- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Người đàn ông “gà trống nuôi con” trong căn nhà bằng “bao diêm” giữa lòng Hà Nội
On 28/05/2014 @ 9:53 PM In Tin nổi bật
Những giọt mồ hôi lăn dài trên trán anh Hoàng Văn Xuân khi loay hoay trong căn nhà chưa đầy 5m2 ở ngõ 44 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Người đàn ông 51 tuổi sống cảnh "gà trống nuôi con" đã và đang chống chọi với sự hà khắc của cả thời tiết và số phận để nuôi dạy cậu con trai năm nay 17 tuổi trong căn nhà hình "bao diêm" giữa lòng phố cổ.
Anh Xuân loay hoay "chui" vào căn nhà rộng chưa đầy 5m2 của mình. Ảnh: Thành An.
Nhà "bao diêm"
Đi vào con ngõ nhỏ với thứ ánh sáng lờ mờ của buổi chiều sắp mưa giông, khá khó khăn chúng tôi mới "định vị" được đâu là nhà của anh Hoàng Văn Xuân.
Bước lên mấy bậc thang bằng sắt đã hoen gỉ, tôi cảm tưởng như mình đang chui từ dưới giếng lên trên mặt đất. Lối vào nhà anh Xuân cả hình dạng lẫn kích thước thực sự chẳng khác gì một cái miệng giếng hình chữ nhật.
Khi chuẩn bị lên nhà anh, chúng tôi đã được chủ nhà cảnh báo "cẩn thận cộc đầu vào trần nhà". Có sẵn chiếc thước may, anh tỉ mỉ đo đạc cho chúng tôi xem kích thước căn nhà. Kết quả là trần nhà chỉ cao chưa đầy 1,2m, còn chiều dài và chiều rộng đều xấp xỉ 1,9m. Anh vừa đo vừa cười bảo: "Nếu là nhà thì phải đứng được dậy, đằng này chẳng khác gì cái bao diêm".
Lối lên nhà anh Xuân chẳng khác gì cái miệng giếng. Ảnh: Thành An.
Mặc dù khi chúng tôi vào thăm nhà trời bắt đầu đổ mưa xối xả, nhưng dường như bao nhiêu nước mưa cũng chẳng thể làm dịu cái nóng nực trong căn nhà chưa đầy 5m2 của anh Xuân. Anh tâm sự: "Bình thường, nếu không bật quạt, nhiệt độ trong phòng không dưới 39 độ. Dù trời mưa mát nhưng hễ tắt quạt đi là mồ hôi chảy ròng ròng".
Diện tích nhà chẳng đáng là bao nên hai bố con phải cố gắng sắp xếp sao cho tiết kiệm tối đa diện tích. Anh Xuân bảo, nhà chật chội nên bàn học cho con chẳng có, đến cái bàn gấp anh cũng chẳng dám sắm vì không biết để đâu, cả chiếc quạt treo tường anh cũng tháo bỏ lồng để rộng được chút nào hay chút ấy.
Lấy tay áo lau mồ hôi trên mặt, trên trán, anh Xuân ngước nhìn lên trần nhà chỉ cho chúng tôi những vết nứt, vết bong tróc mà không ít lần bố con anh đã bị những mảng vôi vữa rơi xuống đầu. Anh Xuân kể, trần, tường nhà đều mốc meo, hôm nào mưa gió là nước ngấm theo vết nứt vào quần áo, chăn màn cũng mốc cả.
Nhìn quanh căn nhà đã sống suốt gần 20 năm qua, anh Xuân lắc đầu ngao ngán rồi nói: "Cứ mùa hè đến là không muốn về nhà, chỉ lo con nghỉ hè rồi cho nó đi đâu để tránh nóng".
Gà trống nuôi con
Trong căn nhà hình bao diêm vừa ẩm ướt vừa nóng nực ấy, anh Hoàng Văn Xuân đã sống cảnh "gà trống nuôi con" suốt 3 năm qua cùng cậu con trai 17 tuổi là cháu Hoàng Xuân Thủy, đang học trườngTHPT Dân lập Văn Hiến.
Anh tâm sự, sống với nhau được 17 năm thì vợ anh đi theo người đàn ông khác, để lại anh một mình vò võ nuôi cậu con trai khi đó 14 tuổi. Anh chua chát nói: "Bố mẹ cãi nhau, bỏ nhau nhưng con nó có tội tình gì đâu mà mẹ nó không bao giờ gọi điện thăm hỏi con ăn uống, học hành thế nào".
Ngày ngày, cứ khoảng 6 giờ sáng là anh Xuân rời căn nhà chật chội ra phố chờ khách gọi chạy xe. Công việc như "câu cá", lúc được lúc không, anh bảo, mỗi ngày trừ chi tiêu ăn uống, xăng xe chỉ để ra được khoảng 50.000 đồng. Tiền làm ra chẳng đủ để lo cho cuộc sống của hai bố con, nhất là cậu con trai còn đang tuổi ăn học.
Theo lời của người đàn ông này, con trai anh từ khi đi học đều phải đi bộ đến trường vì không có tiền mua xe đạp. Anh cũng chẳng cho con đi học thêm như bạn bè cùng trang lứa vì "biết kiếm đâu ra".
Những lúc rảnh rỗi anh Xuân lại lấy ảnh con trai ra ngắm rồi gọi điện hỏi thăm con. Ảnh: Thành An.
Cảnh "gà trống nuôi con" nhọc nhằn, có khi 2-3 ngày bố con chẳng nấu một bữa cơm, một phần vì công việc chạy xe không ổn định giờ giấc, thêm nữa cũng bởi cứ vào nhà là mồ hôi chảy ròng ròng nên hai bố con lại ngậm ngùi ăn cơm bụi.
Thiếu vắng bàn tay người vợ, người mẹ, không chỉ việc ăn uống mà việc chăm lo sức khỏe của hai bố con đều không được đến nơi đến chốn. Anh Xuân kể, thời gian vừa rồi có dịch sởi, chẳng ngờ cậu con trai bị lây bệnh rồi lây sang cả anh. Hai bố con chỉ biết mình ốm với nhau vì hàng xóm sợ lây bệnh không dám hỏi han.
Thương con thiếu thốn tình cảm, sự chăm sóc của mẹ, cũng không có điều kiện vật chất đủ đầy như bạn bè cùng trang lứa, anh Xuân luôn cố gắng bù đắp tình cảm cho con. Dù ngày nào bố con cũng gặp nhau nhưng mỗi khi không có việc, anh Xuân thường lấy mấy tấm ảnh của con để cùng giấy tờ xe trong cốp xe đã khá nhàu ra ngắm rồi lại gọi điện hỏi thăm con.
Với anh Xuân, trong cuộc sống nhiều ngang trái và muôn phần khó khăn, anh chỉ có cậu con trai làm niềm an ủi và động viên duy nhất. Mỗi lần nhắc đến con, anh lại bộc lộ niềm tự hào và niềm vui khôn xiết vì con trai ngoan ngoãn, lực học cũng khá và bởi những lời cậu con trai luôn nói với anh: "Con biết thân biết phận của mình rồi, bố không phải lo cho con. Con là con trai lớn rồi nên tự biết phải làm gì không để bố phải hổ thẹn".
Theo Laodong
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/nguoi-dan-ong-ga-trong-nuoi-con-trong-can-nha-bang-bao-diem-giua-long-ha-noi-20140528i1402514/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.