Non nước Cao Bằng – điểm đến lí tưởng trong dịp cuối năm
Khi đến Cao Bằng vào mùa Đông, bạn có thể cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ và nét thơ mộng, trữ tình, tận tưởng bầu không khí trong lành cùng cơn gió lạnh xuyên qua từng lớp áo.
Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc nước ta, phía Bắc và Đông Bắc giáp Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài trên 333km; phía Tây giáp 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn.
Những tháng cuối năm, nước ở thác Bản Giốc chảy chậm, màu trong xanh. (Ảnh: Anh Đào)
Vùng đất Cao Bằng sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, văn hóa ẩm thực độc đáo và con người thân thiện. Đến với mảnh đất vùng cao này vào dịp cuối năm, du khách sẽ có những trải nghiệm ấn tượng, đáng nhớ.
Chẳng hạn như những đồi hoa dã quỳ vàng rực, lá phong hương chuyển màu đỏ thắm hay cái lạnh tê người mà đẹp ngẩn ngơ của băng giá… làm nên sức hút khó cưỡng của mùa du lịch cuối năm ở Cao Bằng. Núi ẩn mình sau làn sương mai, cung đường đèo quanh co, uốn lượn nối dài đến tận mây trời, hoa đua nhau khoe nở bất chấp giá lạnh, chẳng ngại sỏi đá. Giữa bộn bề cuộc sống, nếu cần nơi để đi “trốn”, hòa mình với thiên nhiên, sống chậm lại thì miền non cao này chính là điểm đến lý tưởng. Du lịch Cao Bằng mùa Đông để cảm nhận sự đan xen giữa vẻ đẹp hùng vĩ và nét thơ mộng, trữ tình, tận tưởng bầu không khí trong lành cùng cơn gió lạnh xuyên qua từng lớp áo.
Mở đầu cho hành trình khám phá, du khách có thể đến tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng). Không chỉ là chứng tích lịch sử năm tháng hoạt động cách mạng của Bác Hồ, nơi đây còn sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên trong trẻo, khoáng đạt nơi núi rừng Việt Bắc. Dòng suối Lê-nin xanh màu ngọc bích, êm ả, hiền hòa dưới tiết trời se lạnh; bầu trời xanh trôi lững lờ những áng mây trắng, rớt rơi vài giọt nắng vàng. Không gian tựa cổ tích khiến du khách cảm thấy thư thái, dễ chịu, thả hết tâm trí vào cảnh vật.
Khung cảnh núi non hùng vĩ, sương mây huyền ảo với góc nhìn từ trên đỉnh Phja Oắc. (Ảnh: Nguyên Bình)
Mùa Đông – mùa nước cạn nhưng cũng không làm cho những dòng sông, con suối, ngọn thác nơi biên cương mất đi vẻ đẹp vốn có. Sông Quây Sơn (Trùng Khánh) xanh biếc len lỏi qua những vùng núi đá vôi, khi thì gập ghềnh thác nhỏ, lúc lại phẳng lặng như gương soi mặt hồ, đến đoạn cuối đổ xuống tạo thành dòng thác Bản Giốc kỳ vĩ, nên thơ. Ánh nắng mùa đông ôm lấy vẻ trầm mặc của núi rừng, cỏ cây làm cho bức tranh thiên nhiên thêm phần quyến rũ.
Khám phá điểm di sản Mắt Thần Núi, trải nghiệm cắm trại qua đêm, mở tiệc nướng ngoài trời, ngắm sao… là một sự lựa chọn tuyệt vời. Vào mùa khô, thung lũng rộng lớn dưới chân núi trở thành thảo nguyên xanh với những chú ngựa, chú bò đang thong dong gặm cỏ…
Những ngày chớm Đông, du khách kháo nhau nhất định phải đến Nguyên Bình, lên đỉnh Phja Oắc để “săn mây”, trải nghiệm cảm giác bồng bềnh như đi dạo trên bầu trời. Càng lên cao, núi càng vời vợi và mây càng huyền ảo bên rừng già. Có lúc bạn sẽ bắt gặp những biển mây trong nắng sớm, có lúc mây đợi tới tận chiều hoàng hôn buông, nhưng đôi khi giữa trưa cũng có thể ngắm thiên đường mây mênh mông.
Phóng tầm mắt ra xa, thưởng ngoạn khung cảnh thần tiên, hít hà không khí trong lành thật sảng khoái, có lẽ quãng đường dài thấm mệt đã qua không hề lãng phí. Nằm ở độ cao 1.931 m so với mặt nước biển nên khi nhiệt độ giảm sâu xuống dưới 0 độ C, đỉnh núi xuất hiện băng giá phủ kín các cành cây, ngọn cỏ. Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chụp ảnh checkin.
Đến thăm Non nước Cao Bằng, du khách có dịp khám phá những làng nghề truyền thống giàu bản sắc văn hóa.
Mỗi độ tháng 11, 12 hằng năm là mùa khoe sắc của hoa dã quỳ, hoa trạng nguyên, hoa cải, tam giác mạch… Những bông hoa núi rừng tuy không kiêu sa, lộng lẫy nhưng vẫn đẹp dịu dàng, mộng mơ khiến người ta phải xao xuyến. Cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 75 km, theo tuyến đường về các huyện miền Đông, đến 2 xã Thống Nhất, Thị Hoa (Hạ Lang), du khách sẽ được checkin với bạt ngàn hoa dã quỳ bung nở bừng sáng cả góc trời. Đâu đó trên những cánh đồng, thung lũng hay sườn đồi huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh là màu trắng tinh, phơn phớt hồng của muôn đóa hoa tam giác mạch xinh đẹp, mỏng manh.
Video đang HOT
Cao Bằng còn nổi tiếng với mùa cây thay lá ở hồ Bản Viết (Trùng Khánh) đẹp không kém trời Âu. Trời càng lạnh, lá cây sau sau càng chuyển màu vàng, đỏ rực rỡ, sống động như rừng phong ôn đới. Những tán cây in bóng xuống mặt hồ yên ả, không gian tĩnh lặng chỉ có tiếng chim hót, tiếng gió reo và tiếng lá xào xạc. Vẻ đẹp mê hoặc của nơi này đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho rất nhiều họa sĩ, nhiếp ảnh gia trong nước, quốc tế.
Thời điểm cuối năm là lúc các làng nghề truyền thống trở nên tất bật, rộn ràng. Du khách có thể ghé thăm làng nghề đường phên Bó Tờ (Quảng Hòa) trăm năm đỏ lửa, làng rèn Phúc Sen (Quảng Hòa) với sản phẩm dao được ví là “chặt sắt không mẻ, chặt đá không mòn” hay làng hương thảo mộc Nà Kéo, làng dệt thổ cẩm Luống Nọi (Hà Quảng)…
Món ngon đặc biệt của miền sơn cước Cao Bằng. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng)
Một trong những điều khiến mùa đông Cao Bằng thu hút du khách hơn bao giờ hết chính là văn hóa ẩm thực. Vài chiếc bánh áp chảo vàng ruộm, bát bánh trôi, bánh đúc, phở vịt quay nóng ấm hay xôi ngũ sắc dẻo thơm, lợn quay đậm vị…, những món ngon ấm bụng chắc chắn sẽ là mảnh ghép hoàn hảo cho chuyến du lịch đón gió mùa về.
Mỗi dịp cuối tuần, tại Phố đi bộ Kim Đồng và Phố đi bộ ven sông Bằng (Thành phố) diễn ra nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao nổi bật. Du khách được hòa mình vào dòng người đông vui, náo nhiệt, thưởng thức ẩm thực đường phố, trải nghiệm nhịp sống về đêm của một thành phố trẻ với hoạt động dân vũ sôi động, những trò chơi truyền thống như ô ăn quan, kéo co, nhảy dây, nhảy sạp…
Vẻ đẹp ngỡ ngàng của vùng non nước Cao Bằng
Tôi không nghĩ mình sẽ đặt chân đến một vùng đất xa như thế, cho đến một ngày đẹp trời của mùa thu miền Bắc, tôi ghi dấu chân mình trên những nẻo đường của vùng non nước Cao Bằng.
Là một cô gái sinh ra ở vùng biển, lớn lên ở thành phố phía Nam và vốn chỉ biết đến vùng núi cao qua những trang sách. Cũng có đôi lần, tôi mơ ước được đặt chân đến những bản làng miền núi, nơi thiên nhiên vẫn còn đầy hoang sơ, nhưng chưa một lần tôi nghĩ, nơi mình đến đầu tiên lại là Cao Bằng.
Hành trình đáng nhớ
Lựa chọn Cao Bằng một cách khá ngẫu nhiên trong một lần lướt facebook và thấy ảnh Núi Mắt thần, ngay lập tức bản thân tôi ấn tượng vì tại sao lại có một cảnh độc đáo như vậy. Tôi lên kế hoạch cho chuyến đi với mục đích chỉ mong muốn được tận mắt thấy được cảnh hoang sơ, hùng vĩ pha chút thơ của ngọn núi ấy ngoài đời.
Núi Mắt Thần (hay Núi Thủng Phja Píot) là một điểm đến tham quan hấp dẫn du khách ở Cao Bằng.
Quyết định xách balo lên và đi với một định vị duy nhất là thành phố Cao Bằng cách trung tâm Hà Nội khoảng 280km với khoảng 6 tiếng đi xe. Tôi mang cho mình hành trang là vỏn vẹn chỉ là một khao khát rằng "à mình sắp được thấy cảnh núi non trùng điệp giống như miêu tả trong sách và những thước phim".
Đường đi lên Cao Bằng, qua khung cửa sổ, nhìn thành phố xa dần, cảnh vật thay thế bằng những ngọn núi bát úp xa xăm rồi gần ngay trước mắt, đôi lúc lắc lư theo từng khúc cua gấp vượt đèo, cứ thế từ Hà Nội qua 280 km, tôi đã đến Cao Bằng.
Đến thành phố đã quá nửa trưa, 'chén' vội bát phở chua vịt quay trứ danh Cao Bằng, thuê một chiếc xe máy, đổ xăng đầy bình, tôi sẵn sàng cho chuyến thăm Pác Pó vào buổi chiều.
Phở chua vịt quay Cao Bằng - món ăn làm xiêu lòng bao du khách.
Từ thành phố Cao Bằng đến khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Pó khoảng 50km. Một tiếng đi xe máy, hít trọn vẹn bầu không khí trong lành của vùng non cao, tôi đến với Pác Pó trong một chiều nắng vàng cả những ruộng lúa nương ngô, đến với Suối Lê - Nin, Núi Các Mác, hang Cốc Pó trong 'truyền thuyết".
"Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời Cách mạng thật là sang"
Những câu thơ trong bài Tức cảnh Pác Pó của Bác Hồ đã vang lên trong đầu tôi như thế đấy! Vừa đi vừa cảm thán cảnh sắc thiên nhiên tôi càng khâm phục và tự hào về lịch sử vùng đất này.
Suối Lê-Nin, Núi Các Mác trên đường vào hang Cốc Pó, huyện Hà Quảng.
Mê hoặc với thiên nhiên và cảnh sắc
Núi Mắt Thần, Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao, Làng đá cổ Khuổi Ky, Hồ Bản Viết, Đèo Mã Phục,... có lẽ sẽ làm mê đắm và chinh phục mọi con tim yêu thiên nhiên, thích xê dịch.
Bạn sẽ không thể kìm nén mà phải thốt lên rằng, sao lại có thể đẹp đến vậy! Mỗi khúc cua, mỗi cung đường hay những ngã rẽ sẽ làm bạn phải cảm thán sự tài tình của tạo hóa và mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho vùng cao này.
Trên cung đường từ Thác Bản Giốc về thành phố Cao Bằng.
Khói lam chiều trên miền non cao.
Thác Bản Giốc là 1 trong 10 thác nước đẹp nhất thế giới tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng - nơi đổ xuống con sông Quây Sơn gần biên giới Việt - Trung.
Cột mốc 836 tại biên giới Việt - Trung bên triền thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng.
May mắn hơn, bạn còn có thể bắt gặp những phiên chợ vùng cao vào một số ngày cố định hay những ánh nắng vàng lấp lánh trên những ngọn lúa trĩu bông vào ngày mùa. Những cảnh sắc ấy là những điều tôi trân quý cất vào 'vali thanh xuân' của mình.
Vì tuổi trẻ là những chuyến đi, tuổi trẻ là những chặng đường dài chân không biết mỏi. Mỗi lần đi là một lần thấy mình giàu hơn về trải nghiệm, sung túc hơn về vốn sống, và vì mỗi lần đi là một lần bản thân mình sẽ thốt lên rằng: Vì nước mình còn lạ, cần chi đâu nước ngoài!
Trong chuyến đi, tôi có cơ hội giới thiệu văn hóa và thiên nhiên Việt Nam với những người bạn ngoại quốc quen trên đường đi. Càng tự hào hơn khi lắng nghe chính họ chia sẻ và cảm thán về thiên nhiên hùng vĩ của Việt Nam.
Vùng non cao đang vào những ngày đẹp nhất, gửi tặng bạn đọc vài câu hát, gói vào hành trang để đến những nẻo cao:
"Rời xa dòng người nô nức
Rời xa thành thị đôi chút
Để ta được hòa mình với thiên nhiên
Và lắng nghe những câu chuуện
Ϲòn nhiều thứ trên đời mình đi thôi trước khi thanh xuân nghỉ ngơi...
Tuổi trẻ là những đóa hoa tươi rạng ngời
Ϲhỉ rực rỡ một lần mà thôi..."
Hồ Thang Hen - Tuyệt tình cốc của non nước Cao Bằng Cao Bằng - Giữa 4 bề là núi, hồ Thang Hen như một bức tranh thủy mặc khiến du khách đến đây như lạc vào chốn yên bình, được hòa mình vào kỳ quan của tạo hóa. Hồ Thang Hen như một bức tranh hùng vĩ giữa đại ngàn mây núi. Ảnh: Trần Trọng. Từ thành phố Cao Bằng dọc theo Quốc lộ...