Nhật không cấp visa cho cư dân Crimea, Putin nói gì?
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga đã miễn thị thực cho người Nhật Bản tới quần đảo Kuril và trong bối cảnh này, thật kỳ lạ khi Nhật Bản không cấp thị thực cho cư dân Crimea của Nga.
Tổng thống Nga Putin (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) ngày 5/9, Tổng thống Nga Putin nói: “Tất nhiên, điều rất kỳ lạ đối với chúng tôi là Nhật Bản, chẳng hạn, đã không cấp thị thực cho một công dân cụ thể, nhưng, mà là đối với tất cả người dân Crimea. Nhật Bản ở đâu, và Crimea ở đâu”.
Ông Putin lưu ý rằng Nga, vì lý do nhân đạo, đã đáp ứng yêu cầu của các cư dân cũ ở phía nam quần đảo Kuril khi đến thăm vùng lãnh thổ này. Theo ông, quyết định này cũng bao hàm động thái chính trị, vì nhà nước Nhật Bản đã từ chối cấp thị thực cho công dân của mình trên các đảo này.
“Chúng tôi hiểu sự tế nhị của tình huống này và sẽ tiếp tục đáp ứng yêu cầu của những cư dân đó”, Tổng thống Putin nói thêm.
Video đang HOT
Trước đó, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng ông đã tổ chức rất nhiều cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin đến mức họ “ăn cả pound muối với nhau”.
Theo ông, cuộc gặp này của ông với tổng thống Putin đã là cuộc gặp lần thứ 27.
Ngoài ra, trong phiên họp toàn thể, ông Abe đã bình luận về tình hình hiệp ước hòa bình.
“Nhật Bản và Nga cần cùng nhau tạo ra tương lai bây giờ… Vladimir, bạn và tôi nhìn thấy cùng một tương lai. Hãy tiến về phía tương lai ấy… Năm tới đánh dấu 75 năm kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh lớn. 30 năm đã trôi qua kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Năm 1956, các nước chúng ta kiên quyết hứa với nhau xây dựng quan hệ dựa trên các nguyên tắc hòa bình và láng giềng tốt đẹp, không đấu tranh với nhau nữa và không coi nhau là kẻ thù”, – ông Shinzo Abe nói.
Theo Danviet
Khi xưa Nga cần G7 để trở lại chính trường, nay thì...
Không phải G7 nói chung hay Pháp nói riêng mà chỉ có ông Putin mới có thể tác động hiệu quả nhất tới cả Mỹ và Iran.
Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố ông sẽ mời Nga trở lại G7.
Kể từ năm 2014, khuôn khổ diễn đàn G8 chỉ còn là G7. Năm 1998, các thành viên của nhóm G7 kết nạp Nga và làm cho G7 trở thành G8. Việc loại Nga ra khỏi khuôn khổ diễn đàn đặc biệt có từ năm 1975 này, các thành viên G7 muốn trừng phạt Nga vì đã tiếp nhận Crimea và hậu thuẫn phe ly khai chống chính phủ ở Ukraine. Các nước Phương Tây áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại và tài chính cùng với việc tìm cách cô lập Nga về chính trị trên thế giới.
Điều kiện mà G7 đặt ra cho Nga để được trở lại khuôn khổ diễn đàn này là Nga phải buông bỏ Crimea và chấm dứt hậu thuẫn phe ly khai chống chính phủ ở Ukraine. Họ cho rằng chỉ cần như thế thôi thì toàn bộ vấn để Ukraine sẽ được giải quyết. Từ năm 2014, Nga không tham dự những hoạt động chung của khuôn khổ diễn đàn này. Nhưng thực tiễn cho đến nay lại đưa đến một nghịch lý là G7 càng ngày càng cần Nga trong khi Nga càng ngày càng không còn cần đến G7 như trước.
Điều này thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết ở hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G7 do Pháp tổ chức trên cương vị chủ tịch luân phiên đương nhiệm ở thành phố Biarritz. Tại đó, tổng thống Mỹ Donald Trump đã không được các thành viên khác tham dự đồng tình với ý tưởng kết nạp lại Nga vào khuôn khổ diễn đàn. Nhưng ông Trump đã đẩy các thành viên kia vào ngay tình thế khó xử khi tuyên bố sẽ xem xét mời Nga tham dự hội nghị cấp cao thường niên sang năm của nhóm G7 do Mỹ tổ chức trên cương vị chủ tịch luân phiên đương nhiệm. Chủ nhà có quyền mời khách và chắc chắn các vị lãnh đạo các nước thành viên khác của nhóm sẽ không vì tổng thống Nga Vladimir Putin được ông Trump mời tham dự mà tẩy chay sự kiện lớn vốn được coi là đặc quyền đặc lợi của họ.
G7 hiện cần Nga như thế nào thể hiện ở chỗ tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải gặp riêng ông Putin trước khi đóng vai trò nước chủ nhà của hội nghị cấp cao năm nay của G7 được Pháp tổ chức ở thành phố Biarritz. Ông Macron ý thức được rằng hiện có ít nhất 4 vấn đề nội dung nan giải đối với G7 mà nhóm này lệ thuộc vào Nga nếu muốn giải quyết ổn thoả là Ukraine, Iran, an ninh cho châu Âu và giải trừ vũ khí hạt nhân.
Ở châu Âu, Nato đã coi Nga là kẻ thù và thế trận đối đầu quân sự giữa hai bên đã định hình cho dù cả hai bên đều thừa hiểu là sẽ không để xảy ra đụng độ quân sự với nhau, lại càng không thể để xảy ra chiến tranh với nhau. Chỉ hợp tác và hoà dịu với Nga thì Eu và Nato mới có thể hết lo ngại về an ninh ở châu Âu.
Sau khi Hiệp ước về tên lửa hạt nhân tầm trung (INF) giữa Mỹ và Nga không còn hiệu lực, chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Mỹ, Nga và cả thêm một số đối tác nữa là không thể tránh khỏi, cho dù không đến mức quyết liệt như ở thời chiến tranh lạnh trong thế kỷ trước. Chính các thành viên EU và Nato ở châu Âu sẽ lãnh đủ và trước hết hậu quả, tác động và hệ luỵ của cuộc chạy đua vũ trang này. Chỉ khi hợp tác và hoà dịu với Nga cùng với tranh thủ Mỹ thì EU và Nato ở châu Âu mới tránh được trở thành con tin của cuộc ganh đua chiến lược về chính trị thế giới, quân sự và an ninh giữa Mỹ và Nga.
Ông Macron muốn tận dụng dịp nước Pháp làm chủ tịch luân phiên đương nhiệm của G7 để gây dựng và đề cao cho nước Pháp và chính mình vai trò chính trị thế giới và dẫn dắt EU. Người này nhìn nhận ở việc đứng ra đảm trách vai trò trung gian hoà giải giữa Mỹ và Iran cũng như giữa Ukraine và Nga hiện là cơ hội khó có lại được để thực thi và tận lợi để đạt được tham vọng trên. Người này muốn tổ chức một cuộc gặp cấp cao của Nhóm Normandie về Ukraine - gồm Nga, Ucraine, Đức và Pháp - vừa để khôi phục lại khuôn khổ này vừa tạo cơ hội cho tân tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky được lần đầu tiên gặp ông Putin. Chẳng phải thành bại hay không đều phụ thuộc vào ông Putin hay sao? G7 muốn có vai trò trong việc giải quyết vấn đề Ukraine chẳng phải cũng phụ thuộc rất quyết định vào ông Putin hay sao ?
Hay liên quan đến mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Nga cũng vậy. Không phải G7 nói chung hay Pháp nói riêng mà chỉ có ông Putin mới có thể tác động hiệu quả nhất tới cả Mỹ và Iran. Ở Biarritz, ông Macron cho biết G7 nhất trí về 2 mục tiêu trong chính sách và quan hệ với Iran là thúc đẩy hoà bình và an ninh ở vùng Vịnh cũng như không để cho Iran có vũ khí hạt nhân. Không có được Nga cùng hội cùng thuyền thì G7 làm sao đạt được cả hai mục tiêu ấy.
Khi xưa, Nga cần G7 để trở lại chính trường thế giới. Bây giờ, G7 lệ thuộc vào Nga trong không ít vấn đề quan trọng đối với G7. Nga được lợi cả khi ở bên ngoài G7 vì thế, Nga sẽ không từ chối việc trở lại khuôn khổ diễn đàn này, nhưng chắc chắn không bằng mọi giá.
Theo Danviet
Hành động quỳ gối bất ngờ của Putin khiến người hâm mộ tan chảy Tổng thống Nga Putin đã có hành động quỳ gối hôn tay một bé gái múa ba lê rất dễ thương khiến nhiều người thích thú dành tình cảm yêu quý vì sự giản dị của ông. Bé gái chìa tay ra xin bắt tay Tổng thống và được ông đáp lại bằng kiểu chào rất lịch lãm. Tổng thống Nga Putin đã...