Nỗ lực giành sự sống cho bệnh nhi nặng
Không giống như những khoa bệnh khác, Khoa Hồi sức tích cực ( Bệnh viện Nhi Thái Bình) yên ắng hơn, chỉ có tiếng thiết bị y tế tích tắc, tiếng vang lên từ máy thở chạy đều.
Công việc vất vả, nhiều áp lực nhưng sự hồi phục từng ngày của các em nhỏ, sớm được xuất viện trở về với gia đình chính là động lực lớn giúp các y bác sỹ, điều dưỡng trong Khoa không ngừng nỗ lực với nghề để đem lại sức khỏe cho các bệnh nhi và hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Các bác sĩ Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi Thái Bình thăm khám, chăm sóc các bệnh nhân sinh non. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi Thái Bình) hiện có 28 bệnh nhi đang được chăm sóc, điều trị thì có tới 19 bệnh nhi nặng với nhiều bệnh khác nhau, thở máy, đặt nội khí quản, không nói, kêu được… Bệnh có thể diễn biến bất thường nên các bác sĩ, điều dưỡng phải quan sát bệnh nhân liên tục để phát hiện và xử lý kịp thời. Có bệnh nhi nhỏ nhất mới được 3 giờ tuổi. Em bé này sinh non khi mới 33 tuần tuổi, cân nặng 1,5kg được chuyển sang Khoa trong tình trạng suy hô hấp, cần được chăm sóc, hồi sức tích cực và cách ly hoàn toàn với gia đình. Do vậy việc chăm sóc phụ thuộc toàn bộ vào các y bác sỹ, điều dưỡng ở đây. Họ như những người cha, người mẹ đầu tiên, nỗ lực giành sự sống cho em trong từng giây, từng phút. Mỗi âm thanh bất thường của thiết bị y tế vang lên, các y bác sỹ lại vội vàng chạy đến buồng bệnh, kịp thời can thiệp, xử lý để bảo đảm an toàn tính mạng và đưa ra phương án phù hợp với diễn biến ca bệnh.
Điều dưỡng Trần Thị Oanh chia sẻ, công việc chăm sóc trẻ sơ sinh bình thường đã vất vả, chăm sóc trẻ sinh non lại khó khăn gấp nhiều lần. Do trẻ sinh non tháng yếu, dễ bị tổn thương, không thể lắng nghe được phản xạ của các bé nên các điều dưỡng, y bác sỹ chủ yếu dựa vào quan sát thường xuyên màu da kết hợp với tín hiệu báo từ các thiết bị để có hướng xử trí kịp thời. Chỉ cần lơ là hay chậm một vài giây có thể đánh đổi bằng tính mạng của trẻ. Bởi thế không tránh khỏi những căng thẳng, áp lực nhất định. Nhiều nhân viên y tế trong Khoa Hồi sức tích cực vẫn thường nói vui với nhau rằng: “Thời gian chăm sóc trẻ ở Bệnh viện còn nhiều hơn chăm con của chính mình”.
Ở buồng hồi sức số 1 (Khoa Hồi sức tích cực) chủ yếu là những ca bệnh nặng với hệ thống dây máy chằng chịt quanh người các em nhỏ. Trong đó, trường hợp em P.H.Q.V (sinh năm 2016, trú tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) là ca bệnh đặc biệt nhất. Không may mắn như những đứa trẻ khác, em V. nhập viện khi mới 1,5 tháng tuổi và được chẩn đoán mắc bệnh nhược cơ, suy hô hấp. Trong suốt quãng thời gian qua, em V. chỉ nằm trên giường bệnh, sự sống duy trì với máy thở, máy theo dõi liên tục 24/24 giờ. Để có thêm kinh phí trang trải nuôi con ở Bệnh viện, bố mẹ em phải đi làm xa, chỉ có bà nội năm nay đã 70 tuổi thường xuyên túc trực, chăm sóc em ở Bệnh viện.
Bà Vũ Thị Thách (xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà, bà nội em V) chia sẻ, bất kể ngày hay đêm, mỗi khi cần sự giúp đỡ bà luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của y bác sỹ, điều dưỡng trong Khoa. Ngay đợt Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình bà cũng túc trực tại Bệnh viện, song vẫn cảm thấy Tết ấm áp bởi nhận được nhiều sự sẻ chia của các y bác sỹ cũng như các gia đình bệnh nhân cùng hoàn cảnh. “Tám năm qua đã có những lúc gia đình bà buông xuôi, nhưng nhờ sự tận tâm của y bác sỹ trong Khoa Hồi sức tích cực nói riêng và Bệnh viện nói chung, gia đình bà lại được tiếp thêm niềm tin, tiếp tục đồng hành cùng con, cùng cháu trên hành trình chăm sóc, điều trị cho cháu V. vốn còn nhiều khó khăn”, bà Thách bộc bạch.
Video đang HOT
Sau khi sinh hơn 1 tháng, bệnh nhân này được phát hiện bị mắc bệnh nhược cơ, suy hô hấp, sự sống phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Năm nay là năm thứ 8 em được các y bác sĩ Bệnh viện Nhi Thái Bình chăm sóc, điều trị. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Khoa Hồi sức tích cực có 2 loại buồng bệnh. Buồng dành cho bệnh nhi ổn định được chăm sóc bởi người nhà và buồng bệnh đặc biệt dành cho bệnh nhi nặng, được cách ly với người nhà. Vì vậy ngoài công việc chuyên môn thì cán bộ y tế sẽ thay luôn vai trò người nhà tại buồng bệnh này. Bác sỹ Chuyên khoa II Hoàng Tiến Thành, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi Thái Bình) chia sẻ, Khoa hiện có 27 nhân viên y tế, trong đó có 8 bác sỹ và 19 điều dưỡng, chủ yếu là cán bộ trẻ. Ngoài 8 giờ làm hành chính, các y bác sỹ thực hiện ca trực với số lượng 1 bác sỹ, 3 điều dưỡng, do vậy công việc ca trực rất vất vả, nhất là với đặc thù bệnh nhân trong khoa có nhiều ca nặng, mắc nhiều bệnh mãn tính, diễn biến phức tạp, khó khăn trong công tác điều trị. Nghề nào cũng có những áp lực riêng, nhưng với ngành y áp lực còn gấp nhiều lần bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. Với những bệnh nhân nhỏ tuổi, niềm hạnh phúc và động lực lớn nhất của y bác sỹ, điều dưỡng trong Khoa là các em được phục hồi và trở về với gia đình.
Bác sỹ Chuyên khoa II Đỗ Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết, Hồi sức tích cực là một trong những lĩnh vực được Bệnh viện ưu tiên hàng đầu để người bệnh được điều trị ngay tại địa phương, giảm tải cho tuyến trung ương. Thời gian qua, Bệnh viện đã chú trọng công tác đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế với các khóa đào tạo chuyên sâu tại Bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện tuyến đầu khác. Ngoài ra, Khoa cũng được ưu tiên cung cấp trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác chăm sóc, điều trị, hồi sức như máy thở chức năng cao. Thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục công tác đào tạo, kịp thời cập nhật các kỹ thuật cao, hiện đại, phục vụ tốt nhất cho hoạt động chăm sóc điều trị, hồi sức tích cực cho Khoa, đặc biệt là bổ sung thêm các trang thiết bị hiện đại như lọc máu, máy ECMO tại Khoa Hồi sức tích cực.
Mặc dù nhiều khó khăn, vất vả nhưng các y bác sỹ, nhân viên y tế tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi Thái Bình) vẫn luôn hàng ngày hàng giờ nỗ lực giành sự sống cho những bệnh nhi nhỏ tuổi với hy vọng các em sớm bình phục và được trở về tổ ấm của mình. Với tấm lòng và y đức của người thầy thuốc, hàng ngàn em nhỏ đã được điều trị thành công, mở ra tương lai tươi sáng cho những mầm non tương lai của đất nước.
Chữa bệnh bằng thuốc 'đẹn', nhiều trẻ nhập viện vì ngộ độc chì nặng
Thời gian gần đây, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận nhiều trẻ từ hơn 1 tháng đến 6 tháng tuổi bị ngộ độc chì nặng; có trẻ tiên lượng nặng nề, đe dọa đến chức năng sống...
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc các gia đình dùng thuốc 'đẹn' để trẻ bớt quấy khóc, tăng cân, mau lớn.
Cháu N.T.D.L (4 tháng tuổi, ở huyện Hưng Nguyên) bị ho, khò khè, chơi ít. Nghe lời người khác mách bảo, người nhà cháu đã mua thuốc "đẹn" gần nhà dạng viên nén và cho cháu dùng trong vòng 7 ngày.
Sau dùng thuốc, tình trạng của cháu N.T.D.L không những không cải thiện mà còn nặng nề hơn. Cháu bỏ bú, da xanh tái, nôn. Cháu được đến khám tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khi tình trạng đã nặng, co giật toàn thân nhiều lần, hôn mê.
Trẻ bị ngộ độc chì nặng do sử dụng thuốc "đẹn" đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Hoàng Yến
Để cứu trị cho cháu, các bác sĩ đã phải đặt ống nội khí quản, thở máy, hồi sức tích cực, định lượng chì trong máu tăng cao 216 g/dL (ngưỡng được chấp nhận là dưới 5 g/dL)... Hiện tại, sau gần 1 tuần điều trị tại Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, tình trạng sức khỏe của cháu vẫn rất nặng nề.
Tương tự là trường hợp cháu P.N.K.Đ (3 tháng tuổi ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), nhập viện ngày 11/2. Gia đình thấy cháu quấy khóc nhiều, ít chơi nên đã mua thuốc "đẹn" về pha loãng cho uống.
Sau khi dùng thuốc, cháu P.N.K.Đ xuất hiện nhiều triệu chứng lạ: bỏ bú, da xanh tái, co giật toàn thân... Cháu được nhập viện và điều trị tại Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc.
Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ thiếu máu nặng, men gan tăng cao, định lượng chì trong máu cho kết quả cháu bị nhiễm độc chì nặng 217,2 g/dL. Hiện tại, cháu vẫn đang được tiếp tục chăm sóc và điều trị tích cực.
Hình ảnh thuốc "đẹn" mà các gia đình mua cho trẻ uống gây ngộ độc chì. Ảnh: Hoàng Yến
Các bác sĩ khuyến cáo: Chì là chất rất độc hại cho sức khỏe, gây tổn thương nhiều cơ quan như thần kinh, xương, hệ huyết học, máu, gan, thận, hệ tiêu hóa, tim mạch,...Khi vào cơ thể, chì có thể tích lũy lâu trong nội tạng, đặc biệt là xương và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài.
Các bậc phụ huynh hãy thật tỉnh táo và tin tưởng vào các phương pháp điều trị khoa học, có phác đồ chuẩn đã được y học chứng minh.
Phụ huynh tuyệt đối không nên nghe, làm theo những phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng, tự ý dùng các loại thuốc - nhất là thuốc cam, thuốc nam không rõ nguồn gốc, không có giấy phép lưu hành để bảo vệ sức khỏe con trẻ./.
Lý do người đàn ông có chiếc kim trong não suốt 20 năm mà không hay biết Người đàn ông sống ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) tưởng mình bị phình động mạch nhưng bác sĩ phát hiện ông có kim trong não suốt thời gian dài. Kết quả chiếu chụp cho thấy chiếc kim dài 1,3cm màu vàng và hơi nhọn nằm trong động mạch não phía sau mắt phải của người đàn ông 74 tuổi. Dị vật gây chảy...