dê Bảy Hồng" được treo trước cột điện chẳng có đèn nên nhiều người không để ý sẽ rất dễ bỏ qua. Con hẻm dẫn vào quán khá ngoằn ngoèo và có thể gọi là "siêu nhỏ", chỉ vừa đủ một người qua lọt. Anh bạn đi cùng tôi nói vui rằng: "Thật, đi ăn mà cứ như đang truy tìm kho báu chứ đùa".
Mỗi ngày, bà Hoa đều thức dậy từ lúc 3 giờ sáng chuẩn bị nguyên liệu, nấu nướng đến 9 giờ để kịp phục vụ thực khách
Một phụ nữ luống tuổi đứng trong bếp, tay phải bật bếp ga, tay trái thì thoăn thoắt đổ dầu vào chảo, thêm chút hành, tỏi vào phi, mùi thơm lừng tỏa ra khắp quán. Mặc dù phải liên tục phục vụ khách, nhưng cứ hễ ai hỏi gì bà đều vui vẻ trả lời ngay.
Một tạp chí du lịch của Mỹ đã bình chọn quán Bảy Hồng là "Đệ nhất cà ri dê Sài Gòn"
Người phụ nữ đó tên là Đặng Kim Hoa (54 tuổi, chủ quán đời thứ 2). Bà Hoa cho biết người chủ đầu tiên của quán là ông Đặng Văn Hồng, ba ruột của bà, nhiều người thường gọi là ông Bảy Hồng. Năm 1938, ông Hồng rời quê hương Bắc Ninh để vào Sài Gòn lập nghiệp.
Hương cà ri có tác dụng khử mùi dê rất hiệu quả, mang đến cho món này vị quyến rũ không lẫn vào đâu được
"Ba tôi ngày xưa làm việc ở khách sạn 5 sao, sau đó có thời gian ông qua Pháp làm đầu bếp cho các nhà hàng. Đến năm 1977 thì ba tôi về lại Sài Gòn rồi tự mở quán thịt dê tại nhà, bán tới giờ luôn đó", bà Hoa chia sẻ.
Đáng nói là, món cà ri dê không hề liên quan gì đến ẩm thực miền Bắc, nơi ông Hồng sinh ra và lớn lên, nó cũng chẳng có mối liên hệ nào với ẩm thực Pháp, mảnh đất đã tôi luyện ông trở thành một đầu bếp trứ danh.
"Ai đến Sài Gòn mà không ăn thử cà ri dê Bảy Hồng là phí nửa cuộc đời", một thực khách tên Phương chia sẻ
Kể về lý do ông Hồng chọn món ăn phổ biến của người Ấn Độ là cà ri để xây dựng thương hiệu ở Sài Gòn, bà Hoa tiết lộ: "Theo ba tôi phân tích thì thời đó cà ri còn khá xa lạ với người miền Nam. Lá cà ri tươi và cả bột cà ri đều là hàng khan hiếm, ba tôi phải đặt mua ở Ấn Độ về nấu. Ông cũng có thêm một chút bột nghệ để tạo màu, giúp món ăn bắt mắt hơn".
Bà cũng nói thêm, nhiều quán bán cà ri có bán thêm món cơm nị hoặc bún tươi để ăn kèm, nhưng riêng quán Bảy Hồng thì bán cà ri ăn cùng với bánh mì nóng giòn
Anh bạn đi cùng tôi vừa ăn vừa gật gù: "Ngon thật, mùi cà ri không quá nồng mà thoang thoảng vừa đủ, ăn vào thấy thơm và thấm thía từng chút một. Thịt dê cũng được tẩm ướp rất đậm đà. Trong này còn có hạt tiêu, mà sao ăn vào không thấy cay nhỉ?".
Nhiều Việt kiều khi trở về cũng phải tìm lại bằng được quán Bảy Hồng để ăn cà ri vì nhớ hương xưa vị cũ, dù phải len chân vào con hẻm chật chội chỉ một người qua lọt
Giải đáp thắc mắc của chúng tôi, bà Hoa cho biết: "Thịt dê sau khi mua về sẽ được làm sạch rồi ngâm với chút rượu để khử mùi hôi. Tiếp sau đó tôi sẽ hầm dê chung với tiêu sọ và lá cà ri tươi, trong thời gian hầm như vậy thì vị cay của hạt tiêu sẽ tiết ra và ngấm hết vào miếng thịt. Khi ăn sẽ thấy thịt hơi the the, nhưng hạt tiêu thì được hầm mềm và không còn cay hay hăng mùi nữa".
Cà ri dê Bảy Hồng mở bán từ 9 giờ đến 21 giờ mỗi ngày
Bà cũng thẳng thắn khi cho rằng, món cà ri dê bà nấu chỉ đạt "khoảng 80%" so với ông Bảy Hồng. "Ba tôi tự nghĩ ra công thức riêng rồi chỉ truyền lại cho duy nhất một mình tôi thôi. Thịt dê thì chúng tôi lựa loại thịt ngon, vừa mới mổ. Trong món cà ri dê thì có thêm cà tím, khoai tây, một ít cà chua băm nhuyễn, hành tây, lá cà ri và bột cà ri... Hương cà ri có tác dụng khử mùi dê rất hiệu quả. Tuy nhiên, muốn làm nổi bật hương vị của nguyên liệu nào lên thì đều có bí quyết cả", bà chủ cho biết.
Anh Hồng Minh (ngụ quận 6, TP.HCM) nhìn thấy vậy thì nói lớn: "Hai đứa ăn đi, đừng ngại. Ở đây chủ quán với khách như người nhà mà. Anh ăn ở đây hơn chục năm, cũng được cô Hoa cho đồ ăn thêm hoài. Nấu ngon mà cô còn hiếu khách vậy nên người ta cứ ghé ăn không ngớt"
Giá cả món ăn ở đây dao động từ 50.000 - 200.000 đồng/món. Riêng lẩu "ngọc dương" có giá 600.000 đồng/nồi
Tự nhiên tôi thấy Sài Gòn sao mà dễ thương quá đỗi. Cái cảm giác được ngồi trong một quán ăn đơn sơ, giữa những con người lạ mà thân tình như đã quen biết từ lâu.. Rồi lại được thưởng thức hương vị cay nồng, thơm phức của món cà ri, dùng chung với bánh mì nóng hổi thật khó lòng cưỡng lại được. Thoáng nghĩ, nếu ai đến thành phố nhộn nhịp này mà không thử món cà ri dê Bảy Hồng thì xem như đã bỏ lỡ một chút hương vị của Sài Gòn mất rồi.
Theo Thanhnien
Nức tiếng hủ tiếu bò viên gốc Triều Châu giữa lòng thành phố Nhiều thực khách đã từng ăn và 'nghiện' món hủ tiếu mì bò viên nơi đây thì: 'Bò viên phải nói là ngon tuyệt đỉnh, dai nhưng không hề cứng, mềm mềm, sần sật, cắn một phát là ngập răng và mùi bò thật sự rất thơm ngon'. Một điểm đến hấp dẫn để thưởng thức tuyệt đỉnh của hủ tiếu bò viên...