Nhà mạng sẽ “bắt tay” doanh nghiệp OTT để cung cấp dịch vụ cho khách hàng
Sức ép đến từ dịch vụ thoại, nhắn tin miễn phí ngày càng lớn, cả Viettel, MobiFone, VinaPhone đều cho biết sẽ bắt tay cùng doanh nghiệp OTT để tìm tiếng nói chung.
Nhà mạng “sốt ruột” đợi chính sách OTT
Trao đổi tại buổi Tọa đàm “Triển vọng thị trường viễn thông Việt Nam 2014″ diễn ra hôm nay (30/12), câu chuyện các dịch vụ OTT cung cấp dịch vụ thoại, tin nhắn miễn phí trên Internet không khác gì một doanh nghiệp viễn thông tiếp tục trở thành chủ đề nóng. Đại diện các nhà mạng thừa nhận đây đang là vấn đề gây “đau đầu”, nhất là khi dịch vụ như Viber trong tháng 12/2013 đã tiếp tục ra mắt dịch vụ cho phép người dùng smartphone, máy tính có thể gọi trực tiếp đến số điện thoại cố định, di động ngay cả khi thiết bị không cài đặt ứng dụng.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc MobiFone bày tỏ sự bất cập: Trong khi các nhà mạng như MobiFone, VinaPhone hay Viettel đều phải tuân thủ luật cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, thì các doanh nghiệp OTT một mặt đang được “tự do” cung cấp dịch vụ, một mặt vẫn chưa bị siết, chưa phải tuân thủ bất kỳ quy định gì của luật pháp.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Sơn Hải – Phó trưởng phòng Kinh doanh của VinaPhone bày tỏ: Trong thời gian qua các dịch vụ OTT đã có sự quảng bá, đầu tư mạnh tay để xây dựng thương hiệu và phát triển cộng đồng. Về bản chất, doanh nghiệp OTT đã có sự cạnh tranh trực tiếp với các nhà mạng truyền thống và thực tế là khoảng 2 năm qua, VinaPhone đã chịu sự ảnh hưởng lớn từ dịch vụ thoại và tin nhắn của các ứng dụng OTT.
Dù vậy, cũng như thông tin được trao đổi tại các cuộc hội thảo và tọa đàm về OTT thời gian qua, một lần nữa, cả ba nhà mạng MobiFone, MobiFone và VinaPhone đều bày tỏ thiện chí cùng hợp tác với các doanh nghiệp OTT, cùng xây dựng một thị trường viễn thông lành mạnh.
Video đang HOT
Theo quan điểm của bà Phạm Thanh Vân – Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom, OTT tuy có ảnh hưởng tới các nhà mạng, rõ nhất ở hai phần doanh thu chính là thoại và SMS, tuy nhiên quan điểm của Viettel là những gì thuộc về xu thế thì sẽ cùng phát triển “cộng sinh”, chứ không chống lại.
Theo bà Phạm Thanh Vân, nếu nhìn nhận một cách công bằng thì việc các doanh nghiệp OTT nhảy vào Việt Nam, tuy có thiệt hại cho nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng đem lại sức ép về cách thức kinh doanh, cách đi trên thị trường. Viettel mong muốn vẫn có lợi cho người tiêu dùng, thị trường Việt Nam phát triển tốt hơn, tuy nhiên Bộ TT&TT cũng cần sớm đưa ra hướng quản lý đối với các doanh nghiệp OTT.
Trong khi đó đại diện VinaPhone cho rằng sự hợp tác chắc chắn phải có. Chuyện mạng viễn thông phải vừa cạnh tranh và hợp tác với OTT cung cấp thoại, tin nhắn, sự cạnh tranh là đương nhiên và bình thường trên cơ sở mục đích đem lại tiện ích cho khách hàng và lợi nhuận chung.
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp viễn thông cho hay trong khi chờ hướng dẫn của Bộ TT&TT thì trước mắt sẽ tiếp tục trao đổi với doanh nghiệp OTT để có tiếng nói chung, dù rằng cách tiếp cận của từng nhà mạng với OTT đang khác nhau.
“Riêng với MobiFone, chúng tôi đã gặp gỡ Viber, Zalo… để bàn cách hợp tác cùng có lợi. Trong đó, việc xây dựng gói cước 3G cho OTT là một trong những điểm MobiFone đang quan tâm”, ông Nguyễn Đình Chiến cho hay.
Sẽ có chính sách quản lý dịch vụ OTT
Trao đổi tại Tọa đàm, ông Phạm Hồng Hải – Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT bày tỏ, trên thế giới hiện có một số xu hướng khác nhau trong vấn đề “đối xử” với OTT. Có nước cấm dịch vụ OTT, có những nước không quản lý, chỉ coi đây là một dịch vụ giá trị gia tăng bình thường, không cần phải quản lý bằng các chính sách nhưng cũng có một số quốc gia lại đưa quản lý ở tầm vĩ mô.
Ông Phạm Hồng Hải (thứ hai từ phải sang). Ảnh: N.Đ
Theo ông Hải, riêng với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay thì việc đưa vào quản lý OTT là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tạo sự hợp tác giữa các nhà mạng và các nhà cung cấp ứng dụng OTT. Các nhà mạng và doanh nghiệp OTT tăng cường trao đổi để xem xét hình thức nào các bên cùng có lợi và đảm bảo quyền truy cập, sử dụng dịch vụ OTT của người sử dụng.
“Qua một thời gian chờ đợi phản ứng từ doanh nghiệp OTT và nhà mạng, Cục Viễn thông sẽ đề xuất một số định hướng, giải pháp về chính sách, sẽ lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và cộng đồng trước khi trình Bộ TT&TT ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, ông Phạm Hồng Hải nói.
Theo ICTnews
Sắp có chính sách quản lí dịch vụ OTT
Việt Nam không cấm các doanh nghiệp OTT (Over-the-top) hoạt động, nhưng chính sách quản lí sẽ yêu cầu họ phải có trách nhiệm đối với nhà mạng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son vừa yêu cầu Cục Viễn thông phải xây dựng xong chính sách quản lí các ứng dụng và doanh nghiệp OTT trong 6 tháng đầu năm 2014, theo hướng yêu cầu những doanh nghiệp, ứng dụng này hoạt động một cách có "trách nhiệm" đối với nhà mạng, đảm bảo các bên đều phải có lợi. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Viễn thông trong năm tới nhằm xây dựng, tổ chức thị trường viễn thông phát triển bền vững, Bộ trưởng Son khẳng định.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là phải đảm bảo rằng những chính sách này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dùng dịch vụ.
Thời gian qua, các ứng dụng OTT như Viber, WhatsApp, Line, Kakao Talk, Zalo... đã nhanh chóng xuất hiện và trở nên phổ biến nhờ những lợi ích rõ rệt cho người dùng như nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng Internet. Tuy nhiên, sự nổi lên chóng mặt của các ứng dụng OTT cũng chính là nỗi lo sợ của các nhà mạng, bởi họ cho rằng OTT sẽ ăn lẹm vào doanh thu nhắn tin SMS và đàm thoại qua mạng di động. Một số nhà mạng như Viettel thậm chí đã từng kêu gọi Bộ TT&TT cấm hoàn toàn các ứng dụng OTT tại Việt Nam.
Tuy nhiên, quản lí OTT như thế nào thì vẫn chưa có một quy chuẩn ứng xử thống nhất trên phạm vi toàn thế giới. Trong khi Ả rập và một số nước châu Âu cấm cửa OTT thì Mỹ lại thả nổi không quản lí, Hàn Quốc và Nhật Bản lại có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp OTT vươn ra quốc tế... Trong khi chờ đợi sự cứu giúp từ phía chính sách, một số nhà mạng quốc tế đã chủ động bắt tay cùng các ứng dụng OTT để xây dựng những gói cước OTT chuyên biệt.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) công bố tại Ngày Internet Việt Nam 4/12, tỉ lệ sử dụng các dịch vụ OTT qua smartphone tại Việt Nam đang tăng dần từ 24,7% trong năm 2012 lên 33,8% vào năm 2013; dự kiến 3 năm 2014 - 2015 - 2016 sẽ tiếp tục đạt được các mức 41% - 44,2% - 45,5%.
Theo Vietnamnet
Viber đã chính thức vào thị trường Việt Nam? Việc gửi lời chào trong một sự kiện ca nhạc đêm Giáng Sinh tại TP.HCM, Viber đã quyết định chính thức bước vào thị trường Việt Nam? Viber đã gửi lời chào tới Việt Nam qua sự kiện Giáng sinh Tím - Ảnh: Viber Ngày 27/12, trên trang tinhte.vn xuất hiện bài quảng cáo với tựa đề Giáng Sinh Tím - Lời chào...