Mỹ quyết tâm thực hiện chiến lược “bao vây” Trung Quốc
Chỉ trong một tuần công du đến Đông Nam Á, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã thể hiện chiến lược quân sự của Mỹ dịch chuyển sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương để đối phó với tầm ảnh hưởng và sức mạnh quân sự ngày càng tăng lên của Trung Quốc.
Mỹ bắt đầu thực hiện chiến lược tập trung vào châu Á – Thái Bình Dương với mục tiêu là Trung Quốc.
Tại đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi đầu tháng 6, ông Panetta cho biết hải quân Mỹ dự định sẽ điều 60% số tàu chiến của mình tại Thái Bình Dương trong vòng 8 năm nữa, tăng lên so với 50% như hiện nay.
“Lực lượng đó sẽ gồm 6 tàu sân bay tại khu vực này, phần lớn tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu chiến đấu ven biển (Littoral Combat Ships) và tàu ngầm của chúng tôi”, ông Panetta nói.
Video đang HOT
Ngoài ra, ông Panetta cũng cho biết số lượng và qui mô các cuộc tập trận quân sự và các hoạt động hải quân khác của quân đội Mỹ trong khu vực này cũng tăng lên. Năm ngoái, các lực lượng Mỹ đã tham gia vào 172 cuộc diễn tập quân sự tại khu vực này.
Những tiến bộ gần đâycủa Trung Quốc về công nghệ quân sự cùng với tốc độ cao trong tiếp thu và sản xuất vũ khí hiện đại của nước này đã tạo ra thách thức cho sự thống trị tối cao của Mỹ tại Thái Bình Dương. Các tiến bộ quân sự chính của Trung Quốc bao gồm việc chế tạo thế hệ máy bay chiến đấu tàng hình mới và tên lửa đạn đạo chống tàu phóng từ mặt đất đầu tiên trên thế giới được thiết kế để tiêu diệt tàu sân bay.
Năm ngoái, Lầu Năm Góc tuyên bố chiến lược chiến tranh “Trận không – thủy chiến”, một kế hoạch phối hợp hành động giữa không quân và hải quân Hoa Kỳ tại phía tây Thái Bình Dương ngầm nhắm đến mục tiêu là Trung Quốc.
Những hướng dẫn cụ thể cho kế hoạch này làm dấy lên lo ngại “ngay cả trong giới quân sự” và tờ Financial Times cảnh báo rằng “học thuyết mới sẽ làm trầm trọng mối quan hệ với Trung Quốc một cách không cần thiết”.
Chuyến công du 7 ngày của ông Panetta tại Đông Nam Á và Nam Á là nhằm thắt chặt mối quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ với các chính phủ trong khu vực. Trong chuyến thăm đến Ấn Độ, ông Panetta gọi quốc gia này là “trụ cột” trong chiến lược quân sự của Mỹ tại khu vực này.
“Chúng tôi sẽ mở rộng các mối quan hệ đối tác quân sự và sự hiện diện của chúng tôi tại khu vực hình cánh cung trải từ Tây Thái Bình Dương và Đông Á cho đến khu vực Ấn Độ Dương”, ông Panetta phát biểu.
Một tháng rưỡi trước đó, New Delhi đã thử thành công tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đến mục tiêu xa nhất là thành phố Thượng Hải của Trung Quốc.
Washington, vào năm 2008 đã cho phép Ấn Độ được phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích dân sự, đã ủng hộ nhiệt liệt tiến bộ này, một phản ứng trái ngược hẳn với chiến dịch của Mỹ ngăn chặn các chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Iran.
“Tiến bộ của Ấn Độ được nhìn nhận với con mắt nhân từ của những ai coi đó là công cụ hữu ích làm đối trọng với sự vươn lên về quân sự của Trung Quốc tại Nam Á”, tờ Financial Times bình luận vào ngày 20/4.
Washington cũng khai thác triệt để các tranh chấp giữa Bắc Kinh và một số quốc gia Đông Nam Á khác về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Hơn một nửa lượng hàng hóa giao thương trên toàn thế giới được vận chuyển qua Biển Đông và vùng biển này được cho là nơi có trữ lượng lớn dầu và khí đốt.
Cùng với đó, chính quyền Hoa Kỳ đang tăng cường hiện diện quân sự tại Philippines, quốc gia vừa có cuộc chạm trán kéo dài tới 2 tháng với Trung Quốc về bãi cạn Scarborough. Tờ thời báo New York nhận định rằng các cuộc diễn tập quân sự và số binh sĩ và tàu Mỹ được điều đến Philippines đang “tăng lên”. Đồng thời, mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh trong những năm vừa qua đã ngày càng xấu đi.
Hồi tháng 4, Washington và Manila tiến hành tập trận chung gần khu vực có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Cũng trong tháng 4, 200 binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ đã đến Darwin, Úc nơi Hoa Kỳ dự định tăng cường hiện diện quân sự, một phần trong chiến lược “bao vây” Trung Quốc.
Manila cũng đề nghị Washington bán thêm vũ khí khí tài trong đó có tàu tuần tra, máy bay, các hệ thống ra đa và các trạm quan sát bờ biển.
Trong chuyến thăm của ông Panetta đến Singapore, chính quyền nước này đã ủng hộ đề nghị của Washington điều 4 tàu chiến của Mỹ đến, tăng gấp đôi số tàu trước đó hai nước đã thỏa thuận.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Washington cũng được thắt chặt hơn kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Kể từ năm 2003, 20 tàu Hoa Kỳ đã cập cảng của Việt Nam.
Đầu tháng 6, ông Panetta đã đến thăm vịnh Cam Ranh và theo AFP, ông Panetta nhận định rằng cảng nước sâu này có giá trị mang tính chiến lược, giúp quân đội Mỹ thực hiện chiến lược tập trung vào Thái Bình Dương của mình.
Theo Infonet