- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Nhiều bố mẹ quát con học bài đến mức gân xanh nổi đầy mặt, đọc xong câu chuyện của cậu bé đáng thương này ắt hẳn sẽ suy nghĩ lại

On 09/10/2020 @ 6:42 AM In Học hành

Tiếng quát của cha mẹ cũng giống như âm thanh chói tai, nó gây nên sự ám ảnh, nỗi sợ hãi cho trẻ.

Năm học mới 2020 - 2021 bắt đầu cũng là lúc nhiều bố mẹ bước vào guồng quay học tập cùng con. Với những gia đình có con vào lớp 1, mọi việc trở nên căng thẳng bởi nhiều đứa trẻ không tiếp thu được bài. Bố mẹ phải mất thời gian giảng giải, hướng dẫn rất lâu nhưng con vẫn không biết đánh vần hoặc viết chữ cho ngay ngắn.

Chính vì vậy, nhiều người trở nên mất bình tĩnh, to tiếng quát mắng con. Về phía con trẻ, thay vì thích thú với việc tiếp thu kiến thức mới lại trở nên sợ hãi, khóc thét mỗi khi phải ngồi vào bàn học.

Thực tế nhiều cha mẹ vẫn tin rằng, "yêu cho roi, cho vọt" và nếu không nghiêm khắc thì con sẽ càng mải chơi, lười học. Tuy nhiên quan niệm này có lẽ sẽ thay đổi sau khi người lớn biết đến cuộc thí nghiệm Albert - một trong những thí nghiệm tai tiếng nhất lịch sử.

Nhiều bố mẹ quát con học bài đến mức gân xanh nổi đầy mặt, đọc xong câu chuyện của cậu bé đáng thương này ắt hẳn sẽ suy nghĩ lại - Hình 1

Nhiều cha mẹ phải dùng đến đòn roi, quát mắng để kèm con học - Ảnh minh họa.

Thí nghiệm tâm lý học "Albert bé nhỏ"

John Broads Watson (sinh năm 1878) là một nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ - nổi tiếng với việc thành lập trường phái tâm lý học hành vi. Trong suốt cuộc đời mình, Watson đã thực hiện nhiều nghiên cứu, trong đó nổi tiếng và cả tai tiếng nhất chính là "thí nghiệm Albert bé nhỏ" (Little Albert).

Theo đó vào năm 1920, John Broads Watson và trợ lý Rosalie Reiner đã tiến hành một thí nghiệm tại Đại học Johns Hopkins. Mục đích thí nghiệm nhằm chỉ ra những tác động từ môi trường bên ngoài ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Đối tượng được chọn năm ấy là cậu bé Albert, mới 9 tháng tuổi. Trước đó, mẹ của Albert đã đồng ý cho con tham gia thí nghiệm.

Ban đầu, Watson cho Albert tiếp xúc với chuột trắng, thỏ, khỉ và một chiếc mặt nạ Santa Claus. Đứa trẻ lúc này không sợ hãi bất kỳ món đồ nào, thậm chí còn rất thích thú và muốn được chạm vào chúng.

Sau đó, Watson tiếp tục cho bé Allbert chơi với chú chuột. Nhưng khi cậu bé chạm vào con vật nhỏ thì nhà tâm lý học lại tạo ra một thứ âm thanh ong tai, chát chúa bằng cách lấy búa đập vào kim loại. Đứa trẻ giật mình và bắt đầu khóc lớn khi nghe thấy tiếng động. Khi Albert cố gắng với lấy con chuột một lần nữa, Watson và trợ lý tiếp tục tạo ra âm thanh chát chúa kia.

Nhiều bố mẹ quát con học bài đến mức gân xanh nổi đầy mặt, đọc xong câu chuyện của cậu bé đáng thương này ắt hẳn sẽ suy nghĩ lại - Hình 2

Bé Albert tội nghiệp trở nên sợ hãi trước mọi động vật có lông.

Sự việc này tiếp diễn nhiều lần dẫn đến việc Albert tội nghiệp hình thành phản xạ có điều kiện: Mỗi khi nhìn thấy chuột, dù không chạm vào và chơi với nó, thậm chí không có tiếng động của thanh kim loại thì cậu bé vẫn sợ hãi, khóc thét và cố gắng thoát khỏi con chuột.

Không chỉ vậy, Albert còn dần sợ hãi cả các đồ vật, động vật có lông khác. Thậm chí một chiếc áo khoác lông thú cũng khiến cho bé run rẩy, khóc lóc và cố bò đi xa. Watson sau đó kết luận: Phản ứng cảm xúc của con người thực sự là sản phẩm của các kích thích bên ngoài.

"Vì phản ứng cảm xúc của mọi người đến từ những kích thích bên ngoài, nên nếu trẻ khỏe mạnh và được nuôi dưỡng trong một môi trường đủ tốt, chắc chắn những đứa trẻ này sẽ được tôi đào tạo để trở thành luật sư, bác sĩ. Chính môi trường nuôi dạy trẻ có thể khiến một đứa bé trở thành người giàu, kẻ trộm, người ăn xin, cảnh sát hay bất kỳ kiểu người thành công hoặc thất bại nào đó mà hoàn toàn không phụ thuộc vào di truyền hay tố chất sẵn có sinh ra của đứa trẻ", nhà tâm lý này cho hay.

Watson đã bị chỉ trích dữ dội bởi gây ra những chấn thương tinh thần nghiêm trọng cho một đứa bé. Thí nghiệm của ông là vô nhân đạo nhưng sau đó cũng gây ra tác động sâu sắc đến việc giáo dục trẻ nhỏ. Đồng thời nó chỉ ra ảnh hưởng của môi trường sẽ tác động thế nào đến trẻ, trong hành vi thường ngày và cả vấn đề học tập.

Nhiều bố mẹ quát con học bài đến mức gân xanh nổi đầy mặt, đọc xong câu chuyện của cậu bé đáng thương này ắt hẳn sẽ suy nghĩ lại - Hình 3

Một số học giả cho biết, sự mất bình tĩnh, quát mắng của cha mẹ khi kèm con học cũng thực sự tàn nhẫn giống cách làm thí nghiệm của Watson trên Albert. Tiếng quát của cha mẹ cũng giống như âm thanh chói tai mà nhà tâm lý học nọ đã tạo ra. Nó gây nên sự ám ảnh, nỗi sợ hãi cho trẻ. Nếu Albert đâm ra sợ chuột và các động vật có lông thì trẻ cũng có thể sợ hãi, chán ghét việc học.

Chính vì vậy, trong quá trình dạy dỗ bố mẹ cần giữ bình tĩnh, từ từ giảng giải và tuyệt đối không đánh đòn, quát mắng con. Hãy nhớ, con bạn giống như một mầm cây. Nếu muốn cây phát triển, bạn cần một quá trình tưới tắm, chăm bón mỗi ngày...


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/nhieu-bo-me-quat-con-hoc-bai-den-muc-gan-xanh-noi-day-mat-doc-xong-cau-chuyen-cua-cau-be-dang-thuong-nay-at-han-se-suy-nghi-lai-20201009i5284124/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.