Nhà báo kiêm ‘ông bầu’ – góc nhìn từ ‘trong chăn’
Ngày càng nhiều người làm báo đổ xô làm bầu show cho ca sĩ. Giới ca sĩ cũng đang tìm kiếm cho mình người quản lý là một nhà báo. Cung-cầu gặp nhau và từ đây, bao nhiêu chuyện buồn vui, cười ra nước mắt…
Đá “gà” của nhau
Không khó để bắt gặp hình ảnh ca sĩ trẻ luôn kè kè bên cạnh một nhà báo với vai trò là quản lý xuất hiện ở các chương trình âm nhạc hoặc sự kiện.
Sân khấu ca nhạc hôm nay đang có sự đứng sau của rất nhiều nhà báo trong vai “bầu show” ca sĩ.
Trong vai trò mới này, các nhà báo rất dễ bị các nghệ sĩ thao túng thông tin theo hướng có lợi cho ca sĩ. Bởi khi nhà báo kiêm bầu show, chắc chắn sẽ phải chấp nhận, nâng “gà” của mình lên cao bằng những công việc như kêu gọi viết tin, bài để quảng cáo, tổ chức các cuộc họp báo giới thiệu đĩa, hình ảnh và kêu gọi bạn bè làm báo viết bài PR cho ca sĩ của mình trên báo khác.
Một trong những chiêu trò thường được dùng nhiều nhất là chê bai, nói xấu ca sĩ đối thủ với “gà” của mình bằng những lời lẽ có thể nói thiếu khách quan, thậm chí có phần xúc phạm đến danh dự của ca sĩ, ví dụ như: Cô ca sĩ này chảnh quá, hát giọng thì đơn đớt, hay chàng ca sĩ kia lả lướt như dân đồng tính… khiến không ít ca sĩ trẻ, thậm chí là những ngôi sao ca nhạc cũng phải dở khóc dở cười với những lối viết như vậy.
Gần đây, trên các trang báo mạng có những bài viết nói về hai cô diễn viên xinh đẹp trong Sài Gòn tay ngang sang làm ca sĩ. Cả hai đều được một công ty đào tạo, đều được hai nhà báo làm quản lý, nhưng khi có bất cứ động thái nào thì cả hai đều nhìn nhau dè chừng xem bên kia sẽ làm gì, bên này sẽ làm gì tiếp theo, cả hai đang có một cuộc đua ngầm không chính thức bởi từ sự ganh đua ngầm của chính hai nhà báo.
Nhà báo Ngô Bá Lục – Trưởng ban Thư ký Báo Điện tử vnmedia.vn cho rằng, dùng chiêu bài nói xấu, chê bai ca sĩ mà mình không quản lý để nâng cao giá trị của “gà nhà” đó là hạ sách, người thông minh không ai làm thế.
Cần có cái tâm
Bện cạnh sự chê bai, đấu đá nhau trên báo, các nhà báo trẻ còn dùng những chiêu trò để các ca khúc của “gà” lọt vào các bảng xếp hạng, mục yêu thích của các trang nghe nhạc online và đồng thời, hàng tuần xuất hiện trên các báo với hình ảnh lộng lẫy nhất. Đáng lo ngại hơn cả là ngay tại chính những giải thưởng âm nhạc, các nhà báo cũng tích cực công khai hoặc âm thầm giúp ca sĩ “vận động hành lang” để có số phiếu bình chọn, hòng giành được giải thưởng.
Hàng ngày trên các mặt báo xuất hiện những bài khen kiểu ca sĩ T xinh đẹp, hợp thời trang ca sĩ H vừa thay đổi hình ảnh ca sĩ N mới tậu xe ca sĩ D, E… đang trong nghi vấn tình cảm… mà tuyệt nhiên không thấy nhắc gì về công việc mà ca sĩ đang theo đuổi. Điều này cho thấy các ca sĩ không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để tiếp thị, PR mình trên báo và người tiếp tay thường là những nhà báo kiêm quản lý.
Nhưng bên cạnh đó, không thể phủ nhận có những nhà báo làm tốt vai trò của một người quản lý như nhà báo L.T.N quản lý ca sĩ N.C, nhà báo H.T quản lý ca sĩ T.H…
Trường hợp của diễn viên N được nhà báo kiêm quản lý chỉ dẫn dùng các chiêu trò tạo scandal đến chóng mặt khán giả được ví như một vụ “gậy ông đập lưng ông”. Đầu tiên là tung ra những câu nói, mồi nhử về sự “lưỡng tính” của N, tiếp đến tham gia một gameshow truyền hình thực tế, người quản lý của chàng diễn viên đã tạo một scandal nổi như cồn. Hiệu ứng sau mỗi scandal không có gì phải bàn. Nhưng cái giá mà chàng diễn viên phải trả không nhỏ, người vợ của anh bị tổn thương nặng nề, N bị biến thành một chàng Sở Khanh, bất nhất khi trả lời báo chí. Vụ việc không chỉ gây sốc cho các nhà báo mà đến khán giả cũng cảm thấy sợ trước sự nổi tiếng kiểu này.
Những nhà báo này đã hết lòng tạo dựng hình ảnh ấn tượng trong mắt khán giả giúp ca sĩ trả lời phỏng vấn báo chí chừng mực. Đặc biệt hơn, họ chia sẻ, giúp ca sĩ ổn định về mặt tinh thần khi gặp phải sự cố nào đó.
Video đang HOT
Trong đó phải kể đến nhà báo N làm quản lý cho ca sĩ C, bằng những vốn sống, những kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình. Nhà báo N đã giúp ca sĩ C trong việc tiếp xúc, gặp gỡ báo chí, động viên tinh thần, chống khủng hoảng cho ca sĩ C mỗi khi bị người khác dựng scandal hay nói xấu.
Hay như nhà báo T đã từng quản lý ca sĩ H, đã giúp đỡ ca sĩ H vượt qua sự cố tai nạn đầu tiên khi bước chân vào con đường ca hát.
Nỗi sợ hãi tiêu tan sự nghiệp đã khiến ca sĩ H khóc trắng một đêm sau sự cố trang phục, khiến nhà báo T phải động viên, an ủi rất nhiều, thậm chí nhà báo còn phải đi nộp phạt giúp cho H.
Nhưng những mối quan hệ cộng hưởng đôi bên cùng có lợi kiểu này cũng không có nhiều, hầu hết các nhà báo nhảy vào làm “bầu” đều là những nhà báo trẻ. Những nhà báo ít tâm huyết cũng như tuổi đời còn non trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm, vốn sống và kỹ năng làm báo đôi khi có sự ngộ nhận và lầm tưởng dẫn đến làm việc chộp giật, tạo nên sự hỗn loạn trong giới showbiz bằng những bài viết nhận định thiếu khách quan.
Điều quan trọng nhất là mỗi một nhà báo khi nhận lời và làm quản lý cho ca sĩ thì phải đảm bảo không vì chút danh lợi mà làm vẩn đục môi trường báo chí đang rất cần sự trong sạch, công tâm.
Ca sĩ Nam Cường: Hợp tác là cơ duyên
“Tôi thấy nhà báo làm quản lý cho ca sĩ bây giờ cũng khá nhiều và bản thân tôi cũng đang hợp tác cùng với một nhà báo để làm quản lý cho mình.
Có thể nói tôi là một trong những người đầu tiên có quản lý là nhà báo, và việc hợp tác là một cơ duyên chứ không đơn thuần là theo trào lưu như bây giờ. Tôi không đặt nặng vấn đề người quản lý của mình là ai, chỉ quan trọng sự hợp tác 2 bên thật sự có tốt hay không. Khi nhà báo trở thành quản lý cho ca sĩ thì mặt tích cực hay tiêu cực đều có thể xảy ra, nhưng quan trọng việc hợp tác tôn trọng lẫn nhau để có được sự thành công đó mới là điều đáng bàn.
Việc nhà báo quản lý cho ca sĩ thì hình ảnh của ca sĩ sẽ được quan tâm rõ nét hơn, tránh những điều không hay từ dư luận và báo chí cho mình. Khi có một scandal hay một thông tin khiến hình ảnh của mình bị ảnh hưởng thì với kinh nghiệm của một nhà báo, người quản lý sẽ giúp mình biết cách lúc nào nên im lặng và lúc nào nên phát ngôn, bởi mỗi phát ngôn của ca sĩ rất ảnh hưởng đến hình ảnh của ca sĩ đó trong mắt khán giả.
Tôi nghĩ việc có một người bên cạnh là nhà báo sẽ giúp mỗi lời mình nói ra sẽ chính xác và tốt đẹp hơn. Và nhà báo L.T.N – quản lý của tôi, đã giúp tôi rất nhiều về mặt tinh thần, tôi lúc nào cũng tôn trọng những ý kiến chung của cả 2 nên không gặp phải những trường hợp xích mích, mâu thuẫn.
Ca sĩ Tuấn Hưng: Cần tôn trọng nhau
Tuấn Hưng luôn nghĩ rằng nhà báo – nghệ sĩ đều là hai vế cân bằng bởi nếu không có nhà báo, nghệ sĩ sẽ không biết vị trí của mình sẽ ở đâu, mình còn tồn tại hay không, họ là cây cầu vững chắc nhất đưa nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng. Ngược lại, nhà báo nhất là những nhà báo theo dõi mảng văn hóa – nghệ thuật – giải trí đều không thể không cần đến nghệ sĩ dù đó là người đẳng cấp thế nào đi chăng nữa. Và cũng không thể phủ nhận, có những người kể cả nhà báo – nghệ sĩ đều lợi dụng “danh xưng” của mình chứ sự cống hiến thực sự cho nghệ thuật đều không có.
Nói như vậy không phải ai làm nhà báo cũng hoàn toàn không tốt và nghệ sĩ cũng không phải ai cũng xấu. Nên dù ở mối quan hệ nào điều quan trọng nhất Tuấn Hưng nghĩ là sự tôn trọng dành cho nhau. Nếu một ca sĩ được một nhà báo đúng nghĩa giúp đỡ trong sự nghiệp dù ít dù nhiều thì đó là cả một sự may mắn lớn lao không phải ca sĩ nào cũng có được. Bản thân Tuấn Hưng từ những ngày đầu lập nghiệp đến giờ đã gặp may mắn ấy nhiều lần rồi và họ đều là những nhà báo có uy tín. Nhiều khi vấp phải scandal hay mất cân bằng trong cuộc sống, Hưng đều nhận được từ họ những lời khuyên chân thành, những lời khuyên và chỉ bảo tích cực để Hưng vững vàng đi tiếp. Nhưng Hưng nghĩ, mối quan hệ có lâu dài hay không còn tùy thuộc vào nhiều thứ khác”.
Ca sĩ Tùng Dương: Nhiều khi “vạch áo cho người xem lưng”
Tôi nghĩ mối quan hệ giữa nhà báo với ca sĩ là một mối quan hệ tương trợ lẫn nhau. Họ là cây cầu nối đưa những sản phẩm âm nhạc, những hình ảnh của ca sĩ đến gần hơn với công chúng. Đặc biệt khi nhà báo làm quản lý cho ca sĩ, từ những bài viết phân tích, nhận định, họ sẽ có những định hướng đúng cho ca sĩ trên con đường nghệ thuật.
Tuy nhiên trong cuộc sống cũng có những thay đổi, mối quan hệ giữa nhà báo và ca sĩ sẽ không lâu bền nếu cả hai không coi nhau như những người bạn, để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn. Nhiều mối quan hệ mà tôi được biết giữa nhà báo kiêm quản lý cho ca sĩ đều không đi được xa, thậm chí khi mâu thuẫn họ còn phát ngôn không hay trên báo chí, “vạch áo cho người xem lưng”.
Tôi rất trân trọng các nhà báo đã ủng hộ tôi. Tôi có thể chia sẻ với họ về nghệ thuật về cuộc sống của mình và ngược lại đôi khi họ cũng cần sự phân tích đúng sai của người làm nghệ thuật.
Theo Dân Việt
Những ông bầu showbiz Việt: Sợ ai? Ai sợ?
Người ta vẫn nói với nhau rằng quyền lực của showbiz không phải là các tên tuổi đang làm mưa làm gió, không phải là những cây bút đứng đằng sau hậu trường mà chính là những bầu show, người tổ chức những chương trình biểu diễn.
Người ta cũng cho rằng các bầu show này thật sự là những người có khả năng nâng cho một tên tuổi bay tới trời hoặc vùi dập một gương mặt xuống tận mặt đất, rằng là dẫu ca sĩ có là thần tiên trong mắt người hâm mộ thì trước mặt bầu show ca sĩ cũng chỉ là một nhân công đi làm và được trả lương không hơn không kém. Nhưng nào ai có biết được cái nghề tổ chức này cũng lắm nỗi gian nan.
Nỗi ám ảnh mang tên "Ông trời, ông nhà đèn"
Hỏi các bầu show thường sợ điều gì nhất, có lẽ không quá khó để họ trả lời ngay đó là "ông trời". Không chỉ đối với các bầu show thường xuyên tổ chức biểu diễn tại các tỉnh, mà các bầu show chọn địa điểm trong thành phố cũng mang cùng nỗi ám ảnh đó. Có những khi chương trình đã chuẩn bị đâu ra đó, âm thanh, ánh sáng đã chuẩn bị rỡ ràng, vậy mà chỉ cần trời chuyển mây mưa một chút thì dễ chừng show diễn đó bị hủy như chơi.
Kể ra nếu may mắn thì ngay trong khi chương trình đang diễn ra mà có mưa thì bầu show vẫn có thể yên tâm khi tiền vé đã vào túi. Còn trong trường hợp xui xẻo ngay trước khi chương trình mở màn chừng vài giờ mà trời mưa thì bầu show chỉ có nước tuyên bố hủy show vì cầm chắc chuyện lỗ lã khi khán giả không có mà vẫn phải trả lương cho ca sĩ nếu mở màn. Chuyện mưa nắng này thậm chí đến cả những bầu show chuyên tổ chức chương trình trong nhà hát cũng phải ngán ngẩm và lo lắng.
Sau ông trời, "ông nhà đèn" cũng là một nỗi lo thường trực của các bầu show. Hơi khác với chuyện của "ông trời", thời tiết có mùa nắng mùa mưa để bầu show chọn thời điểm hoạt động mạnh hay nghỉ ngơi, thì nỗi lo "ông nhà đèn" mùa nào cũng phải đối mặt. Đã thế, chuyện điện đóm ở nước ta thì đến người trong thành phố còn phải đau đầu, nói chi đến những điểm diễn ở các tỉnh, nơi mà cơ sở vật chất không thể nào đầy đủ được.
Chuyện mất điện trước khi mở màn không làm các bầu show phải đau đầu như khi đang diễn mà đột nhiên mọi thứ tắt phụp. Nếu đoàn có sẵn máy phát điện thì cũng có thể tạm chữa cháy dù rằng chắc chắn không thể nào tải nổi dàn âm thanh, ánh sáng đầy đủ được. Còn đối với các đoàn không có phương án dự phòng này thì đành phải ngồi đợi có điện lại, còn không thì đành phải ngậm ngùi trả vé nếu không muốn xảy ra những chuyện rầy rà khi khán giả trở nên manh động vì nghĩ rằng mình bị lừa.
Nỗi lo "nhân hòa"...
Có được "thiên thời, địa lợi" không có nghĩa là các bầu show có quyền yên tâm vào sự thành công của chương trình vì vẫn còn yếu tố "nhân hòa". Nhiều người vẫn nghĩ và tin rằng mối quan hệ bầu show và ca sĩ chỉ có một chiều là ca sĩ phải nương nhờ vào bầu show.
Cũng bởi vậy mà có biết bao nhiêu câu chuyện thêu dệt rằng ca sĩ muốn nổi tiếng đôi khi phải đánh đổi nhiều điều cho bầu show chỉ để có được cơ hội đứng trên sân khấu, để khán giả nhớ mặt gọi tên. Đành rằng trong những câu chuyện ấy cũng có một phần sự thật nhưng chắc chắn rằng đó là quan niệm hoàn toàn phiến diện và không chính xác.
Thủy Tiên hỗ trợ V.Music
Trên thực tế, mối quan hệ ca sĩ nương nhờ bầu show chỉ có ở các ca sĩ trẻ, mới chập chững vào nghề và quan trọng cơ hội xuất hiện trên sân khấu hơn bất cứ điều gì khác. Ngược lại, đối với các ca sĩ hạng sao thì các bầu show lại phải nương nhờ vào họ để kéo khán giả đến với chương trình của mình. Bởi thế nên phía sau hậu trường lại có nhiều câu chuyện buồn cười khi ca sĩ trẻ sợ ông bầu, còn ông bầu lại sợ ca sĩ lớn, tên tuổi đang lên.
Từ lâu trong giới biểu diễn vẫn có chuyện cá lớn ép cá bé, một khi ca sĩ lớn đã thấy ngứa mắt với anh chàng hay cô nàng lính mới nào đó sau cánh gà, chỉ một lời bỏ nhỏ với bầu show thì y như rằng gương mặt mới kia chỉ còn cách bôi trang điểm để về nhà ngủ cho qua đêm đó. Các bầu show sẽ không dại dột gì mà làm phật ý ca sĩ ngôi sao - tâm điểm nguồn thu của chương trình - chỉ vì một tên tuổi mới toanh, nhỏ xíu.
Không chỉ rắc rối sau tấm màn, các ca sĩ lớn còn có nhiều chiêu trò ngay trên sân khấu, điển hình là chiêu "câu giờ". Đôi khi chỉ vì muốn "chơi" một đồng nghiệp khác đang đợi đến lượt mình, một ca sĩ sẵn sàng hỏi khán giả những câu như "các bạn có muốn nghe nữa không" và cứ thế làm liền tù tì vài ba bài nữa. Vậy là không chỉ một, mà nhiều ca sĩ khác đều phải đợi thêm và đành phải chọn lựa, hoặc đợi tiếp để diễn và chấp nhận muộn ở những điểm diễn khác, hoặc đành cắn răng bỏ điểm diễn này để sang những điểm diễn tiếp theo.
Đó là chưa kể giờ đây có nhiều ca sĩ đã tự phát triển sự nghiệp theo hướng "môn phái" với sự xuất hiện của mình đều kèm theo những gương mặt trẻ đang dựa vào mình để tìm kiếm đường đến đỉnh danh vọng. Vậy là giống như việc khi đi mua hàng đuợc khuyến mãi thêm vài món hàng nho nhỏ nhưng có một sự thật là không phải quàn tặng nào cũng mang đến người dùng niềm vui.
Nhiều bầu show hiểu rất rõ rằng những gương mặt mới này dễ chừng sẽ làm chất lượng chương trình của mình giảm xuống ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu tuy nhiên cũng chỉ để vừa lòng các ông "sao", bà "sao" mà họ vẫn phải cắn răng chấp nhận.
Và câu chuyện của sự cập nhật
Bỏ qua những vấn đề tồn tại từ xưa, nghề bầu show ngày nay còn gặp nhiều khó khăn khi nền công nghiệp biểu diễn trong nước đang phát triển rất nhanh. Từ những công nghệ âm thanh, ánh sáng, máy phun khói đến những thứ phức tạp hơn như đèn lazer, màn hình LED, họ đều phải cập nhật vì nhu cầu giải trí của khán giả không còn đơn giản như ngày xưa nữa.
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào những chương trình có nội dung xuyên suốt, rõ ràng ngày càng được ưa chuộng cũng khiến các bầu show vốn đã quá quen với việc đưa ca sĩ lên sân khấu theo kiểu xếp hàng chờ đến lượt cũng phải đối mặt với những lo lắng về ý tưởng.
Gần đây, sự thất bại của một bầu show cỡ lớn trong nước với một chương trình hội tụ đầy đủ sao nội sao ngoại cũng khiến giới tổ chức biểu diễn phải đặt dấu chấm hỏi và tự rút rất nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Bản thân bầu show này cũng là một người ngược xuôi Nam Bắc gần hai mươi năm, tạo dựng rất thành công một tên tuổi đứng vững trong thị trường âm nhạc.
Có thể nói, nhiều người vẫn tin rằng anh ta rất thông thạo Việt Nam cả về con người lẫn nhu cầu giải trí. Vậy mà với một chương trình lớn trong tay, không kể đến gương mặt ca sĩ nước ngoài tầm cỡ quốc tế, chỉ với một trong những gương mặt Việt Nam trong chương trình cũng đã đủ đảm bảo sức hấp dẫn của chương trình, anh lại không mời gọi được khán giả đến xem. Mọi nguyên nhân tìm ra đều được đổ về công tác truyền thông, và sự thất bại của show diễn trên đã là một minh chứng hùng hồn về tầm quan trọng của công việc này.
Tạm kết!
Thế giới của showbiz phức tạp, và thế giới của bầu show lại càng phức tạp hơn. Có thể nói, bầu show là một dạng nghề nghiệp mang phân nửa tính chất của người làm nghệ thuật và nửa kia là đầu óc kinh doanh đầy lí trí của một người làm kinh tế. So với những người chỉ làm một nghề nghiệp, bầu show luôn phải thường trực đối diện với những khó khăn đặc trưng của cả hai lĩnh vực này.
Tuy vậy, không thể nào phủ nhận được chính nhờ những nhà tổ chức chương trình mà khán giả khắp cả nước chứ không riêng gì ở thành phố lớn đều được thưởng thức những chương trình giải trí với chất lượng ngày càng được cải tiến. Mong rằng trong thời gian tới, các bầu show không chỉ tìm được những con đường để khắc phục những khó khăn của mình mà còn phải cập nhật được những công nghệ, những kỹ năng mới để nền công nghiệp biểu diễn nước nhà ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Theo VnMedia
Khi ca sĩ hét giá cát-sê Nhiều người vẫn ngưỡng mộ khả năng hái ra tiền của các ngôi sao, nhưng cụ thể con số ấy là bao nhiêu cho một lần xuất hiện thì vẫn còn là chuyện "thầm kín" của giới ca sĩ. Với những công việc bình thường khác trong xã hội, việc kiếm được tầm 80 triệu/năm đã được xem là có thể nuôi sống...