Nhà hàng nhỏ có 20.000 người đợi đến lượt ăn tối
Nằm ở vùng ngoại ô, nhà hàng của đầu bếp gốc Ấn Độ Helly Raichura chỉ phục vụ 12 người mỗi tối, bất chấp danh sách chờ dài dằng dặc.
Nằm sâu trong vùng ngoại ô Melbourne là Enter Via Laundry, một nhà hàng chỉ phục vụ bữa tối cho 12 thực khách mỗi đêm. Danh sách khách chờ đến lượt hiện nay lên đến 20.000 người.
Quán ăn nhỏ nằm ở ngoại ô của Helly Raichura. Ảnh: Nadia Gareth/Escape
Thực khách tới dùng bữa phải đi qua một lối, mà theo đánh giá của Melissa Leong , cây viết của Escape, là không giống bất kỳ nơi nào cô từng gặp. Bạn phải đi vào cửa hông của một tiệm giặt là, rồi bước vào phòng ăn của Helly Raichura – đầu bếp nổi tiếng lớn lên ở Gujarat, Ấn Độ. Nữ đầu bếp sáng tạo ra các món ăn phức tạp, được nghiên cứu tỉ mỉ và đậm chất Ấn Độ.
Cô cho biết ẩm thực Ấn Độ đa dạng, và từng vùng có nét đặc trưng riêng. Có rất ít sách vở, tài liệu trực tuyến đáng tin cậy để nói về ẩm thực quê hương Helly. Vì vậy, cô tự gọi điện, viết thư và phỏng vấn rất nhiều người để tự xây dựng thực đơn cho nhà hàng của mình. Hiện tại, nhà hàng mang đến các món ăn độc đáo mà bạn chưa từng nghe đến cho đến khi được thưởng thức.
Món Khandvi nổi tiếng tại cửa hàng của Helly. Ảnh: Holly Engelhardt/Escape
Một trong những món ăn nổi tiếng của Helly, từng lên sóng MasterChef năm nay là “Pasta không phải pasta” hay Khandvi – một món ăn truyền thống của bang Maharashtrian, Ấn Độ. Món ăn nhìn khá giống mỳ Ý, với nước dùng thơm mùi dừa, hạt mù tạt, a nguỳ (asafoetida), vừng, ớt xanh và gừng… Tuy nhiên, món ăn này lại làm bằng bột đậu gà, thay vì bột mì và sợi mì dường như tan ra ngay trên đầu lưỡi của thực khách.
Kỳ lạ giếng cổ hàng trăm năm tuổi, quanh năm không cạn nước ở Quảng Ngãi
Khi tất cả giếng nước trên đảo Lý Sơn đều nhiễm mặn, hoặc cạn trơ đáy thì giếng Xó La vẫn đầy ắp nước ngọt. Dù rằng, giếng nước này nằm sát mép biển.
Giếng Xó La là giếng nước cổ nổi tiếng nằm ở thôn Đông An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).
Ngoài tên gọi Xó La, giếng nước này còn có nhiều tên gọi khác như giếng Vua, giếng Gia Long, giếng Tiên, giếng Thầy Tu... Mỗi tên gọi đều gắn với một câu chuyện lưu truyền trong đời sống cư dân đất đảo tiền tiêu. Tuy nhiên, tên gọi thông dụng nhất vẫn là giếng Xó La.
Giếng nước Xó La nằm sát mép biển nhưng nước giếng luôn ngọt lành
Những bậc cao niên tại huyện đảo cho rằng, "xó" ở đây chỉ vị trí giếng nằm ở một góc không gian hẹp, còn "la" là tên một loài cây mọc rất nhiều quanh giếng.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, giếng cổ Xó La xuất hiện vào khoảng thế kỷ 15. Khi người Việt đến, các giếng nước của người Chăm, trong đó có giếng Xó La vẫn được tiếp tục sử dụng và duy trì cho đến ngày nay. Như vậy, giếng Xó La có "tuổi" ít nhất là 5 thế kỷ.
Giếng được kè bằng đá núi lửa xen lẫn đá vôi
Giếng Xó La sâu khoảng 10 m. Lòng giếng hình tròn, đường kính 1,9 m, được kè bằng đá cuội, đá nham thạch xen lẫn đá vôi. Đá ở đây được lựa chọn kỹ về kích cỡ và hình dạng, kè vào nhau khá công phu, vừa đẹp mắt, vừa rất chắc chắn, lại có khe hở vừa phải để nước mạch có thể thoát ra dễ dàng.
Mùa hè, hầu hết giếng nước ở Lý Sơn nhiễm mặn hoặc cạn trơ đáy thì giếng Xó La vẫn đầy ắp nước ngọt
Tuy chỉ cách mép biển lúc thủy triều lên cao nhất khoảng 5 - 7 m, nhưng nước giếng Xó La luôn ngọt và thanh mát bốn mùa, không nhiễm mặn như hầu hết các giếng nước trên đảo Lý Sơn. Đặc biệt, thời kỳ đỉnh điểm mùa khô trong khi hàng ngàn giếng nước ở Lý Sơn đều cạn kiệt thì chỉ duy nhất giếng Xó La còn nước ngọt.
Giếng Xó La được công nhận di tích cấp tỉnh vào năm 2017
Cụ Võ Trí Thành (78 tuổi) cho biết, không có giếng nước nào ngon như giếng nước Xó La. Mùa nắng tất cả giếng nước trên đảo đều nhiễm mặn, riêng nước giếng Xó La vẫn ngọt lành. Đặc biệt nhất là dùng nước giếng này pha trà, nấu rượu sẽ tạo nên hương vị rất khác lạ.
"Rất nhiều người đến đây lấy nước về sử dụng, không có nước giếng nào ngon bằng giếng này. Có người còn lấy nước đi bán cho những hộ dân ở xa giếng", ông Thành cho biết.
Chính sự đặc biệt nói trên mà năm 2017, giếng nước Xó La đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Hổ đen cực hiếm được phát hiện ở Ấn Độ Hình ảnh một con hổ đen cực hiếm đã được chụp ở Odisha, Ấn Độ, bởi một nhiếp ảnh gia nghiệp dư. Tên của loài hổ này là hổ Melanistic, chỉ có ở Odisha và các chuyên gia tin rằng chỉ còn lại 7 - 8 con. Nhiếp ảnh gia có may mắn chụp lại được con hổ đen siêu hiếm là Soumen...