Nửa triệu cô dâu đổ sang Đông Á
Nhu cầu lấy vợ nước ngoài ngày càng tăng với cánh đàn ông tại Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc. Điều đó châm ngòi cho sự bùng nổ của thị trường “cô dâu ngoại”.
Kể từ đầu những năm 2000 tới nay, theo Foreign Policy, đã có hơn nửa triệu phụ nữ nhập cư khu vực Đông Á với mục đích kết hôn.
Chỉ tính riêng tại Hàn Quốc, nếu năm 1993 tỉ lệ đàn ông nước này lấy vợ người nước ngoài chỉ là 1,6% thì năm 2013 đã tăng lên 8%.
Nhân viên y tế Trung Quốc lấy mẫu máu một phụ nữ nước ngoài được giải cứu từ đường dây buôn bán phụ nữ
Các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài đang trở thành “ngành công nghiệp béo bở” tại châu Á, nhưng những mặt trái cũng phát lộ ngày càng rõ rệt.
Tình trạng buôn bán phụ nữ từ lâu đã trở nên báo động khiến nhiều quốc gia buộc phải ban hành quy định cấm hoạt động môi giới hôn nhân.
Thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa
Nhu cầu lấy vợ nước ngoài đặc biệt phổ biến ở các quốc gia châu Á có kinh tế thịnh vượng hơn như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và lãnh thổ Đài Loan.
Nghiên cứu “Chào bán các cô dâu: Những cuộc hôn nhân xuyên biên giới và tình trạng nhập cư của nữ giới” của hai nhà kinh tế học Daiji Kawaguchi và Soohyung Lee năm 2012 đã chỉ rõ tình trạng “thiếu” và “thừa” cô dâu tại những nước nói trên.
Theo đó, đàn ông tại các nước có kinh tế phát triển phải tìm vợ ở nước ngoài vì ngày càng nhiều phụ nữ trong nước kết hôn muộn hoặc không muốn lập gia đình.
Phụ nữ càng có trình độ học vấn cao và càng độc lập tài chính thì càng không muốn dính líu tới các mối quan hệ, trong đó thường người đàn ông rất gia trưởng.
Trung Quốc là một trong những tâm điểm của thị trường cô dâu ngoại vì tình trạng chênh lệch giới tính trầm trọng. Năm 2014, cứ 100 bé gái chào đời tại đây lại có 116 bé trai. Tỉ lệ bất tương xứng này phần lớn do hậu quả của chính sách một con.
Cộng thêm sự “giúp sức” của công nghệ lựa chọn giới tính thai nhi hiện đại, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có tỉ lệ sinh mất cân bằng giới tính lớn nhất thế giới. Tới năm 2020, ước tính số đàn ông Trung Quốc bước vào độ tuổi lập gia đình sẽ nhiều hơn số phụ nữ cùng độ tuổi này khoảng 30 triệu người.
Video đang HOT
Cái giá của hôn nhân
Chi phí cho một cuộc hôn nhân với cô dâu ngoại gồm các khoản phí môi giới, của hồi môn và lệ phí tiến hành các thủ tục pháp luật thường rơi vào khoảng cả chục ngàn USD. “Gói mai mối” được xem là rẻ nhất của công ty môi giới hôn nhân J&N (Singapore) cũng “ngốn” của chú rể tương lai khoảng 4.500 USD.
Tuy nhiên các thương vụ mối lái này không phải lúc nào cũng đàng hoàng, minh bạch. Theo thông tin từ nhiều tổ chức nhân quyền, đã có những phụ nữ bị chính một số người thân của họ lừa đảo, cưỡng ép hoặc thậm chí bán làm vợ cho người khác không hề theo ý nguyện của họ.
Tháng 1-2015, lực lượng chức năng Campuchia đã bắt ba nghi can bị cáo buộc buôn bán phụ nữ nước này đưa vào Trung Quốc làm vợ. Vụ việc xảy ra vài tháng sau khi hai nước đã công bố kế hoạch soạn thảo biên bản ghi nhớ về việc ngăn chặn nạn buôn bán cô dâu xuyên biên giới.
Đó là chưa kể rất nhiều cô gái mắc phải chiêu trò lừa đảo thông tin nên đã vỡ mộng khi gặp đức lang quân trong thực tế.
Nhiều phụ nữ tình nguyện xa xứ với hi vọng được đổi đời nhờ chú rể có thu nhập tốt, nhưng sang đến nơi mới biết sự thật đắng lòng: những kẻ mối lái đã cung cấp thông tin sai lạc hoàn toàn về nơi ăn chốn ở cũng như mức thu nhập của người chồng tương lai.
Để giảm thiểu những vấn đề tiêu cực phát sinh trong hoạt động môi giới hôn nhân, tại Hàn Quốc tất cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều phải có đăng ký kinh doanh.
Tỉ lệ chia tay cao
Tỉ lệ ly hôn của các cặp đôi nên duyên do mối lái của các công ty rất cao. Theo một nghiên cứu của Viện Phát triển phụ nữ Hàn Quốc tại Seoul, ở Hàn Quốc có tới 4/10 cuộc hôn nhân kiểu này tan vỡ chỉ trong vòng năm năm đầu chung sống.
Để cải thiện tình hình, năm ngoái Hàn Quốc đã đặt thêm một số quy định mới như cô dâu nước ngoài phải thành thạo ít nhất một ngôn ngữ mà người chồng có thể nói được; công dân Hàn Quốc không được nộp đơn xin thị thực hôn nhân nhiều hơn một lần trong năm năm kể từ tháng 10-2013.
Hằng năm Hàn Quốc đã trích ngân sách hơn 100 triệu USD dành cho hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý và mở các lớp dạy tiếng cho người nước ngoài nhập cư.
Các chính quyền địa phương ở Đài Loan cũng đã tổ chức chương trình bồi dưỡng văn hóa cho cô dâu nước ngoài với mong muốn giúp họ mau chóng hòa nhập cuộc sống trong môi trường mới.
Theo Tuổi Trẻ
Thiếu nữ miền Tây lấy chồng Trung Quốc mất kiểm soát
Nhiều cô gái miệt vườn đã đi thẳng sang Trung Quốc làm dâu mà địa phương không kiểm soát được. Khi họ có trục trặc hôn nhân thì bỏ về, hầu hết đều không mang theo bất cứ giấy tờ gì.
Bờ kênh Thốt Nốt chạy qua Cờ Đỏ, huyện Thới Lai (Cần Thơ) hôm chúng tôi đi qua nhằm ngày tốt nên cứ một đoạn lại xập xình nhạc đám cưới. Anh Nguyễn Hoàng Khải, cán bộ tư pháp xã Xuân Thắng (Thới Lai), nói bữa nay ở xã có hai đám cưới mà chú rể là người Trung Quốc, nhưng không có đám nào cô dâu, chú rể làm đăng ký kết hôn.
Suốt cả năm 2013, ở xã này cũng không có cô dâu Việt và chú rể Trung Quốc nào đăng ký kết hôn hay làm chứng nhận độc thân để lấy chồng Trung Quốc, cho dù "đám cưới với chú rể Trung Quốc thì cũng có lai rai", anh Khải nói.
Kiểm soát không hết
Câu chuyện ấy ở một xã mới nghe đã giật mình, nhưng lên đến Sở Tư pháp Cần Thơ, đầu mối quản lý hôn nhân với người nước ngoài thì sự thể còn đáng giật mình hơn.
Bà Nguyễn Thị Phương Thu, Trưởng phòng Hộ tịch, Sở Tư pháp Cần Thơ cho biết trong năm 2013, cả thành phố chỉ có... một trường hợp lên sở đăng ký kết hôn với người Trung Quốc. Còn từ đầu năm 2014 đến nay, sở cũng chỉ mới cấp giấy xác nhận độc thân cho... một người để lấy chồng Trung Quốc.
Con số đó thật mâu thuẫn với những đám cưới có các chú rể Trung Quốc mà những ngày đi dọc miệt vườn Cần Thơ chúng tôi gặp. Mâu thuẫn với số phận những cô dâu Việt bị nhà chồng ruồng bỏ phải chạy trốn về quê nhà ở Cờ Đỏ, Thới Lai, Ô Môn đã nêu trong những bài trước.
Còn với bà Nguyễn Thị Phương Thu thì: "Đó là một thực tế mà pháp luật chưa thể can thiệp tận gốc".
Theo bà Thu, khác với Đài Loan và Hàn Quốc, việc quản lý hôn nhân với người nước ngoài của Trung Quốc lỏng lẻo hơn. Trong khi Đài Loan yêu cầu phải làm đăng ký kết hôn ở cả hai nước, Hàn Quốc dù chấp nhận chỉ đăng ký kết hôn tại một nước, nhưng đa số các cô dâu tuân thủ việc gửi ghi chú kết hôn về Việt Nam, gần như không có cô dâu Việt Nam qua Trung Quốc đăng ký kết hôn mà có ghi chú kết hôn gửi về.
Mỗi năm có hàng trăm cô gái từ Cần Thơ sang Phúc Kiến (Trung Quốc) đăng ký kết hôn tại văn phòng đăng ký hôn nhân với người nước ngoài của tỉnh này.
"Họ làm giấy xác nhận độc thân xong là đi, đến khi có trục trặc hôn nhân thì bỏ về, hầu hết đều không mang theo bất cứ giấy tờ gì nên pháp luật trong nước khó có thể bảo hộ", bà Thu nói.
Để siết chặt việc này, đầu năm 2014, Bộ Tư pháp đã ban hành thông tư 22 quy định muốn có giấy xác nhận độc thân để lấy chồng nước ngoài phải qua phỏng vấn tại sở tư pháp, trong 10 ngày cơ quan này sẽ thẩm tra, phỏng vấn để nắm rõ điều kiện của cả hai bên và trả lời.
Kể từ khi có quy định này, nhiều trường hợp phỏng vấn để lấy chồng Trung Quốc tại Cần Thơ đều bị từ chối vì cô dâu, chú rể hầu như không biết gì về nhau, không đáp ứng được các yêu cầu để đảm bảo cuộc sống hôn nhân bền vững.
Tuy nhiên quy định này ngay lập tức đã bị "lách", thay vì ra UBND làm thủ tục và phải chờ sở tư pháp trả lời việc cấp xác nhận độc thân rồi sang Trung Quốc kết hôn, nhiều phụ nữ đã lừa cán bộ tư pháp xã bằng việc viện ra cớ xin giấy xác nhận độc thân để lên sở tư pháp đăng ký kết hôn nhưng sau đó đi thẳng sang Trung Quốc.
Bà Thu giải thích về lý thì UBND xã không thể không đáp ứng yêu cầu này, bởi theo luật thì tờ xác nhận đó chỉ để lên sở tư pháp đăng ký kết hôn, không có giá trị pháp lý tại Trung Quốc nhưng không hiểu sao phía Trung Quốc vẫn chấp nhận. Vậy nên rất nhiều cô gái quê từ miệt vườn đã đi thẳng sang Trung Quốc làm dâu mà không ai kiểm soát được.
Hệ lụy lâu dài
Hệ lụy pháp lý từ những cuộc hôn nhân với chú rể Đài Loan, Hàn Quốc còn chưa tháo gỡ được thì viễn cảnh về những vướng mắc pháp lý phức tạp hơn từ những cuộc hôn nhân với chú rể Trung Quốc đang ngày càng hiển hiện.
Nhiều năm nhận đơn và xử lý các trường hợp ly hôn với người nước ngoài, bà Trần Thị Hồng Việt, nguyên Chánh văn phòng TAND TP HCM, đánh giá rắc rối nhất vẫn là các vụ ly hôn với chú rể Trung Quốc và Đài Loan.
Trong khi Đài Loan và Việt Nam không có hiệp định tương trợ tư pháp thì các cuộc hôn nhân với chú rể Trung Quốc thường không có giấy tờ hợp lệ.
"Các cô dâu Việt thường trở về nước trong tình trạng trốn chạy, không kịp mang theo bất cứ giấy tờ gì, kể cả bản sao, thậm chí địa chỉ nhà chồng cũng không biết thì làm sao gửi ủy thác tư pháp qua để giải quyết được", bà Việt nói.
Với làn sóng lấy chồng Trung Quốc không thể kiểm soát như hiện nay, theo bà Việt, chẳng bao lâu nữa sẽ có rất nhiều bà mẹ và trẻ con lai trở về nước với giấy tờ nhập nhằng, không được pháp luật Việt Nam bảo hộ.
"Lúc đó sẽ tạo nên hệ lụy lớn về giáo dục, y tế, an sinh xã hội", bà Việt lo lắng.
Và lo lắng ấy của bà Trần Thị Hồng Việt thực tế đã xảy ra khi cảnh những bà mẹ trẻ ôm con lai Trung Quốc đến tòa án xin ly hôn đã không còn là chuyện hiếm.
Thẩm phán Sơn Nữ Phà Ca tại TAND tỉnh Vĩnh Long cho biết, đầu năm 2014 đến nay, đã có ba trường hợp phụ nữ đến tòa này xin ly hôn với người chồng Trung Quốc. Nhưng trớ trêu là không ai đưa ra được giấy đăng ký kết hôn, hay bất cứ giấy tờ nào để chứng minh cuộc hôn nhân tại Trung Quốc.
"Phụ nữ với nhau, tôi chỉ chia sẻ với họ rồi kêu ẵm con về. Muốn ly hôn họ phải kết hôn, chứ vầy làm sao xử được", thẩm phán Sơn Nữ Phà Ca lắc đầu.
Theo bà Trần Thị Hồng Việt, pháp luật Việt Nam hiện tại đã xử lý thông suốt các tranh chấp về hôn nhân với người nước ngoài ở các nước có hệ thống pháp luật chặt chẽ như Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, với Trung Quốc thì gặp rất nhiều vướng mắc mà lỗi lớn nhất là do chính các cô dâu, chú rể không chấp hành quy định.
Bà Việt cũng đưa ra thực tế là trình độ học vấn của cô dâu, chú rể trong các cuộc hôn nhân với người Trung Quốc có phần thấp hơn các nước khác, điều kiện kinh tế cũng khó khăn hơn. Do đó đã vừa không tuân thủ quy định của pháp luật, các đối tượng này còn gặp cả khó khăn về chi phí dịch thuật, ủy thác tư pháp để tiến hành ly hôn và không ít người vì thế đã bỏ mặc...
"Biết là thiệt thòi rất lớn cho những cô dâu Việt lấy chồng Trung Quốc. Nhưng pháp luật thì phải áp dụng đồng nhất, đâu thể áp dụng riêng một thể chế pháp lý cho Trung Quốc, Đài Loan hay một nước nào khác được", bà Việt nói.
Theo Tuổi Trẻ
Nhóm "tuyển vợ" cho đàn ông Trung Quốc lĩnh án Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, Tuyết cùng đồng bọn đã vẽ nên hình ảnh cuộc sống giàu sang, phú quý khi lấy những người đàn ông Trung Quốc làm chồng, khiên không it nan nhân đa... sâp bây. Nhưng "lươi trơi lông lông" nhom lưa đao đa vưa bi tuyên tông công 25 năm tu giam. Ngày 26/3, TAND tối cao...