Mỹ phá hủy 2 tên lửa chống hạm của Houthi tại Yemen
Ngày 24/1, quân đội Mỹ thông báo các lực lượng của nước này vừa phá hủy 2 tên lửa chống hạm của lực lượng Houthi tại Yemen.
Các lực lượng Mỹ và Anh thực hiện đợt tấn công mới nhằm vào các cơ sở của Houthi ở Yemen ngày 22/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một tuyên bố, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết các cuộc tấn công mới nhất – diễn ra vào sáng sớm cùng ngày nhằm vào 2 tên lửa chống hạm của Houthi đang nhắm về phía Nam Biển Đỏ và chuẩn bị phóng. Các lực lượng Mỹ đã xác định được tên lửa ở các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen và nhận thấy mối đe dọa tiềm tàng đối với các tàu buôn cũng như các tàu Hải quân của Mỹ trong khu vực.
Kể từ khi Mỹ bắt đầu tấn công các cơ sở quân sự của Houthi ở Yemen vào ngày 11/1, Lầu Năm Góc cho biết đã phá hủy hoặc làm suy yếu 25 cơ sở triển khai và phóng tên lửa của Houthi, cũng như phá hủy hơn 20 tên lửa.
Video đang HOT
Lầu Năm Góc cũng cho biết, quân đội Mỹ đã tấn công các máy bay không người lái, hệ thống radar ven biển, hệ thống giám sát trên không của Houthi, cũng như các khu vực cất giấu vũ khí.
Cùng ngày, phát biểu tại phiên tranh luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về Trung Đông, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh Moskva phản đối các cuộc tấn công của Mỹ và Anh sang lãnh thổ Yemen mà không có quyết định của HĐBA. Theo phía Nga, điều này đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình quốc tế, làm suy yếu trật tự thế giới vốn không dựa trên các quy tắc của Mỹ và Anh mà dựa trên tính tối thượng của luật pháp quốc tế phổ quát và vai trò trung tâm của LHQ.
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sẽ họp kín về tình hình Yemen
Theo phóng viên TTXVN tại New York, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ tổ chức phiên tham vấn kín về tình hình Yemen vào ngày 16/1 (theo giờ địa phương).
Tàu chở hàng (phải), bị lực lượng Houthi bắt giữ, trên đường về cảng tỉnh Hodeida (Yemen), ngoài khơi Biển Đỏ, ngày 22/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh lực lượng Houthi ở Yemen tiếp tục tấn công tàu thương mại đi qua Biển Đỏ, làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải trên tuyến hàng hải quốc tế quan trọng này.
Diễn biến căng thẳng trên Biển Đỏ và tác động của nó đối với tiến trình chính trị ở Yemen sẽ là chủ đề thảo luận chính. Tại cuộc họp, Đặc phái viên LHQ về Yemen Hans Grundberg, Trợ lý Tổng thư ký LHQ về các vấn đề nhân đạo Joyce Msuya cùng người đứng đầu phái bộ LHQ hỗ trợ Thỏa thuận Hodeidah (UNMHA) Michael Beary sẽ trình bày báo cáo đánh giá tình hình trước khi các nước thành viên HĐBA thảo luận và nêu quan điểm.
Trước đó, ngày 10/1, HĐBA đã thông qua Nghị quyết số 2722, yêu cầu Houthi dừng ngay các cuộc tấn công nhằm vào tàu thương mại. Nghị quyết khẳng định các bên phải tuân thủ quyền tự do hàng hải đối với tàu thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế. Sau đó, ngày 12/1, Tổng thư ký LHQ António Guterres ra tuyên bố nhấn mạnh yêu cầu Houthi tuân thủ triệt để Nghị quyết số 2722, coi việc tấn công nhằm vào tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đỏ là điều không thể chấp nhận được. Ông Guterres kêu gọi các bên liên quan không làm leo thang căng thẳng, nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh những hành động khiến tình hình ở Yemen tồi tệ hơn.
Phiên tham vấn kín diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đỏ leo thang căng thẳng. Lực lượng Houthi ở Yemen đã tiến hành hơn 20 vụ tập kích nhằm vào tàu thuyền qua lại trên Biển Đỏ, tính từ ngày 19/11/2023 đến ngày 11/1. Đáp lại, ngày 12/1, lực lượng của Mỹ và Anh, với sự hỗ trợ của Australia, Bahrain, Canada và Hà Lan, đã không kích hàng chục mục tiêu của Houthi ở Yemen.
Đến ngày 15/1, Houthi phóng tên lửa đạn đạo chống hạm nhằm trúng một tàu container thuộc quyền sở hữu và vận hành của một công ty Mỹ, một ngày sau khi Houthi bắn một tên lửa hành trình vào một tàu khu trục Mỹ. Công ty an ninh hàng hải Ambrey của Anh cho biết chiếc tàu container bị tấn công khi đang đi qua Vịnh Aden. Theo Tân Hoa xã, lực lượng Houthi ngày 15/1 xác nhận tiến hành vụ tấn công tàu trên của Mỹ bằng tên lửa. Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cho biết vụ tấn công không gây ra thương vong hoặc hư hại đáng kể nào đối với con tàu.
Trong bối cảnh đó, dữ liệu về tàu thuyền di chuyển LSEG cho thấy có thêm ít nhất 6 tàu chở dầu phải chuyển hướng, tránh đi qua eo biển Bab al-Mandab ở phía Nam của Biển Đỏ. Theo LSEG, tính đến nay, có ít nhất 15 tàu đã phải thay đổi hải trình. Theo giới chuyên gia, việc điều hướng này sẽ làm tăng tổng thời gian vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến Bắc Âu và Đông Địa Trung Hải lên thêm khoảng 10 ngày.
Trước đó, ngày 12/1, Lực lượng biển hỗn hợp (CMF) - một mô hình đối tác hàng hải đa quốc gia - đặt tại Bahrain đã cảnh báo tất cả tàu thuyền tránh đi qua eo biển nói trên trong vài ngày. Việc ngày càng nhiều tàu thuyền tránh đi qua Biển Đỏ làm gia tăng nguy cơ gián đoạn hoạt động vận chuyển năng lượng nói chung và dầu mỏ nói riêng. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, khoảng 12% lượng dầu và 8% lượng khí tự nhiên hóa lỏng của thế giới đi qua eo biển Bab al-Mandeb.
Trong những tháng gần đây, lực lượng Houthi tại Yemen đã tăng cường thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ.
Lực lượng này tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi Israel dừng xung đột ở Dải Gaza, đồng thời cảnh báo sẽ tấn công các tàu chiến Mỹ nếu Houthi trở thành mục tiêu tấn công.
Người phát ngôn của lực lượng Houthi - ông Nasruldeen Amer ngày 15/1 nói với hãng Al Jazeera rằng Houthi sẽ mở rộng mục tiêu tấn công, bao gồm tàu thuyền của Mỹ. Hồi tháng 12/2023, Mỹ đã thành lập liên minh hải quân mang tên "Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng", để bảo vệ an ninh cho tuyến đường vận tải biển quan trọng vốn chiếm khoảng 12% hoạt động thương mại hàng hải toàn cầu này.
Quân đội Mỹ, Anh khai đòn tấn công lực lượng Houthi ở Yemen Các tàu chiến và máy bay chiến đấu của Mỹ và Anh vừa triển khai đòn tấn công nhắm vào lực lượng Houthi ở Yemen, đáp trả loạt vụ tấn công trên Biển Đỏ trong những tuần qua. Cảnh tượng khai hỏa tên lửa Sea Viper nhìn từ bên trong tàu HMS Diamond của Anh trên Biển Đỏ vào ngày 10/1. Ảnh: Reuters...