Nổi chìm nghề níu giữ thói quen đọc… báo giấy
Báo đê! Báo đê! Báo Bóng đá đưa tin sáng nay “Italy giành vé qua &’cửa tử’ sau khi đánh bại Ailen,” “Mại dâm Đồ Sơn “ nóng” cùng Euro” trên tờ An ninh Thủ đô mới ra ngày 19/6… tiếng loa rè rè, léo réo vui tai phát ra từ chiếc xe đạp rao báo đánh thức tôi trong giấc ngủ vùi giữa bộn bề những thanh âm của phố phường Hà Nội vào mỗi buổi sáng sớm.
Xe rao báo trên đường phố Hà Nội. (Ảnh: Cẩm Thơ/ Vietnam )
Sợ nhất trời mưa
Có lẽ, nghề rao báo ở Hà Nội hay một đô thị bất kỳ ở Việt Nam đều sẵn lòng theo tinh thần “welcome” với tất cả ai muốn làm và lựa chọn nó.
Rất đơn giản, chỉ với chiếc xe đạp cà tàng có giỏ phía trước và chiếc loa rè chạy bằng pin, họ đã có thể đi rao báo.
Và khi phố phường Hà Nội còn tinh sương, âm thanh của cuộc sống thường nhật mới lác đác, lẻ tẻ, những người rao báo cũng bắt đầu một ngày mưu sinh.
Nghề này, có cả đàn ông và phụ nữ, từ già đến trẻ, họ đến từ những vùng quê xa, gần với thủ đô như Yên Bái, Hưng Yên, Bắc Ninh, Phủ Lý…
Video đang HOT
Trò chuyện với tôi, chú Lê Văn Hải, 52 tuổi, quê ở Hưng Yên lau vội những giọt mồ hôi đang chảy ròng bên má và nói: “Chú đi rao báo đã 12 năm rồi. Quê chú nhiều người lên Hà Nội làm nghề này lắm! Nó tử tế và cũng kiếm ăn kha khá…”
Vùng quê đất cằn sỏi đá, chỉ làm ruộng không đủ nuôi cả nhà có tới bảy miệng ăn, nào dám nghĩ tới việc còn lo cho ba đứa con đi học.
Đang bế tắc, được người anh em rủ lên Hà Nội đi rao báo, điều kiện chỉ cần một chiếc xe đạp cũ. Chú Hải quyết định đem chiếc xe đạp Phượng Hoàng “đắp chăn” trong xó bếp đi lên Hà Nội rao báo.
“Thời gian như bóng câu…” nhắm mắt lại đã mười hai năm đằng đẵng, bánh xe của chú đã bôn ba mọi ngõ ngách, phố phường Hà Nội rao báo mỗi ngày.
Cứ ba giờ sáng, trời sậm xịt, nhá nhem mặt người, chú Hải đạp xe ra khỏi nhà trọ ở Phùng Khoang, Thanh Xuân lên tận Đinh Lễ để lấy mẻ báo mới.
“Tùy tin tức mà lấy ít hay nhiều, tờ này hay tờ kia. Thường mỗi số chú lấy chục tờ thôi. Nhưng dịp đặc biệt, như mấy hôm nay có Euro thì chú lấy hai chục tờ Bóng đá và Thể thao văn hóa. Hôm kia có “tin hot” về người đẹp bán dâm chú lại lấy nhiều Pháp luật & Cuộc sống, Cảnh sát toàn cầu…” chú Hải chia sẻ.
“ Bán báo vừa nhàn lại thu nhập khá chả trách người ta rủ nhau bỏ quê lên đây chú nhỉ?” Đáp lại tôi, chú Hải cười, lắc đầu: “Mưu sinh đâu dễ thế cháu ơi! Bán báo cũng bị ế chứ…
Cánh rao báo bọn chú cũng sợ ế báo nhưng đó chưa phải nỗi sợ hãi lớn nhất. Báo không bán hết có thể bán hóa giá như giấy vụn, dẫu rẻ hơn bèo đấy nhưng dù sao còn bù được chút đỉnh nhưng trời mưa thì báo thành… cháo, chỉ còn nước đổ nát xuống mặt đường. Xót ruột lắm!”
Nghề rao báo đang suy
Cũng theo chú Hải, hơn 7 giờ sáng là thời điểm bán báo “sướng” nhất. Phố phường đang yên ắng, xe rao đến đâu, có người chủ động gọi đến đó.
“Đã nhất là rao quán càphê, các ông đổ ra, người rút tờ thời sự, người mua tờ thể thao, nhoằng đã vơi mớ báo cuộn tròn trước giỏ. Nhưng sau 9 giờ sáng, phải tắt loa, việc tìm khách mua báo cũng vất vả hơn. Còn muốn bán hết chỗ báo trong ngày, tập san, tạp chí cột từng chồng phía sau yên xe thì phải đến tầm 4, 5 giờ chiều,” chị Liên, quê Hà Nam lên Hà Nội rao báo đã được hơn hai năm cho biết.
“Đó là giờ giới nghiêm của cánh rao báo bọn tôi. Tầm đấy, công an đi tuần giữ an ninh trật tự phố xá, loa kêu rè rè, inh tai là bị tóm ngay, nhẹ thì phạt tiền, nặng là thu xe như chơi. Với lại, rao bằng loa xoàng xĩnh sao át được tiếng còi xe ầm ĩ…” chị Liên tếu táo.
Nghe chị chia sẻ về chiêu trò “lách luật” của cánh rao báo, tôi hỏi “xoáy”: “Lỗi tại cánh rao báo đấy chứ! Nếu không rêu rao những tin cướp- giết- hiếp, giật gân, đầy ám chỉ để gây sốc thì chẳng ai cấm cản?” Chị Liên thẹn cười và chua ngoa: “Chúng tôi chỉ có lỗi mưu sinh. Làm nghề rao báo, hễ báo viết cái gì chúng tôi rao cái đó. Tất cả đều ở trên mặt báo đấy chứ, chúng tôi có bịa ra đâu. Cứ chữ nào to, sặc sỡ thì chúng tôi ưu tiên rao thôi…”
“Nhiều khi bị công an phạt, chúng tôi cũng cay cú, vì nghĩ quýt làm cam chịu. Chúng tôi cũng chỉ mong báo chỉ viết về người tốt việc tốt, để rao lời hay ý đẹp. Nếu người ta không mua chúng tôi phải chịu. Ế mãi thì chuyển nghề, bán cái khác” chị Liên cố vớt vát
Hỏi về thu nhập từ xe rao báo, chú Hải nửa thật nửa đùa: “Báo thì đang thịnh vì ngày càng đẻ… ra nhiều tờ báo mới. Nhưng nghề rao báo thì lại suy. Trước bán được 100 tờ/ngày, giờ thì được nửa số đó…”
Gặng hỏi về nguyên do, chú Hải đăm chiêu, nghĩ ngợi chẳng khác một chuyên gia phân tích báo chí và thời cuộc: “Thực ra, báo giấy đang trong cuộc chiến cạnh tranh với báo mạng. Hơn nữa, báo giờ ra nhiều, loạn lắm! Đấy cháu xem, mặt báo vỏn vẹn gang tay nhưng ngồn ngộn tin tức giải trí, tiêu đề giật gân, hình ảnh người ngợm múa máy. Nhìn đã đủ nhức mắt…”
Và cũng đừng nghĩ, những người rao báo chỉ biết có bán báo. Vào mỗi buổi trưa, lúc nghỉ ăn cơm, chú Hải lại tìm gốc cây râm mát đọc hết tin tức trên các mặt báo.
“Không phải tất cả, nhưng hầu hết cánh rao báo bọn chú ngày nào cũng đọc hết tin tức. Đọc phần vì tò mò, để xem hôm nay có chuyện gì, ở đâu? Đọc còn vì để biết mà giới thiệu, gợi ý nếu khách lưỡng lự chưa biết mua tờ nào.”
Hay như lý do có phần “phù phiếm” của chị Liên: “Tôi không bỏ sót một tin tức nào trong ngày cả, nhất là tin liên quan đến vụ án, tệ nạn xã hội. Mình rành thì khi rao báo, được “tám chuyện” cũng khoái lắm…”
Cầm hai tờ báo còn thơm mùi mực trên tay khi chiếc xe rao báo vừa đi khỏi, tôi chợt nghĩ dẫu là thủ phạm gây ra sự “náo loạn” nhưng Hà Nội sẽ buồn lắm nếu thiếu vắng nó vào một ngày mưa…
Thậm chí, với nhiều người, đợi tiếng rao báo mỗi sáng, lướt qua tin tức trước bữa điểm tâm đã thành thói quen khó bỏ để bắt đầu một ngày làm việc mới./.
Theo TTXVN
Những người kiếm tiền theo những trang báo "nóng"
Cận Tết, những dòng người từ các tỉnh xa gần kéo về Hà Nội tranh thủ kiếm tiền dường như hối hả hơn. Trong đội quân đó, "binh chủng" bán báo dạo, cả nam lẫn nữ, trẻ cũng có mà đã luống tuổi cũng có, càng ngày càng đông thêm.
(Ảnh: Yên Hòa/Vietnam )
Tiếng loa điện rao báo ra rả, ầm ĩ khắp mọi con đường, ngõ ngách bất chấp việc thành phố từ lâu đã có lệnh cấm "tiếp thị" kiểu chối tai như thế trên các tuyến phố.Hà Nội đã rét đậm. Nhưng chừng 5 giờ sáng ngày nào cũng có những đoàn người gò lưng đạp xe từ trung tâm thành phố ra các hướng ngoại thành. Ai nấy mũ nón thụp xuống, khẩu trang, khăn quấn cổ... Ai cũng như ai, ở phía trước xe là một chiếc loa điện liên tục phát ra một bài "điểm báo" ghi âm sẵn với nội dung cực kỳ giật gân. Nào là vụ giết người kinh hoàng, xác nạn nhân bị dìm xuống mương nước. Nào là một vụ đánh ghen chẳng giống ai, không giống nơi nào trên thế giới. Nào là một vụ tai nạn giao thông liên hoàn với những xe điên, những người say... Tất cả những "sự kiện" đó đều được được đăng tải tỉ mỉ trên những báo ngày, báo tuần, phụ trương, chuyên san của cơ quan tư pháp này hay đơn vị công an nọ. Chính trong những giỏ xe kia ngày nào cũng chở đầy những tờ báo "nóng bỏng"!
Tôi thường đi tập thể dục sớm dọc đường Cầu Giấy. Ngày nào cũng thấy những đoàn người đạp xe đi bán báo và phải nghe tiếng rao báo qua loa nhức cả tai. Nhưng tịnh không thấy ai mua báo vào lúc tờ mờ sương ở dọc tuyến đường này. Chẳng lẽ nghề bán báo dạo là nghề "chết đói" ư?
Một lần, tôi kêu dừng xe một cô bé tên Loan, quê ở Hưng Yên, mua một tờ báo để rồi hỏi han vài chuyện. Mới biết Loan và các bạn cô đang phóng xe đến Mỹ Đình, đến Cầu Diễn... Đó là "thị trường" tiêu thụ cho mỗi cô ngót 200 tờ báo mỗi ngày. Có một số người "đặt" sẵn, sáng sáng Loan và các bạn cô chỉ việc mang đến. Nhưng phần đông là người mua lẻ khi nghe rao báo "hấp dẫn". Thật ra, nếu nói về đầu báo thì mỗi người như Loan cũng chỉ "phát hành" dăm bảy tờ. Đó là An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu, Công an nhân dân, An ninh Thủ đô, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Đời sống và Pháp luật (cơ quan của Hội luật gia Việt Nam), Pháp luật Việt Nam (cơ quan của Bộ Tư pháp) và ấn phẩm chủ nhật Pháp luật và Thời đại của báo này...
Các cô chẳng cần đọc, chẳng cần biết trên mỗi trang báo người ta viết gì, chụp hình gì. Các cô cũng không phải bỏ ra một đồng vốn nào. Chỉ cần một chiếc xe đạp cà tàng (thời bây giờ ai muốn sắm xe đạp mà chả được). Trang thiết bị hành nghề tối thiểu là một bình ắc-quy và chiếc loa. Cần nhất là phải có sức khoẻ để guồng xe đi trong gió rét, mưa phùn. Và cũng phải có "hội nghề nghiệp", chủ yếu là những người cùng làng, cùng huyện...
Cứ như Loan và mấy cô bạn Loan kể thì "hội" bán báo rao hiện nay ở Hà Nội chủ yếu là người Hưng Yên. Lực lượng lao động ngoại tỉnh ở Hà Nội lâu nay cũng đã hình thành nên những "hội" như vậy. Chẳng hạn, chăm sóc bệnh nhân ở một khoa nào đó của bệnh viện nào đó thì thường là người cùng thôn, cùng làng ở Vĩnh Phúc, ở Thái Nguyên... Thợ hồ là người một làng này, thợ mộc là người một làng nọ. Thậm chí, nghe nói đội quân cái bang ở Hà Nội chủ yếu cũng là người của một huyện thuộc một tỉnh ở phía Nam thủ đô.
Với những người bán báo dạo thì cứ sáng tinh mơ họ đến nhận báo mới và một băng ghi âm rao báo cực "hot" tại một "doanh nghiệp phát hành" ở gần Hồ Gươm. Rồi tất cả nhanh chóng tỏa đi mọi nẻo. Tiền báo thì sau một vài hôm, một tuần mới thanh toán cho chủ "doanh nghiệp."
Loan và bạn của cô tên là Đào, cùng quê Hưng Yên và cũng chỉ học đến lớp 9, cũng như cậu Tuấn, anh Hùng... đều "bật mí" là mỗi ngày sau khi trừ tiền ăn uống, tiền thuê nhà trọ thì cũng kiếm được khoảng một trăm nghìn đồng. "Dịp nào có vụ án lớn thì chúng cháu bán mỏi tay chú ạ!" - Loan thành thật. Người ta xem tivi, nghe đài, đã "cập nhật" lắm loại "tin thông tấn vỉa hè" về một vụ giết, hiếp kinh hoàng nào đó thì rồi cũng muốn có một tờ báo đọc thêm cho tỏ tường... Các "nhân viên" của đội bán báo đều hiểu như vậy nên bao giờ cũng cố gắng không bỏ lỡ bất kỳ một dịp may hiếm có nào gắn liền với những "sự kiện" động trời.
Thực tế thì cứ bán được một số báo là có thể lãi ngay 1.000 đồng. Giá bìa 3.900 đồng (An ninh Thủ đô) mà bán 4.000 đồng như các quầy báo cũng đã có chút lãi, đằng này những người bán dạo thường lấy tròn 5.000 đồng. Tờ Đời sống và Pháp luật giá bìa 4.800 đồng, bán dạo 6.000 đồng, tờ Pháp luật và Thời đại (ra Chủ nhật) và Cảnh sát toàn cầu giá bìa 6.800 đồng, được bán với giá 8.000 đồng... Những chiếc giỏ xe đựng đầy... 200 tờ báo, nếu bán hết thì cũng lãi ngon xấp xỉ 200.000 đồng!
Tôi hỏi Đào và Tuấn, có những tờ báo Xuân (số Tết) giá lên tới hàng chục nghìn đồng, các em có "thầu" và liệu có bán được không thì hai cô cậu đều nói rằng "chỉ dám nhận" một vài tờ "có người đặt sẵn nhờ mua" chứ không bán rao được. Bởi đó là những số báo có nhiều bài vở "quan trọng", đắt tiền, không thể "đọc vù" theo quảng cáo ầm ĩ nên người ta không mua kiểu vẫy tay "ê" một tiếng. Hơn nữa, Loan, Đào và bạn bè của hai cô cũng chỉ "chạy" cho đến 24, 25 Tháng Chạp là kéo nhau về quê ăn Tết dài dài, thành ra chẳng muốn ôm thêm món báo Xuân làm chi cho nặng. Cỡ cuối tháng Giêng, họ lại lên Hà Nội, lại nhà trọ, cơm niêu, lại rong ruổi xe đạp ngày ngày đi bán báo.
Các cô cũng nói rằng, sang năm, nếu nghề "phát hành báo chí" này khó thì có thể làm nghề khác, từ lau nhà đến trông trẻ, miễn là có thể bỏ sức lao động của mình ở chốn thị thành để mong dành dụm được một món tiền./.
Theo TTXVN
Người đàn ông ăn mày có biệt thự 3,5 triệu USD Ít ai nghĩng người đàn ông già đi trên đường phố Manhattan đ ăn xin và bán báo lại làt diễn viên hài kịch đang sở hữu tòa nhà trị giá khoảng 3,5 triệu USD. Ông Irwin Corey (97 tuổi) hàng ngày vẫn đi ăn xin trên đường phố Manhattan đ gom tiền mua thuốc cho trẻ em Cuba. Ông Corey bán báo...