Mỹ “tiến thoái lưỡng nan” khi quyết định không kích tại Syria
Các cuộc không kích của Mỹ vào Syria không chỉ trúng mục tiêu IS mà còn vào nhiều tổ chức Hồi giáo quá khích khác tại đây.
Tuy nhiên, theo AP, dù các cuộc không kích này đã có hiệu quả khi tấn công trúng các mục tiêu của tổ chức Khorasan, được cho là đang lên kế hoạch tấn công khủng bố vào Mỹ và châu Âu, nó cũng tạo ra nhiều thuận lợi cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người mà Mỹ rất muốn lật đổ.
Khó phân biệt bạn hay thù?
Ngoài ra, Mặt trận al- Nusra, một chi nhánh của al-Qaeda, được Mỹ coi là một tổ chức khủng bố, vẫn nhận được sự ủng hộ và tôn trọng của phe đối lập tại Syria, được Mỹ hậu thuẫn, vì các chiến binh của al- Nusra đang “kề vai sát cánh” với phiến quân chống lại ông al- Assad.
Đối với phe đối lập tại Syria, cuộc không kích của Mỹ vào một vài cơ sở của al- Nusra tiêu diệt hàng chục chiến binh của tổ chức này, dường như là để thể hiện rằng Mỹ sẽ tiêu diệt bất kỳ lực lượng phiến quân nào trung thành với lý tưởng Hồi giáo mà phần lớn trong số này đang chiến đấu chống lại ông al- Assad.
Hình ảnh một mục tiêu tại Syria bị máy bay Mỹ không kích (Ảnh Reuters)
Các quan chức Mỹ cho biết các cuộc không kích của Mỹ là nhằm vào một chi nhánh của al- Nusra là Khorasan mà Washington cho rằng gây ra những mối đe dọa trực tiếp và lớn nhất cho Mỹ và phương Tây.
Video đang HOT
Các cơ quan tình báo Mỹ cho biết Khorasan đang chuẩn bị hoàn thiện một quả bom không sử dụng vật liệu là kim loại để có thể dễ dàng lọt qua an ninh sân bay và làm nổ tung các máy bay dân sự đang bay trên trời.
Tuy nhiên, rất nhiều chiến binh thuộc phe đối lập tại Syria bày tỏ nghi ngờ về tuyên bố của Mỹ và nhấn mạnh rằng mục tiêu của các cuộc không kích là nhằm vào nhóm al- Nusra và tổ chức Khorasan mà Mỹ nhắc tới thì một tháng trước vẫn hầu như là “vô danh”.
“Tôi không nghĩ rằng lại có một nhóm riêng rẽ của al-Qaeda như vậy”, ông Aymenn al-Tamimi, một chuyên gia về phiến quân Syria và Iraq cho biết, “Tôi nghĩ vấn đề hiện nay của Mỹ chính là việc tiêu diệt al- Nusra trong khi tổ chức này nhận được sự ủng hộ tại Syria và có rất nhiều tổ chức đối lập với chính quyền của ông al-Assad đang hợp tác với al- Nusra”.
Al- Nusra và IS, một nguồn gốc, hai số phận
Trong khi các quan chức Mỹ và phương Tây coi IS và al- Nusra là mối đe dọa của mình, người dân Syria coi hai tổ chức này là hoàn toàn khác nhau dù chúng có xuất phát điểm tương tự nhau.
Al- Nusra được hình thành từ nguồn tài chính, nhân lực và khí tài của IS khi tổ chức này chỉ hoạt động tại Iraq. Sau đó, al- Nusra và IS đã quyết định tách rời nhau vào năm 2013 vì có những khác biệt về chiến lược và lý tưởng.
Al- Nusra, dù trung thành với al- Qaeda, đã hợp tác với nhiều lực lượng đối lập khác tại Syria để lật đổ ông Assad, trong khi đó IS không chỉ nhằm vào việc tấn công ông Assad mà còn muốn tạo ra một Nhà nước Hồi giáo kiểu trung cổ và sẵn sàng đối đầu với bất kỳ ai dù là quân Chính phủ hay phe đối lập tại Syria để đạt được mục đích của mình.
Phiến quân IS phô trương thanh thế tại thành phố Raqqa (Ảnh Reuters)
IS hiện đang kiểm soát một khu vực rộng lớn trải dài đến biên giới Thổ Nhĩ Kỹ ở miền Bắc Syria và ngoại ô thủ đô Baghdad của Iraq để thành lập ra Nhà nước Hồi giáo của chúng và áp đặt những luật lệ hà khắc. Những hành động hiếu chiến của IS trên khắp Iraq vào tháng 6 vừa qua đã khiến Mỹ và đồng minh phải hợp sức để tiêu diệt.
Trong khi đó, al- Nusra đang suy tàn dần. Tổ chức này được cho là đang phải “chạy ăn từng bữa” và các chiến binh của al- Nusra đã lũ lượt rút khỏi tổ chức này khi mà al- Nusra bị kẹt trong thế chống lại cả IS và quân Chính phủ Syria.
Chính việc hợp tác với các lực lượng đối lập khác tại Syria khiến Mỹ phải thận trọng hơn trong việc không kích nước này, ông Aron Lund, biên tập viên của tạp chí Carnegie Endowment về cuộc khủng hoảng tại Syria cho biết.
Theo ông Lund, Mỹ cần phải có người cung cấp thông tin tại thực địa, ví dụ như từ những nhà hoạt động xã hội hoặc những lực lượng đối lập được phương Tây hậu thuẫn để xác định rõ những cơ sở nào là của al- Nusra để tấn công chính xác vào các mục tiêu của tổ chức này.
“Để phản ứng lại, al- Nusra sẽ phải tấn công vào các tổ chức mà chúng cho rằng sẽ hợp tác với Mỹ để tiêu diệt chúng”, ông Lund nói.
Các lực lượng đối lập chuẩn bị đối phó ra sao?
Nhiều lực lượng đối lập với Tổng thống al- Assad lo ngại rằng, các cuộc không kích của Mỹ cũng nhằm vào chúng.
Ngày 24/9, Ahrar al-Sham, một tổ chức bảo thủ cực đoan nằm trong số những lực lượng mạnh mẽ nhất có khả năng đánh đuổi ông Assad, bắt đầu sơ tán căn cứ của mình tại miền Bắc Syria.
Tổ chức này ra tuyên bố kêu gọi các chiến binh của mình hạn chế sử dụng các thiết bị liên lạc vô tuyến và chỉ dùng trong các trường hợp khẩn cấp, di chuyển và che dấu các loại vũ khí hạng nặng và cảnh báo dân thường tránh xa các trại tập trung của chúng.
Trong khi đó, al- Nusra cũng đã dỡ bỏ lều trại của mình tại tỉnh Idlip và phân tán lực lượng của mình để tránh bị tấn công một lần nữa.
Một chiến binh của al- Nursa đang chuẩn bị dời căn cứ của mình tại tỉnh Idlip (Ảnh AP)
Tác động của quyết định không kích Syria của Mỹ đã lan đến cả những khu vực xa xôi mà các lực lượng đối lập kiểm soát, ví dụ như thị trấn Douma ở ngoại ô thủ đô Damascus nơi chúng đang phải hứng chịu nhiều đợt tấn công liên tiếp của quân Chính phủ.
“Mỹ và liên quân có nghĩ rằng Liên đoàn Hồi giáo tại Damascus là một tổ chức khủng bố và đánh bom chúng tôi hay không”, ông Hassan Taquleden, một thành viên của tổ chức này hỏi.
“Rất nhiều thường dân lo ngại khả năng họ bị đánh bom. Thành thật mà nói, chúng tôi chỉ có thể chống lại được các cuộc tấn công của quân Chính phủ. Sẽ là thảm họa nếu Mỹ và đồng minh ném bom tại đây ngay cả khi họ cho rằng đang hỗ trợ phe đối lập”, ông Taquleden nói./.
Trần Khánh
Theo_VOV