- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Mỹ không cần đổ thêm dầu vào lửa trong tranh chấp Biển Đông

On 14/11/2015 @ 12:25 AM In Thế giới

Mỹ đã lên kế hoạch đưa các tàu hải quân tuần tra Biển Đông nhằm thách thức yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại vùng biển này. Các quan chức ở Lầu Năm Góc (Mỹ) có vẻ rất hào hứng thách thức lập trường của Trung Quốc khi Trung Quốc cho rằng, nước này có quyền đối với vùng nước xung quanh các đảo và bãi đá nhân tạo.

Vào ngày 27-10 vừa qua, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục USS Lassen mang theo tên lửa đến khu vực "qua lại tự do" kéo dài 12 hải lý tính từ một đảo nhân tạo trên chuỗi đảo Trường Sa.

Mỹ không cần đổ thêm dầu vào lửa trong tranh chấp Biển Đông - Hình 1

Tàu khu trục Lassen

Ngay sau đó, Trung Quốc nhanh chóng phản ứng gay gắt trước hành động của Mỹ. Các tàu hải quân của Trung Quốc đã giám sát, theo dõi và cảnh báo tàu Lassen mặc dù may mắn là các tàu đã không có thêm hành động nào.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc thúc giục Mỹ "sửa chữa ngay lập tức lỗi lầm của mình và không nên có bất kỳ hành động nguy hiểm và gây hấn đe dọa đến các lợi ích an ninh và chủ quyền của Trung Quốc". Các quan chức Mỹ rõ ràng sẽ phớt lờ lời phản đối của Trung Quốc và tiếp tục tiến hành thêm nhiều cuộc tuần tra khác.

Hành động của Mỹ càng làm tình trạng vốn đã căng thẳng trên Biển Đông trở nên nguy hiểm hơn. Chúng ta đều hiểu rằng, với tư cách là cường quốc biển đứng đầu, Mỹ không sẵn sàng chấp nhận tuyên bố lãnh thổ quá rộng lớn trên biển của Bắc Kinh. Yêu sách của Trung Quốc chiếm đến gần 90% Biển Đông. Với khối lượng hàng hóa khổng lồ đi qua khu vực này (khoảng 5 tỷ tỷ USD mỗi năm), vùng biển này thực sự có ý nghĩa sống còn đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đồng minh của Mỹ ở Đông Á. Do vậy, việc Mỹ tỏ ra cứng rắn như vậy không có gì đáng ngạc nhiên.

Luật quốc tế cũng không đề cập rõ ràng về việc xây dựng các đảo nhân tạo và rạn san hô. Mặc dù Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra tuyên bố chính thức nhưng lập trường ngầm của Trung Quốc là vùng biển xung quanh những thực thể như vậy cũng giống như những vùng nước xung quanh các đảo khác, trong đó họ sẽ có chủ quyền đầy đủ ở vùng lãnh hải kéo dài 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế. Do trước đây, những kiểu kiến trúc như vậy chưa xuất hiện nên luật biển quốc tế đề cập đến vấn đề này không rõ ràng. Toàn bộ cấu trúc nhân tạo không tạo ra vùng chủ quyền nhưng vùng đất được khai hoang từ biển cũng có thể là một vấn đề đáng quan tâm khác. Tuy vậy, Mỹ đã chọn cách bác bỏ lập trường của Trung Quốc.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố, "Mỹ sẽ điều máy bay, đưa thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật biển cho phép bởi vì chúng tôi làm như vậy ở khắp nơi trên thế giới và Biển Đông không phải và sẽ không bao giờ là một ngoại lệ". Một điều không có gì đáng ngạc nhiên khi Mỹ kiên định nhấn mạnh đến việc bảo vệ các quyền hàng hải quốc tế.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có nhiều cách ít đối đầu hơn để theo đuổi mục tiêu mà không cần phải thách thức "ra mặt". Biểu hiện rõ nhất của hành động gia tăng căng thẳng là việc Mỹ lên kế hoạch cho các chuyến tuần tra trong tương lai. Trong một tuyên bố ngoại giao, Mỹ khẳng định, Mỹ không chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng lãnh hải kéo dài 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo và đảo khai hoang. Ngoài ra, các tàu hải quân của Mỹ mới chỉ tuần tra ở phạm vi nằm ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý. Vì thế, Mỹ nên yêu cầu hai bên cần có một sự thỏa thuận thích hợp. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các quan chức Mỹ lại chọn một thái độ khiêu khích hơn.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đang theo dõi, Mỹ sẽ xử lý ra sao với các rạn san hô Philippines đã xây dựng. Những dự án đó có quy mô nhỏ hơn nhiều so với các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Tuy vậy, chúng đều đặt ra thách thức cho luật pháp quốc tế. Điều này tạo ra một tình thế "tiến thoái lưỡng nan" cho các quan chức Mỹ. Nếu Mỹ điều tàu hải quân đến vùng biển gần những đảo đó thì hành động này lại gây phiền hà đến Manila và cắt xén yêu sách lãnh thổ của họ. Tuy vậy, nếu Hải quân Mỹ không khẳng định quyền tự do đi lại, phản đối yêu sách của Philippines thì các quan chức Trung Quốc sẽ đưa ra chứng cứ rõ ràng này và cho rằng, Mỹ đã áp đặt tiêu chuẩn kép. Mối nghi ngờ đó là hoàn toàn rõ ràng nếu xét đến những hành động của Mỹ trước các tranh chấp lãnh thổ đa phương ở Biển Đông.

Những nghi kỵ của Trung Quốc về động cơ của Mỹ ở Biển Đông đang ở mức cao. Vụ tàu Lassen và các cuộc tuần tra đã được lên kế hoạch của Mỹ chắc chắn càng khiến Trung Quốc nghi kỵ nhiều hơn. Tranh chấp Biển Đông đang trở thành chủ đề nóng bỏng nhất, có thể hủy hoại mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc các tàu hải quân của Mỹ đang ngang nhiên thách thức lập trường của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo là hành động khiêu khích không cần thiết. Mỹ không nên châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới ở đây.

Theo China - US Focus


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/my-khong-can-do-them-dau-vao-lua-trong-tranh-chap-bien-dong-20151114i2198760/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.