- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Những bài học gây tranh cãi trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1
On 12/10/2020 @ 12:30 PM In Netizen
Cụ thể, rất nhiều mẩu truyện ở trong cuốn Tiếng Việt lớp 1, tập 1 (thuộc bộ sách giáo khoa Cánh diều) được dân mạng nhận xét là sử dụng câu từ trúc trắc, không rõ ý nghĩa, gây khó hiểu cho cả người lớn chứ chưa nói tới trẻ nhỏ.
Ví dụ như trong mẩu truyện về chú Ngỗng, tác giả sử dụng rất nhiều từ ngữ được phụ huynh cho là không phù hợp với trẻ lớp 1 như: "Chúng vừa kêu vừa dùng mỏ đớp vào chân...". Và câu chốt lại thông điệp lại là: "Bị mổ liên tiếp kẻ trộm cũng phải choáng váng và chạy mất dép các bạn nhỉ?". Cụm từ "chạy mất dép" được cho là văn nói suồng sã, không phù hợp để đưa vào giảng dạy, đặc biệt là dành cho học sinh lớp 1.
Câu chuyện được nhiều phụ huynh nhận xét là sử dụng từ ngữ gây khó hiểu
Thậm chí có những mẩu chuyện nhiều phụ huynh cảm thấy hốt hoảng vì dạy trẻ con "trốn việc", "nói dối". Ví dụ như trong bài tập đọc Hai con ngựa.
Ngựa tía đã xui ngựa ô trốn việc để đỡ phải làm nhiều và ngựa ô thì trả lời "Có lý lắm". Vậy rốt cuộc thông điệp của câu chuyện trốn việc mà lại có lý này là gì?
Câu chuyện được cho là dạy trẻ cách trốn việc, lười làm
Trong bài học "Hứa và làm", khỉ đã hứa sẽ mang nhiều cỏ về cho bà nhưng "nó lại chả nhớ gì cả". Nhiều phụ huynh còn bất bình vì trong một mẩu truyện ngắn mà người viết sử dụng tới 5 từ "chả" mà lại không sử dụng từ ngữ phủ định phổ thông hơn là từ "không".
Một mẩu chuyện mà sử dụng tới 5 từ "chả" - một từ ngữ thường dùng trong giao tiếp nói chuyện
Hay trong bài "Lúa nếp và lúa tẻ" khi dùng từ ngữ giải thích, tác giả lại viết rằng: "Chị nhầm". Nhiều phụ huynh cho rằng đây là cách nói có phần "chợ búa".
Còn trong bài học về các thanh, những vần được được ra để dạy cho các bé như: "đứ, đừ, đử, đữ, đự"; "đí, đì đỉ, đị" khiến phụ huynh "không biết nên khóc hay nên cười".
Chị N.H (một giảng viên tại Hà Nội) có con chuẩn bị vào lớp 1 cũng bày tỏ quan điểm: "Vừa qua chắc các bố mẹ có con vào lớp 1 đang thi nhau mổ xẻ từng trang của SGK Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh diều). Vì bé Khanh nhà mình năm sau vào lớp 1, nên mình cũng quan tâm lắm. Và quả thực, mình xem và thấy quyển sách Tiếng Việt (tập 1) đó rất có vấn đề về mặt Tiếng Việt và về mặt giáo dục mà nguyên nhân chắc là xuất phát từ năng lực trí tuệ của người biên soạn.
Về mặt tiếng Việt, sách sử dụng nhiều từ không chuẩn, không phổ quát, đại chúng, thiên về địa phương. Về mặt giáo dục, một loạt các câu chuyện có tính chất mưu mẹo, gian xảo, lười biếng, ranh mãnh được đưa vào làm bài học đầu đời cho các cháu."
Cũng có ý kiến cho rằng, các câu chuyện này mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Mà với trẻ con lớp 1, chúng sẽ hiểu lớp nghĩa đầu tiên chứ không thể hiểu nhiều ý tứ sâu xa như vậy. Việc đưa những câu chuyện này vào vừa khó hiểu cho học sinh mà vừa khiến giáo viên khó giảng dạy.
Tuy nhiên, nhà văn Trần Nhã Thụy nhận thấy một số mẩu truyện tập đọc trong sách Tiếng Việt lớp 1 được chia thành 2 phần. Nếu phụ huynh chỉ xem một phần sẽ không hiểu câu truyện một cách đầy đủ dẫn đến phản ứng, phê phán không đáng có.
Câu chuyện Hai con ngựa, Ve và gà, Cua, cò và đàn cá... là những ví dụ. Mẩu truyện được phụ huynh chia sẻ nhiều trên các diễn đàn và cho rằng không rõ tính giáo dục.
Các mẩu chuyện được chia làm hai phần, phụ huynh nên chú ý để hiểu trọn vẹn thông điệp được truyền tải
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/nhung-bai-hoc-gay-tranh-cai-trong-sach-giao-khoa-tieng-viet-lop-1-20201012i5291937/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.