Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ mắng thẳng mặt Minh Béo: “Xin đừng vinh danh một kẻ gây ám ảnh cho phụ huynh”
Sự việc này khiến bộ phận công chúng bất bình không nhỏ.
Thông tin nghệ sĩ Minh Béo – người từng “dính án” ấu dâm và phải chịu phạt tù tại Mỹ năm 2016 được trao huy chương bạc tại Liên hoan kịch nói toàn quốc khu vực phía Nam đang khiến một số khán giả không hài lòng. Trước đó, năm 2017, khi nam diễn viên mới về nước khi đã thực hiện xong án phạt ở Mỹ, Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM khi đó đã khuyến cáo “không nên tham gia hoạt động biểu diễn vì những sai phạm nêu trên, đồng thời để tránh dư luận không tốt trong môi trường biểu diễn”.
Mới đây, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ lại đăng đàn bày tỏ quan điểm về câu chuyện “dở khóc dở cười” này: “ Vinh danh Minh Béo – Tại sao lại có thể làm như vậy?
Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại là một cách ứng xử đẹp đẽ và nhân văn, với những người từng lầm lỗi biết quay đầu (nên nhấn mạnh biết quay đầu). Điều đó góp phần tạo điều kiện cho những cuộc đời được làm lại. Thậm chí, được thay đổi.
Điều này không đồng nghĩa với trường hợp của Minh Béo, người vừa được Bộ Văn hoá trao giải thưởng, cũng là một người từng phải ngồi tù vì tội ấu dâm tại Mỹ. Sau khi mãn hạn, về nước, Minh Béo gặp phải một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Đa phần là không và không muốn tha thứ, không và không muốn thấy Minh Béo xuất hiện trong môi trường nghệ thuật nữa.
Có thể ở một mặt nào đó là khắt khe. Nhưng là sự khắt khe cần thiết để Minh Béo nhận ra toàn bộ sai phạm, vi phạm mà đứng dậy.
Người ta vẫn thấy Minh Béo lập sân khấu, tuyển diễn viên, diễn kịch. Ừ, thì hoạt động nghệ thuật không ai cấm nhưng người ta cần thời gian để tẩy rửa những vết nhơ nhân phẩm.
Và rồi, lại những lời tố cáo về gạ tình và những lùm xùm chuyện ái tình xuất hiện xung quanh Minh Béo, sau khi cánh cửa sắt tội trạng năm xưa được mở ra chưa lâu; và ngày trở lại sân khấu cũng chưa lâu…
Giữa bao dòng sự kiện ồn ào, giữa muôn vàn nhớ quên của người đời, Minh Béo có thêm cơ hội để được người đời quên lãng những câu chuyện xấu xí từ quá khứ. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi chuyện sẽ ở yên trong quá khứ, nếu như anh ta vẫn tiếp tục ngựa quen đường cũ.
Có lẽ, sự vinh danh dành cho Minh Béo ở một cơ quan cấp Bộ, là điều không nên làm. Ít nhất, chưa phải là thời điểm của Minh Béo. Và nữa, không phải để dành cho một con người như Minh Béo.
Sự vinh danh ấy thực sự phản cảm và một lần nữa xới lên sự phẫn nộ, khi mà vấn đề bảo vệ trẻ em, lại đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Tôi nói chưa phải thời điểm vì thực sự, Minh Béo chưa có một cái gì thể hiện sự hối lỗi hay thay đổi.
Và không dành cho một người như Minh Béo, bởi vì tư cách nghệ sĩ của anh ta không thực sự tồn tại nữa, để được vinh danh. Nếu như một nơi nào đó vinh danh kiểu giải ao làng; hoặc vinh danh kiểu trêu đùa chọc ngoáy thì ta không bàn. Nhưng, Bộ Văn hoá thì, thực sự không thể hiểu nổi.
Thông thường, với những nghệ sĩ lầm lỗi, sai phạm, khi làm lại cuộc đời, người ta sẽ chọn nhiều con đường: một là tận hiến cho nghệ thuật, hai là cống hiến cho cuộc đời bằng những việc làm ý nghĩa và truyền cảm hứng thực sự.
Tận hiến cho nghệ thuật, Minh Béo chưa thực sự có cái gì. Còn cống hiến cho cuộc đời, năm qua, một năm dịch bệnh ròng rã và khắc nghiệt, bao nghệ sĩ bất chấp mọi thứ, kể cả thị phi độc ác, để lăn xả đi làm thiện nguyện giúp đời bất chấp hiểm nguy, bất chấp miệng lưỡi người đời.
Trong số họ, không có Minh Béo. Bạn nói rằng nên nhìn nhân ái hơn với Minh Béo. Bạn nói rằng đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại và cho Minh Béo cơ hội…
Vậy tôi hỏi bạn, Minh Béo đã thực sự nhân ái, để buông tha cho cuộc đời này chưa, để chúng ta phải nhân ái với anh ta? Minh Béo vẫn chạy đi theo những vết trượt chưa thôi gây ám ảnh chúng ta trong quá khứ, chứ đã thực sự chạy lại đâu để người đời nương tay?
Tạm quên lãng để Minh Béo vẫn kiếm sống từ ánh đèn sân khấu thời gian qua đã là bao dung lớn với y rồi. Đã cho y cơ hội nhiều rồi. Nhưng vinh danh ư? Sao lại có thể làm như vậy? Sao lại có thể làm được vậy?
Đành rằng không đánh đồng chuyện này với chuyện nọ nhưng xin đừng vinh danh một kẻ gây không ít ám ảnh cho các bậc phụ huynh trong việc bảo vệ an toàn cho những đứa trẻ, nhất là ở cái thời điểm này.
Xin đừng!”
Trao đổi với báo chí, ông Trần Hướng Dương – phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, trưởng ban tổ chức Liên hoan kịch nói toàn quốc phía Nam – cho biết, công ty của nghệ sĩ Minh Béo tham gia vào liên hoan sân khấu là được sự chấp thuận của Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM và nghệ sĩ Minh Béo được giải là do hội đồng nghệ thuật của liên hoan chấm chất lượng nghệ thuật để trao giải.
“Về mặt chính thức, các cơ quan nhà nước đều không có bất cứ khuyến nghị nào về việc hành nghề của nghệ sĩ Minh Béo. Hiện cá nhân nghệ sĩ Minh Béo và công ty của anh đều không vi phạm pháp luật. Họ đủ điều kiện để tham gia liên hoan sân khấu và khi đạt chất lượng nghệ thuật thì được trao giải là điều bình thường” – ông Dương nói.
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ: "Một năm ma quỷ tái sinh, vùi dập người thiện lương, chà đạp lòng trắc ẩn"
Trải lòng của anh nhận về hàng nghìn lượt tương tác từ phía cư dân mạng.
Có lẽ, cái tên Hoàng Nguyên Vũ không còn xa lạ với phần đông cư dân mạng. Sự nổi tiếng của anh đi kèm với không ít tai tiếng khi thường xuyên sử dụng 2 tài khoản MXH mang tên "Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ" và "Hoàng Nguyên Vũ" có dấu tích xanh để phân tích, đăng tải các thông tin, sự kiện chính trị - xã hội theo góc nhìn chủ quan của mình.
Sau nhiều bài đăng về vụ "dì ghẻ" bạo hành, mới đây, anh lại tiếp tục gây chú ý khi chia sẻ tâm trạng những ngày giáp Tết: "Sẽ là một cái Tết không biết gọi tên là gì...
Năm ngoái, cái Tết có chút màu sợ sệt. Nhiều người con phía Nam không về thăm mẹ thăm quê, đoàn viên với gia đình dịp Tết. Nhiều người con xa xứ lại càng không.
Đơn giản: sợ mang dịch bệnh về cho gia đình, làng xóm, bị nhìn như tội đồ, người thân mang tiếng, quê hương xua đuổi. 1 năm sau, tình hình đã khác. Dịch bệnh đã tràn vào mọi vùng. Có những nơi người ta không còn ngại khi nhắc đến hai từ cô - vít. Tinh thần sống chung với dịch đã gần như hiện diện khắp mọi nơi.
Thế nhưng để đổi lấy điều đó, là một năm đồng bào mình mất mát, tang thương nhiều hơn chúng ta tưởng. Để đổi cái bình thường như bây giờ, là một Sài Gòn, một Bình Dương và một số tỉnh phía Nam ngập trong dịch bệnh, khó khăn cấm túc hàng mấy tháng trời; tang thương chết chóc không phải ít.
Chỉ có thể gọi tên cái Tết của không ít gia đình phía Nam năm nay: Cái Tết ngẩn ngơ mất mát. Thương phía Nam, như một phép thử cho định mệnh khi dịch bệnh tràn đến. Bao lo lắng, sợ sệt, lúng túng và rồi mất mát, cũng đã gánh tiên phong cho kiếp nạn dịch bệnh của cả dân tộc.
Và giờ thì mảnh đất phương Nam đang hồi sinh, đang dần khoẻ mạnh trở lại. Nhưng dư chấn của những gì đã qua suốt 1 năm trời, chắc hẳn sẽ còn lâu mới nguôi quên...
Nếu Tết Việt là cái Tết của người xa quê đoàn viên, thì cũng đồng nghĩa với không ít gia đình phía Bắc, Tết đã về từ giữa năm rồi. Vâng, có đoàn viên đấy, nhưng không phải là mang tiền về cho mẹ, mà là xin mẹ về lánh nạn. Bao nhiêu xe máy, bao nhiêu gia đình dắt dìu bồng bế nhau chạy khỏi vùng dịch về quê. Nhiều người không trở lại.
Trong cái đoàn viên ấy, nghe bùi ngùi lắm. Sẽ nói gì với nhau đây cho những ước mơ đứt quãng, những gánh nặng mưu sinh và sự trở về không như bao lần trở về. Thôi thì về được với mẹ cũng đã là hạnh phúc lắm rồi.
Đâu đó, những cánh chim thiên di đã mỏi trước những bão giông thời cuộc. Lịch sử lại ghi một chương rất nặng dành cho một năm bể dâu trong số phận con người.
Ừ, sẽ không thể không nhắc, một năm ma quỷ tái sinh, vùi dập người thiện lương, chà đạp lòng trắc ẩn mà giờ, vẫn chưa dừng lại. Nhân cách đểu và đạo đức giả cũng theo ma quỷ mà lên ngôi. Một số tinh hoa không bằng tinh tinh và đồng tiền vít cong những cái não chứa chữ xuống tận mặt đất mà không còn hẹn ngày ngẩng lên được.
Một năm của những toan tính béo bở trên hoạn nạn của đồng bào để chất đầy túi quan tham và bụng dạ con buôn. Một năm của những nỗi đau không thể tưởng tượng, với cái chết đau đớn oan nghiệt của cháu bé 8 tuổi...
Vẫn tin là sau cơn mưa trời lại sáng và cuộc sống vẫn luôn vận hành theo hướng tích cực. Nhưng chắc chắn, chúng ta sẽ ngơ ngác nhìn nhau trước một năm với quá nhiều nỗi niềm nhưng lại không thể nói gì nếu gặp lại nhau..."
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ chỉ trích chuyên gia giáo dục thương cảm "dì ghẻ": "Mặt dày mặt thịt, thế này thì dạy được ai" Quan điểm của chuyên gia khiến nam nhà báo bức xúc. Hoàng Nguyên Vũ được biết đến là một cây viết ký sự nhân vật xuất sắc, với nhiều giải thưởng báo chí và là một trong những cây phỏng vấn sắc sảo hiện nay. Thời gian qua, anh thường xuyên chia sẻ quan điểm cá nhân về những vụ việc nóng bỏng...