Nga dự đoán Ukraine sẽ đàm phán hòa bình vào mùa Đông
Một số nguồn tin cho rằng Moskva đang đặt cược việc thiếu khí đốt vào mùa Đông sẽ tạo cơ hội cho hòa bình ở Ukraine.
Nga và Ukraine vẫn rơi vào thế bế tắc khi không bên nào chịu nhượng bộ. Ảnh: Reuters
Trong lịch sử, mùa Đông lạnh giá đã giúp Moskva đánh bại cả Napoléon và Hitler. Vì vậy, theo hãng tin Reuters ngày 24/8, có suy đoán cho rằng Nga đang đặt cược rằng giá năng lượng tăng vọt và tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra trong mùa Đông này sẽ thuyết phục châu Âu kéo Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với một thỏa thuận ngừng bắn – theo các điều kiện của Nga.
Reuters dẫn lời hai nguồn tin Nga gần gũi với điện Kremlin cho biết, đó là “con đường duy nhất dẫn đến hòa bình mà Moskva nhìn thấy, vì Kiev tuyên bố rằng họ sẽ không đàm phán cho đến khi các lực lượng Nga rút toàn bộ khỏi Ukraine”.
Một nguồn tin thân cận với các nhà chức trách Nga cho biết: “Chúng tôi có thời gian, chúng tôi có thể chờ đợi. Sẽ là một mùa Đông khó khăn đối với người châu Âu. Các cuộc biểu tình, bất ổn có thể xuất hiện. Một số nhà lãnh đạo châu Âu có khả năng sẽ suy nghĩ kỹ về việc liệu có nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine và cho rằng đã đến lúc phải đạt được một thỏa thuận”.
Một nguồn tin thứ hai thân cận với Điện Kremlin cho biết Moskva nghĩ rằng họ có thể thấy “sự thống nhất của châu Âu đang lung lay” và hy vọng quá trình đó sẽ tăng tốc trong bối cảnh mùa Đông khó khăn. “Sẽ thực sự khó khăn nếu nó ( xung đột) kéo dài vào mùa Thu và mùa Đông tới. Vì vậy, có hy vọng họ (Ukraine) sẽ đề nghị hòa bình”, nguồn tin cho biết.
Không có phản hồi ngay lập tức từ Điện Kremlin, vốn phủ nhận Nga sử dụng năng lượng như một “vũ khí chính trị”, đối với đề nghị bình luận về vấn đề trên.
Thế bế tắc địa chính trị
Trong khi đó, Ukraine và những nước phương Tây ủng hộ mạnh mẽ nhất của Kiev nói rằng họ không có kế hoạch gấp và các quan chức Mỹ cho biết cho đến nay họ không thấy dấu hiệu vấn đề ủng hộ Ukraine bị dao động.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, trong một dòng tweet gửi tới người Ukraine vào ngày quốc khánh của họ (24/8), cho biết: “EU đã đồng hành cùng các bạn trong cuộc xung đột này ngay từ đầu. Và chúng tôi sẽ vẫn như vậy khi cần thiết”.
Được hỗ trợ bởi hàng tỷ USD viện trợ quân sự của Mỹ và các nước phương Tây khác, huấn luyện và chia sẻ thông tin tình báo, và với một loạt các cuộc tấn công thúc đẩy tinh thần vào các mục tiêu có giá trị của Nga, Kiev muốn thể hiện rằng họ có cơ hội thay đổi cán cân lực lượng trên thực địa.
Video đang HOT
Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, nói với Reuters: “Để các cuộc đàm phán với Nga trở nên khả thi, cần phải thay đổi hiện trạng trên mặt trận có lợi cho lực lượng vũ trang Ukraine. Điều cần thiết là quân đội Nga phải chịu những thất bại chiến thuật đáng kể”.
Đến nay, các lực lượng Ukraine ngăn cản các nỗ lực của Nga nhằm kiểm soát thủ đô Kiev và thành phố Kharkiv; thường xuyên phá hủy và làm gián đoạn các tuyến đường tiếp tế của Nga, đánh chìm tàu Moskva, chiến hạm của Hạm đội Biển Đen của Nga, cũng như gây thiệt hại lớn cho một căn cứ không quân của Nga ở Crimea.
Kiev từ lâu cũng tuyên bố về một cuộc phản công lớn ở khu vực miền Nam, nhưng không rõ liệu điều đó có thành hiện thực hay không.
Sự bế tắc về địa chính trị giữa Nga và Ukraine, cùng các bên liên quan đã khiến giá năng lượng lên mức cao kỷ lục. EU cấm than đá của Nga và thông qua lệnh cấm một phần nhập khẩu dầu thô của Nga để trừng phạt Moskva vì “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà nước này phát động cách đây đúng 6 tháng vào ngày 24/2.
Nga đã đáp trả bằng một đòn lớn, cắt giảm mạnh xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.
Các chính phủ châu Âu đã tìm cách tăng khả năng chống chịu với áp lực năng lượng trong mùa Đông này bằng cách tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế và thúc đẩy các biện pháp tiết kiệm năng lượng, nhưng rất ít chuyên gia năng lượng tin rằng họ sẽ có thể đáp ứng mọi nhu cầu của mình.
Nga đã cắt giảm nguồn cung năng lượng cho EU nhằm phản ứng với các lệnh trừng phạt. Ảnh: Reuters
Điện Kremlin đã nêu lý do cho việc giảm lượng khí đốt do các vấn đề kỹ thuật, các lệnh trừng phạt của phương Tây và việc một số nước từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Trong khi đó, doanh thu từ dầu và khí đốt của Moskva vẫn đạt mức kỷ lục, tiếp tục củng cố sức mạnh của Nga.
“Điện Kremlin tất nhiên đang tính đến khả năng chúng tôi sẽ bị chi phối vì cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, Anh đang tìm kiếm thủ tướng mới, Đức lo lắng về khí đốt và dòng sông Rhine đang khô cạn”, Tướng Mỹ về hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ ở châu Âu, bình luận.
Phép thử về ý chí
Ông Hodges nói: “Xung đột là một bài kiểm tra về hậu cần và đó là phép thử ý chí. Bài kiểm tra sẽ là phương Tây có ý chí vượt trội so với Điện Kremlin không? Tôi nghĩ đây sẽ là một thử thách”.
Nguồn tin đầu tiên thân cận với chính quyền Nga cho biết, Moskva trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào trong tương lai đều muốn đảm bảo an toàn cho toàn bộ khu vực Donbass và Kiev cam kết trung lập về quân sự.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 23/8 tuyên bố Kiev sẽ không đồng ý với bất kỳ đề xuất nào về việc đóng băng giới tuyến hiện tại để “xoa dịu” Moskva. Ông Podolyak, cố vấn của ông Zelensky, cho biết phương Tây đang cung cấp cho Kiev đủ vũ khí để “không gục ngã” nhưng không đủ để giành chiến thắng, thêm rằng cần phải có sự hỗ trợ lớn hơn nữa.
Các quốc gia phương Tây đã từ chối đưa quân tham gia xung đột và hạn chế cung cấp một số khí tài quân sự vì họ muốn tránh một cuộc chiến tranh rộng hơn với Nga, quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC), nhận định hiện không có bên nào chịu nhượng bộ trước. Ông nói: “Cả hai bên đều tin rằng theo thời gian, vị thế của họ có thể trở nên vững chắc hơn. Thực tế, rất khó để tưởng tượng rằng chúng ta có thể sớm đạt được một thỏa thuận chính trị”.
Về phần mình, Neil Melvin, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Anh (RUSI), cho biết hoạt động trên chiến trường của Ukraine từ nay đến mùa Đông có thể xác định hướng đi của cuộc xung đột.
“Ukraine cần thuyết phục những người ủng hộ phương Tây nhằm tạo động lực. Nếu họ thể hiện được trong giai đoạn này rằng có thể đẩy lùi các lực lượng Nga và duy trì đà đó, đó sẽ là một chiến thắng”, ông Neil Melvin nêu quan điểm.
Phương Tây đã không gửi quân trực tiếp đến Ukraine do lo ngại xung đột với Nga lan rộng. Ảnh: Reuters
Nhưng cuộc xung đột càng kéo dài thì nguy cơ chia rẽ của phương Tây đối với Ukraine càng lớn khi giá nhiên liệu, khí đốt, điện và lương thực tăng cao.
“Tất cả các chỉ số kinh tế hiện đang chuyển sang tiêu cực. Sẽ khó hơn để kêu gọi sự ủng hộ khi mọi người run rẩy trong căn hộ của họ (chấp nhận khó khăn) nếu Ukraine không thể hiện được ưu thế”, chuyên gia Melvin nói, lưu ý rằng áp lực cho một cuộc dàn xếp chính trị sau đó có thể tăng lên, chia rẽ cả EU và NATO.
Đồng quan điểm trên, Tony Brenton, cựu Đại sứ Anh tại Nga, cho biết phương Tây “vào một thời điểm nào đó” có thể phải “đẩy người Ukraine vào một số thỏa hiệp khá khó chịu” trừ khi Kiev đạt được một số bước đột phá.
Tổng thống Indonesia thừa nhận khó đưa Nga và Ukraine đến bàn đàm phán hòa bình
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tiết lộ ông cảm thấy khó khăn khi đưa Tổng thống Nga và người đồng cấp Ukraine ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt xung đột khi gặp hai nhà lãnh đạo hồi tháng 6.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Nga Vladimir Putin sau cuộc gặp ở Moskva vào ngày 30/6. Ảnh: AP
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Tổng thống Widodo từng xúc tiến các cuộc trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev, trước khi gặp nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin tại Moskva trong sứ mệnh xây dựng hòa bình với các quốc gia xung đột.
"Tôi thực sự muốn có không gian để đối thoại khi tôi đến Ukraine và Nga. Nhưng trên thực tế, tôi nhận thấy rất khó để đưa Tổng thống Putin và ông Zelensky cùng ngồi vào bàn đàm phán", ông Widodo nói tại một sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia tổ chức ở đông Jakarta hôm 23/8.
Tổng thống Widodo cũng cho biết thêm sau khi nỗ lực làm trung gian hòa giải không đạt kết quả, mặc dù dành tổng cộng 4 giờ đồng hồ với hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine, ông đã thay đổi chủ đề của cuộc gặp để thảo luận về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vốn ngày càng trầm trọng hơn do xung đột. Tổng thống Indonesia nói rằng ông đã trao đổi quan điểm với cả ông Zelensky và ông Putin về các kho dự trữ lúa mì ở Ukraine và Nga.
Mới đây, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Tổng thống Putin và người đồng cấp Zelensky chỉ có thể gặp nhau sau khi các nhà đàm phán của cả hai bên đã "hoàn thành phần việc của họ". Trước đó, hồi tháng 6, ông Peskov cũng tuyên bố bất kỳ cuộc gặp nào ở cấp cao nhất giữa Nga và Ukraine cũng đều phải chuẩn bị trước.
Theo Cố vấn Điện Kremlin Yury Ushakov, Nga không từ chối cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Ukraine, nhưng kế hoạch này cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky từng tuyên bố Tổng thống Putin là quan chức Nga duy nhất mà ông sẵn sàng gặp để thảo luận về cách thức chấm dứt xung đột.
An ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Widodo trong bối cảnh Indonesia sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) tại đảo Bali của quốc gia này vào tháng 11 tới.
Indonesia là nhà nhập khẩu lúa mì lớn thứ hai thế giới. Giới chức nước này đã nhận thấy rõ tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực tăng sản lượng ngô và các sản phẩm thay thế lúa mì như lúa miến, cao lương và sắn để củng cố chuỗi cung ứng lương thực của đất nước. Ông Widodo cũng hướng dẫn nội các xây dựng lộ trình để mở rộng diện tích trồng trọt ít nhất 300% cho đến năm 2024.
Trong khi đó, quan chức Mỹ cho biết sản lượng xuất khẩu ngũ cốc Ukraine trong tháng này dự kiến đạt 4 triệu tấn, gần bằng mức trước khi xảy ra xung đột.
Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc cũng đã làm trung gian cho thỏa thuận ngũ cốc giữa Kiev và Moskva. Thỏa thuận đã được thông qua nhằm đảm bảo các tàu chở hàng có thể rời khỏi các cảng bị phong tỏa ở Biển Đen một cách an toàn. Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã có 33 chuyến tàu chở hơn 720.000 tấn ngũ cốc từ các cảng Ukraine trong nhiều tuần qua.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đánh giá khả năng chấm dứt xung đột Ukraine Nhà ngoại giao cấp cao của Nga cho rằng các quốc gia phương Tây đang kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine để gây thêm thiệt hại cho Nga, nhưng xung đột càng kéo dài, khả năng đạt giải pháp hòa bình sẽ càng giảm đi. Đại diện thường trực của Nga tại Văn phòng Liên hợp quốc Gennady Gatilov. Ảnh: Getty Images...