Người vợ bỏng 95% vụ nổ gas ở TPHCM mất tim thai, bác sĩ cố hết sức cứu mẹ
Các bác sĩ hai bệnh viện ở TPHCM đã cố gắng hết sức để phối hợp điều trị tích cực cho người phụ nữ mang thai bị bỏng đến 95% trong vụ nổ gas ở phòng trọ lúc sáng sớm.
Sáng 21/10, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, chị L.T.H.C. (33 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) – nạn nhân trong vụ nổ gas phòng trọ lúc sáng sớm ở TP Thủ Đức – vẫn đang nằm tại phòng Săn sóc đặc biệt, khoa Bỏng – Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).
Theo đó, chị C. nhập viện ngày 18/10 trong tình trạng bỏng lửa gas 95% độ 2-3, 40% độ 3 toàn thân. Bệnh nhân đang mang thai 26 tuần, con thứ 4. Qua thăm khám, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị sốc bỏng nặng, mạch và huyết áp không đo được.
Ekip điều trị của khoa Bỏng – Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cho bệnh nhân bù dịch, điện giải, thay băng, dùng kháng sinh. Ngoài ra, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng kết hợp với phía Bệnh viện Hùng Vương để hội chẩn, điều trị các vấn đề sản khoa cho thai phụ.
Tuy nhiên vì tình trạng quá nặng, chị C. đã mất tim thai trong bụng. Hiện tại các bác sĩ vẫn nỗ lực hết sức để điều trị tích cực cho nữ bệnh nhân.
Chị C. được điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: BV).
Như Dân trí đã thông tin, khoảng 4h ngày 18/10, người dân sống trong con hẻm trên đường Tô Ngọc Vân (phường Tam Bình, TP Thủ Đức, TPHCM) đang ngủ thì nghe tiếng nổ lớn. Sau đó, có những tiếng kêu cứu thất thanh phát ra từ một phòng trọ nằm sâu trong hẻm.
Người dân chạy đến nơi phát ra tiếng nổ thì thấy chị L.T.H.C. (33 tuổi) bỏng nặng, quần áo bị cháy. Trong phòng trọ, đồ đạc xáo trộn, cháy đen. Ngay lập tức, họ hỗ trợ đưa chị C. vào Bệnh viện TP Thủ Đức cấp cứu, rồi tiếp tục chuyển nạn nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch.
Video đang HOT
Ông Lê Hữu Hảo, Chủ tịch UBND phường Tam Bình, TP Thủ Đức, xác nhận có vụ nổ nêu trên, đồng thời cho biết nguyên nhân do nổ gas. Thời điểm xảy ra vụ nổ, chồng bệnh nhân đang đi làm trong chợ đầu mối nông sản Thủ Đức nên không có ở nhà.
Công an TP Thủ Đức, đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc.
Dấu hiệu cảnh báo chức năng thận suy giảm
Dấu hiệu thận yếu thường mờ nhạt và khó nhận biết, tiến triển âm thầm qua nhiều năm nên đa số bệnh nhân khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Thận là một trong 5 cơ quan quan trọng nhất đối với sức khỏe con người, đảm nhận chức năng lọc, đào thải chất cặn bã, độc tố và nước dư thừa ra ngoài cơ thể qua nước tiểu.
Bên cạnh đó, nó còn có nhiệm vụ điều tiết nồng độ chất điện giải, kiểm soát huyết áp, tham gia điều tiết sản sinh hồng cầu; giúp cơ thể tái hấp thu nước, các axit amin và sản xuất ra các hormon điều hòa cơ thể.
Do đó, nếu chức năng thận kém đi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bên trong của cơ thể.
Theo bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận, chủ yếu là chức năng bài tiết chất thải của cơ thể sau quá trình chuyển hóa.
Dấu hiệu chức năng thận suy giảm ở giai đoạn đầu thường mờ nhạt (Ảnh: B.V).
Ngoài ra, đối với nhiều trường hợp suy thận, đặc biệt là suy thận mạn, các chức năng khác của thận bị suy giảm nghiêm trọng như điều hòa dịch, điện giải, toan kiềm, kích thích tạo máu và tổng hợp vitamin D.
Các tình trạng suy giảm chức năng thận bao gồm:
- Tổn thương thận cấp: Đây là tình trạng suy giảm chức năng thận kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, thường có nguyên nhân rõ ràng.
Tổn thương thận cấp thường có triệu chứng mệt mỏi, khó thở, nhầm lẫn, buồn nôn, đau ngực hoặc tức ngực, lượng nước tiểu đào thải khỏi cơ thể quá ít. Trường hợp nặng có thể động kinh hoặc hôn mê.
Trong một số trường hợp, tổn thương thận cấp tính không có biểu hiện lâm sàng hay phát hiện triệu chứng và chỉ có thể được phát hiện thông qua các xét nghiệm.
- Suy thận cấp: Đây là tình trạng tổn thương thận cấp nhưng có chỉ định chạy thận nhân tạo để xử lý biến chứng, bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân.
Các triệu chứng ban đầu của suy thận cấp là lượng nước tiểu ít hoặc không có. Các triệu chứng khi bệnh trở nên nặng hơn bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và ăn không ngon miệng. Ngoài ra, còn có các dấu hiệu khác như không ngủ được, động kinh, huyết áp tăng hoặc hạ, bầm, chảy máu không rõ nguyên nhân.
- Bệnh thận mạn: Đây là tình trạng có suy giảm chức năng thận kéo dài ít nhất 3 tháng liên tục, biểu hiện qua bất thường của nước tiểu, hình ảnh thận trên phương tiện chẩn đoán hay bất thường mô học khi sinh thiết. Đây là tình trạng không hồi phục, được phân làm 5 giai đoạn khác nhau tùy thuộc vào chức năng thận còn lại.
- Suy thận mạn giai đoạn cuối: Khi chức năng thận giảm nặng, bệnh nhân phải được điều trị thay thế thận. Bệnh nhân phải lọc máu chu kỳ và dùng các thuốc thay thế chức năng thận.
Bệnh nhân có các triệu chứng như giảm lượng nước tiểu, mất khả năng đi tiểu, mệt mỏi, khó chịu, sụt cân không có lý do, thay đổi màu da, nôn mửa, đau trong xương...
Các dấu hiệu suy giảm chức năng thận ở giai đoạn đầu thường không rõ rệt
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giảm chức năng thận, tùy thuộc vào tình trạng và thể bệnh của mỗi người. Với suy thận cấp, nguyên nhân chủ yếu do áp lực lọc trong các mao mạch cầu thận giảm bởi hạ huyết áp động mạch hoặc co mạnh các tiểu động mạch cầu thận, làm giảm lưu lượng máu thận.
Còn suy thận mạn thường do bệnh nhân mắc các bệnh cầu thận như viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, bệnh thận bẩm sinh hay do sỏi tiết niệu...
Các dấu hiệu suy giảm chức năng thận ở giai đoạn đầu thường không rõ rệt và đặc thù, do đó nhiều người bị nhầm lẫn và chủ quan với bệnh. Khi nhận thấy các triệu chứng xuất hiện, bệnh nhân cần đi khám và kiểm tra để xác định chính xác nguyên nhân.
Bên cạnh đó, người dân cũng nên định kỳ thực hiện xét nghiệm tầm soát các bệnh lý về thận để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý tại cơ quan này, tránh bệnh diễn tiến trầm trọng, gây hậu quả đáng tiếc.
Tùy thuộc vào loại suy giảm chức năng thận mà cách điều trị và hiệu quả điều trị khác nhau. Với nhóm bệnh suy thận cấp nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì sẽ có cơ hội được điều trị khỏi hoàn toàn. Khi suy thận ở giai đoạn cuối, người bệnh cần dùng phương pháp chạy thận nhân tạo, ghép thận...
Suy thận mạn không có thuốc chữa khỏi hoàn toàn, việc điều trị chủ yếu là giúp kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng, giảm các biến chứng và làm bệnh tiến triển chậm lại.
Tuy nhiên, tổn thương thận có thể tiếp tục diễn biến xấu đi ngay cả khi những nguyên nhân gây ra suy thận đã được kiểm soát tốt. Do đó, các bệnh mạn tính cần phát hiện sớm, điều trị sớm trước khi có biến chứng suy thận.
Đang đi du lịch, bác sĩ nhanh trí cứu nữ du khách rơi xuống thác nước Khi nghe thấy tiếng kêu cứu, vị bác sĩ vội vàng lao xuống nước, đi đến cứu bệnh nhân. Trang Hoa Long đưa tin, ngày 4/8, một nữ du khách không may rơi xuống dưới thác nước từ độ cao 2m khi đang vượt thác ở một khu thắng cảnh của Trùng Khánh (Trung Quốc). Khi đó, Trương Quân, Phó Trưởng khoa Cấp...