Nga muốn gì khi điều máy bay áp sát không phận Mỹ
Điều máy bay tới gần không phận Mỹ vào đúng ngày quốc khánh 4/7, Nga muốn thông qua đó tái khẳng định khả năng hiện diện của mình trên trường quốc tế đồng thời phô diễn sức mạnh quân sự, chuyên gia nhận định.
Chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh hồi tháng 9/2014 chặn một máy bay ném bom Tu-95 của Nga. Ảnh: CNN
“Xin chào những phi công Mỹ, chúng tôi đến đây để chúc mừng ngày quốc khánh 4/7 của các bạn”, một phi công Nga trên máy bay ném bom chiến lược Tu-95, được mệnh danh “Gấu”, nói khi bị ngăn chặn vì bay cách bờ biển bang California hơn 60 km, CNN dẫn thông báo từ Bộ chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) cho biết.
Trước đó cùng ngày, chiến đấu cơ Mỹ cũng chặn hai chiếc Tu-95 của Nga trên bầu trời khu vực bờ biển phía nam Alaska. Trong cả hai trường hợp, khi máy bay Mỹ cất cánh để can thiệp thì những chiếc Tu-95 này đều lập tức quay đầu bỏ đi.
Video đang HOT
Theo Nick de Larrinaga, biên tập viên mảng châu Âu tại tuần báo quân sự IHS Jane, động thái điều động máy bay tiến sát không phận quốc gia khác này phần nào cho thấy nỗ lực của Tổng thống Vladimir Putin nhằm tái khẳng định sự hiện diện của Nga trên trường quốc tế. Nó cũng hướng đến mục tiêu giành lại sự tôn trọng đối với nước Nga và thể hiện rằng Moscow vẫn là “một lực lượng quân sự toàn cầu sở hữu sức mạnh đáng gờm”
Theo ông Adam Kinzinger, cựu chiến binh thuộc không quân Mỹ, những cuộc viếng thăm của Tu-95 còn nhằm mục đích khuếch trương thanh thế. Kinzinger cho rằng Nga đang khơi mào cho những cuộc tập dượt phô diễn lực lượng như thời Chiến tranh Lạnh.
Cái được
Triển khai các cuộc tuần tra bằng chiến đấu cơ trên không phận quốc tế, có lẽ khán giả mà ông Putin hướng đến không phải là người dân trong nước mà chính là dư luận thế giới, theo CNN. Tuy nhiên, lời chào mừng mà viên phi công đưa ra cũng ít nhiều tạo được sự phấn khích bên trong nước Nga, nơi Tổng thống Putin đang cố gắng để nâng cao tinh thần tự hào dân tộc. Các cuộc áp sát không phận Mỹ xảy ra không lâu sau khi ông Putin gửi điện chúc mừng tới Tổng thống Obama nhân dịp quốc khánh Mỹ.
Việc phi hành đoàn Nga liên lạc với máy bay đánh chặn hay trạm kiểm soát không lưu là điều hiếm khi xảy ra, vậy nên lời chúc mừng không chính thức của các phi công Nga gửi qua tần số liên lạc khẩn cấp chắc chắn mang một thông điệp khác. Ông Kinzinger nhận xét đây là cách Nga thử phản ứng của phương Tây trước những tình huống kiểu như vậy để xem có thể đi xa đến đâu.
“Vì thế, việc quan trọng bây giờ là cần đứng lên và làm rõ rằng chúng ta sẽ không chịu lép vế”, Kinzinger nói.
Những rủi ro
Mỹ và một số nước khác từng nhiều lần phản ánh về việc chiến đấu cơ Nga không bật thiết bị phát đáp. Điều này tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới va chạm với các máy bay dân sự đi qua khu vực hoặc máy bay quân sự được điều động để đánh chặn, đặc biệt là trên bầu trời châu Âu, nơi mật độ chuyến bay rất dày đặc. “Tai nạn dễ xảy ra khi máy bay quân sự của hai nước cùng tiến đến gần vị trí của nhau nhưng lại không liên lạc”, Larrinaga nhận định.
Ngay cả khi người điều khiển máy bay là những phi công lão luyện thì kịch bản tồi tệ nhất vẫn có thể xảy ra. Năm 2001, một máy bay do thám của hải quân Mỹ và chiến đấu cơ Trung Quốc va chạm khi đang bay qua đảo Hải Nam trên Biển Đông. Máy bay Mỹ thiệt hại nặng, phải hạ cánh khẩn cấp, trong khi đó, máy bay Trung Quốc rơi, khiến phi công thiệt mạng. Bắc Kinh đổ lỗi cho Washington, đồng thời giữ tổ bay của Mỹ trong hơn một tuần.
Ông Kinzinger còn cảnh báo về viễn cảnh bùng nổ chiến tranh khu vực, thậm chí là trên phạm vi toàn cầu, nếu Nga tính toán sai, nhất là ở những không phận trên Estonia, Latvia hay Lithuania. Khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ buộc phải có những động thái cứng rắn để bảo vệ lãnh thổ.
Không phải mối đe dọa
Phát ngôn viên của NORAD không coi vụ việc hôm 4/7 là một mối đe dọa nhưng nhấn mạnh hành động đó có “khả năng gây bất ổn” bởi việc máy bay Nga xuất hiện gần không phận Mỹ là không được báo trước.
Giới quan chức quân sự Mỹ cho hay khi máy bay Nga đi vào vùng không phận 12 hải lý tính từ đường bờ biển nước này, chiến đấu cơ Mỹ sẽ theo sát đến khi các máy bay kia phải quay đầu lại. Việc hai máy bay Nga bị chặn cách bờ biển trung tâm California 60 km là điều bất thường bởi phi cơ Nga hiếm khi mạo hiểm tiến xa về phía nam. Nhưng Lầu Năm Góccoi đây như “một thông điệp” mà Tổng thống Putin muốn gửi tới Mỹ vào đúng ngày quốc khánh.
Máy bay của Moscow có thể bị phát hiện và theo dõi ngay cả khi vẫn hiện diện trong không phận Nga. Bởi thế, quân đội Mỹ thừa khả năng để kiểm soát tình hình, chuyên gia quốc phòng giấu tên bình luận. “Xét trên phương diện này thì đó hẳn nhiên không phải là một mối đe dọa quân sự”, ông nói.
Hàn Hạnh
Theo CNN