Năm cuối nhiệm kỳ định hình di sản của Trump
Năm cuối nhiệm kỳ có lẽ là khoảng thời gian muốn quên của Trump, nhưng các nhà sử gia lại xem đây là năm định hình di sản của ông.
Nhiều nhà sử dụng đều đồng tình rằng năm cuối trong nhiệm kỳ của Donald Trump, với thất bại về xử lý đại dịch và kích động cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol, đã định hình di sản trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ. Ngoài ra, cách Trump xử lý lần xem xét bãi nhiệm đầu tiên, biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd và nhiều người Mỹ da màu khác, cùng nỗ lực thách thức kết quả bầu cử cũng tạo nên những dấu ấn cho 4 năm của ông ở Nhà Trắng.
“Di sản mà Trump để lại là một đất nước kiệt quệ, chia rẽ, bầm dập với các thể chế căng như dây đàn”, Timothy Naftali, nhà sử học về các nhiệm kỳ tổng thống, nói.
Jeff Engel , nhà sử học về nhiệm kỳ tổng thống, không nghĩ bất kỳ điều gì Tổng thống Trump đã làm trong năm nay khiến mọi người ngạc nhiên, dù là người ủng hộ, người gièm pha hay các nhà phê bình trung lập.
“Những gì ông ấy đã làm trong ba năm đầu tiên tiết lộ ông ấy là ai và mọi thứ xảy ra trong năm qua chỉ tô đậm màu thêm cho bức chân dung đó”, Engel nói.
Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington . Ảnh: AFP.
Đại dịch Covid-19 , tác động tới tất cả khía cạnh cuộc sống ở Mỹ, không chỉ tác động tới những nhận xét trước mắt về nhiệm kỳ của Trump mà còn định hình cách nhìn nhận lâu dài về Tổng thống thứ 45 của Mỹ, theo Engel.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới , đã báo cáo gần 409.000 ca tử vong và hơn 24,6 triệu ca nhiễm vì Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát hồi đầu năm 2020.
“Nếu bạn hỏi tôi trước đại dịch, tôi có lẽ đã nói nhiều về cắt giảm thuế, bãi bỏ các quy định và thậm chí là nhập cư”, Julian Zelizer, giáo sư về các vấn đề công và lịch sử tại Đại học Princeton, cho hay. “Đại dịch đã càn quét qua đất nước này và xác định những gì sẽ xảy ra. Và mọi thứ ông ấy làm trong năm qua sẽ được xem trọng hơn bất kỳ điều gì trong ba năm đầu tiên”.
Các chuyên gia cho rằng một cuộc khủng hoảng y tế như vậy sẽ là thách thức lớn đối với bất kỳ tổng thống nào của Mỹ. Tuy nhiên, Trump đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của đại dịch, thúc đẩy các phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng, phớt lờ các khuyến nghị y tế, đối đầu với các chuyên gia y tế và phản đối việc đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, chính quyền Trump đã làm việc tích cực để phát triển nhanh vaccine ngừa Covid-19, được ca ngợi như thành tựu khoa học đáng chú ý. Song chiến dịch phát triển vaccine thần tốc Operation Warp Speed chưa thể đáp ứng kỳ vọng về số lượng cho đủ người dân Mỹ.
Các nhà sử học nói rằng thành tựu về vaccine nên được đặt lên bàn cân với các quyết định khác của Trump về xử lý đại dịch Covid-19.
Engel cho rằng Trump đã có cơ hội để vượt qua thách thức và thay đổi câu chuyện về nhiệm kỳ của ông. “Một trong những điều mà mọi tổng thống cần để được ghi danh vào lịch sử như một tổng thống vĩ đại chính là một cuộc khủng hoảng lớn”, Engel nói.
Nhiều sử gia cũng nói rằng di sản của Trump sẽ bị hủy hoại do việc từ chối chấp nhận kết quả bầu cử và những cáo buộc gian lận, gây mất niềm tin vào quy trình bầu cử của Mỹ. Đỉnh điểm là cuộc bạo loạn của người ủng hộ Trump ở Đồi Capitol hôm 6/1 , khi quốc hội đang họp xác nhận chiến thắng của Joe Biden.
“Những hình ảnh đó sẽ còn mãi, để lại thiệt hại nghiêm trọng cho các quy trình dân chủ của chúng ta và định hình thời kỳ Trump”, Laura Belmonte, giáo sư sử học và hiệu trưởng Đại học Khoa học Nhân văn và Nghệ thuật Tự do thuộc Virginia Tech, nhận định.
Kathryn Brownell, phó giáo sư tại Đại học Purdue, cho rằng ngày 6/1 là “đỉnh điểm” của việc Trump phớt lờ các luật pháp và chuẩn mực của nhiệm kỳ tổng thống.
“Cuộc tấn công vào Đồi Capitol, với sự khuyến khích và chỉ đạo của Tổng thống Trump , đã gây chấn động và chưa từng có tiền lệ”, Brownell nói.
Phẫn nộ trước cuộc bạo loạn ngày 6/1, cũng như những mối đe dọa tới nền dân chủ và cuộc sống người dân, Hạ viện Mỹ một tuần sau bỏ phiếu thông qua xem xét bãi nhiệm Trump, biến ông trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội hai lần.
Lần xem xét bãi nhiệm đầu tiên của Trump, với cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội, hồi tháng 12/2019 và sau đó được Thượng viện “tha bổng” hồi tháng 2/2020 có thể chỉ được xem như “dấu phẩy trong một danh sách dài những điều kỳ lạ và việc phá vỡ các quy chuẩn “, theo Engel.
Nhà sử học về nhiệm kỳ tổng thống H.W. Brands cho rằng còn “quá sớm” để nói về di sản nào của Trump sẽ tồn tại lâu nhất, nhưng “nếu Trump tái đắc cử, những điều lạ thường của ông ấy có thể trở thành các tiêu chuẩn mới”.
“Trump đã làm suy yếu niềm tin của các nước khác vào vai trò lãnh đạo của Mỹ, nhưng niềm tin có thể được khôi phục. Ông ấy đã thách thức tính hợp pháp của các cuộc bầu cử, nhưng cuộc bầu cử gần đây vẫn diễn ra, số phiếu vẫn được kiểm đếm và người chiến thắng sắp trở thành tân tổng thống”, Brand nói.
Trong khi đó, Lindsay Chervinsky, một học giả về lịch sử, nói rằng tốc độ thay đổi nhân sự trong nội các của Trump là điều chưa từng có trong lịch sử Mỹ và có lẽ là “một trong số điều chưa từng có tiền lệ nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông”.
Cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol, thủ đô Washington hôm 6/1. Video : CNN.
Giáo sư Zelizer nói rằng một phần quan trọng trong di sản của Trump chính là mối quan hệ với đảng Cộng hòa và nền tảng ủng hộ vững chắc của ông.
Zelizer và nhiều nhà quan sát khác nói rằng khi các sử gia đánh giá di sản của Trump, họ sẽ trở lại với câu hỏi làm thế nào Trump có thể duy trì được nền tảng ủng hộ vững chắc trong đảng và của cử tri bất chấp các hành động thất thường của ông.
“Mỗi lần ông ấy vượt quá giới hạn của cái gọi là hành vi bình thường, Trump thường không phải trả giá vì điều đó mà thậm chí còn nhận được sự ủng hộ sâu sắc hơn”, Belmonte nói. “Và đây là điều mà tôi nghĩ sẽ mất nhiều năm để các nhà sử học có thể giải đáp. Lý do gì khiến Trump có được lòng trung thành mãnh liệt này, bất kể ông ấy làm gì?”.
Các sử gia cũng tin rằng di sản này của Trump sẽ được xác định bởi hướng đi của đảng Cộng hòa sau khi Trump rời nhiệm sở và cách các lãnh đạo tái cấu trúc lại đảng.
Nhà sử học Timothy Naftali cho rằng các cuộc bầu cử là cách hiệu quả để xác định uy tín của tổng thống, theo đó nhận định cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 và các cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ năm 2024 có thể là những chỉ số đánh giá về di sản cũng như tầm ảnh hưởng của Trump đối với đảng Cộng hòa.
“Những người Cộng hòa sẽ giúp xác định di sản của Trump và tôi không thể dự đoán nó sẽ như thế nào”, Naftali nói và thêm rằng nó phụ thuộc vào “thành công chính trị của những người mang biểu ngữ Trump”.
Diễn văn nhậm chức của ông Biden có gì khác với những người tiền nhiệm?
Tại buổi lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 46, bài diễn văn của ông Joe Biden chính là phép thử năng lực lựa chọn thông điệp đúng hướng để khởi động sứ mệnh hàn gắn nước Mỹ đang bị chia rẽ.
Đại lộ Pennsylvania khu vực gần Điện Capitol được thắt chặt an ninh. Ảnh: AP
Tại buổi lễ quan trọng của ông Joe Biden tới đây, một truyền thống cơ bản hơn 150 năm sẽ bị phá vỡ. Ông Biden sẽ không thể ngoái nhìn về phía người tiềm nhiệm ngồi ngay sau ông và nói lời cảm ơn vì đã thực hiện việc chuyển giao quyền lực. Bởi lẽ, Tổng thống Mỹ thứ 45 Donald Trump sẽ không tham dự sự kiện này.
Trong bài phát biểu nhậm chức năm 2017, ông Trump đã cảm ơn người tiền nhiệm ngồi phía sau. Ông Trump phát biểu: "Bốn năm một lần, chúng ta tụ họp trên những bậc thềm này để thực hiện việc chuyển giao quyền lực trong hòa bình và trật tự. Chúng ta cảm ơn Tổng thống Obama và đệ nhất phu nhận Michelle Obama về sự giúp đỡ ân cần trong suốt quá trình chuyển giao".
Lễ tuyên thệ của ông Joe Biden bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và tình hình an ninh. Ảnh: AFP
"Có hàng loạt điều tương tự bạn có thể rút ra từ những bài diễn văn trước đây, nhưng sẽ không có lối văn phong nào mà ông Biden có thể chọn lọc để dùng trong bài diễn văn của chính ông", ông Jeff Shesol - sử gia và là người soạn thảo các bài phát biểu cho cựu Tổng thống Bill Clinton nhận xét.
Chi tiết về bài phát biểu của ông Biden vẫn được giữ kín. Cần phải tiếp tục theo dõi liệu ông Biden có nhắc đến các vị tổng thống khác từng nhậm chức trong bối cảnh khủng hoảng hay không.
Ông Biden tiếp quản Nhà Trắng với thử thách hàng đầu là đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã khiến 400.000 người Mỹ tử vong và hàng triệu người Mỹ khác lâm vào cảnh khó khăn kinh tế.
Năm 1933, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt thẳng thắn thừa nhận sự tàn phá của cuộc Đại suy thoái trong tuyên bố nhậm chức: "Hàng loạt lao động thất nghiệp phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã để tồn tại và cũng bằng đó người phải vất vả để lao động kiếm tiền. Chỉ những người lạc quan ngu ngốc mới có thể phủ nhận những thực tế đen tối của thời điểm này".
Ông Joe Biden cũng phát biểu tuyên thệ vào thời điểm mà hầu như tất cả những người Cộng hòa đều không tin kết quả bầu cử năm 2020 là chính xác.
Ông George W. Bush làm lễ tuyên thệ trở thành Tổng thống Mỹ thứ 43 ngày 20/1/2001. Ảnh: AP
Ở hoàn cảnh cũng có một số nét tương đồng, Tổng thống George W. Bush trong năm 2001 cũng đối mặt với những thách thức trong lễ nhậm chức, khi rất nhiều người Mỹ cảm thấy không hài lòng với kết quả bầu cử do Tòa án Tối cao định đoạt.
"Đôi khi sự khác biệt giữa chúng tôi ra là rất lớn, dường như chúng tôi sống trên cùng một lục địa chứ không phải một đất nước. Chúng tôi không chấp nhận điều này", ông Bush đã phát biểu cảm ơn đối thủ về một cuộc đua "diễn ra trên tinh thần đoàn kết và kết thúc bằng lòng khoan dung".
Về phần Tổng thống đắc cử thứ 46, ông cũng phải đối mặt với sự rạn nứt sâu sắc trong xã hội Mỹ do các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc diễn ra trong mùa hè vừa qua và bây giờ là cuộc nổi loạn tại Điện Capitol.
Nhà lịch sử chuyên nghiên cứu về các tổng thống Russel Riley cho biết năm 1968 - 1969 là bối cảnh lịch sử khá tương đồng với năm 2021. Khi đó, ông Richard Nixon - người vận động tranh cử trên làn sóng phẫn nộ - lên nắm quyền sau khi đất nước chìm trong bạo loạn, các cuộc biểu tình phản chiến cùng hai vụ ám sát ông Martin Luther King Jr. và ông Robert F. Kennedy.
"Nước Mỹ bị chia rẽ và ông Nixon hiểu rằng nhiệm vụ chính của ông là hàn gắn. Hàn gắn không phải là từ ngữ thường được gắn với ông Nixon bởi các sự kiện xảy ra những năm sau đó nhưng chắn chắn điều xảy ra vào tháng 1/1969 luôn khắc sâu trong tâm trí ông ấy", nhà lịch sử Riley làm việc tại Trung tâm Miller thuộc Đại học Virginia cho hay.
Tổng thống Richard Nixon đọc diễn văn nhậm chức ngày 20/1/1969. Ảnh: AP
Trong tuyên bố năm 1969, ông Nixon kêu gọi người dân Mỹ hãy thể hiện tinh thần lạc quan hơn.
"Chúng ta bị kẹt trong chiến tranh, mong muốn hòa bình. Chúng ta giằng xé bởi sự chia rẽ, mong muốn đoàn kết. Chúng ta thấy những cuộc đời trống rỗng xung quanh, mong mốn sự đong đầy. Chúng ta thấy nhiệm vụ cần giải quyết, mong muốn chúng ta thực hiện. Đối với cuộc khủng hoảng của tình thần, chúng ta cần một câu trả lời của tinh thần. Để tìm ra cầu trả lời, chúng ta chỉ có thể trông cậy vào chính bản thân chúng ta", ông Nixon phát biểu.
Mặc dù những thách thức ông Biden đối mặt có sự khác biệt, nhưng các phát biểu nhậm chức luôn là những ngôn từ chứa đựng sự hàn gắn.
Nhà sử học Michael Beschloss cho rằng: "Những nhà lập quốc đã đặt rất nhiều trọng trách đối với một tổng thống sắp tuyên thệ để đoàn kết đất nước khi nó đã bị chia rẽ một cách tồi tệ và đang bị tổn thương như thời điểm hiện tại".
Chủ đề buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Biden là "Nước Mỹ đoàn kết" nhưng trong bài phát biểu vào tuần trước, ông phải thừa nhận một điều dễ nhận thấy rằng nước Mỹ đang bị chia rẽ. "Chúng tôi thấy rõ điều chúng tôi đang phải đối mặt hiện nay", ông chủ Nhà Trắng tương lai bày tỏ tinh thần lạc quan.
Theo nhà sử học Shesol, ông Biden sẽ phải đối mặt với tình huống khó xử phức tạp trong lễ nhậm chức: "Ông Biden phải gắn kết người dân Mỹ lại gần với nhau hơn. Và ông ấy cũng phải thể hiện rằng ông không phải là kẻ khờ khạo". Ông Shesol nhấn mạnh: "Tôi tin rằng những lời kêu gọi thiếu tính mạnh mẽ về đoàn kết dân tộc thường thấy trong các bài phát biểu nhậm chức thực sự không có hiệu quả".
Ngoài ra, buổi lễ nhậm chức của ông Joe Biden sẽ trở thành sự kiện đầu tiên thiếu vắng "trống dong cờ mở". Căn cứ tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng tại Mỹ, ban kế hoạch đã quyết định rút gọn quy mô tổ chức buổi lễ, không cho phép người dân tụ tập theo dõi, cắt tiết mục diễu hành rầm rộ đưa Gia đình Đệ nhất mới đi bộ từ Đồi Capitol đến Nhà Trắng. Thay vào đó, chương trình sẽ được phát trực tuyến để tránh tập trung đông người.
Bên cạnh đó, vụ bạo động tại Quốc hội Mỹ mới đây cùng làn sóng biểu tình nhen nhóm khắp quốc gia cũng khiến thủ đô Washington, D.C. trở nên khác lạ, được ví như "pháo đài thời chiến". An ninh được thắt chặt chưa từng thấy, binh sĩ và cảnh sát xuất hiện khắp nơi thay vì đám đông.
Nghị sĩ da màu đưa Biden tới đỉnh cao sự nghiệp Nhà sử học Jon Meacham cho rằng nếu nghị sĩ James Clyburn không hậu thuẫn Joe Biden, Donald Trump thực sự có thể đã tái đắc cử. Khoảng 11h30 ngày 21/2, James Clyburn, lãnh đạo số ba của đảng Dân chủ tại Hạ viện và là nghị sĩ da màu cấp cao nhất trong quốc hội Mỹ, tới nhà thờ St John Baptist...