Nga cam kết xây an toàn nhà máy điện hạt nhân
Theo phóng viên TTXVN tại Mátxcơva, ngày 5/6, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN trong khuôn khổ Diễn đàn AtomExpo 2012, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nga ( Rosatom) Kiril Komarov một lần nữa khẳng định tính bền vững và an toàn cao của công nghệ hạt nhân Nga.
Phối cảnh nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam. (Nguồn: Internet)
Giải đáp mối băn khoăn về vấn đề sinh thái xung quanh Nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam ở tỉnh Ninh Thuận, gần khu nghỉ dưỡng được du khách Nga rất ưa chuộng, ông Komarov tuyên bố: “Chúng tôi hết sức vinh dự được xây dựng Nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay việc thực hiện đang được tiến hành rất khẩn trương. Chúng tôi đang chuẩn bị cơ sở kinh tế-kỹ thuật theo những điều kiện rất chặt chẽ của luật pháp Việt Nam. Công nghệ của chúng tôi an toàn trước mọi thiên tai, sóng thần, động đất… An toàn tuyệt đối. Chúng tôi cam đoan là sẽ không khiến ai phải lo ngại, kể cả người dân Việt Nam lẫn du khách Nga.”
Phó Tổng Giám đốc Rosatom phụ trách vấn đề phát triển và thương mại quốc tế đánh giá cao vai trò của công tác thông tin, tính công khai, minh bạch trong lĩnh vực phát triển năng lượng nguyên tử.
Theo ông Komarov, một trong những công việc cần thiết là phía Nga cùng với phía Việt Nam mở các trung tâm thông tin ngay tại địa điểm xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Ông nêu rõ: “Ở Nga đã mở hơn 10 trung tâm như vậy, mỗi năm có khoảng 150.000 lượt người tới các trung tâm này. Sau khi được tìm hiểu chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy như thế nào và có thông tin đầy đủ, họ sẽ có sự hình dung tích cực hơn về năng lượng nguyên tử. Tại Việt Nam nhất định chúng tôi sẽ mở những trung tâm như thế.”
Video đang HOT
Theo ông Komarov, hiện tại môi trường xung quanh các nhà máy điện nguyên tử của Nga rất trong lành và người dân địa phương cảm thấy rất yên tâm.
Như tin đã đưa, Rosatom là đối tác của Việt Nam trong dự án điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam dự kiến sẽ được thực hiện tại tỉnh Ninh Thuận, gồm hai tổ máy có tổng công suất 4.000 MW. Theo kế hoạch, tổ máy số một sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2014 và bắt đầu phát điện năm 2020.
Diễn đàn quốc tế AtomExpo 2012 diễn ra từ ngày 4 đến 6/6 tại Mátxcơva. Trong khuôn khổ Diễn đàn, Triển lãm AtomExpo 2012 được tổ chức với sự tham gia của 500 công ty đến từ 53 quốc gia. Diễn đàn quốc tế AtomExpo 2012 được tổ chức thường niên tại thủ đô Liên bang Nga và thu hút sự chú ý của các nhà chuyên môn cũng như dư luận thế giới.
Tại Diễn đàn AtomExpo 2012 lần thứ tư đang diễn ra vào thời điểm này có sự tham gia lần dầu tiên của Việt Nam và đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện trên bản đồ năng lượng nguyên tử thế giới./.
Theo TTXVN
Nga vẫn cần phát triển điện hạt nhân
Sau thảm họa của Nhà máy điện nguyên tử (NMĐNT) Fukushima, nhiều người nghi ngờ tương lai của việc sử dụng năng lượng nguyên tử trong việc cung cấp điện năng. Song Liên bang Nga khẳng định, đối với mình, đó là điều cần thiết.
Một nhà máy điện hạt nhân ở Nga. Ảnh: Rnw.
Trong một cuộc thảo luận mới đây nhất về triển vọng của năng lượng nguyên tử, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga Ashot Sarkisov, thuộc Viện những vấn đề phát triển an toàn năng lượng nguyên tử nói: Vụ động đất cấp 9 và những cơn sóng thần cao tới 15 met kèm theo sự cố hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima, Nhật Bản làm người ta hoảng sợ, mặc dù "thảm họa hạt nhân" chưa xảy ra.
Ông cho rằng nguy hiểm của các NMĐNT đã bị phóng đại. Ông nhắc lại năm 1975, một vụ vỡ đập thuỷ điện ở Trung Quốc đã khiến cho trên 170 nghìn người chết vẫn không mang tiếng bằng sự kiện của sự cố năng lượng hạt nhân mà số người hy sinh trực tiếp chưa đến 100 người. Vậy mà người ta cứ nói năng lượng hạt nhân là loại sản xuất điện năng nguy hiểm nhất!
Viện sĩ Sarkisov khẳng định trên trang Nauka: "Tôi và nhiều đồng nghiệp vẫn quan niệm năng lượng nguyên tử là phương pháp lý tưởng nhất để sản xuất điện năng. Hiện nay, người ta đã biết hết những vấn đề của năng lượng nguyên tử và có thể nói những vấn đề đó đều có thể giải quyết để đáp ứng những yêu cầu cao nhất về an toàn và độ tin cậy".
Ông cho biết nhu cầu năng lượng của thế giới tăng liên tục. Trong 25 năm qua, nhu cầu ấy tăng 1,5 lần và 25 năm tới, tăng thêm 25% nữa. Nguồn năng lượng chủ yếu hiện nay vẫn là nhiên liệu hữu cơ (than, dầu, khí) mà trữ lượng đang cạn kiệt, giá thành đang tăng. Đừng quên rằng việc sử dụng nhiên liệu hữu cơ còn làm thay đổi khí hậu.
Trong những điều kiện ấy, người ta quay sang sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh, nhưng trong những năm tới, nguồn năng lượng này không thể vượt quá 20-25%. Cho nên năng lượng nguyên tử vẫn là nguồn tốt nhất để đảm bảo năng lượng cho loài người trong tương lai.
Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga Alexei Macarov (Viện nghiên cứu năng lượng) chia sẻ ý tưởng này với đồng nghiệp, song ông cho rằng đến năm 2030, nếu tỷ lệ năng lượng nguyên tử ở Nga mới chiếm 3-3,5% tổng sản lượng điện là thấp, chứng tỏ sự thận trọng, nhưng dù sao cũng có lý do khác - giá điện nguyên tử vẫn còn đắt. Vì thế ngành điện nguyên tử của Nga cần phải tích cực nâng cao những chỉ số kinh tế-kỹ thuật của mình.
Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga Nikolai Ponomarev-Stepnoi, Tổng biên tập Tạp chí Năng lượng nguyên tử cho rằng Liên bang Nga đang có hai ngành có trình độ ở mức độ cao so với thế giới là công nghiệp điện nguyên tử và công nghiệp tên lửa vũ trụ. Ngành thứ hai đã có vị trí và uy tín quốc tế nhưng ngành thứ nhất thì chưa. Do vậy để nâng cao vị thế của đất nước, cần đẩy mạnh việc đưa ra thế giới những NMĐNT hiện đại nhất như một mặt hàng chất lượng cao, kết hợp với định hướng chiến lược "bán khí thiên nhiên (hiện dùng để sản xuất điện) ra nước ngoài và tăng tỷ lệ điện nguyên tử trong nước".
Giáo sư Valeri Rashkov thuộc Viện Vật lý năng lượng" và ông Serguei Kirienko thuộc Rosatom thuộc Tập đoàn công nghiệp điện nguyên tử nhà nước cho biết đã soạn thảo xong chương trình mục tiêu đầy tham vọng "Phát triển các Liên hợp năng lượng-công nghiệp nguyên tử" để trình nhà nước về việc nâng tổng công suất điện nguyên tử từ 2 đến 4 GW/năm. Hiện nay, Rosatom có đủ năng lực để xây dựng các NMĐNT ở bất cứ quy mô nào nhà nước yêu cầu.
Viện sĩ Macarov nhấn mạnh: Việc xây dựng nên gấp rút tiến hành để đến năm 2015, các NMĐNT sẽ cung cấp được 2-3 GW. Tuy nhiên, việc xây dựng mới phải đi kèm với việc giảm giá thành, phấn đấu sao cho giá xây dựng các lò phản ứng hạ từ 4 xuống 2,5 nghìn đôla trên 1 kilowatt. Nếu không, ngành điện nguyên tử sẽ không có lợi nhuận.
Theo VietNamNet
Trung Quốc muốn tái khởi động điện hạt nhân Tình trạng thiếu thốn năng lượng khiến Trung Quốc phải xem xét việc khôi phục hoạt động các dự án hạt nhân, bị tạm dừng sau khủng hoảng Fukushima của Nhật tháng 3 năm ngoái. Một nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc. Ảnh: Asiaone Sau khi trận động đất và sóng thần phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima, làm...