Những phụ nữ đấu tranh để sống độc thân ở Iran
Khi Shoukoufeh, tới từ một thị trấn tù túng, tìm thuê một căn hộ cho riêng mình tại thủ đô, việc đầu tiên cô phải làm là dừng lại tại một cửa hàng bán đồ trang sức và mua một chiếc nhẫn cưới với giá 5 USD.
Shoukoufeh đang chuẩn bị rời Iran để theo đuổi việc học tập của mình. (Ảnh: nytimes)
Quen sống với những lời nói dối để đối phó với các nghi thức xã hội Iran, nơi người phụ nữ có truyền thống sống với cha mẹ hoặc một người chồng, cô gái 24 tuổi này phải khoe chiếc nhẫn vàng trắng giả của mình trước mặt chủ nhà hoặc môi giới bất động sản, nếu không họ sẽ từ chối cho một phụ nữ độc thân thuê một căn hộ.
“Đối với họ và hàng xóm của tôi, tôi và bạn cùng phòng của mình là hai phụ nữ đã kết hôn ở xa chồng để theo đuổi việc học tập,” cô giải thích. “Thực tế, chúng tôi vẫn độc thân.”
Không có số liệu thống kê chính thức về số lượng phụ nữ sống một mình tại các thành phố lớn ở Iran. Tuy nhiên, các giảng viên đại học, trung tâm môi giới bất động sản, gia đình và nhiều phụ nữ trẻ đều nói rằng đây là một hiện tượng cực kỳ hiếm và mới trở nên phổ biến cách đây 10 năm, do ngày càng nhiều các vụ ly hôn cũng như một lượng lớn nữ giới vào đại học.
Sự thay đổi này đã khiến các giáo sĩ và các chính trị gia đấu tranh để đối phó với một thế hệ phụ nữ trẻ có cuộc sống độc lập với cha mẹ hoặc chồng trong một xã hội truyền thống ràng buộc.
Video đang HOT
Tuyệt vọng trong việc ngăn chặn xu hướng này, chính phủ đã mở một chiến dịch để đẩy mạnh các đám cưới nhanh gọn và tiết kiệm nhưng nó lại đem tới kết quả trái với mong đợi, các chuyên gia cho biết.
Những phụ nữ trẻ đã có những chiến lược để lo liệu cho bản thân trong một xã hội nơi mọi chuẩn mực thường dựa trên sự nghi ngờ sâu sắc về bản năng giới tính của nữ giới. Shoukoufeh, người không tiết lộ đầy đủ họ tên của mình vì lo sẽ mất chỗ trọ, cho biết những ánh mắt tò mò thường xuyên liếc qua khe cửa mỗi khi cô bước qua hành lang. Tuy nhiên, cô nói rằng cô đã có được sự hậu thuẫn của cha mẹ, những người ủng hộ lựa chọn sống một mình của cô.
“Họ biết tôi muốn độc lập,” cô nói một cách dứt khoát. “Họ hiểu thời gian sẽ thay đổi mọi thứ.”
Trước đây, những người phụ nữ độc thân thường bị xã hội khinh miệt và nghi ngờ về phẩm hạnh hoặc bị xa lánh như những bà cô, những người không hoàn thành vai trò của mình trong cuộc sống.
Tuy nhiên, quan niệm này đã thay đổi tại các thành phố lớn, một phần do số lượng phụ nữ độc thân tăng lên đáng kể, một phần nhờ các phương tiện truyền thông phát triển và sự bùng nổ của những chuyến du lịch nước ngoài giá rẻ, nhiều người Iran nói rằng những điều này đã làm thay đổi nhận thức của họ.
Số lượng nữ sinh đại học ngày một tăng tại Iran trong một thập kỷ qua và hiện nữ giới đã chiếm 60% trong tổng số sinh viên của cả nước. Do được nâng cao kiến thức trong 4 năm học đại học, nhiều phụ nữ đã gặp rắc rối trong chuyện tìm một người chồng phù hợp với mình.
Cùng thời điểm này, tỷ lệ ly hôn đã tăng 135%, khiến xã hội bắt đầu chấp nhận phụ nữ độc thân. “Nhiều bạn bè của tôi, đặc biệt là những người tới từ các thị trấn nhỏ để học tập ở Tehran, đang sống một mình,” Shoukoufeh nói. “Đói với những cô gái cùng trang lứa với tôi, sống độc thân là chuyện hoàn toàn bình thường.”
Các thành phố lớn, với nhiều cơ hội và tự do, đã tạo ra những tham vọng mới, Shoukoufeh nói, và đã cho phép cô cùng các bạn mình hướng tới một cuộc sống hoàn toàn khác với cha mẹ họ.
“Khi mẹ tôi còn trẻ, tìm một người chồng và có con là thước đo thành công duy nhất,” Shoukoufeh, người đang chuẩn bị rời khỏi Iran để đi du học, nói. “Hiện, ít nhất đối với tôi, đó là nhân tố quan trọng tối thiểu.”
“Cha mẹ tôi cũng muốn tôi sống một mình,” Nazanin, 35 tuổi nói. Mức thu nhập khá cao của một quản lý cửa hàng mỹ phẩm cho phép Nazanin có thể thuê được một căn hộ đàng hoàng sau khi rời bỏ người chồng nghiện ngập của mình.
Tại nơi làm việc của Nazanin, tất cả mọi người đều đã ly hôn, cô cho hay. Gần đây cô đã chuyển tới một tòa nhà mới, nơi mà các hàng xóm của cô đều là những phụ nữ trên 30 tuổi và độc thân.
“Xã hội đã chấp nhận chúng tôi và hy vọng các nhà chức trách cũng vậy,” Nazanin nói.
Theo VietNamNet
Ảnh cô gái vai trần bị phủ bạt hàng loạt ở Pakistan
Hàng loạt biển quảng cáo có cảnh thiếu nữ khoe bờ vai tại thành phố Karachi đã bị phủ bạt kín chỉ sau một đêm, trên đó viết dòng chữ: "Bán quần áo chứ đừng bán danh dự".
Hình ảnh nữ diễn viên Bollywood Katrina Kaif được che lại với dòng chữ: "Bán quần áo chứ đừng bán danh dự". Ảnh: The Express Tribune
Không ai biết tác giả của hành động này, tuy nhiên nhiều người cho rằng đây là một hành động do các tổ chức tôn giáo thực hiện. "Người ta treo những tấm bạt đó lên vào buổi đêm, chúng tôi không hề biết gì về việc này cả", Telegraph dẫn lời Akhter Sheikh, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo thành phố Karachi cho biết.
Mùa xuân là thời điểm các hãng thời trang Pakistan tung ra những mẫu quần áo nhiều màu sắc và thoáng mát để các khách hàng cảm thấy dễ chịu hơn trong thời tiết nắng nóng 40 độ C. Các tấm biển quảng cáo thường có hình ảnh những cô gái xinh đẹp không đội khăn trùm đầu của người Hồi giáo và mặc trang phục mỏng, khiến một số người theo quan điểm đạo Hồi truyền thống cảm thấy khó chịu.
Những nghi ngờ đều đổ dồn lên đảng Hồi giáo Jamaat-e-Islami. Đảng này tháng trước mới tổ chức ra ngày "chống thô tục" và gửi thư than phiền về việc hình ảnh những cô gái "bán nude" và "khiêu dâm" được sử dụng trong quảng cáo. Tuy nhiên, các quan chức đảng này phủ nhận những hành động "du kích" nhằm che các biển quảng cáo nói trên.
Bina Shah, một nhà báo sống tại Karachi, cho biết những người phản đối không thể chặn được các chương trình thời trang chiếu qua truyền hình, do đó họ phải chọn mục tiêu dễ dàng hơn ở giữa thành phố và không được bảo vệ. "Tuy nhiên, ở Karachi, mọi người đã thoáng hơn về cách ăn mặc của phụ nữ rồi", cô Shah nói thêm.
Theo VNExpress
Trang trí thân thể bằng... hình xăm Trong những dịp đặc biệt như lễ hội, đám cưới, làm điệu bằng những hình xăm tạm thời trên chân, tay hay cơ thể chính là một phần truyền thống tại Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh và nhiều quốc gia Hồi Giáo. Thu Trang Theo GrayD