Nhận định chứng khoán tuần tới: Triển vọng mở rộng đà tăng
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua (từ 23 – 27/11) diễn biến tích cực. VN – Index vượt mốc 1.000 điểm một cách nhẹ nhàng và vững vàng trên mốc này cho đến cuối tuần. Dòng tiền lan tỏa ra các nhóm cổ phiếu, cùng đó là mức thanh khoản ở mức cao kỷ lục. Với những diễn biến hiện tại của thị trường, đa số các công ty chứng khoán nhận định xu hướng thị trường tiếp tục đi lên trong tuần tới (từ 30/11 – 4/12).
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua (từ 23 – 27/11) diễn biến tích cực. VN – Index vượt mốc 1.000 điểm một cách nhẹ nhàng và vững vàng trên mốc này cho đến cuối tuần. Ảnh minh họa: TTXVN
Chưa có dấu hiệu “nghỉ ngơi”
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC, hành trình đi lên vượt dần mọi đỉnh cao ngắn hạn của thị trường vẫn chưa chấm dứt. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn hay nhỏ vẫn duy trì đà tăng vững vàng, tuy nhiên vẫn còn nhiều cổ phiếu không “hòa mình” cùng xu hướng.
“Chưa có dấu hiệu nghỉ ngơi của thị trường nên chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực, tuy nhiên các nhà đầu tư cần lưu ý chọn cổ phiếu có xu hướng cũng như dòng tiền đang chảy mạnh vào cổ phiếu đó”, VDSC khuyến nghị.
Nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS cho rằng, dòng tiền chảy mạnh và có tính lan tỏa tốt giúp thị trường tiếp tục khởi sắc và chỉ số VN – Index đóng cửa tuần đã vượt xa ngưỡng kháng cự tâm lý 1.000 điểm.
Sự luân chuyển của dòng tiền ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt và ở các trụ là những dấu hiệu cho thấy thị trường mạnh, xu hướng đi lên chậm chắc và mặt bằng cổ phiếu cũng được nâng dần lên.
Về kỹ thuật, chỉ số VN – Index có triển vọng mở rộng đà tăng để hướng đến vùng đỉnh cuối năm ngoái ở khu vực 1.030 – 1.040 điểm.
Cùng chung quan điểm, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, chỉ số VN – Index đã xác nhận việc bứt phá hoàn toàn khỏi mốc tâm lý 1.000 điểm khi duy trì trên mức này 2 phiên liên tiếp đi kèm với khối lượng giao dịch trên đường trung bình 50 ngày. Do vậy, chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới với mục tiêu gần nằm tại 1.030 – 1.040 điểm.
Có góc nhìn thận trọng hơn, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, trên biểu đồ kỹ thuật, VN – Index hiện đã tiến vào vùng kháng cự mạnh trong khoảng 1.000 – 1.030 điểm (đỉnh tháng 11/2019) và áp lực bán trong khoảng này sẽ gia tăng và khiến thị trường rung lắc mạnh, nên khả năng điều chỉnh trở lại trong thời gian tới là có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, khối ngoại quay trở lại bán ròng nhẹ trong tuần qua với hơn 300 tỷ đồng trên hai sàn là một điểm tiêu cực.
Tuy nhiên, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 12 tiếp tục duy trì basis (sự khác biệt giữa giá của hợp đồng tương lai và giá trị của tài sản cơ bản) ở mức dương 3,39 điểm so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy các nhà giao dịch trên thị trường phái sinh vẫn lạc quan về xu hướng hiện tại.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (30/11 – 4/12), VN – Index có thể sẽ tiếp tục diễn ra những rung lắc trước áp lực bán trong vùng kháng cự 1.000 – 1.030 điểm (đỉnh tháng 11/2019).
SHS khuyến nghị nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục có thể bán ra chốt lời khi thị trường nằm trong vùng kháng cự mạnh trong khoảng 1.000 – 1.030 điểm. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể canh những nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.000 điểm để giải ngân trở lại.
Về diễn biến thị trường, tuần qua đã là tuần thứ tư tăng liên tiếp của thị trường chứng khoán Việt Nam với thanh khoản ở mức cao kỷ lục. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN – Index tăng 20,22 điểm lên 1.010,22 điểm; HNX – Index tăng 0,96 điểm lên 148,17 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với gần 12.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 10,7% lên 53.589 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 1,4% lên 2.433 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 7% lên 5.805 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 7,8% lên 355 triệu cổ phiếu.
Với việc thị trường tiếp tục tăng điểm trong tuần qua toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng.
Nhóm cổ phiếu họ Vingroup là một trong những nhóm có mức tăng mạnh mẽ nhất với VIC tăng 1,3%, VHM tăng 5,7%, VRE tăng 1%. Đây là nhóm có tỷ lệ vốn hóa lớn lên có tác dụng kéo chỉ số VN-Index rất nhiều.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán bứt phá với SSI tăng 6,3%, HCM tăng 5,1%, VCI tăng 4,9%, VND tăng 6,4%, SHS tăng 1,4%…Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là một trong những nhóm tích cực nhất thị trường với TCB tăng 1,3%, VCB tăng 2,2%, CTG tăng 2,6%, BID tăng 3%, HDB tăng 5,5%, VPB tăng 5,9%…
Nhóm tiện ích cộng đồng tăng 2,2% giá trị vốn hóa. Cụ thể, các mã trụ cột như GAS tăng 2,1%, POW tăng 3,7%…Nhóm công nghiệp tăng 2,1% giá trị vốn hóa với các mã tiêu biểu như VCG tăng 2,4%, PHP tăng 10,8%…
Các nhóm ngành khác đều có mức tăng tốt như dầu khí tăng 1,8% giá trị vốn hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng 1,5% giá trị vốn hóa, hàng tiêu dùng tăng 0,9% giá trị vốn hóa, nguyên vật liệu tăng 0,8% giá trị vốn hóa. Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng tích cực trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới cũng đồng loạt đi lên.
Chứng khoán thế giới lạc quan nhờ vaccine ngừa COVID-19
Tuần qua, Phố Wall ghi nhận một tuần khởi sắc, với chỉ số Dow Jones đã vượt mốc 30.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử nhờ những tiến triển trong quá trình sản xuất vaccine ngừa COVID-19 . Tính chung cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,27%; chỉ số S&P 500 tăng 2,21%, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,96%.
Công ty dược phẩm AstraZeneca của Anh cho biết, vaccine ngừa COVID-19 của họ có thể đạt hiệu quả khoảng 90% mà không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào, đồng thời khẳng định sẽ xin cấp phép từ cơ quan quản lý để sản xuất sản phẩm này. Thông báo này cùng với những thông báo khả quan trước đó của Pfizer/BioNTech và Moderna đang củng cố hy vọng rằng nền kinh tế có thể khởi sắc.
Theo các nhà quan sát, những diễn biến mới trên đã giúp xoa dịu những lo ngại về sự gia tăng các ca mắc COVID-19.
Các chuyên gia nhận định mặc dù kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song Phố Wall vẫn đi lên trong những tháng gần đây, nhờ những tiến triển trong sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19 và biện pháp hỗ trợ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á vẫn duy trì động lực đi lên trong phiên 27/11, khi các nhà đầu tư tiếp tục được khích lệ trước triển vọng sẽ có vaccine ngừa COVID-19 trong vài tuần tới.
Chốt phiên này, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tiếp tục đà tăng giá kéo dài sáu ngày, với mức tăng 0,28%, hay 75,23 điểm, lên 26.894,68 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 1,14%, hay 38,57 điểm, lên 3.408,31 điểm.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng phiên thứ tư liên tiếp, khi tăng 0,4%, hay 107,4 điểm, lên 26.644,71 điểm.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,29%, hay 7,54 điểm, lên 2.633,45 điểm, chạm mức cao kỷ lục phiên thứ hai liên tiếp.
Giá xăng dầu hôm nay 28/11: Tăng 8% trong tuần
Giá xăng dầu hôm nay 28/11: Tăng cao nhất trong 8 tháng qua, WTI ngưỡng 45,53 USD/thùng; Dầu Brent ngưỡng 48,18 USD/thùng.
Giá xăng dầu được dự báo chịu tác động của cuộc họp OPEC .
Cập nhật giá xăng dầu đầu phiên sáng 28/11 với những thông tin mới nhất. Giá dầu thô đã tăng 8% trong tuần nhờ kỳ vọng vào vaccine Covid-19.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay (28/11)
Kết thúc phiên giao dịch tuần này, giá dầu thô tăng hơn 8% trong tuần dù biến động trái chiều vào thứ Sáu trước thềm cuộc họp OPEC vào đầu tuần tới.
Cụ thể, dầu thô WTI giảm 0,18 USD/thùng tương ứng 0,39% xuống mức 45,53 USD/thùng; Dầu Brent tăng 0,38 USD/thùng tương ứng 0,80 lên mức 48,18 USD/thùng.
Cả hai loại dầu tiêu chuẩn đều tăng khoảng 7% trong tuần nhờ kỳ vọng vào vaccine Covid-19 tiềm năng từ AstraZeneca và những hãng trước đó.
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về loại kỳ vọng vào vaccine Covid-19 này khi một số nhà khoa học cảnh báo phải thận trọng về kết quả thử nghiệm.
Trong khi đó, tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga đang có xu hướng trì hoãn việc tăng sản lượng dầu theo kế hoạch trong năm tới và có những vấn đề rạn nứt mối quan hệ giữa các thành viên giữa việc yêu cầu một đợt hạn chế mới có thể ảnh hưởng đến giá dầu thô trong tuần tới.
Các nhà phân tích nhận định, các đợt tăng giá gần đây của giá dầu khiến cho các thành viên OPEC miễn cưỡng thực hiện lệnh cắt giảm của tổ chức với sự trì hoãn được viện cớ bằng đủ các lý do. Và điều này còn tác động đến giá dầu cho đến khi cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 30/11 và 1/12 tới.
Trước đó, OPEC đã có kế hoạch tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày vào tháng Giêng - khoảng 2% tổng tiêu thụ toàn cầu kể từ sau khi nguồn cung cắt giảm kỷ lục trong năm nay.
Giá xăng dầu trong nước hôm nay biến động thế nào?
Giá bán các loại xăng dầu trong nước hôm nay được áp dụng theo kỳ điều chỉnh từ 15h ngày 26/11.
Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 609 đồng/lít, RON95-III tăng 650 đồng/lít, dầu diesel tăng 596 đồng/lít, dầu hỏa tăng 576 đồng/lít, Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 651 đồng/kg so với giá hiện hành.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên như sau: Xăng E5 RON92 không cao hơn 14.494 đồng/lít, xăng RON95-III không cao hơn 15.351 đồng/lít, dầu diesel 0.05S không cao hơn 11.434 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 10.138 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 11.742 đồng/kg.
Giá bạc đang trong đà giảm nhờ triển vọng tích cực của hồi phục kinh tế toàn cầu Sắc đỏ bao trùm bảng giá các mặt hàng kim loại được giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam trong ngày hôm qua. Trong đó, mức giảm của bạc lớn hơn cả, khi đóng cửa ngày giao dịch 23/11, giá bạc tháng 12 giảm 3% xuống chỉ còn 23.633 USD/ounce, thấp nhất trong vòng 1 tháng. Giá bạc bất ngờ...