Nhiều chuyển biến trong chất lượng giáo dục toàn diện ở huyện Như Thanh
Xác định nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện là một trong những tiền đề quan trọng, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
Vì vậy, cùng với việc tạo chuyển biến trong công tác quản lý giáo dục, nền nếp, kỷ cương trường học, ngành giáo dục huyện Như Thanh đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.
Thầy, trò Trường THCS Hải Long trong giờ học ngoại ngữ.
Với tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp ngày một tăng; nhận thức về việc đầu tư cho con em học tập ở nhiều gia đình có sự chuyển biến tích cực, sâu sắc hơn; mối quan hệ giữa nhà trường và cha mẹ học sinh (HS) ngày càng mật thiết; đội ngũ cán bộ, giáo viên đoàn kết, nhiệt tình, tâm huyết với nghề… tất cả đã, đang tạo cho ngành giáo dục huyện Như Thanh những bước đi vững chắc trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Kết thúc năm học 2019-2020, ngành giáo dục huyện gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào, với tỷ lệ HS khá, giỏi bậc THCS đạt gần 50%, tăng gần 6% so với năm học 2015-2016; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ HS tiểu học được đánh giá hoàn thành môn học đạt gần 99%, HS hoàn thành mức độ hình thành và phát triển về năng lực đạt 99,52%…
Chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước chuyển mạnh mẽ. Tại kỳ thi HS giỏi các môn văn hóa lớp 8 và lớp 9 cấp huyện, có 265 em đạt giải, tăng 44 em so với năm học 2015-2016. Tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, tỷ lệ HS trúng tuyển đạt 93%, trong đó 4 em đỗ vào Trường THPT chuyên Lam Sơn . Cũng trong kỳ thi này, năm học 2020-2021, toàn huyện có 6 em trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Lam Sơn , xếp thứ 7/27 huyện, thị xã trong tỉnh có HS trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Lam Sơn…
Có được kết quả trên, ngoài sự phấn đấu, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên và HS trong dạy và học, là sự quan tâm sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân trong huyện. Bên cạnh đó, ngành giáo dục huyện luôn quan tâm, thực hiện đồng bộ các giải pháp, như chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương, đổi mới phương pháp dạy và học, đẩy mạnh phong trào thi đua “hai tốt”… nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đồng đều, tiến bộ ở tất cả các bậc học.
Trong đó, cấp mầm non tập trung đổi mới nội dung, tăng cường các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non; thực hiện các chuyên đề đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp với thực tế của địa phương, như:
Lấy trẻ làm trung tâm, tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ thông qua hoạt động vui chơi, giáo dục thẩm mỹ, kỹ năng sống, phát triển vận động cho trẻ. Đối với bậc phổ thông, tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp với đối tượng HS; rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng giảm tải; xây dựng kế hoạch dạy học và thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn địa phương và nhà trường.
Ngoài ra, ngành đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ; sắp xếp điều động, luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên đúng quy trình. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên , nhân viên tham gia đào tạo nâng chuẩn, tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá…
Đến nay, toàn ngành có 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo, hơn 85% cán bộ, giáo viên trên chuẩn. Cùng với đó, chủ trương kiên cố hóa trường lớp, xã hội hóa và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Thống kê đến tháng 10-2020, toàn huyện đã có 36/46 trường đạt chuẩn quốc gia , đạt tỷ lệ 78,26%. Trong đó, cấp mầm non đạt 71,43%, tiểu học 83,33%, THCS đạt 78,57%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng GD&ĐT huyện, cùng với những kết quả đạt được, ngành giáo dục huyện Như Thanh vẫn tồn tại những hạn chế, như: Tỷ lệ xếp loại học lực yếu, kém giảm mạnh, song vẫn còn chênh lệch giữa các địa phương trong huyện; chất lượng giáo dục mũi nhọn ở bậc THCS thiếu tính ổn định, bền vững. Việc giáo dục kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động ngoại khóa dù đã được các nhà trường, gia đình và địa phương quan tâm, song, việc tổ chức ở một số nhà trường thiếu tính thường xuyên, liên tục.
Ý thức trách nhiệm của một số cán bộ quản lý, giáo viên đối với việc nâng cao chất lượng toàn diện chưa cao, thiếu tính quyết liệt, chậm đổi mới… Những hạn chế, yếu kém trên đòi hỏi ngành giáo dục huyện Như Thanh nỗ lực hơn nữa để có giải pháp khắc phục. Từ đó, tiếp tục đưa sự nghiệp giáo dục của huyện phát triển toàn diện, vững chắc.
Trường THPT Chuyên Lam Sơn –Niềm tự hào xứ Thanh về chất lượng giáo dục
Trường THPT Chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa nổi tiếng về chất lượng giáo dục, nhiều em học sinh có thành tích học tập làm rạng danh xứ Thanh.
Lãnh đạo, thầy cô và học sinh Trường chuyên Lam Sơn đón em Nguyễn Khánh Linh đạt Huy Chương vàng Olympic Vật lý quốc tế năm 2019
Trường THPT Chuyên Lam Sơn được thành lập từ năm 1931, tiền thân là trường Collège de Thanh Hoa, Collège Đào Duy Từ, PTTH Lam Sơn và đến năm 1992 trường được đổi tên là THPT Chuyên Lam Sơn. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành các thế hệ lãnh đạo, thầy cô giáo và học sinh đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để làm nên thương hiệu đứng đầu về chất lượng giáo dục.
Trong năm học 2018 - 2019, toàn trường có tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên là 109 người; trường có 3 khối học, 33 lớp với tổng số 1146 học sinh; Học sinh giỏi toàn trường đạt tỉ lệ 97,2%, còn lại là học lực khá: 2,8%; Học sinh giỏi cấp Tỉnh các môn văn hóa: 43 HS đạt giải (8 nhất, 10 nhì, 10 ba, 15 khuyến khích) xếp thứ 2 toàn tỉnh; Học sinh giỏi cấp Tỉnh các môn TDQP: 3 nhất, 5 nhì, 2 ba, 1 khuyến khích, xếp thứ 1 toàn đoàn.
Học sinh giỏi khối 10, 11 DHĐBBB: 08 huy chương Vàng; 11 huy chương Bạc; 15 huy chương Đồng; 8 Khuyến khích; đạt tỉ lệ 100% có giải, đây cũng là kết quả tốt nhất trong 04 năm tham dự. Học sinh giỏi quốc gia: 64 HS đạt giải với 7 giải nhất, 17 giải nhì, 16 Ba, 24KK; Có 10 HS được Bộ GDĐT gọi tập huấn dự thi chọn vào đội tuyển Quốc tế.
Thi KHKT cấp quốc gia có 1 giải Ba; Thi Châu Á Thái Bình Dương: 1 Huy chương Đồng Châu Á Thái Bình Dương môn Vật lí. Thi Olympic quốc tế: 4 học sinh đạt Huy chương Vàng - Bạc trong kì thi Olympic quốc tế, trong đó 1 Huy chương Vàng Olimpic quốc tế môn Vật lí; 1 Huy chương Vàng Olimpic quốc tế môn Hóa học; 1 Huy chương Vàng Olimpic quốc tế môn Tin học; 1 Huy chương Bạc Olimpic quốc tế môn Sinh học.
Để đạt được những kết quả như ngày hôm nay, tập thể giáo viên nhà trường luôn luôn đoàn kết, có năng lực chuyên môn vững vàng và luôn phấn đấu vì sự phát triển của nhà trường. Đặc biệt, lãnh đạo nhà trường có năng lực quản lý, dám nghĩ, dám làm, luôn gương mẫu trong mọi lĩnh vực, có uy tín đối với cán bộ giáo viên.
Trường THPT chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa, ngôi trường của niềm tự hào xứ Thanh về chất lượng giáo dục
Bên cạnh đó, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; sự hỗ trợ của Hội cha mẹ học sinh và nhân dân địa phương đã tạo động lực khích lệ cho cán bộ, giáo viên nhà trường yên tâm vững vàng dạy học. Do nhà trường được đóng trên địa bàn Thành phố - Trung tâm kinh tế chính trị văn hoá của tỉnh Thanh Hóa, nên cả giáo viên và học sinh đều có môi trường tốt thuận lợi cho việc dạy và học.
Để nâng cao chất lượng giáo dục dạy và học, hằng năm nhà trường luôn tăng cường, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị để tạo điều kiện cho học sinh thực hành, học tập tốt.
Hiện nay, nhà trường có 33 phòng học kiên cố, các phòng học bộ môn với đầy đủ trang thiết bị, thí nghiệm, khu hiệu bộ 3 tầng, phòng truyền thống, thư viện, sân bãi... đảm bảo các yêu cầu của việc dạy và học. Khuôn viên nhà trường tương đối rộng rãi, thoáng mát và sạch sẽ. Từ năm học 2016- 2017, Trường chuyên Lam Sơn được chuyển đến cơ sở mới, tiếp quản lại cơ sở của Trường Đại học Hồng Đức.
Ngoài thành tích trong học tập, hằng năm nhà trường còn quan tâm đến công tác nhân ái như, Đoàn trường đã kêu gọi rộng rãi trong ĐVTN quyên góp được hàng trăm bộ quần áo, sách báo truyện, đồ dùng học tập... cùng với nguồn trích quỹ Nhân Ái Lam Sơn, năm học 2018 - 2019, nhà trường trao quà 10 chiếc xe đạp mới và gần 200 bộ SGK mới cho HS trường cấp 2-3 huyện Như Xuân. Thăm hỏi và tặng quà cho 2 gia đình cựu chiến binh trên địa bàn phường Đông Sơn nhân ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12. Thăm hỏi động viên, tặng quà cho 11 ĐV có hoàn cảnh khó khăn trong các Đội tuyển HSG Quốc gia và 11 ĐV được vào vòng 2 chọn đội tuyển tham dự Olympic quốc tế và khu vực với tổng số tiền là 11.000.000 đồng.
Thăm hỏi và tặng quà cho 5 gia đình đoàn viên, thanh niên trong nhà trường có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vươn lên trong học tập với tổng giá trị quà tặng là 7.500.000 đồng. Trao tặng 300 chiếc bánh chưng cho trẻ em điều trị lưu trú tại bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong dịp Tết nguyên Đán với tổng chi phí là 10.200.000 đồng...
Phát huy những kết quả đã đạt được của những năm học trước, trường THPT Chuyên Lam Sơn sẽ tiếp tục vững vàng gặt hái được những thành quả mới trong năm học 2019 -2020 và những năm sau.
Đặc biệt, năm 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tặng danh hiệu "Vì sự phát triển Thanh Hóa" cho 3 cá nhân đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa.
Danh sách gồm em Nguyễn Khánh Linh, Học sinh lớp 12F, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lam Sơn; Em Nguyễn Văn Chí Nguyên, Học sinh lớp 12H, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lam Sơn; Em Trịnh Hữu Gia Phúc, Học sinh lớp 12I, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lam Sơn.
Trường THCS Chu Văn An: Khẳng định chất lượng giáo dục, chú trọng công tác ATGT Trường Trung học cơ sở Chu Văn An là ngôi trường có bề dày về thành tích trong phong trào thi đua giảng dạy, học tập và trở thành lá cờ đầu của ngành giáo dục thành phố Thái Nguyên. Bên cạnh đó, nhà trường còn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông (ATGT). Trường...