- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Mỹ-EU cuống cuồng níu giữ Hy Lạp?

On 08/07/2015 @ 2:28 PM In Thế giới

Chưa từng có quốc gia nào rời khỏi Eurozone từ khi thành lập. Mỹ và EU đang nỗ lực hành động để tránh kịch bản Athens sụp đổ.

Trong nỗ lực cứu Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ sau khi cử tri nước này nói "không" với các biện pháp "thắt lưng buộc bụng," ngày 6/7, Nhà Trắng kêu gọi Athens và Liên minh châu Âu (EU) sớm thỏa hiệp để có thể giữ quốc gia này ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tránh xảy ra kịch bản sụp đổ có nguy cơ gây hiệu ứng tiêu cực cho toàn khu vực.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói: "Cuộc trưng cầu ý dân tại Hy Lạp đã kết thúc, nhưng quan điểm của Nhà Trắng không thay đổi, đó là các quan chức EU và Hy Lạp cần thống nhất gói biện pháp cải cách và tài chính cho phép Athens vừa ổn định được gánh nặng nợ công vừa đạt tăng trưởng kinh tế. Có như vậy mới giữ được Hy Lạp vẫn là một phần của Eurozone".

Ông Earnest nhấn mạnh đây là thách thức đối với châu Âu trong việc tìm lời giải cho bài toán Hy Lạp.

Mỹ-EU cuống cuồng níu giữ Hy Lạp? - Hình 1

Ngày 5/7, hàng triệu người dân Hy Lạp đã bỏ phiếu cho việc ở hay đi ra khỏi khu vực đồng Eurozone

Với hy vọng thúc đẩy Athens và các bên nối lại đàm phán về giải pháp cứu trợ Hy Lạp, ngày 6/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Bộ trưởng Tài chính nước này.

Theo ông Lew, giải pháp cứu trợ "sẽ cho phép Hy Lạp đưa ra những cải cách cấu trúc và tài chính, cho dù khó khăn nhưng cần thiết, trở lại đà tăng trưởng và đạt được sự ổn định về nợ trong khu vực Eurozone."

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Francois Hollande thảo luận về giải pháp nhằm giữ Hy Lạp ở lại Eurozone.

Ngoài việc kêu gọi Athens tiếp tục thực thi các biện pháp cải cách, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tầm quan trọng của việc tìm ra phương hướng đưa nền kinh tế này trở lại tăng trưởng và ổn định tình hình nợ công trong khuôn khổ Eurozone. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh rằng nỗ lực này đòi hỏi sự đồng thuận, có lẽ khá vất vả, từ các bên.

Về phía EU, sau những khó khăn do lệnh trừng phạt kinh tế Nga gây ra, có thể nói khối này đang đứng trước cuộc khủng hoảng mới. Nỗ lực của Mỹ và EU nhằm giữ Hy Lạp ở lại Eurozone cho thấy các bên đang cố gắng tránh tiền lệ đổ vỡ khối EU.

Từ khi Eurozone thành lập vào năm 1999 đến nay, chưa từng có quốc gia nào rời khỏi khu vực này. Bản thân EU cũng chưa có kịch bản cho diễn biến được cho là sẽ gây ra tác động hết sức tiêu cực với tương lai ổn định của cả liên minh.

Cựu Thủ tướng nước này Romano Prodi, người đã 5 năm làm Chủ tịch Ủy ban châu bbÂu này (từ 1999 đến 2004) cảnh báo, cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp có thể tạo ra những hệ quả khá nặng nề cho EU và khối Eurozone, một khi EU không nhanh chóng tìm ra một giải pháp nào đó để giải quyết vấn đề, EU sẽ mất uy tín trầm trọng.

Việc từ bỏ những biện pháp thắt lưng buộc bụng để thỏa hiệp với Hy Lạp, nếu điều này xảy ra, châu Âu sẽ rơi vào tình trạng tự hủy hoại mình, nếu có thêm những trường hợp Hy Lạp khác ở trong khối.

Ông nhấn mạnh rằng, hoặc châu Âu phải là một khối thống nhất thì mới có thể lãnh đạo được toàn khối, nếu không, các lực lượng dân tộc chủ nghĩa theo hướng bảo vệ lợi ích quốc gia, vốn đang ngày càng phát triển, sẽ hủy hoại EU.

Theo ông Prodi, Đức - trong vai trò của nước giàu và mạnh nhất EU, có trách nhiệm lớn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này của không chỉ Hy Lạp mà còn cả EU.

Ở một diễn biễn có liên quan, Hy Lạp sẽ đưa ra đề xuất mới về cứu trợ, trong đó có tính tới những lo ngại của các chủ nợ quốc tế, trong ngày 8/7.

Giới phân tích đánh giá việc đề xuất này có được chấp nhận hay không sẽ có ý nghĩa quyết định đối với việc giữ Hy Lạp ở lại Eurozone.

An Nhiên (Tổng hợp)

Theo_Báo Đất Việt


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/my-eu-cuong-cuong-niu-giu-hy-lap-20150708i2009463/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.