Ngày cuối đời của các ông trùm khét tiếng một thời
Khi đứng trước ngưỡng cửa vào cõi chết, mấy ai cứng cỏi dám nói là mình không run sợ. Vậy còn, những kẻ “một thời nức tiếng” giang hồ thì sao?
Ông trùm khét tiếng Khánh trắng (dấu x đỏ) và đồng bọn tại tòa
Năm Cam động viên vợ: “Bà đừng khóc…”
Là một trong những vụ án phức tạp và quy mô nhất từ trước đến nay, “tập đoàn tội phạm” do Năm Cam cầm đầu thu hút sự quan tâm không chỉ của báo giới truyền thông mà cả dư luận trong nước. Lần cuối cùng được chạm mặt vợ – tức Phan Thị Trúc, người phụ nữ được mệnh danh là Trúc “mẫu hậu”, trong phiên tòa xử vụ Năm Cam, ông trùm vốn nổi tiếng đào hoa và khét tiếng trong thế giới ngầm thốt lên trong cay đắng: “Bà đừng khóc, hãy cố gắng cứng cỏi để con cái đỡ hoang mang, sợ hãi. Một mình tôi làm chúng đau đủ rồi…!”.
Trên tờ báo CAND viết về ngày cuối cùng trong cuộc đời ông trùm Năm Cam – một ngày rạng sáng 3/6/2004: “0h ngày 3/6, tại trại tạm giam, thủ tục chuyển trại cho 5 tử tội được tiến hành, mỗi người ngồi trên một xe đặc chủng. Lúc này, họ cũng chỉ được thông báo như một cuộc chuyển trại bình thường. Tử tội Châu Phát Lai Em không chút nghi ngờ, vẫn tỉnh táo chỉ quần áo, tư trang của mình cho cán bộ quản giáo lấy ra. Duy nhất “ông trùm” Năm Cam tỏ ra lặng lẽ hơn ngày thường, bước chân vào xe chậm một chút. Có lẽ tuổi đời, kinh nghiệm sống lọc lõi đã khiến tội nhân khét tiếng này lờ mờ đoán được điểm cuối của con đường chuyển trại”.
Video đang HOT
Năm Cam (phải) và Trúc “mẫu hậu” (trái) khi bị bắt giam
Vẫn trên tờ báo này, các phạm nhân được miêu tả dường như khuỵu hẳn xuống không bước nổi, phải có người xốc nách dìu đi – đó là khi trời vẫn chưa tỏ mặt người. Vừa mới thoáng thấy tên mình trên cột bắn được sắp thành hàng ngang theo thứ tự, các phạm nhân không ai bảo ai đều run lên bần bật, trong đó có cả ông trùm “một thời vang bóng” Năm Cam. Thế ra, trong giây phút đối mặt với cái chết, con người rồi cũng trở về với những thuộc tính loài.
Khánh “trắng”: Bình tĩnh liếc nhìn chiếc quan tài màu đỏ…
Năm 1997, báo giới và truyền thông trong nước rúng động bởi vụ Khánh “trắng” và đồng bọn. Khánh bị tuyên án tử hình – khung hình phạt cao nhất dành cho 4 tội danh: Giết người; Cướp tài sản công dân; Trốn thuế và Che giấu tội phạm. Không chỉ “che mắt” được thiên hạ bằng vẻ ngoài thư sinh, lịch lãm và chăm chỉ làm từ thiện, Khánh “trắng” khiến nhiều người ngạc nhiên bởi vẻ bình thản khi bị bắt và cách ăn nói lễ phép, đúng mực – quả không hổ danh là tay trùm thế giới ngầm khét tiếng.
Nhận án tử hình, Khánh được đưa vào buồng biệt giam tại trại giam T16, Bình Đà. Trước đó, Khánh “trắng” vẫn bình tĩnh nghĩ rằng, mình bị bắt chỉ vì vụ cướp trên phố Kim Mã. Thậm chí, tay trùm giang hồ này còn coi việc vào trại giam như một khoảng lặng để tạm nghỉ ngơi, dưỡng sức trên chặng đường đời vốn đã quá mỏi mệt những thù hằn, chém giết của hắn.
Song, cuộc đời vốn vẫn tồn tại công lý, cái gì đến cuối cùng cũng sẽ đến. Khi đơn xin ân giảm bị bác, án tử hình vẫn được giữ nguyên, Khánh “trắng” hiểu rằng cái chết sẽ đến với hắn chỉ trong nay mai. Sự bình thản mà Khánh cố ngụy biện cho mình rốt cuộc là vỏ bọc. Thẳm sâu trong mình, ông trùm khét tiếng chợ Đồng Xuân một thời hẳn không khỏi run rẩy và sự hãi khi biết mình sắp lìa đời. Tờ báo NĐT miêu tả, “Khánh trắng trong những ngày cuối đời “hiền khô và ngoan ngoãn”, tuyệt không thấy bóng dáng của hung thần từng là “nỗi ám ảnh của nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ Đồng Xuân, giới kinh doanh nhà nghỉ, quán bar”.
Chân dung ông trùm xã hội đen Dương Văn Khánh (tức Khánh “trắng”)
Rạng sáng một ngày tháng 10/1998, bản án tử hình dành cho Khánh “trắng” được thi hành tại trường bắn Cầu Ngà (phía sau Trại tam giam số 1 của Công an Hà Nội). Bước xuống an toàn từ chiếc xe chở tử tù, Khánh “trắng” bước đến… dựa cột vẫn với vẻ bình thản hiếm thấy. Sau khi hoàn thiện mọi thủ tục, Khánh vẫn kịp liếc nhìn chiếc quan tài màu đỏ được chuẩn bị sẵn, dựa đầu vào cọc tre đón nhận phút giây từ giã cuộc đời.
Tiếng súng vang lên, đôi mắt kẻ tử tù vẫn giữ nguyên nét mở trừng trừng như những gắng gượng trong vô vọng muốn được nhìn thấy cuộc đời vốn chảy trôi vô định. Theo thông tin trên tờ NĐT.
Vũ Xuân Trường: Mỉm cười với cán bộ thi hành án…
Vũ Xuân Trường và đồng bọn từng là vụ án ma túy gây rúng động thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng khiến báo giới trong nước tốn không ít giấy mực. Các bị cáo trong vụ này đại đa số đều là những người có trình độ học vấn không thấp, lại am hiểu luật pháp. Riêng “ông trùm” Vũ Xuân Trường từng là đại úy, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm chống ma túy, C14 (nay là C45, Bộ Công an). Vụ án đã “ nóng” lại càng thêm thu hút sự quan tâm của dư luận thời điểm đó.
Án tử hình là không tránh khỏi đối với kẻ gieo giắc “cái chết trắng”. Như thông lệ, rạng sáng một ngày tháng 3 năm 1998, bản án được thực thi dành cho Vũ Xuân Trường tại trường bắn Cầu Ngà.
Theo lời kể của các cán bộ thi hành án được dẫn trên không ít tờ báo nổi tiếng lúc bấy giờ, 7 phạm nhân hôm đó cùng được đưa ra pháp trường trong đó có Vũ Xuân Trường. 6 người còn lại gồm: Bùi Danh Ca (nguyên đại úy, đồn phó, kiêm trưởng Trạm biên phòng cửa khẩu Tây Trang, Lai Châu), Vũ Phong Mã (nguyên đại úy, trưởng Phòng hậu cần Công an Lai Châu), Đào Xuân Xe (lái xe Công ty Vận tải ôtô số 3), Nguyễn Trọng Thắng, Dương Ngọc Thắng (đều là công an ở Lai Châu) và Lại Thị Ngấn (không nghề nghiệp). Dường như biết rõ hơn ai hết về tội lỗi của mình, Vũ Xuân Trường không một lời khóc than, lặng lẽ mỉm cười với cán bộ thi hành án, thậm chí còn đủ sức trêu chọc đồng bọn.
Tờ ĐSPL viết: “Mỗi người được mang đến một bát phở, một cốc nước, một điếu thuốc. Hầu như không ai ăn. Xuân Xe húp ít nước rồi đặt bát xuống. Vũ Phong Mã rít thuốc thật sâu như để giấu đi sự hoảng sợ. Lại Thị Ngấn đầu tóc bơ phờ, đôi mắt thất thần. Chỉ có Vũ Xuân Trường xỏ hai tay vào túi.
Lần lượt các tử tù làm thủ tục kiểm tra danh chỉ bản. Lại Thị Ngấn chưa kịp lăn tay đã ngất xỉu. Hai nữ y tá phải bế xốc Ngấn ra bên để tiêm thuốc trợ tim. Một lúc sau Ngấn tỉnh lại. Trường tiến đến bên cạnh cười khẩy: “Thế là thêm một con cave xuống đấy, đủ một mâm bảy người”. Nghe thấy thế, Ngấn vừa trừng mắt nhìn Trường bằng đôi mắt căm thù vừa chửi tục: “Thằng mặt…”, Trường vờ như không nghe thấy gì”.
Theo Xahoi