Những phi vụ tình báo nổi tiếng thế giới
Các hoạt động tình báo và điệp viên đã có từ thời đại Kinh thánh. Ngày hôm nay các chuyên gia tình báo tham gia vào hàng loạt hoạt động đa dạng, gồm cung cấp các báo cáo tình báo cho các nhà hoạch định chính sách quốc gia, hoặc thu thập tình báo thông qua các phương pháp giám sát điện tử tinh vi cùng cách thức truyền thống như tình báo con người (HUMINT).
Sidney Reilly hay còn có biệt danh “Át chủ bài điệp viên” là một mật vụ hết sức nổi tiếng. Sinh ra với tên thật là Rosenblum tại Nga hồi thập niên 1870, sau khi bị Cảnh vệ Sa hoàng nhắm mục tiêu vì các hoạt động lật đổ, ông đã rời nước Nga. Ban đầu ông đến Brazil và sau đó định cư ở London. Ngoại tình với vợ của một người Anh giàu có và sau cái chết bí ẩn của người đàn ông này, Sidney đã lấy người đàn bà đó và đổi tên mới là “Sidney George Reilly”.
Nhờ việc lấy tên mới và nhanh chóng lọt chân vào hàng ngũ quý tộc Anh đã tạo cho Reilly một lớp vỏ bọc hoàn hảo để chống Nga. Trước Thế chiến I, Sidney Reilly cùng các mật vụ khác đã tham gia vào hàng loạt hoạt động gián điệp. Sống cùng vợ ở St. Petersburg, Sidney Reilly đã đi khắp đế quốc Nga, làm gián điệp cho tình báo Anh.
Điệp viên huyền thoại Sidney Reilly.
Ông được cho là đã lấy được các kế hoạch phòng thủ của căn cứ hải quân Nga ở Port Arthur ở Mãn Châu và bán chúng cho người Nhật. Kết quả là, người Nhật đã tổ chức tấn công thành công trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật năm 1904. Trong Thế chiến I, Sidney Reilly hoạt động ngay trong lòng nước Đức, thậm chí ông còn tham gia một loạt các cuộc đàm phán với Bộ tổng tham mưu Đức trước sự chứng kiến của nhà vua Kaiser Wilhelm II.
Vào những năm cuối đời, Sidney Reilly tập trung chống lại nhà nước Liên Xô mới thành lập sau cuộc Cách mạng Nga năm 1917 đã lật đổ chế độ Sa hoàng. Sau đó Sidney Reilly được cho là bị dụ bởi phản gián Liên Xô khi các điệp viên đóng giả thành những phần tử phản cách mạng lấy tên là “Sự thật, Reilly đột nhiên biến mất và có tin đồn là ông bị xử tử đâu đó trong năm 1925. Nghề nghiệp mà Reilly theo đuổi là minh chứng về cách tình báo hỗ trợ việc thực hiện những mục tiêu quốc gia.
Điệp viên kép Juan Pujol Garcia
Trong tất cả vai trò của một điệp viên tình báo thì chức năng của một điệp viên kép là có lẽ gây tranh cãi nhiều nhất. Một trong những điệp viên kép nổi tiếng là Juan Pujol Garcia. Lấy bí danh “Garbo” bởi người Anh hoặc “Alaric” bởi Đức Quốc xã (ĐQX), những chiến công đã giúp Juan Garcia được ĐQX tưởng thưởng Huy chương Thập tự sắt cũng như Thành viên của Huân chương đế chế Anh. Juan Pujol Garcia lớn lên trong thời kỳ lịch sử đầy biến động của đất nước mình.
Thập niên 1930, Tây Ban Nha trong tình trạng hỗn loạn khi chế độ quân chủ sụp đổ, sự hỗn độn của nền Cộng hòa Tây Ban Nha Đệ nhị, cùng sự suy thoái kinh tế thế giới. Năm 1936, Tây Ban Nha vướng vào nội chiến. Những người Cộng hòa đã chống lại quân đội Tây Ban Nha, dưới sự yểm trợ của phát xít Đức, Ý.
Điệp viên kép tài ba Juan Pujol Garcia.
Khi Thế chiến II nổ ra, Juan Garcia đã chọn Anh làm đất nước để ông muốn chiến đấu. Ban đầu chính phủ Anh khước từ lời đề nghị giúp đỡ, vì thế Garcia liền sang Đức. Ông đóng giả là một người ĐQX tận tụy khi cung cấp cho người Đức thông tin chi tiết về các hoạt động của người Anh, rồi tuyên bố rằng mình có thể giả thương gia để sang Anh. Người Đức liền tranh thủ Juan Garcia vì thông tin tình báo của ông rất xác thực. Song người Đức không hay rằng hầu hết các báo cáo của Garcia đều là bịa đặt và lấy từ những nguồn giả tạo.
Cục MI.5 cũng để mắt tới các hoạt động của Garcia và sử dụng ông truyền thông tin giả cho tình báo Đức đằng sau phòng tuyến địch. Những báo cáo tình báo của Garcia về Chiến dịch Torch, cuộc xâm lược vào Bắc Phi của liên minh Anh – Mỹ đã được kiểm chứng là xác thực bởi quân Đồng Minh. Vậy nhưng báo cáo của Garcia được tạo ra như thể nó bị trì hoãn hoặc quá muộn màng để hỗ trợ Đức chống lại thế lực xâm lược.
Song người Đức vẫn cho rằng các báo cáo của Juan Garcia là đáng tin cậy và hợp lệ. Tính xác thực và độ tin cậy trong các báo cáo của Garcia khiến ông trở thành kênh lý tưởng để phát tán tình báo giả cho Đức liên quan đến cuộc xâm lược của quân Đồng Minh vào Normandy. Chiến dịch Overlord (tên mã của cuộc xâm lược D-Day) được hỗ trợ bởi một kế hoạch quân sự đánh lừa có tên là Chiến dịch Fortitude. Chiến dịch Fortitude khiến người Đức tin rằng giặc ngoại xâm sẽ đổ bộ lên Pas de Calais.
Quân Đồng Minh đã thiết lập các loại mồi nhử, căn cứ cũng như liên lạc vô tuyến nhằm hỗ trợ cho niềm tin của người Đức rằng Đồng Minh chắc chắn sẽ đổ bộ lên Pas de Calais. Ngay sau cuộc đổ bộ Normandy, các báo cáo liên tục của Garcia cho thấy rằng lực lượng ngoại xâm là một phần của kế hoạch đánh lạc hướng nhằm trì hoãn sự phản công của quân Đức. Nếu bị Đức bắt được, chắc chắn Juan Garcia sẽ bị án tử hình bằng hình thức xử bắn hoặc xử giảo.
Video đang HOT
Hợp tác tình báo giữa Edwin Layton và Joseph Rochefort
Phần lớn các tài liệu nghiên cứu tình báo ngày nay tập trung vào hợp tác giữa các tổ chức, chẳng hạn như Hợp tác Anh – Anh trước và trong suốt Thế chiến II cùng với sự thành lập Liên minh Ngũ Nhãn (FVEY) năm 1946. Liên minh FVEY (Australia, Canada, New Zealand, Anh, và Mỹ) cùng hợp tác trên bình diện toàn cầu về Tình báo tín hiệu (SIGINT). Bên cạnh đó làm việc nhóm cũng phát huy hiệu quả cao. Một trong những minh họa tuyệt vời về hợp tác theo nhóm là Edwin Layton và Joseph Rochefort. Edwin Layton (sĩ quan tình báo) và Joseph Rochefort (sĩ quan hải quân kiêm nhà phân tích mật mã) đã gặp nhau lần đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 1929 nhằm đào tạo ngôn ngữ nhập vai. Sau đó Layton làm Tùy viên hải quân Mỹ ở Nhật Bản trong thập niên 1930, còn Rochefort đắm mình trong cơ sở Sigint đang phát triển của Hải quân Mỹ, cụ thể là tập trung vào việc giải mã các liên lạc tiếng Nhật.
Sĩ quan hải quân kiêm nhà phân tích mật mã Joseph Rochefort.
Trong suốt thập niên 1930, nhiều nước như Đức, Ý, Nhật và Liên Xô tìm cách phá vỡ nguyên trạng. Tại Thái Bình Dương, Nhật Bản và Mỹ leo thang chạm trán. Layton được bổ nhiệm làm sĩ quan tình báo cho Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ chỉ 1 năm trước khi xảy ra cuộc tấn công Trân Châu Cảng, trong khi đó Rochefort được chỉ định phụ trách văn phòng HYPO, tức là trạm Sigint của Hải quân Mỹ đặt ở Hawaii vào đầu năm 1941. Cả hai người tập trung vào việc đánh giá và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu chống lại mối đe dọa từ Nhật Bản. Họ cũng kiểm soát thông tin tình báo được lưu trữ tại Bộ chỉ huy hải quân ở Washington, D.C.
Trong lúc giải mật các liên lạc quân sự Nhật Bản được cung cấp cho các lực lượng Mỹ trong khu vực, họ đã bị Đô đốc Richmond K. Turner (người đứng đầu bộ phận kế hoạch chiến tranh của Bộ chỉ huy Hải quân Mỹ) từ chối tiếp nhận các liên lạc ngoại giao quan trọng của Nhật Bản. Theo Layton thì những thông tin tình báo quan trọng sẽ cho phép Đô đốc Husband Kimmel (chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương) hiểu ý đồ của Nhật Bản.
Như Layton đã viết trong cuốn sách mang tiêu đề “Đô đốc Kimmel đã bị lừa”, vạch rõ chuyện đấu đá nội bộ trong việc lựa chọn thông tin và dữ liệu ngay trong cộng đồng tình báo. Sau thất bại của Trân Châu Cảng, Hạm đội Thái Bình Dương đã có chỉ huy mới: Đô đốc Chester Nimitz. Ông Nimitz đã giữ lại toàn bộ nhân viên cũ của Kimmel gồm cả Layton. Sở thích động não của Layton và trí nhớ phi thường của Rochefort đã giúp họ nhanh chóng xác định ra Midway (tên mã là “AF”) trong các liên lạc Nhật Bản, có thể là mục tiêu của trận đánh tiếp theo của người Nhật. Song Bộ chỉ huy hải quân Mỹ vẫn khăng khăng cho rằng Hawaii mới là mục tiêu thực sự của người Nhật.
Khi Mỹ giải mật các liên lạc Nhật Bản thì mới rõ ký hiệu “AF” có nghĩa là sự cố chưng cất nước, từ đây kế hoạch tấn công sắp tới của người Nhật là Midway đã được xác thực. Kết quả là Layton và Rochefort đã giúp lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay Mỹ (gồm 3 tàu USS Yorktown, USS Enterprise và USS Hornet) vào vị trí và tấn công các lực lượng Nhật đang tiến đến. Những nỗ lực của Layton và Rochefort là hết sức quan trọng nhằm thiết lập nền tảng cho hỗ trợ tình báo trong một chiến trường hoạt động phức tạp.
Công trình phân tích tình báo của Reginald Victor Jones
Có một nhân vật chủ chốt đảm nhiệm vai trò nhắm mục tiêu trong các hoạt động tình báo, đó là nhà vật lý người Anh, British physicist Reginald Victor Jones. Trước khi Thế chiến II nổ ra, Jones làm việc cho Bộ Không quân Anh và bắt tay vào việc cải thiện năng lực phòng không của Anh chống lại Không quân Đức. Ông đã chứng kiến sự ra đời của các công nghệ mới như radar, thiết bị liên lạc và vũ khí. Chiến lược không quân của ĐQX được tạo ra để khuất phục nước Anh. Độ chính xác của các cuộc ném bom của quân Đức được yểm trợ bằng thứ công nghệ mới mà Chính phủ Anh chưa rõ. Ông Jones trở thành nhà khoa học đầu tiên được bổ nhiệm vào bộ phận tình báo của Bộ Không quân Anh nhằm mục đích hỗ trợ các vấn đề kỹ thuật.
Thông qua việc thu thập tình báo từ máy bay Đức bị bắn hạ, ông Jones quả quyết rằng người Đức đang sử dụng một hệ thống dẫn đường được biết đến với tên mã “Knickebein” dùng chùm sóng vô tuyến để chỉ đạo máy bay đến mục tiêu của chúng. Ông Jones cũng nhận dạng tần số vô tuyến mà Đức đang sử dụng và từ đó phát triển ra cách gây nhiễu các chùm tia vô tuyến đó, đồng thời đánh lạc hướng oanh tạc cơ Đức.
Sau này, ông Jones tập trung vào nghiên cứu tình trạng phòng không của Đức. Những nỗ lực tình báo của ông đã hỗ trợ việc đánh bom chiến lược của quân Đồng Minh cũng như yểm trợ cho cuộc xâm lược D-Day. Ông Jones từng phát biểu: “Sự tương quan bộ não là có liên quan, hệ thống tình báo giống như một mạng lưới trung lập rộng lớn, nơi thông tin được thu thập, lọc, sắp xếp và liên kết trước khi có thể áp dụng vào hành động”.
Nhà vật lý người Anh, ông Reginald Victor Jones (bên phải), chuyên gia tình báo về nhắm mục tiêu.
Reuven Shiloah, David Ben-Gurion và Mossad
Mossad (Cơ quan tình báo của Israel) được nhắc đến vì tác động của nó đối với thế giới tình báo. Được sáng lập bởi David Ben-Gurion vào năm 1949, giám đốc Mossad đầu tiên là ông Reuven Shiloah. Năm 1948, nhà nước Israel với sự phản đối mạnh mẽ từ các nước láng giềng Arab. Trong giai đoạn hỗn độn này, các tổ chức tình báo Israel bắt đầu nổi lên dưới sự quản lý của Mossad. Nói cách khác, Mossad là sự hợp nhất của các tổ chức tình báo quân sự nước ngoài và nội địa của Israel.
Một đặc điểm đáng lưu ý là các đặc vụ tình báo nước ngoài của Israel làm việc ở Châu Âu không sẵn lòng phục vụ các thủ lĩnh tình báo trong nước do sự khác biệt về quan điểm và văn hóa. Đầu thập niên 1950, chiến tranh Lạnh nóng lên và chiến tranh Triều Tiên đang diễn ra, giới lãnh đạo Israel dưới thời Thủ tướng David Ben-Gurion lo ngại các nước Arab sẽ lợi dụng hai siêu cường Mỹ, Liên Xô đang tập trung vào chiến tranh Triều Tiên và sẽ tấn công Israel.
Trước tình hình thời cuộc, Thủ tướng David Ben-Gurion đã liên lạc với người bạn thân Reuven Shiloah (người đã có kinh nghiệm tình báo từ trước đó) đứng ra làm giám đốc Mossad. Ông Shiloah đã đứng ra mạnh tay xử lý các điệp viên Mossad ở nước ngoài để họ tập trung về một mối. Shiloah cũng triệt để cải tổ cấu trúc căn bản của Mossad bằng cách thống nhất cộng đồng tình báo Israel và thiết lập liên lạc quốc tế với các cộng đồng tình báo nước ngoài.
Những giả thuyết về cái chết của nhà tình báo Nikolay Kuznetsov
Nikolay Kuznetsov giữ một vị trí đặc biệt trong danh sách những nhà tình báo Liên Xô kiệt xuất của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hiện nay, mặc dù đã có rất nhiều tài liệu viết về ông, vẫn có không ít tin đồn và suy đoán khác nhau xung quanh tên tuổi ông. Trước hết là nguyên nhân cái chết của nhà tình báo này.
Mùa hè năm 1942, sau khi hoàn thành một khóa huấn luyện đặc biệt, Nikolay Kuznetsov với cái tên Nikolay Grachyov (mật danh "Pukh"), được bổ sung vào đội đặc nhiệm "Những người chiến thắng", do đại tá, Anh hùng Liên Xô, Dmitry Medvedev chỉ huy.
Tại thành phố Rovno ở Ukraine, Nikolay Kuznetsov hoạt động dưới vỏ bọc Trung úy Paul Siebert. Ông không chỉ thu thập được những thông tin chiến lược quan trọng của kẻ thù mà còn thực hiện hàng loạt vụ ám sát. Nikolay Kuznetsov đích thân tiêu diệt khoảng 10 tướng lĩnh và quan chức quân sự cao cấp của Đức Quốc xã.
Tháng 3/1944, Nikolay Kuznetsov hy sinh. Theo sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô ngày 5/11/1944, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Nhà tình báo Nikolay Kuznetsov.
Bài viết sau đây trình bày những giả thuyết khác nhau về nguyên nhân cái chết của nhà tình báo.
Tháng 1/1944, theo chỉ thị của Dmitry Medvedev, Nikolay Kuznetsov đến tỉnh Lvov cùng với trợ lý Yan Kaminsky và tài xế Ivan Belov. Đội đặc nhiệm cũng dự định chuyển căn cứ tới những địa điểm này. Tuy nhiên, thật bất ngờ, sau khi Nikolay Kuznetsov ra đi, đội nhận được lệnh rút về hậu cứ.
Có rất ít thông tin đáng tin cậy về số phận tương lai của Nikolay Kuznetsov. Liên lạc với Moscow tạm thời bị gián đoạn, các cuộc gặp gỡ ở Lvov không thành công. Trong khi đó, người ta đã xác định chính xác rằng, trong điều kiện cảnh sát dồn toàn bộ lực lượng để truy bắt Paul Siebert, Nikolay Kuznetsov vẫn không từ bỏ hoạt động tình báo. Vượt qua những cái bẫy và ổ phục kích được bố trí khắp nơi, ông đã thủ tiêu tên Phó tỉnh trưởng tỉnh Galicia là Otto Bauer, sau đó là Chánh văn phòng chính phủ Heinrich Schneider.
Ngoài ra, trong một nỗ lực bất thành nhằm đột nhập vào sở chỉ huy của Lực lượng Không quân Đức, Nikolay Kuznetsov đã tiêu diệt Trung tá Peters và Thiếu tá Kanter tại đồn hiến binh dã chiến gần làng Kurovitsa.
Do chiếc xe đã bị bọn hiến binh bắn thủng lốp, Kuznetsov, Kaminsky và Belov chạy vào rừng.
Chẳng bao lâu, họ tình cờ vấp phải một đội tự vệ người Do Thái ở Lvov do O. Baum chỉ huy. Tại đây, Nikolay Kuznetsov đã viết một bản báo cáo về hoạt động tình báo và ám sát diễn ra ở tỉnh Lvov rồi đi về phía mặt trận, mang theo bản báo cáo này. Sau khi báo cáo rơi vào tay những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine, họ dễ dàng xác định được danh tính của viên "sĩ quan Đức". Nhiều người đổ lỗi cho Nikolay Kuznetsov về sự việc này, đồng thời tuyên bố rằng một nhà tình báo thực thụ không được hành động như vậy.
Ngược lại, những người khác lại cho rằng khi mang theo bản báo cáo, Nikolay Kuznetsov đã hành động như một nhà tình báo chuyên nghiệp, bởi vì ông nhận ra rằng mình có rất ít cơ hội sống sót. Đó là lý do tại sao ông ký mật danh "Pukh" vào bản báo cáo vốn chỉ có ban lãnh đạo KGB biết, đồng thời hiểu rằng bất kể tài liệu này rơi vào tay ai, cơ quan trung ương của Bộ Dân ủy Nội vụ vẫn biết về cái chết của ông. Cuối cùng, điều này đã xảy ra. Trong khi đó, câu hỏi về việc ông hy sinh bao giờ, ở đâu và trong hoàn cảnh nào cho đến nay vẫn chưa được giải đáp rõ ràng.
Ở một mức độ nào đó, câu hỏi này khiến chính các đồng đội của Nikolay Kuznetsov hết sức bối rối. Các thành viên đội đặc nhiệm "Những người chiến thắng" của Dmitry Medvedev, với mục đích độc quyền chân lý, sau chiến tranh đã ủng hộ hai nhóm giả thuyết khác nhau.
Các nữ du kích Maria Mikota và Lidya Lisovskaya.
Vào đầu những năm 50, giả thuyết do Dmitry Medvedev đưa ra trong cuốn sách "Chuyện ở ngoại ô Rovno" của ông viết năm 1948, được coi là chính thức. Theo Dmitry Medvedev, Nikolay Kuznetsov bị lực lượng quân nổi dậy Ukraine bắn chết ngày 2/3/1944 trong khu rừng gần làng Belgorodka, tỉnh Rovno.
Theo giả thuyết của nhà tình báo Nikolay Strutinsky, Nikolay Kuznetsov mất ngày 9/3/1944 gần làng Boratin (Boryatino), thuộc tỉnh Lvov.
Ngoài ra còn có một nhóm ủng hộ giả thuyết của Dmitry Medvedev, đứng đầu là Đại tá S. Stekhov, cựu chính ủy đội đặc nhiệm "Những người chiến thắng". Ông xác định rõ địa điểm Nikolay Kuznetsov qua đời ở làng Milcha, huyện Dubensky, tỉnh Rovno (làng Milcha cách làng Belgorodka khoảng 7 km).
Bây giờ xin nói về những giả thuyết khác dựa trên các tài liệu của Đức Quốc xã, được phát hiện sau khi giải phóng Lvov. Có rất nhiều, nhưng đáng chú ý nhất là bức điện của giám đốc Cảnh sát An ninh tỉnh Galicia, Tiến sĩ Josef Witiska, gửi Trung tướng Muller ngày 2/4/1944. Theo đó, dựa trên thông tin của một dân biểu Ukraine, ngày 2/3/1944, gần làng Belgorodka, ở huyện Verba (Volyn), 3 "điệp viên Nga -Xô đã bị bắt. Trưởng nhóm mang mật danh "Pukh", những người còn lại là Jan Kaminsky (người Ba Lan) và tay súng Ivan Vlasovets (biệt danh "Belov"), lái xe của "Pukh". Hơn nữa, bức điện còn nói về việc phát hiện một báo cáo hoạt động tình báo và khủng bố trên lãnh thổ tỉnh Lvov và kết luận rằng "Pukh" chắc chắn là điệp viên tình báo hoạt động dưới vỏ bọc Trung úy Paul Siebert.
Tài liệu này cũng cho biết Nikolay Kuznetsov và các đồng đội của ông đã bị lực lượng nổi dậy Ukraine bắt sống và họ sẵn sàng giao cho quân Đức các tài liệu, kể cả bản báo cáo của "Pukh", với điều kiện là vợ và con gái thủ lĩnh của họ, Nikola Lebed, bị bắt làm con tin, được trả tự do.
Trong khi đó, một số chuyên gia, kể cả nhà văn Teodor Gladkov, sau khi phân tích nội dung bản báo cáo của Nikolay Kuzntsov, đã đưa ra kết luận rằng rất có thể các chiến sĩ tình báo đã hy sinh trong cuộc chiến đấu với những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine. Để củng cố thêm lập luận của mình, T. Gladkov đã trích dẫn ý kiến của A. Lukin, người phụ trách bộ phận tình báo của đội đặc nhiệm "Những người chiến thắng". Dựa trên thông tin của một kẻ giấu tên, A. Lukin dự đoán rằng Kuznetsov, Kaminsky và Belov "đã gặp một toán quân nổi dậy Ukraine mặc quân phục Hồng quân và chỉ đến phút cuối cùng họ mới nhận ra sai lầm chết người của mình".
Nhiều năm liền, cùng với anh trai mình thu thập thông tin về cái chết của Nikolay Kuznetsov, nhà tình báo Nikolay Strutinsky coi giả thuyết của Medvedev là không có cơ sở. Với sự trợ giúp của một người hàng xóm tên là Stepan Golubovich, ông khẳng định đã xác định được nơi chôn cất Nikolay Kuznetsov. Stepan Golubovich nói rằng Nikolay Kuznetsov chết trong nhà ông ta sau khi tự nổ tung bằng lựu đạn.
Với sự có mặt của các nhân chứng, đại diện chính quyền, cơ quan công tố và KGB, người ta đã khai quật mộ và di dời hài cốt của Nikolay Kuznetsov. Sau đó, họ lập một biên bản có chữ ký của những người tham gia vụ khai quật: chuyên gia pháp y thành phố Lvov, Zelengurov, và điều tra viên cao cấp của KGB, Đại úy Rubtsov. Tháng 12/1959, Cục An ninh quốc gia tỉnh Lvov giao cho Viện sĩ M. Gerasimov tiến hành công việc giám định. Ông cũng được trao 17 bức ảnh của Nikolay Kuznetsov để đối chiếu. Ngày 29/12, viện sĩ kết luận rằng các bức ảnh và hộp sọ thuộc về cùng một người với xác suất gần 98%.
Sau đó, ngày 27/7/1960, hài cốt của Nikolay Kuznetsov được cải táng tại nghĩa trang quân đội "Đồi Vinh quang" ở Lvov. Nghĩa là lần này giả thuyết của N. Strutinsky được công nhận chính thức. Nó được công bố trong tất cả các bộ bách khoa toàn thư. Cụ thể, tác giả cuốn cẩm nang "Những anh hùng Liên Xô" khẳng định rằng Nikolay Kuznetsov hy sinh "vào đêm 9/3/1944 gần làng Boratin (quận Brodovsky, tỉnh Lvov), sau khi nổ tung mình và các kẻ thù đứng cạnh ông bằng lựu đạn".
Còn khi nhóm của Đại tá Stekhov tiến hành khai quật ở làng Milcha, dựa trên những phân tích được thực hiện bằng "các phương pháp hiện đại hơn", họ tuyên bố rằng Nikolay Kuznetsov thực sự được an táng tại đây...
Nhưng chưa hết. Vào giữa những năm 80-90, bắt đầu xuất hiện các bài viết, trong đó người ta trình bày các giả thuyết mới. Ví dụ, dựa vào một cựu binh giấu tên của đội đặc nhiệm "Những người chiến thắng", nhà tình báo K. Zakalyuk khẳng định rằng Nikolay Kuznetsov bị sát hại không phải bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine mà là bởi chính các chiến hữu của mình. Zakalyuk cho rằng các nhân viên an ninh Liên Xô có thể đã thủ tiêu Kuznetsov để trả thù cho vụ ám sát bất thành tên trùm quốc xã Erich Koch, kẻ chịu trách nhiệm về các vụ giết hại dân thường hàng loạt tại những vùng chiếm đóng...Ngoài ra, có cả những giả thuyết khác, thậm chí còn khó tưởng tượng hơn.
Tượng đài Nikolay Kuznetsov ở thành phố Ekaterinburg.
Trong số các giả thuyết mới nhất, giả thuyết được nhà báo Liên Xô Nikolay Dolgopolov trình bày trong cuốn sách "Những nhà tình báo huyền thoại" là có sức thuyết phục và hợp lý nhất. Ông cũng cho rằng Nikolay Kuznetsov đã bị sát hại ngày 9/3/1944 tại nhà của Stepan Golubovich ở làng Boratin. Hôm ấy, Nikolay Kuznetsov vội vã đến ngôi làng đặc biệt này, bởi ông cần gặp nữ hiệu thính viên V. Drozdova của đội đặc nhiệm "Những người chiến thắng" ở đấy (ông không biết rằng cô đã bị phục kích và hy sinh).
Ngay khi họ vừa bước vào ngôi nhà của Golubovich và chuẩn bị ăn lót dạ, thì có khoảng tám người xông vào. Nikolay Kuznetsov hình như bắt đầu tìm chiếc bật lửa và nói điều gì đó với người bạn đồng hành của mình. Đúng lúc đó, quả lựu đạn phát nổ và ông ngã khuỵu xuống sàn nhà.
Đồng thời, N. Dolgopolov cho rằng trước đó Nikolay Kuznetsov đã bị một kẻ nào đấy trong thành ủy Rovno phản bội. Đặc biệt, sau khi thành phố Rovno được giải phóng, nữ tình báo Lidya Lisovskaya, trợ lý của Nikolay Kuznetsov, nhiều lần nói về điều đó.
Khi những người du kích ở Rovno được mời đến Kiev, tất cả đều đi tàu hỏa, chỉ riêng Lisovskaya và chị họ của bà, nữ du kích Maria Mikota, không hiểu sao lại đi bằng xe tải. Trên đường đi, ngày 26/10/1944, họ bị sát hại nhưng không tìm ra thủ phạm...
Liên minh tình báo chống Đức Quốc xã ở Afghanistan Việc phát xít Đức tấn công Liên Xô đã đưa vấn đề thành lập một liên minh chống Hitler lên chương trình nghị sự. Sau các cuộc đàm phán giữa phái đoàn chính phủ Liên Xô và Anh, ngày 12/7/1941, hai bên đã ký kết thỏa thuận về những hành động chung và sự giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc chiến chống Đức...