- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Nguyên tắc “đất thống trị biển” với tấm bản đồ mới của Trung Quốc

On 03/07/2014 @ 2:04 AM In Tin nổi bật

"Đất thống trị biển" là nguyên tắc cơ bản trong Luật biển quốc tế, trước khi được công nhận theo UNCLOS 1982, đã được ghi nhận trong các tập quán quốc tế về biển. Theo nguyên tắc này, việc mở rộng chủ quyền quốc gia ra biển không thể tách rời yếu tố chủ quyền lãnh thổ.

Yếu tố lãnh thổ theo ghi nhận của nguyên tắc này là lãnh thổ đất (bao gồm cả đảo tự nhiên và quần đảo). Nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 76 UNCLOS 1982 khẳng định: "Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phận kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn".

Nói một cách nôm na hơn như một số học giả ví von, đất và biển trong nguyên tắc này giống như quan hệ giữa hình và bóng. Không có hình (bờ biển) thì không thể tồn tại bóng (vùng biển).

Nguyên tắc đất thống trị biển với tấm bản đồ mới của Trung Quốc - Hình 1

Vậy mà, sau khi tuyên bố về "lợi ích cốt lõi" không thể tách rời trên biển Đông, Trung Quốc đòi quyền lợi của mình thông qua cái gọi là "đường chín đoạn", chiếm 80% diện tích biển Đông. Khi cộng đồng quốc tế còn xôn xao phản đối, quyết liệt không công nhận thì Trung Quốc vô tình hay hữu ý khi phớt lờ và đưa ra tấm bản đồ mới.

Tấm bản đồ không chỉ tiếp tục chín đoạn "nuốt trọn" hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà còn mọc thêm một đoạn nữa, "cắn" luôn cả vào một phần lãnh thổ của Ấn Độ. "Đường mười đoạn" chiếm 90% diện tích biển Đông.

Xét theo nguyên tắc "Đất thống trị biển" mà Trung Quốc đã công nhận khi tham gia vào UNCLOS 1982, xem ra Trung Quốc đã kéo quá dài cái bóng của mình. Hay như một cách ví von khác, Trung Quốc như một đứa trẻ vừa mọc thêm cái răng thứ mười, cả hàm răng mọc lệch làm cho đứa trẻ ấy ngứa ngáy, khó chịu, đụng gì cắn nấy, cắn cả vào miếng bánh của những người bên cạnh.

Cơ sở pháp lý mà Trung Quốc đưa ra khi yêu sách đối với biển Đông là đòi quy chế pháp lý quốc gia quần đảo đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chưa xét đến quy chế pháp lý của hai quần đảo này là 12 hải lý hay 200 hải lý, mà chỉ cần nhìn đến đây hiện nay là tranh chấp của các bên, đặc biệt quần đảo Hoàng Sa là kết quả của việc Trung Quốc tiến hành sử dụng vũ lực để chiếm đoạt của Việt Nam nên đây không thể coi đó là "hình" để Trung Quốc đòi "bóng" trên biển Đông được, cho dù cái bóng đó kéo dài 200 hải lý hay chỉ là 12 hải lý.

Có thể nói, những hành động trong thời gian vừa qua của Trung Quốc là phi lý, ngang ngược và trắng trợn. Những hành động đó đi ngược lại mọi quy tắc trong quan hệ quốc tế, luật quốc tế và đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần có những biện pháp cứng rắn hơn nữa để "đứa trẻ" này không còn ngông cuồng nữa.

Theo Blog Tuổi trẻ Việt Nam


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/nguyen-tac-dat-thong-tri-bien-voi-tam-ban-do-moi-cua-trung-quoc-20140703i1465726/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.