Ngoại trưởng Mỹ tới London bàn đối sách cho khủng hoảng Ukraine
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay (14/3) đã có mặt tại London để hội đàm với người đồng cấp phía Nga, trong nỗ lực ở phút chót nhằm hạ nhiệt tình hình căng thẳng đang leo thang tại bán đảo Crimea của Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có mặt tại London sáng 14/3
Các quan chức phương Tây hiện tin rằng có ít cơ hội trì hoãn cuộc trưng cầu dân ý dự kiến được tổ chức vào Chủ nhật này tại Crimea, để quyết định liệu bán đảo này có gia nhập liên bang Nga hay không. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Phương Tây cũng nói rằng, có thể vẫn còn một cơ hội đề bàn thảo giải pháp chính trị nếu Nga ngừng bước đi tiếp theo là chính thức sáp nhập Crimea.
“Chúng tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội cho giải pháp ngoại giao”, một quan chức cấp cao của Bộ ngoại giao Mỹ khẳng định khi được hỏi về cuộc gặp giữa ông Kerry và Ngoại trưởng Nga Lavrov. “Điều chúng tôi muốn thấy là một sự cam kết chấm dứt tạo ra những tình huống mới trên thực địa, và cam kết tham gia một cách nghiêm túc vào các giải pháp hạ nhiệt xung đột”.
Đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy điện Kremlin sẵn sàng đi theo “lối thoát” mà chính quyền Tổng thống Obama liên tục đề xuất. Trong một văn bản gửi tới Bộ ngoại giao Mỹ tối thứ Hai, Mátxcơva không cho thấy tín hiệu nào về sự linh hoạt khi tranh luận rằng việc Crimea tách khỏi Ukraine cũng hợp pháp như khi Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia, sự kiện Mỹ từng hậu thuẫn.
Trong một động thái cứng rắn khác, Nga trong tuần này đã tiến hành tập trận chớp nhoáng với sự tham gia của hàng nghìn binh sỹ gần biên giới với Ukraine. “Đó là ít nhất là một sự ép buộc chính trị”, một quan chức phương Tây giấu tên nói.
Video đang HOT
Ngoài ra cũng có thông tin cho rằng một lượng lớn lính Nga đang được điều động tới các thành phố phía Đông Ukraine như Kharkiv, Lugansk và Donetsk dưới sự giám sát của các sỹ quan tình báo Nga, vị quan chức trên cho biết thêm.
Một câu hỏi lớn của Mỹ và các đồng minh lúc này đó là liệu Nga chỉ muốn bảo vệ các lợi ích của mình tại Crimea, hay đây là bước đi đầu tiên trong chiến dịch làm suy yếu chính phủ mới tại Ukraine, và ảnh hưởng của Kiev đối với vùng lãnh thổ phía Đông.
Trong số những công việc hàng đầu ông Kerry phải làm trong cuộc gặp với ông Lavrov hôm nay, theo quan chức ngoại giao Mỹ, có việc đề nghị Nga hoãn cuộc trưng cầu dân ý. Dù vậy hầu hết các chuyên gia đều không kỳ vọng vào điều này, bởi Mátxcơva chính là bên thúc đẩy việc dàn xếp cuộc bỏ phiếu này. Ông Kerry hồi đầu tuần cũng phát đi tín hiệu rằng ông sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao hậu trưng cầu dân ý nếu Nga không chính thức sáp nhập Crimea.
Theo Dantri
Venezuela: Biểu tình bạo lực tiếp diễn, Mỹ lên tiếng chỉ trích
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua (13/3) đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Venezuela chấm dứt ngay "chiến dịch khủng bố chống lại chính người dân nước mình", sau khi giới chức Venezuela khẳng định 28 người đã thiệt mạng trong hơn 1 tháng biểu tình vừa qua.
Các cuộc biểu tình bạo lực tại Venezuela đã kéo dài nhiều tuần
Ông Kerry khẳng định Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, các đồng minh và láng giềng của Venezuela yêu cầu nước này giải trình về các cuộc biểu tình.
Kể từ khi nổ ra cách đây hơn một tháng, 28 người đã được giới chức địa phương xác định thiệt mạng.
Venezuela thì cáo buộc Mỹ đang hậu thuẫn "các phần tử phát xít cánh hữu" âm mưu đảo chính thông qua bạo loạn.
Bình luận trên của ông Kerry là gay gắt nhất từ Washington kể từ khi biểu tình bắt đầu.
"Chúng tôi đang cố gắng tìm một cách để khiến chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro đối thoại với dân chúng, đối xử với họ một cách tôn trọng để chấm dứt chiến dịch khủng bố chống lại chính người dân của ông ấy, và bắt đầu tôn trọng nhân quyền một cách đầy đủ", ông Kerry phát biểu trước Quốc hội Mỹ.
Các nhà lập pháp Mỹ hiện đang tranh cãi liệu có nên áp đặt các lệnh trừng phạt đối với quốc gia xuất khẩu dầu mỏ này hay không.
Tổng thống Maduro trong tuần này nói rằng chính phủ của ông đã "vô hiệu hóa" một "cuộc đảo chính cảnh hữu". Ông cáo buộc các nhóm tại Mỹ, Venezuela và các quốc gia Mỹ La tinh khác đã tham gia kế hoạch này.
Trước đó, Venezuela đã trục xuất đại sứ Panama và 3 nhà ngoại giao khác của nước này. Còn trong tháng 2, Venezuela tuyên bố 3 nhà ngoại giao Mỹ là "người không được chào đón", sau khi cáo buộc phía Mỹ đã bàn thảo với các sinh viên thực hiện biểu tình.
Bộ trưởng tư Pháp Venezuela Luisa Ortega Diaz hôm qua (13/3) cho biết 28 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình. Cũng trong hôm thứ Năm, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát lại bùng phát tại Caracas, nơi nhiều người ủng hộ chính phủ cũng tuần hành.
Biểu tình nổ ra đầu tiên tại các bang phía Tây Merida và Tachira hồi đầu tháng 2, do các sinh viên khởi xướng. Họ yêu cầu tăng cường an ninh trong khu vực. Hàng chục người biểu tình sau đó đã bị bắt.
Chưa đầy 2 tuần sau đó, 3 người đã bị bắn chết tại Caracas trong một cuộc tuần hành yêu cầu trả tự do cho những sinh viên và người biểu tình bị bắt.
Hôm thứ Tư vừa qua, thêm 3 người khác tử vong trong các cuộc biểu tình mới tại thành phố Valencia.
Theo Dantri
Serbia phản đối Kosovo thành lập quân đội riêng Ngay 6-3, Chính phủ Kosovo đa đề xuât thanh lâp quân đội gôm 5.000 ngươi để "bảo vệ chủ quyền" vung lanh thổ cua ngươi gôc Albania nay, sau 6 năm ly khai khỏi Serbia. Theo môt tuyên bô đươc đưa ra sau phiên hop nôi cac, quân đội Albania sau khi đươc thanh lâp sẽ co quy mô lơn gâp đôi Lưc...