Những con đường đến trường gian nan của học trò
Tự mình chèo đò qua sông dữ, vượt con đường lầy lội bùn đất, hay nước dâng ngập ngang người, ngày tuyết rơi dày đặc các em vẫn kiên trì đến lớp.
Dù khó khăn, vất vả là thế nhưng các em vẫn không từ bỏ ước mơ đến trường và xa hơn là vào đại học.
Học trò đất Quảng vượt bùn lầy đến với con chữ
Những con đường tới trường của học sinh huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam khiến nhiều người xem không khỏi chạnh lòng. Mùa hè thì bụi mù mịt, mùa mưa lầy lội vô cùng khó đi. Tuy vậy, học trò nơi đây vẫn rất bền bỉ, nuôi ước mơ vào ngôi trường đại học mình từng ấp ủ.
Hàng trăm học trò phải nỗ lực vượt qua con đường bùn đất này để kiếm tìm con chữ
Nhiều em nhỏ quá không đi được đành phải dắt bộ qua những chỗ khó đi
Phải bỏ cả dép, xắn quần lên cao để đỡ bị dính bùn lên quần áo và cặp sách
Đường đến trường rất khó khăn (Ảnh: Tài Teen)
Học sinh tự chèo bè vượt sông dữ đến trường
Đây không phải là một cảnh tượng xa lạ gì, rất nhiều vùng học sinh phải tự mình chèo đò, chèo bè vượt sông dữ để tới trường. Tại thôn Xuân Lũng, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn hàng ngày các em học sinh 9, 10 tuổi phải thức dậy từ 4h, 5h sáng để chuẩn bị cơm nắm và hành trình chèo đò tự chế quan con sông Kỳ Cùng sâu hàng chục mét để kịp giờ tới trường. Hành trang các em mang đến lớp không chỉ là cặp sách mà còn là những mái chèo, những chiếc khóa để xích đò vào gốc cây tránh bị trôi mất.
Video đang HOT
Những chiếc đò tự chế từ những cây tre, cây luồng là phương tiện chính các em đi học
Không có áo phao, mỗi ngày các em đều phải đối mặt với bao nhiêu hiểm nguy
Học trò xã Sơn Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang) cũng chung hoàn cảnh hàng ngày phải vượt hồ Cấm Sơn (có nơi sâu đến 80-90m) để tới trường. (Ảnh: Vietnamnet.vn)
Học sinh Quảng Bình lội suối đến trường
Mỗi ngày các em học sinh trường tiểu học và THCS Hóa Sơn, thuộc xã vùng cao của huyện Minh Hóa, Quảng Bình đều phải lội suối để đến trường vì không có con đường nào khác để đi. Câu cầu qua suối duy nhất đã bị hư hỏng hơn 4 năm mà chưa sửa chữa nên tất cả các em đều phải rất vất vả mới có thể tới điểm trường của mình để học tập.
Những hôm nước suối dâng cao quá toàn bộ các em đều phải nghỉ học. Nhiều khi các em vẫn cố gắng lội qua suối và rất nguy hiểm nếu bị trượt chân ngã.
Để đến được trường hằng ngày các em học sinh Tiểu học và THCS tại đây đều phải lội suối đi học.
Nếu không cẩn thận sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm
Những ngày nước dâng cao, học sinh tại đây không thể đến lớp học được. (Ảnh: Bảo Ngọc)
Học sinh Sapa lội tuyết đến trường
Mùa đông năm nay, thời tiết tại Sapa (Lào Cai) đã có thời điểm xuống -2 độ C, tuyết phủ trắng thị trấn. Tại nhiều ngôi trường, học sinh được nghỉ học nhưng do ở xa nên các bạn không biết, vẫn đội mưa đội tuyết đến trường trong thời tiết giá lạnh.
Học sinh tại Sapa run rẩy, tay chân lạnh cóng rảo bước trên con đường tuyết trắng xóa để tới trường.
Lối đi đã bị phủ một lớp tuyết dày và trơn trượt (Ảnh: Trithuctructuyen)
Các em nhỏ co ro trong manh áo mỏng nhưng vẫn cố gắng đi học trong ngày đông giá rét
Theo Trithuc
Mang tình yêu con chữ đến với học trò vùng cao
Cách đây gần 20 năm, học trò vùng cao yêu ngô, sắn hơn yêu cô giáo và con chữ. Thế mà, sau khi ra trường đặt chân đến vùng đất nghèo thuộc huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa), cô Nguyễn Thị Huệ đã khiến những đứa trẻ nơi này thích được đến trường học chữ.
Gian nan những ngày đầu cắm bản
Vốn sinh ra ở mảnh đất miền xuôi huyện Vĩnh Lộc, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô giáo Nguyễn Thị Huệ được phân công lên công tác tại Trường Tiểu học Giao An, huyện miền núi Lang Chánh. Những ngày chuẩn bị đi miền núi, vẫn biết nhiều khó khăn và gian nan ở phía trước nhưng có lẽ khi thực sự đặt chân đến mảnh đất của những bản làng nghèo khó, đói ăn, "khát chữ" để thực hiện ước mơ đứng lớp của mình, cô Huệ mới thực sự thấm thía những khó khăn và gian nan.
Cô Nguyễn Thị Huệ đã sáng tạo ra cách cho các học sinh ngồi thành từng nhóm nhỏ để học bài hiệu quả hơn.
Giao An cách thị trấn Lang Chánh 12km đường rừng. Người Giao An trước đây nghèo, họ đói ăn, đói chữ nên toàn vào rừng đào củ sắn, của mài về ăn qua bữa vì thế cũng không có tiền cho con đi học, nhiều bản xa trường nữa nên các em muốn đến trường cũng khó.
Ngày đầu tiên đến trường nhận công tác, cô Huệ ngỡ ngàng trước ngôi trường tuềnh toàng hở cả 4 vách, lợp bằng mái tranh, ngăn vách bằng những tàu lá cọ, học sinh được hơn chục em ngồi bi bô đánh vần. Tan giờ dạy thì hành trình của những giáo viên cắm bản là đi đến từng nhà vận động người dân cho con em đến trường.
Không chỉ thiếu thốn về vật chất, hàng ngày điều làm cô Huệ sợ nhất là phải đi bè mảng vượt sông Âm để đến trường. Bản thân rất sợ nước, lại không biết bơi nên mỗi lần ngồi tròng trành trên bè là cô Huệ lại nhắm chặt mắt lại không dám nhìn cho đến khi lên đến bờ bên kia.
Những ngày đầu đi dạy ấy khiến cô thấy nản lòng, muốn từ bỏ núi rừng, những đứa học trò đen nhẻm, chân trần, tiếng Kinh còn chưa sõi để về dưới xuôi. Nhưng rồi khi nhìn ánh mắt ngây thơ của lũ học trò ấy, tim cô như nghẹn lại. Cô bắt đầu tập cho mình quen dần với núi rừng hoang vu, quen dần với những khó khăn để tiếp tục ở lại truyền con chữ cho học trò.
Trăn trở chuyện học trò bỏ học
"Học cũng ăn ngô ăn sắn, không học cũng ăn ngô ăn sắn thì thà ở nhà lên rẫy kiếm cái ăn cho no cái bụng còn hơn" - đó là những ý nghĩ đã được hình thành bao đời nay của người dân tộc thiểu số trên mảnh đất Giao An. Vì thế, ngày đầu tiên khi đến trường, lớp của cô Huệ không đầy chục em, sau khi vận động, sĩ số tăng được vài em nhưng rồi cứ mỗi một trận mưa xuống hoặc nghỉ ngày chủ nhật, ngày lễ gì là học trò cũng vô tư nghỉ luôn, lớp học lại thưa dần. Điều đó khiến cô Huệ ngày đêm trăn trở, phải làm cách nào đó để học trò biết yêu con chữ.
Cô Huệ ân cần giảng giải cho từng học sinh trong giờ thảo luận.
Nói là làm, cứ tan giờ dạy, cô Huệ hì hục cuốc bộ cả chục km đường rừng để đến từng nhà động viên bố mẹ cho các em đi học. Những ngày nghỉ, cô lại đến giúp gia đình các em làm việc, tạo sự gần gũi giữa cô và trò.
Với cô Huệ, dạy chữ cho các em nơi này không đơn thuần chỉ là việc dạy đánh vần, tập viết mà còn truyền cả trái tim của mình vào trong đó, không đơn giản là cách mang "mặt chữ" đến với học trò mà còn phải khiến "con chữ" ấy sinh sôi, nảy nở thành những mầm xanh vươn xa hơn, đó chính là những trăn trở của cô Huệ. Đối với học sinh người dân tộc thiểu số, cô luôn tìm mọi cách để giúp các em dễ hiểu nhất, để học trò không chán học mà phải càng yêu con chữ.
Chỉ sau một thời gian, sự nhiệt tình của cô đã được bù đắp, học trò không còn bỏ học mà học rất tiến bộ, phụ huynh càng ngày càng thương cô giáo, họ thấy "vui cái bụng" vì thấy con họ biết hát, biết đánh vần.
Chia sẻ động lực khiến mình gắn bó cuộc đời mình với trẻ em vùng cao như thế, cô Huệ kể: "Ngày 20/11 năm đó, một phụ huynh đạp chiếc xe đạp cọc cạch hàng chục cây số, váy buộc túm, chân đất vì đường lầy lội, mang theo trên ghi đông xe một túi đựng gạo nếp nhưng chỉ còn được một vốc nhỏ. Gặp tôi, chị phụ huynh đó bảo mang gạo nếp làm quà cho cô giáo mà do cái túi bị rách nên gạo đổ suốt dọc đường. Đi đến đây mới biết thì túi gạo chỉ còn một vốc nhỏ. Thấy thế, tôi không cầm được nước mắt, thấy vừa hạnh phúc mà vừa thương họ. Cũng chính cái ngày hôm đó khiến cho đến bây giờ, chưa một lúc nào tôi thấy chán cái nghề mình đang theo. Và cũng từ đó cho đến sau này, dù có gặp khó khăn đến mức nào thì nhớ về cái ngày hôm đó tôi lại cảm thấy mình phải cố gắng".
Sau 4 năm công tác trên mảnh đất nghèo Giao An (1994-1998), cô Huệ lại được chuyển về Trường Tiểu học Quang Hiến trên mảnh đất cằn cỗi thêm 4 năm nữa (1998-2002). Và sau khi được trao danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh (2001-2002) cùng với những cống hiến của mình, cô được chuyển về Trường Tiểu học thị trấn Lang Chánh và giảng dạy cho đến bây giờ.
Chính nhờ sự miệt mài, sự tâm huyết của cô đối với học trò, năm học 2008 - 2009, lớp cô có 2 học sinh đạt giải Nhất, Nhì cuộc thi viết chữ đẹp cấp tỉnh, giải Nhất chỉ huy liên đội giỏi cấp tỉnh. Gần đây nhất là năm học 2010 - 2011, lớp cô chủ nhiệm có 8 em học sinh đoạt giải, trong đó có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì... 10 năm trở lại đây, năm nào cô Huệ cũng được khen thưởng từ các sở ban ngành như giấy khen về thành tích giảng dạy của Phòng giáo dục, của UBND tỉnh, của UBND huyện Lang Chánh, của Liên đoàn Lao động tỉnh... Học sinh của cô giờ đây không chỉ giỏi ở lớp, ở trường mà các em còn đua tài, đua trí cùng học sinh trong toàn tỉnh, mang vinh dự về cho trường.
Nhận xét về cô Nguyễn Thị Huệ, thầy Lê Thiên Quang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Lang Chánh chia sẻ: "Từ ngày cô Huệ về đây, lớp cô chủ nhiệm năm nào cũng đứng đầu về thành tích học tập, vượt cả chỉ tiêu của nhà trường đề ra. Đặc biệt, cô Huệ đã biết phân loại học sinh giỏi và học sinh yếu kém ra để có cách dạy giúp các em nhanh tiến bộ. Đối với đồng nghiệp, cô luôn thân thiện, giúp đỡ cả về chuyên môn và cuộc sống đời thường. Đó là tấm gương sáng để nhiều giáo viên trẻ noi theo".
Nguyễn Thùy - Duy Tuyên
Theo dân trí
Trẻ chân đất, áo mỏng đến trường Mới đặt chân đến Trường Tiểu học Nà Đon, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, chúng tôi đã xót xa khi trông thấy cảnh hàng trăm đứa trẻ chân không giày dép, co ro trong chiếc áo mỏng để ngồi học giữa trời đông giá rét nơi miền sơn cước. Những cơn gió lạnh từ sông Gâm cứ thổi thốc vào...