Những cách thú vị mơm mầm tình yêu sách cho trẻ
Thật hạnh phúc biết bao khi mỗi ngày cô Hệ Ngân được ngắm nhìn các cô cậu học trò bước vào giấc ngủ trưa cùng những câu chuyện, vần thơ hoặc bản nhạc du dương.
Các cô cậu học trò lớp 5A3 Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung , quận Thanh Xuân , Hà Nội đọc sách trước giờ ngủ trưa . Ảnh: NH
Chẳng là, giấc ngủ trẻ thơ ngọt ngào và lãng mạn ấy được bắt đầu từ những trang sách cô đã dày công chuẩn bị cùng mong muốn có thể ươm mầm tình yêu sách cho các em!
Mơ theo… trang sách
Trống báo giờ nghỉ trưa vừa điểm cũng là lúc các cô cậu học trò lớp 5A3 nhanh chân ào đến giá sách được kê ngay ngắn ngay sát tường trong lớp. Bạn thì chọn truyện tranh “Thuyền trưởng Sinbad”, “Doraemon”, “Cô bé quàng khăn đỏ”, “Công chúa tóc mây”, “Cá ngủ mở mắt”… Bạn thì chọn truyện lịch sử “Búp sen xanh”, “Võ Thị Sáu – con người và huyền thoại”, “Đất nước đứng lên”…
Bạn thì chọn sách văn học như “Tục ngữ – ca dao Việt Nam”, “Đảo hoang”, “Những tấm lòng cao cả”, “Đất rừng phương Nam”, “Trước vòng chung kết”… Bạn thì chọn những tờ báo thiếu niên, nhi đồng, khám phá khoa học… rực rỡ sắc màu. Thế rồi, ai vào chỗ nấy để bắt đầu rì rầm, thì thào, rúc rích, khúc khích… Đôi khi có bạn bỗng bật cười khanh khách khiến cả lớp lao xao…
15 phút trước khi bước vào giấc ngủ trưa của các cô cậu học trò lớp 5A3, Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung ( quận Thanh Xuân , Hà Nội ) thường được bắt đầu như thế. Đấy cũng là lúc cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Hệ Ngân thư thái bật một bản nhạc du dương rồi lặng ngắm nhìn những gương mặt học trò khi được lật giở từng trang sách, trang truyện, trang báo sao mà đáng yêu , sao mà tươi sáng, sao mà rạng rỡ… đến thế.
“Cứ thế, nhạc và sách nhẹ nhàng đưa các em vào giấc ngủ ban trưa êm ả, ngọt ngào để rồi những tâm hồn trẻ thơ trong trẻ o ấy được mơ theo… trang sách. Khi đó, dù bận đến mấy tôi cũng dành thời gian lặng ngắm các em – một cơ may được thưởng thức cái dư vị hạnh phúc không phải lúc nào cũng có được”, cô Hệ Ngân chia sẻ cùng ánh mắt chứa chan niềm vui.
Còn với các cô cậu học trò của cô giáo Ngân thì sau mỗi tiết học, đây là những giây phút đáng mong chờ hơn bao giờ hết.
“Con đang đọc cuốn “Trước vòng chung kết” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ngoài lúc trước khi đi ngủ, con còn đọc sách lúc buổi sáng sớm đến lớp, giờ ra chơi hoặc trước khi bố mẹ đến đón”, cầm cuốn truyện “Trước vòng chung kết” đã sờn mép và bị rơi bìa trước trên tay, bạn Lê Quốc Bảo khoe.
“Giá sách có nhiều cuốn truyện hay để con lựa chọn, trong đó, con thích đọc truyện tranh nhất. Những cuốn truyện ấy giúp giấc ngủ dễ dàng đến với con”, “thủ thư” Nguyễn Văn Đức Phước vừa dứt lời kể thì có bạn ghé tai: “Tớ mượn cuốn truyện này về nhà nhé”. Đức Phước nhoẻn cười hãnh diện rồi gật đầu dặn: “Nhớ mai phải trả đấy nhé”.
Nghe các bạn nhỏ quây quanh giá sách hào hứng kể chuyện, tôi lại nhớ đến ấn tượng khó quên hồi đầu năm học khi được cậu con trai chia sẻ niềm vui đặc biệt của mình, dù vừa mới trở thành thành viên của lớp 5A3: “Con được nhận “chức” mới mẹ ạ, là “chức” “thủ thư” đấy – Thật tuyệt cú mèo!”.
Thế rồi anh chàng “trăn trở”: “Vì con sẽ được quản lý giá sách hàng ngày: Sắp xếp rồi cho các bạn mượn sách. Chỉ có điều, tuần đầu còn lưa thưa bạn đọc. Sang đến tuần thứ hai, thứ ba cứ có thời gian rảnh là các bạn xúm đông lại xếp hàng hỏi mượn, làm con ghi tên không kịp. Giờ có cách nào để giúp các bạn mượn sách nhanh nhất, được nhiều lượt nhất và con cũng đỡ phải ghi mỏi tay, mẹ nhỉ?”.
Mẹ của bạn Minh Hải – chị Lê Thị Kim Dung cũng kể, Minh Hải hay rủ rỉ với mẹ chuyện cùng các bạn ở lớp đọc sách sau giờ ăn trưa.
“Nghe con nói chuyện, trong lòng tôi vừa vui vừa thầm cảm ơn cô giáo chủ nhiệm đã dành tâm huyết trực tiếp gầy dựng và phát huy hoạt động đọc sách thường xuyên cho các con. Cũng vì, giữa lúc văn hóa đọc ngày một trầm lắng thì việc hình thành thói quen đọc sách cho học sinh rất hữu ích, góp phần tạo nguồn tri thức cho các con”, chị Dung bày tỏ.
Cùng với đó, chị Phùng Thị Khanh – Ban phụ huynh lớp 5A3 cũng chia sẻ: “Ban phụ huynh rất đồng tình ủng hộ hoạt động đọc sách mà cô chủ nhiệm xây dựng. Đây là hoạt động mang giá trị lâu dài, giúp các các con mở rộng tầm hiểu biết qua những cuốn sách.
Ban phụ huynh sẽ đồng hành cùng cô giáo chủ nhiệm với mong muốn được góp sức xây dựng giá sách thông qua việc phát động mỗi tháng học sinh cùng góp cuốn sách mình yêu thích để cùng đọc, cùng sẻ chia”.
Tích hoa nhận sách
Cô giáo Hệ Ngân quây quần đọc sách cùng học trò. Ảnh: NH.
Ban đầu, giá sách của lớp 5A3 là cái giá gỗ nho nhỏ, có hai tầng chứa những cuốn sách, truyện cô Ngân mang từ tủ sách nhà mình đến cùng mong muốn được chia sẻ sách hay với học sinh.
Sự xuất hiện của giá sách nơi góc lớp và lời khích lệ hãy dành thời gian đọc sách vào những lúc rảnh rỗi của cô Ngân đã mang đến cho các cô cậu học trò không ít sự lạ lẫm, ngạc nhiên, tò mò.
Nếu như, trong giờ ra chơi những buổi đầu có vài ba đứa ra vẻ rụt rè ngó ngó nghiêng nghiêng tìm sách thì đến giờ ra chơi sau, cả đám đã ùa đến làm giá sách vơi hẳn. Nhiều lúc chúng còn tranh cãi vì một cuốn sách có nhiều người cùng muốn đọc.
Thấy học trò bắt đầu quan tâm đến sách, cô Ngân rất vui để rồi thầm “tính kế” làm thế nào có nhiều nguồn gom đầu sách cho học sinh được thỏa thích khám phá. Đấy là, những cuốn sách cũ ở thư viện của trường được gom góp; các cuốn sách được những người bạn, các phụ huynh hay tin lớp có giá sách liền chung tay gửi đến… Nhờ đó, giá sách dần dần đầy lên để sang năm học này cô Ngân phải thay bằng cái giá cao hơn với 4 tầng để sách.
Còn để “xử lý” những cuộc tranh cãi không hồi kết vì một cuốn sách có nhiều người muốn đọc, cô Ngân đã “bổ nhiệm” thêm một cán bộ lớp làm… “thủ thư” chuyên quản lý giá sách. Thế là, việc mượn và trả sách dần được đám học trò thực hiện một cách trật tự, quy củ hơn. Riêng bạn nào được “bổ nhiệm” làm “thủ thư” rất lấy làm hãnh diện!
Không chỉ thế, để khuyến khích học trò quan tâm hơn nữa đến sách, mỗi ngày cô Ngân dành 15 – 20 phút trước giờ ngủ trưa cho học sinh đọc sách. Cũng có khi trong khoảng thời gian đó có bạn xung phong lên chia sẻ câu chuyện đã đọc cho cả lớp nghe hoặc cả lớp cùng nghe câu chuyện phát thanh viên kể được cô Ngân tuyển chọn.
Đặc biệt, cô Ngân còn đưa ra quy định thưởng – phê bình học sinh bằng… sách. Nếu trong tuần chưa ngoan thì học sinh đó sẽ góp một cuốn sách hoặc cuốn truyện, hoặc tờ báo. Ngược lại, nếu mỗi học sinh tích được 50 bông hoa điểm tốt thì sẽ được thưởng một cuốn truyện, cuốn sách mới tinh.
Thường thường năm thì mười họa mới có một bạn phải nộp phạt còn được thưởng sách thì tháng nào cũng có 5-7 bạn. Và khi được nhận phần thưởng là những cuốn sách, cuốn truyện ánh mắt của bạn nào cũng thật rạng rỡ.
Mong học trò nhớ… sách
Cô giáo Hệ Ngân vốn sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn của tỉnh Hải Dương. Dù nhà nghèo, cha mất sớm nhưng cô bé Ngân ngày ấy vẫn nỗ lực vượt khó đến trường và vươn đến ước mơ trở thành cô giáo. Trong hành trình vươn đến ước mơ, sách luôn là người bạn đồng hành với cô giáo Hệ Ngân. Lúc nhỏ, không có điều kiện mua sách thì Hệ Ngân sang bưu điện của xã mượn sách đọc, có cuốn đọc đến vài lần.
Khi học Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, ngày nào giáo sinh Hệ Ngân cũng có mặt ở những hàng sách cũ hàng giờ. Có lẽ vì ham đọc sách để được mở mang kiến thức mà Hệ Ngân đã xuất sắc gặt hái thành tích đáng nể trong học tập và là một trong số sinh viên ưu tú được kết nạp Đảng tại trường.
Khi về công tác tại Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (từ năm 2011 đến nay), dù bận rộn với biết bao công việc nhưng chưa bao giờ tình yêu sách của cô giáo Hệ Ngân bị vơi. Cũng chính từ sách, cô đã tự bổ sung, nâng cao vốn tri thức để xây dựng những bài giảng hay, cuốn hút học sinh. Trong hai năm học 2015 – 2016 và 2017 – 2018 cô đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp quận”.
Khi trò chuyện về lý do vì sao đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng phong trào đọc sách cho học sinh, cô giáo Phạm Thị Hệ Ngân chia sẻ, kiến thức không phải lúc nào cũng có ngay được mà còn cần phải tích luỹ qua việc đọc sách. Có thể từ một cuốn truyện tranh mang nội dung thú vị sẽ giúp học sinh được thư giãn thoải mái để bắt đầu một công việc mới.
Có thể từ một tác phẩm văn học, một câu chuyện lịch sử, một cuốn sách khoa học khám phá, một cuốn sách kỹ năng… sẽ giúp học sinh mở rộng sự hiểu biết, thế giới quan sinh động, có cách nhìn nhận cuộc sống, biết cách yêu thương quan tâm đến người xung quanh.
Không chỉ thế, đọc sách còn rèn luyện cho học sinh những đức tính kiên trì, cẩn thận cũng như có ý thức giữ gìn, bảo quản sách, tuân thủ nội quy, quy định khi hợp tác mượn, trả sách với “thủ thư”.
Từ những suy nghĩ ấy, năm học 2019 – 2020, cô đã tích cực gom sách đặt lên giá trong lớp, song không có ý định rõ ràng mà chỉ nghĩ đơn giản có sách để ở đấy, nếu học sinh nào thích đọc thì cùng đọc.
Thế rồi mỗi ngày thấy các con một quan tâm đến giá sách cô đã quyết tâm bổ sung đầu sách ngày một phong phú cũng như hướng dẫn, tổ chức cho các con tự đọc hoặc đọc theo nhóm, bạn đọc cho cả lớp bạn nghe, đọc sách theo giờ… Không chỉ thế, giá sách này không chỉ phát huy tác dụng ở lớp mà còn được nhân rộng đến mỗi gia đình khi nhiều bạn mượn sách mang về.
“Tôi muốn truyền lửa tình yêu sách đến học trò qua giá sách xinh xinh để góp phần giúp các con dần hình thành thói quen đọc sách.
Thực ra, ngay từ đầu không phải bạn nào cũng thích sách nhưng từ một nhóm đọc sẽ lan tỏa đến các bạn khác và cùng ghé vào đọc.
Và, nếu mỗi ngày được đọc sách đều đặn, tôi tin rằng sẽ đến lúc các con thấy nhớ sách, mong muốn được đọc sách để tình yêu sách được ươm mầm”, cô giáo Hệ Ngân tâm huyết nói.
“Với mong muốn giúp trẻ nhỏ hình thành thói quen đọc sách để từ đó hình thành nề nếp tự học, ham hiểu biết, những năm qua nhà trường đã đặc biệt quan tâm đến việc mở các không gian đọc sách gần gũi, thân thiện cho học sinh.
Chúng tôi đã tổ chức hội sách đổi sách, mở thư viện ngay tại tầng một vừa phong phú về đầu sách vừa bắt mắt về hình thức để đón học sinh không chỉ theo tiết học mà còn cả lúc các con tan học chờ cha mẹ. Nhất là, chúng tôi thường xuyên khuyến khích giáo viên quan tâm mở không gian đọc sách ngay tại lớp học thông qua việc đặt những giá sách, tủ sách, giỏ sách…
Là một nhà giáo trách nhiệm và tâm huyết, cùng với giáo viên trong trường, những năm qua cô giáo Phạm Thị Hệ Ngân cũng đã tích cực truyền lửa tình yêu sách cho học sinh lớp 5A3 của mình từ giá sách nhỏ được đặt ngay tại lớp. Bằng sự nỗ lực này, bước đầu cô Ngân đã gợi mở cho các em những điều kỳ diệu trong thế giới sách để từ đó kích thích các em muốn được đọc sách và dần dần hướng đến việc yêu mến rồi ham sách.
Theo tôi, để học sinh có thể hòa vào những không gian đọc sách công cộng ở trường hoặc ngoài xã hội thì những việc làm, những hoạt động khuyến đọc dành cho học sinh như cô Ngân đã làm mấy năm qua rất thiết thực và ý nghĩa”, cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Như – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung.
Quy định mới có khiến giáo viên bất lực khi dạy học sinh cá biệt?
Hiện nay, ngành giáo dục và cả giáo viên vẫn đang "lúng túng" trong việc xử lý học sinh vi phạm, đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng.
Gần đây, tranh luận rất nhiều về các quy định mới của ngành giáo dục như giáo viên không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường hay việc cho phép học sinh được sử dụng điện thoại di động vào mục đích học tập nếu được giáo viên cho phép.
Đây là hai vấn đề tranh cãi gay gắt nhất, trái chiều nhất. Tuy nhiên, theo tôi những lợi ích thì chưa thấy nhưng những hệ lụy thì rất rõ ràng.
Theo quan điểm cá nhân tôi, hiện nay đang trong giai đoạn cần chấn chỉnh nề nếp, dạy thật học thật, khi mà nhiều vụ bạo lực học đường gia tăng thì việc ban hành các quy định trên hiện nay, sẽ khiến việc giáo dục học sinh cá biệt, giáo dục học sinh nói chung, tinh thần tôn sư trọng đạo có phần khó giáo dục hơn. Có thể thay bằng các biện pháp khác nhân văn hơn cho cả thầy và trò.
Giáo viên còn quyền gì xử lý học sinh vi phạm kỷ luật?
Mới đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành dự thảo (lần 2) Thông tư Quy định về khen thưởng và kỉ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông thay thế Thông tư 08/1998 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ảnh minh họa chụp từ màn hình phóng sự của VTV.
Thì tại dự thảo mới chỉ còn 3 hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm.
Bên cạnh đó, tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học được ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2020 thì không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường.
Cụ thể, căn cứ vào khoản 2 Điều 38 Thông tư số 32, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm;
Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm;
Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với những quy định mới này, thì thực tế giáo viên trực tiếp đứng lớp thì không còn quyền gì để xử lý học sinh, chỉ được nhắc nhở mà nhắc nhở chung, chứ nhắc nhở tên trước lớp không khéo lại vi phạm quy định không được phê bình học sinh trước lớp.
Giáo viên đã trực tiếp đứng lớp sẽ thấy nỗi khổ của giáo viên, áp lực những chỉ tiêu "ảo" về học sinh lên lớp, xử lý học sinh nhất là học sinh cá biệt hiện nay có rất nhiều trong trường.
Hiện nay ngành giáo dục và cả giáo viên vẫn đang "lúng túng" trong việc xử lý học sinh vi phạm, đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng.
Nên nếu không có biện pháp xử lý phù hợp thì môi trường giáo dục sẽ trở nên bạo lực hơn, học sinh sẽ có nhiều học sinh vi phạm hơn, cá biệt hơn.
Với những quy định trên, thì hiện nay hầu như đã không còn "quyền" để xử lý học sinh cá biệt hay các học sinh khác.
Cả lãnh đạo nhà trường và hội đồng sư phạm hiện nay đều rất khó trong xử lý, hay nói cách khác là đang "bất lực" trong việc xử lý và tìm ra cách xử lý các học sinh vi phạm.
Nếu bây giờ khi dạy một học sinh cứ liên tục vi phạm nhiều nội quy như không học bài, không làm bài, đi trễ, trốn tiết,... thậm chí xúc phạm nhân phẩm, thân thể học sinh và cả giáo viên thì ngoài việc liên hệ gia đình thì giáo viên còn lấy "quyền" gì để xử lý học sinh.
Những chuyện "tày đình" như học sinh xúc phạm nhân phẩm, thân thể giáo viên xuất hiện trong thời gian gần đây, do giáo viên lúng túng trong cách xử lý, nay cộng thêm quy định trên thì rõ ràng có thể sẽ có rất nhiều trường hợp giáo viên "bất lực" với học sinh cá biệt, dạy học theo kiểu "sống chết mặc bây".
Một thực tế nếu học sinh biết vâng lời giáo viên, biết "sợ" giáo viên thì không chỉ em đó học tốt mà cả lớp cũng học tốt, mà "sợ" là do nội quy tốt.
Nội quy bao gồm khen thưởng và kỷ luật, khi mà chúng ta không có kỷ luật, không có cả kỷ luật tích cực thì lấy gì để giáo dục học sinh. Rõ ràng lợi bất cập hại.
Học sinh phổ thông sử dụng điện thoại, đa số có "hại"
Hiện nay, với quy định chỉ có giáo viên bộ môn mới có quyền không cho hay cho học sinh sử dụng điện thoại vì mục đích học tập.
Do đó, trường học sẽ không còn cấm học sinh đem điện thoại vào trường, được sử dụng điện thoại trong trường, sau đó khi vào lớp thì giáo viên bộ môn mới yêu cầu học sinh không được sử dụng điện thoại hoặc cho sử dụng vì mục đích học tập.
Khi đó, giáo viên cấm học sinh tuy nhiên sẽ không quản lý được, học sinh sẽ sử dụng "lén lút" truy cập mạng, nhắn tin, quay phim, chụp hình,... không tập trung học, giáo viên sẽ rất khó quản lý, thậm chí gây nhiều hệ lụy khôn lường.
Ngay cả khi giáo viên cho phép học sinh sử dụng vì mục đích học tập nhưng học sinh làm việc khác, giáo viên cũng không thể quản lý nổi.
Việc ban hành quy định cho học sinh sử dụng điện thoại truy cập tài liệu học tập, tham khảo tuy có ý tốt tuy nhiên không thể thực hiện được vì lứa tuổi học sinh cấp 2, 3 rất hiếu động, khi có điện thoại sẽ không tập trung vào bài học mà chỉ tập trung vào những việc khác, giáo viên không sử dụng điện thoại sẽ rất "loạn", vả lại nếu cho truy cấp thì cả lớp 40 - 50 học sinh, mỗi học sinh phải có một điện thoại di động.
Việc này, nên có thể cho thử nghiệm ở một vài trường chuyên, lớp chọn đánh giá hiệu quả rồi mới triển khai sẽ được đồng thuận hơn.
Hiện nay, tôi tin rằng rất ít giáo viên nào có thể điều khiển được cho học sinh sử dụng điện thoại để dạy học. Nếu chỉ có thì thông qua tiết tin học phần internet hoặc hoạt động ngoài giờ, trải nghiệm.
Tại cơ quan tôi khi làm một khảo sát thì cả 100% đều đồng ý với quy định không cho học sinh sử dụng điện thoại vì "hại" nhiều hơn lợi. Thậm chí tập thể sư phạm còn làm đơn kiến nghị tập thể lên hiệu trưởng, không cho học sinh sử dụng điện thoại.
Muốn tham khảo tài liệu, ngữ liệu học tập thì học sinh có thể sử dụng trong giờ khác, còn trong giờ học là điều không thể, rất khó quản lý vả lại thời gian 1 tiết học cũng không cho phép.
Có một thực tế rằng trong các phiên họp hội đồng, các buổi tập huấn ngay cả việc giáo viên sử dụng điện thoại để truy cập mạng xã hội, nhắn tin, xem video,... còn khó quản lý chứ đừng nói gì đến học sinh.
Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu và có các văn bản phù hợp để khi thực thi, giáo viên không bị bỏ rơi, giáo viên không phải chịu thiệt thòi, áp lực khi thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục. Đừng để môi trường giáo dục méo mó, thầy không ra thầy, trò không ra trò.
Hướng đến nâng chất lượng dạy, học Từ ngày 1-11-2020, theo quy định mới, giáo viên không phê bình học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông trước lớp, trước trường khi học sinh vi phạm khuyết điểm. Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Điều lệ Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và Trường phổ thông có nhiều cấp học kèm theo...