Người phụ nữ trở về sau 19 năm lưu lạc Trung Quốc
Sau bữa cơm tối, Hoa xây xẩm mặt mày rồi mê man. Tỉnh dậy cũng là lúc cô biết mình bị đưa sang Trung Quốc mở đầu cho chuỗi 19 năm lưu lạc.
Chị Trần Thị Hoa (ở giữa) khóc nghẹn trong vòng tay của mẹ và người thân.
Sau hai đời chồng và có 3 đứa con, chiều 22/12, Hoa tìm về quê gặp lại người thân.
Gần một tuần nay, biết tin chị Hoa (39 tuổi) trở về, người dân làng Đông Du 1, xã Đông Hiếu, ( thị xã Thái Hòa, Nghệ An) bất chấp giá rét kéo nhau tới nhà chị. Tiếng cười xen lẫn tiếng nấc nghẹn cùng tiếng chuyện trò lao xao căn nhà nhỏ.
Quấn quýt bên người mẹ già gần 70 tuổi, thỉnh thoảng chị Hoa lại cùng chồng tới bàn thờ thắp nhang cho người bố đã mất 5 tháng trước và than khóc: “Cha ơi, con biết lỗi rồi, con về không kịp để gặp cha”.
Bà Bùi Thị Hạnh (mẹ chị Hoa) lập cập ôm lấy con gái. “Cha con bị bệnh ung thư, mẹ và các anh không cứu được. Trước lúc nhắm mắt, cha vẫn còn nhắc tên con. Tưởng con đã chết nên ngày lễ tết, gia đình vẫn thắp hương khấn vọng vì không biết làm giỗ cho con ngày nào”, người mẹ già nghẹn ngào.
Là con thứ tư trong gia đình nghèo có năm người con, chưa hết lớp ba Hoa phải nghỉ học. Cha mẹ làm công nhân nông trường ở Nghĩa Đàn, Hoa chăn trâu, nuôi lợn, mò cua bắt ốc phụ thêm cha mẹ kiếm sống.
Theo lời Hoa, năm 19 tuổi cô được bố mẹ cho vào Bình Thuận, mưu sinh với hai người anh. Ở vùng đất mới, Hoa quen Bình, quê ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Hai người làm đám cưới vào giữa năm 1993. Cuộc sống khó khăn khiến mâu thuẫn giữa cặp vợ chồng trẻ nảy sinh và tái diễn như cơm bữa.
Bình đưa vợ về nhà bố mẹ đẻ rồi vào Nam tiếp tục làm thuê với lời hứa vài ba tháng sẽ gửi tiền về một lượt. Bặt đi gần nửa năm không thấy tin, Hoa quay vào Nam tìm Bình, khuyên nhủ chồng trở về quê sinh sống.
“Một chiều cuối tháng 6/1994, tôi và Bình cãi vã. Bình quát mắng, bắt tôi trả sợi dây chuyền đã trao trong lễ cưới. Bình đã đánh khi tôi nói không trả. Sau bữa cơm tối hôm đó, tôi thấy xây xẩm mặt mày rồi ngủ mê man. Tỉnh dậy, tôi thấy mình ngồi trong ô tô trên đường qua Trung Quốc”, chị Hoa nhớ lại.
19 năm ở xứ người, Hoa cùng người chồng quốc tịch Trung Quốc (ngoài cùng bên phải) trở về đoàn tụ cùng người thân.
Video đang HOT
Cùng đoàn với Hoa còn có 4 cô gái Việt Nam nữa. Bọn buôn người bắt Hoa và mấy người kia sống chui lủi qua nhiều nơi trước khi tách mỗi người một ngả. Hoa bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc già hơn tuổi bố của mình.
“Bọn chúng đưa tiền cho nhau rồi trao tôi cho một người đàn ông hơn 60 tuổi, lưng còng. Tôi muốn chạy trốn nhưng không có cơ hội nên đành sống chung với ông ta tại nhà riêng ở Quảng Châu chừng 2 tháng. Khi học lỏm được vài câu tiếng Trung, tôi quyết định chạy trốn. Nhà của ông chồng lúc đó nằm gần rừng nên tôi cứ thẳng đường rừng mà chạy. Được chừng nửa ngày, tôi kiệt sức”, Hoa kể lần chạy trốn đầu tiên nơi xứ người.
Chị may mắn gặp một người phụ nữ tốt bụng tên là O Hì (hiện đã 70 tuổi) cứu giúp. Bà này cưu mang, tìm việc cho Hoa tại tiệm hớt tóc. Ngày đi làm, tối về chị ăn nghỉ tại nhà bà O Hì và nhận bà là mẹ nuôi.
Kể về mối tình với người chồng hiện tại tên Chung Đồi Hùng (43 tuổi), Hoa coi đấy là duyên phận. Chị gặp chồng mình trong một lần đi chợ mua rau. Hùng đã ly hôn và có một đứa con.
Biết Hoa là người Việt nhưng nói được tiếng Trung, Hùng bám đuôi, trêu chọc, rồi hẹn hò và đi đến hôn nhân. Hai vợ chồng có thêm với nhau 3 con, hai trai sinh đôi học lớp 8, cô con út học lớp 4.
Hoa tỏ ra hài lòng với cuộc sống hiện tại nơi đất khách dù lao động vất vả với công việc làm rừng. Từ mấy năm trước, Hoa đã tính chuyện về quê tìm lại gia đình và được chồng ủng hộ. Ngặt nỗi, hai vợ chồng cho hay không biết đường và vẫn sợ gặp lại bọn buôn người.
Gần đây tình cờ, Hoa gặp chị Điệp (quê Hải Dương) cùng cảnh ngộ bị bán sang Trung Quốc đã 11 năm và mới liên lạc được với người thân ở Việt Nam. Hoa nhờ Hùng – em trai chị Điệp từ Hải Dương vào Nghệ An tìm cha mẹ Hoa.
Gần 1 tháng trước, khi mẹ chị Hoa đang hái rau lợn ngoài vườn thì anh Hùng tìm được đến nhà. Nghe anh kể câu chuyện về con gái của mình bà Hạnh cứ ngỡ nằm mơ.
“Anh Hùng thông báo Hoa đang ở Trung Quốc, tôi không tin nổi đó là sự thật. Đến lúc Hùng bật điện thoại để hai mẹ con nói chuyện, tôi mới chắc chắn rằng con gái mình đang sống”, bà Hạnh kể lại.
Chị Trần Thị Hương (chị gái Hoa) cho biết, từ lúc hay tin em còn sống, gia đình mới biết được bộ mặt thật của Bình (chồng cũ Hoa). “Hôm bố vợ mất, mọi người báo tin nhưng Bình không đến. Hiện tại, Bình đã có vợ con và sống huyện Diễn Châu”, chị Hương khẳng định.
“Chuyện đã qua lâu rồi nên tôi không muốn nói tới chồng cũ tên Bình nữa. Vợ chồng tôi ăn Tết ở quê xong sẽ quay trở lại Trung Quốc để sinh sống”, chị Trần Thị Hoa nói về tương lai của mình.
Sáng 26/12 trao đổi với VnExpress, ông Cao Văn Hướng – trưởng công an xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho hay, đã nắm được thông tin chị Trần Thị Hoa trở về và chưa nhận được đơn tố cáo người chồng cũ.
“Nếu xác minh đúng chồng cũ của chị Hoa đã lừa bán vợ sang Trung Quốc thì chúng tôi sẽ lập tức triệu tập. Nếu quá thẩm quyền thì sẽ chuyển cơ quan cấp trên”, ông trưởng Công an xã cho biết thêm.
Theo Xahoi
Chuyện cổ tích về cô giáo gần 20 năm nằm nghiêng... dạy học
Bằng nghị lực, tình yêu và những khát vọng, cô Trần Thị Hoa đã viết nên một câu chuyện cổ tích, khi gần 20 năm nay vẫn luôn duy trì một lớp học với khoảng 10 - 15 em ngay tại nhà của mình.
Cách đây 19 năm, lúc đang là một giáo viên tiểu học, cô giáo Trần Thị Hoa (hiện 58 tuổi, ở khu phố 5A, phường Lộc Sơn, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) bỗng bị một tai nạn kinh hoàng khiến cô bán thân bất toại, nằm một chỗ, vĩnh viễn không thể đi lại được. Thế nhưng, bằng nghị lực, tình yêu và những khát vọng, cô Hoa đã viết nên một câu chuyện cổ tích khi gần 20 năm nay vẫn luôn duy trì một lớp học với khoảng 10 - 15 em ngay tại nhà của mình. Ở đó, ngày ngày cô vẫn nằm nghiêng trên giường dạy học trò viết, uốn nắn từng nét chữ cho bao trẻ em nghèo khó nơi đây.
Những học sinh của cô giáo Hoa.
Những biến cố kinh hoàng
Mẹ cô Hoa, bà Phạm Thị Tin, 88 tuổi, lọ mọ dẫn khách vào phòng của cô, cũng là phòng làm việc cùng những học sinh thân yêu của mình, rộng chừng 40m2, nằm trong một căn nhà nhỏ nhắn ở hẻm 148 đường Nguyễn Văn Cừ.
Sau mấy phút trò chuyện ban đầu, cô giáo có gương khá mặt cương nghị và ánh mắt nhìn mạnh mẽ, dạt dào tình yêu thương này bắt đầu tâm sự về cuộc đời mình: "Tôi sinh ra và lớn lên tại vùng đất Bảo Lộc này. Ngày ấy, gia đình nghèo lại đông anh chị em nhưng cha mẹ vẫn cố gắng lo cho mình học hết lớp 12 rồi sau đó, tiếp tục học thêm hệ 12 1 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt với mong muốn mình được thành một giáo viên. Sau khi học cao đẳng xong, tôi bắt đầu bước vào sự nghiệp "trồng người" cao quý với hành trang là niềm hăm hở của một cô gái tuổi hai mươi đầy khát vọng. Khi ấy, nhận được sự phân công của tổ chức, tôi được điều về dạy học ở một xã vùng sâu của huyện Đạ Hoai với đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số".
Dừng lại một chút, cô giáo Hoa khẽ nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi có ánh nắng ấm áp đang len qua những tán cây cao, rồi kể tiếp trong tiếng nấc nghẹn ngào dù sự việc xảy ra đã rất lâu rồi. Đó là một ngã rẽ định mệnh. Năm 1996, hôm đó, trên đường đi dạy học về, thấy các em nhỏ trong ấp trèo cây hái ổi, sợ các em té ngã nên cô đã hái giúp, nào ngờ chính bản thân mình không may mắn, bị té gãy xương cột sống rồi nằm liệt nửa người từ đó đến nay.
Cô Hoa bảo: "Lúc đó tôi nghĩ mình đã chết bởi sau nhiều lần đau đớn phẫu thuật, các bác sĩ chỉ có thể giữ lại được mạng sống cho mình mà thôi chứ không thể vận động bất kỳ phần cơ thể nào từ lưng trở xuống". Từ một cô gái khỏe mạnh, tràn đầy sức sống, cô Hoa đã phải nằm bất động một chỗ, chỉ có thể cử động hai tay mà thôi. Tất cả những sinh hoạt cá nhân cũng như vệ sinh cơ thể, gần 20 năm trời đều do mẹ cô, bà Tin đảm nhiệm.
Cô giáo Hoa đang nằm dạy học.
Nói về chuyện này, nước mắt cô đã rơm rớm hai hàng mi: "Thú thực, mẹ tôi đã già và không biết sống chết khi nào nên đến một ngày, nếu mẹ không còn trên cõi đời này thì không biết ai sẽ giúp đỡ tôi nữa. Tuy nhiên, hy vọng rằng mẹ sẽ ở bên tôi mãi mãi".
Nghe cô nói vậy, bà Tin chỉ lặng lẽ nhìn rồi không cầm được nước mắt, lại lụi cụi đi ra phía gốc cây mít trước nhà, thương con và thương cho số phận của chính mình. Dường như, cụ hiểu rằng, ở cái tuổi cụ, đáng lẽ con cái phải chăm sóc mình chứ ai ngờ mình vẫn phải chăm sóc con. Nhưng, khi trò chuyện cùng chúng tôi, cụ lại cười hiền lành: "Dù sao cũng phải cảm ơn ông trời các chú à. Nếu không thì con tôi đã không giữ được mạng sống cho tới ngày nay nữa rồi".
Hỏi về cuộc sống riêng, cô Hoa chỉ cười lặng lẽ. Lúc còn trẻ, cô cũng như nhiều người con gái khác, cũng có vài ba chàng trai để ý muốn kết nghĩa nhân duyên, nhưng do tai nạn xảy đến quá bất ngờ và tàn nhẫn khiến những người đó lặng lẽ bỏ cô mà đi. Trong khi cô bị mất hoàn toàn sức lao động thì khoản tiền duy trì cuộc sống của cô và người mẹ già chủ yếu nhờ vào số tiền mà người anh họ trên Đơn Dương gửi xuống.
Cô bảo, lúc cô còn trẻ, có góp chút tiền dành dụm được để mua một khu đất rừng trên Đơn Dương cùng người anh họ trồng cà phê. Nay do cô bị tật nguyền nên không thể làm phụ, nhưng người anh của cô vẫn hằng tháng trích một khoản tiền thu được từ khu đất đó để gửi cho cô. Đó cũng chính là nguồn thu chủ yếu mà cô và mẹ mình đã sống suốt trong nhiều năm qua sau biến cố của đời mình.
Tình người trong từng nét chữ
Trong thời gian ở đây và tiếp xúc với gia đình cô Hoa, chúng tôi dễ dàng nhận ra là mặc dù hoàn cảnh sống của gia đình rất đạm bạc, nhưng tình người là thứ luôn tràn ngập trong căn nhà nhỏ bé này. Có lẽ, đây chính là sức mạnh đã biến một người tàn tật, bán thân bất toại có thể tiếp tục vươn lên trong cuộc sống bằng cách... giúp đỡ những con người bình thường khác. Đó là việc cô Hoa vẫn liên tục tổ chức một lớp học tình thương cho những em nhỏ nghèo khổ quanh vùng.
Chia sẻ về chuyện này, cô Hoa cười: "Ở quanh đây còn rất nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, những em nhỏ cũng bị tật nguyền, khuyết tật bẩm sinh nữa. Chính vì thế, các em không có điều kiện được học hành như những bạn bè cùng trang lứa khác. Thế nên, tôi nảy ra ý định là sẽ mở lớp dạy học miễn phí cho các em. Ban đầu, mẹ và các anh chị em trong gia đình phản đối dữ lắm, kêu rằng, tôi bệnh tật thế này, ngồi còn không ngồi được nữa thì dạy học làm sao. Giờ mà không lo giữ gìn sức khỏe còn cố gắng làm việc làm chi, nếu cố quá thì chỉ khổ bản thân mình mà thôi. Tuy nhiên, tâm nguyện đã quyết nên tôi nhất định phải làm cho bằng được, dù khó khăn cỡ nào đi chăng nữa. Còn nhớ, lớp học lúc đầu chỉ khoảng hơn 10 học sinh mà thôi. Toàn con nhà nghèo, không đủ tiền đi học nên nhìn thương lắm. Do tôi tật nguyền, không thể hoạt động được nên các em thì ngồi ghế, tôi nằm giường giảng bài. Lớp học của tôi không có bảng đen, không có phấn trắng mà chỉ có bút và sách vở mà thôi. Những em nhỏ đều được tôi hướng dẫn chi tiết từng bài học một, sau đó về bàn ngồi làm lại. Còn tôi thì sau một hồi hướng dẫn sẽ quay qua kiểm tra xem các em làm bài ra làm sao".
Thế là, từ lớp 1 rồi lớp 2... cho tới lớp 5, tất cả các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt đều được cô Hoa tận tình chỉ dạy, uốn nắn từng nét chữ, từng lỗi chính tả đầu đời để lớn lên làm người có ích. Công việc cứ thế lặng lẽ qua đi, nay đã gần 20 năm trời rồi.
Khi được hỏi về khoản tiền học phí mỗi tháng mà các em phải đóng thì cô Hoa cười: "Tất cả các em đến học với tôi đều do hoàn cảnh khó khăn nên tôi không bắt các em đóng bất cứ khoản tiền nào".
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các phụ huynh có con em theo học lớp của cô giáo Hoa đều tự nguyện đóng góp một khoản nho nhỏ phụ giúp hoàn cảnh của cô. Cụ thể, mỗi người thường góp từ 40 - 60 ngàn đồng/tháng để giúp đỡ cô mua thuốc men trong những lúc đau đớn vì bệnh cũ ở lưng tái phát. Mà, số tiền này cũng không phải là đưa trực tiếp cho cô Hoa mà chỉ đưa cho bà Tin, mẹ cô mà thôi. Mặc dù biết đó là số tiền tự nguyện nhưng với các em học sinh cũng bị khuyết tật như mình, cô Hoa kiên quyết từ chối dù phụ huynh có bất cứ đề nghị nào.
Cô Hoa bảo, bởi cô không may bị tai nạn nên hơn ai hết, cô hiểu cảm giác của các em, cô chỉ tình nguyện đóng góp một chút sức lực nhỏ bé của mình để giúp các em vươn lên trong cuộc sống. Với cô, một người suốt 20 năm chỉ nằm yên một chỗ thì ngày ngày được nhìn ngắm các em nhỏ, được làm việc, được chỉ dạy các em cũng là một điều hạnh phúc quá đỗi rồi, không mong muốn gì hơn nữa.
Theo Xuyên Mộc
Dân Việt
350 người tìm kiếm 5 người mất tích trong ôtô bị lũ cuốn Cơ quan chức năng huy động cả lực lượng công binh cùng trang thiết bị hiện đại và mở rộng phạm vi lên 30 km với quyết tâm tìm bằng được chiếc xe 7 chỗ gặp nạn ở Khe Ang (Nghệ An) trong ngày 20/9. 16h chiều 20/9, trao đổi với VnExpress.net ông Lê Hồng Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa...