Nữ phiên dịch tham gia ổ nhóm tội phạm “ngoại”
Thông thạo tiếng Trung, Ngọc bị lôi kéo ra nước ngoài hoạt động phạm pháp. Và rồi nữ phiên dịch này nhanh chóng biến thành một “mắt xích” quan trọng trong đường dây tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia.
Trần Thị Minh Ngọc cùng đồng phạm tại tòa
Ra nước ngoài nhập hội
Ngày 22-4, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử đối với Trần Thị Minh Ngọc (SN 1990, trú ở phường Phù Liễu, quận Kiến An, TP Hải Phòng) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 226b-BLHS. Tòng phạm của bị cáo này là Vũ Đức Hiếu (SN 1992, ở xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) cũng bị xem xét về cùng tội danh. Liên quan đến vụ án còn có nhiều đối tượng là người Việt Nam và nước ngoài, nhưng được tách rút hồ sơ xử lý sau do chưa làm rõ được.
Tài liệu truy tố các bị cáo thể hiện, năm 2013, thông qua phần mềm Wechat trên điện thoại iPhone, Trần Thị Minh Ngọc làm quen với đối tượng A Béo, người Đài Loan (Trung Quốc). Biết thiếu nữ này thông thạo tiếng Trung nên sau một thời gian kết bạn, A Béo rủ Ngọc ra nước ngoài làm phiên dịch cho hắn với thù lao 15 triệu đồng/tháng. Nhận lời, Ngọc sang huyện Đông Hưng, Trung Quốc (khu vực giáp ranh cửa khẩu Móng Cái, nơi có vùng phủ sóng của mạng di động Mobifone) và được A Béo thuê nhà cho ăn ở tại đây. Trong những ngày ở nước ngoài làm phiên dịch cho A Béo, thực chất công việc của Ngọc là gọi điện về Việt Nam gạ gẫm lừa đảo.
Cụ thể, theo chỉ đạo của A Béo, hàng ngày, Ngọc cùng đồng bọn dùng số điện thoại của mạng Mobifone gọi vào số máy bất kỳ của một chủ thuê bao nào đó trong nước. Khi đầu bên kia bắt máy, Ngọc mạo nhận là nhân viên của một công ty tài chính sẵn sàng cho họ vay vốn lãi suất thấp để kinh doanh. Nếu chủ thuê bao nào đồng ý, Ngọc lập tức hướng dẫn họ mở tài khoản ở ngân hàng, làm thẻ Visa debit, Master, mua sim Mobifone và đăng ký dịch vụ Intenet banking (dịch vụ chuyển tiền qua Internet). Sau đó, Ngọc yêu cầu người có nhu cầu vay tiền thông báo lại toàn bộ thông tin về tài khoản, thẻ, đồng thời gửi kèm thêm cả bản photo CMND cho người của A Béo. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng đồng lõa với ổ nhóm tội phạm người nước ngoài, Ngọc vẫn không lừa đảo được bất kỳ trường hợp nào.
Video đang HOT
“Sập bẫy” vì thiếu hiểu biết
Giữa lúc Ngọc đang loay hoay lừa gạt nhưng chưa thành thì Vũ Đức Hiếu cũng được lôi kéo sang Trung Quốc tham gia vào ổ nhóm tội phạm của A Béo. Không thể áp dụng chiêu lừa cũ, tháng 8-2014, Ngọc bảo Hiếu quay về Việt Nam thuê một số người mở hàng loạt tài khoản cùng thẻ rút tiền tự động (ATM) ở nhiều ngân hàng khác nhau, rồi thông báo đầy đủ thông tin cá nhân của chủ tài khoản cho A Béo.
Thực hiện tội phạm, ngày 29-8-2014, một nữ đồng bọn của Ngọc (chưa xác định được lai lịch) gọi điện vào số máy cố định của gia đình bà Tạ Thị V (SN 1957, trú ở quận Đống Đa) và tự xưng là nhân viên của công ty viễn thông.
Nói chuyện với bà V, nữ nhân viên viễn thông rởm này nói gia chủ còn nợ 8 triệu đồng tiền cước điện thoại. Hoảng hồn, bà V thanh minh thì được đầu dây bên kia hướng dẫn trình báo cơ quan công an, đồng thời kết nối cho bà nói chuyện trực tiếp với đối tượng giả danh là Đại tá công an, ở TP.HCM. Sau đó, bà V bị đồng bọn của Ngọc dọa nạt đã vướng vào một vụ án ma túy đặc biệt lớn. Tiếp đến, tên tội phạm giấu mặt yêu cầu bà V phải ra ngay ngân hàng chuyển toàn bộ 200 triệu đồng trong tài khoản sang một tài khoản do đối tượng giả mạo công an cung cấp với lý do để cơ quan chức năng kiểm tra. Tưởng thật, bà V tức tốc làm theo và bị Ngọc thông báo cho Hiếu dùng thẻ ATM chiếm đoạt hết.
Tương tự, trước khi lừa đảo bà V 2 ngày, Ngọc và nhóm tội phạm nước ngoài cũng đã gọi điện vào số điện thoại cố định của gia đình bà Hoàng Thị T (SN 1954, trú ở quận Ba Đình) với màn kịch tương tự. Từ đó, người phụ nữ này cũng bị Ngọc cùng đồng bọn chiếm đoạt 333 triệu đồng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt của các bị hại, Hiếu chỉ được hưởng lợi bất chính một phần nhỏ, còn phần lớn thì gửi theo đường xe khách lên cửa khẩu Móng Cái cho Ngọc và ổ nhóm tội phạm ở nước ngoài.
Ngày 25-11-2014, Ngọc về Việt Nam thì bị cơ quan công an bắt giữ và Hiếu cũng lập tức sa lưới pháp luật… Với nội tình vụ án như trên, TAND TP Hà Nội đã mở tòa xét xử các bị cáo. Tuy nhiên, do vắng mặt một số người liên quan nên phiên xử buộc phải hoãn lại.
Theo_An ninh thủ đô
Đối tượng thứ 8 trong đường dây mua bán trẻ em lĩnh án
Lợi dụng sự "nhỡ nhàng" hoặc hoàn cảnh khó khăn của các bà mẹ trẻ, Cửu và đồng bọn đến hỏi xin các cháu bé về nuôi dưỡng. Thế nhưng ngay sau đó, ổ nhóm tội phạm vô nhân tính lại bán các cháu bé tội nghiệp ra nước ngoài.
Tại phiên tòa sáng nay (25-6), Nguyễn Tuấn Cửu (SN 1952, trú ở tổ 7, phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) bị VKSND TP Hà Nội truy tố về tội "Mua bán trẻ em", theo các điểm d,e, khoản 2, Điều 120-BLHS. Đồng bọn của "ba bị" này còn có 7 đối tượng khác và đã lần lượt bị xử phạt từ 10 năm tù đến 17 năm tù, cũng về tội "Mua bán trẻ em".
Tiến hành xét xử, tòa án đã làm rõ giữa năm 2007, chị Lương Thị Nga (SN 1982, quê Thanh Hóa) có thai ngoài ý muốn với bạn trai. Lo ngại điều tiếng trước cộng đồng và sợ không nuôi nổi cháu bé nên cô gái "bắn tin" muốn cho đứa con đầu lòng ngay sau khi "vượt cạn".
Đối tượng thứ 8 trong đường dây mua bán trẻ em Nguyễn Tuấn Cửu phải lĩnh án đích đáng
Biết chuyện, Lưu Thị Nhuần (SN 1962, trú ở thị trấn Mạo Khê, Đồng Triều, Quảng Ninh, hiện bỏ trốn) và Thẩm Thị Hòa (tức Mai, SN 1961, ở thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La, đã bị xử phạt 17 năm tù) - cả hai từng có thời gian sống ở Trung Quốc đến gặp chị Nga vờ hỏi xin cháu bé về nuôi dưỡng. Được cô gái "trót dại" gật đầu. Đến tháng 8-2007, hai "mẹ mìn" đưa chị Nga từ miền Nam ra Hà Nội chờ sinh nở.
Và rồi ngày 13-9-2008, cô gái quê Thanh Hóa đã sinh hạ được một bé gái kháu khỉnh tại Bệnh viện Hà Đông. Trong 7 ngày sản phụ nằm viện, mẹ con chị Nga luôn được Hòa chăm sóc chu đáo, còn Nhuần và Cửu cũng thường xuyên đến thăm nom. Song mục đích chính của Cửu và Nhuần là nhằm đề phòng mẹ con sản phụ đổi ý, bỏ trốn.
Sức khỏe tạm hồi phục và dù vô cùng đau xót, song chị Nga vẫn phải giao con cho Nhuần cùng đồng bọn. Trước khi lên ô tô ở Bến xe Giáp Bát để về quê, sản phụ "nhỡ nhàng" được Cửu nhét vào tay 2,5 triệu đồng với lý do bồi dưỡng sức khỏe. Nhưng người phụ nữ vừa "vượt cạn" lập tức đưa lại cho đối tượng cùng với lời khẩn cầu: "Hãy dùng số tiền đó mua sữa và chăm sóc cháu bé cẩn thận".
Ôm bé gái sơ sinh rời Bệnh viện Hà Đông, Nhuần cho Hòa 2 triệu đồng và cho Cửu 500.000 đồng. Ít ngày sau, "mẹ mìn" quê Quảng Ninh bế con chị Nga bán sang Trung Quốc. Và hiện nay, do chưa bắt được Nhuần nên không ai biết đứa trẻ sơ sinh ngày nào đang sống ra sao và ở đâu.
Trong chuỗi hành vi mua bán trẻ em của ổ nhóm tội phạm này, tháng 11-2007, Nhuần và Hòa tìm mua được một bé trai sơ sinh của sản phụ Lê Thị Phương (trú ở huyện Hoài Đức), giấy chứng sinh do Bệnh viện Phan Rang (Ninh Thuận) cấp. Ngay sau đó, cặp đôi Nhuần, Hòa đưa cháu bé về nhà Nguyễn Thị Liên (SN 1966, ở phường Phúc Lợi, Long Biên, đã bị xử phạt 15 năm tù) để Cửu và Liên nuôi dưỡng.
Khoảng 1 tuần sau, theo yêu cầu của Nhuần, Hòa và đối tượng tên Cúc (chưa rõ lai lịch) bế bé trai xuống Quảng Ninh giao cho đối tượng cầm đầu đường dây mua bán trẻ em để đưa sang Trung Quốc. Tại cửa khẩu Móng Cái, do không cần giấy chứng sinh nên Hòa đã mang giấy tờ tùy thân của cháu bé về. Cũng như bé gái con chị Nga, do chưa bắt được đối tượng quan trọng nhất trong vụ án nên chưa cơ sở để truy tìm nơi ở của đứa trẻ tội nghiệp này.
Ngoài mua bán 2 trẻ sơ sinh nêu trên, tài liệu kết tội Nguyễn Tuấn Cửu xác định trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2008, đối tượng còn tham gia mua bán 3 trẻ em khác. Trong đó, có một bé trai 18 tháng tuổi ở tỉnh Hậu Giang. Đây là trường hợp gia đình quá khó khăn nên muốn cho con làm con nuôi người khác, song đã bị Cửu cùng đồng bọn lừa gạt chiếm đoạt cháu bé để bán ra nước ngoài.
Cuối năm 2008, đường dây mua bán trẻ em ra nước ngoài do Lưu Thị Nhuần cầm đầu bị phát hiện và triệt phá. Do đó, ngày 26-9-2009, 7 đối tượng tham gia đã bị Tòa án Hà Nội tuyên phạt các mức án đích đáng. Riêng kẻ cầu đầu và Nguyễn Tuấn Cửu bỏ trốn. Cuối năm 2014, Cửu bị bắt giữ theo lệnh truy nã.
Quá trình xét xử, bị cáo thứ 8 trong đường dây mua bán trẻ em không thật thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội gây ra. Thế nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án cùng lời khai của các đối tượng liên quan, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội khẳng định có đủ cơ sở quy kết Nguyễn Tuấn Cửa phạm vào tội "Mua bán trẻ em", theo Điều 120-BLHS.
Đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo, tòa án khẳng định bị cáo tham gia với vai trò đồng phạm giúp sức. Tuy nhiên, bị cáo đã phạm tội mua bán đối với nhiều trẻ em và thuộc trường hợp tăng nặng là để đưa ra nước ngoài. Vì thế cần phải áp dụng một hình phạt tương xứng mới đủ sức trừng phạt và răn đe bị cáo. Trên cơ sở này, Tòa án Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Tuấn Cửu 15 năm tù, theo đúng tội danh bị đưa ra xét xử.
Theo_An ninh thủ đô
Bắt Tổng Giám đốc công ty Phúc Gia Bảo Chỉ cần đầu tư từ 12,6 triệu đến 72 triệu đồng, tiền lãi khách hàng được hưởng có thể gấp 300-400% số vốn ban đầu bỏ ra. Ngày 21-4, một lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an, cho biết cơ quan này đã tiến hành khởi tố bị can, bắt...