- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Môn Sinh thi tốt nghiệp THPT: Đừng mất nhiều thời gian cho một câu hỏi
On 05/04/2011 @ 10:35 AM In Học hành
Không ít học sinh vẫn có quan niệm rằng Sinh học là bộ môn phụ, hơn nữa môn này thi trắc nghiệm nên cũng không đáng lo ngại lắm.
Vì thế, nhiều học sinh lơ là, thậm chí bỏ qua môn học này ngay từ đầu năm dẫn đến việc ôn tập vô cùng khó khăn.
Môn sinh khiến nhiều học sinh lo lắng trong kỳ thi tốt nghiệp (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Chí Cường
Vận dụng chính xác công thức tính toán
"Môn Sinh học thuộc lòng vừa khó, bài tập phải hiểu mới làm được, nói chung đây là môn học cũng đòi hỏi phải tư duy. Trong kì thi tốt nghiệp tới, đây là môn em lo lắng nhất. Ngay từ khi biết môn Sinh có trong danh sách các môn thi tốt nghiệp, em đã phải lên kế hoạch ôn tập rất cẩn thận. Nếu được lựa chọn thì em thích được thi những môn học thuộc lòng như Lịch sử hơn" - Phương Anh (học sinh lớp 12 Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội) thẳng thắn.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, Sinh học là môn thi trắc nghiệm. Đề thi bao gồm cả lý thuyết và bài tập tính toán. Bên cạnh việc nắm vững lý thuyết thì kĩ năng tính toán cũng không kém phần quan trọng. Theo các giáo viên dạy môn Sinh lâu năm, một điều đáng lưu ý là khi chưa tự tin với kiến thức của mình, học sinh không nên sử dụng quá nhiều tài liệu ôn tập khác nhau. Không có cuốn tài liệu nào chuẩn bằng tài liệu trong sách giáo khoa.
Việc ôn tập môn Sinh sẽ không hề khó khăn nếu học sinh có phương pháp thích hợp. Em Nguyễn Thị Thu (Lớp 12 Sinh - Khối phổ thông chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ bí quyết của mình: "Công thức tính toán phải được hiểu và vận dụng chính xác. Em có một mẹo để tìm và học thuộc các công thức là dùng sổ tay tổng hợp một cách đầy đủ những công thức tính toán. Khi viết xong một công thức thì tự lấy ví dụ và áp dụng vào luôn. Có những bài có mối liên kết với nhau như: Phân li, phân li độc lập, liên kết gen, hoán dị gen nên khi học cần phải nắm chắc từng bài và thấy được móc xích giữa chúng".
Th.S Nguyễn Thành Công (Giáo viên chuyên Sinh Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) đưa ra lời khuyên: "Lý thuyết chính là nền tảng để học sinh xây dựng khung kiến thức. Tuy nhiên, chỉ học thuộc bài trên cơ sở đã hiểu vấn đề. Học sinh cần phải nắm kiến thức vừa bao quát vừa chi tiết, quan trọng nhất phải hiểu các cụm từ khái niệm sinh học một cách chính xác. Phân loại kiến thức bằng cách lập ra bản tóm tắt, sơ đồ từ khái quát đến chi tiết cho từng chủ đề bài đã học. Công việc này rất có ý nghĩa giúp các em ôn tập một cách nhanh nhất, thấy được mối liên kết giữa các vấn đề. Dùng phương pháp đối chiếu, so sánh khi học các khái niệm. Đây cũng là một cách thú vị giúp các em không bị nhầm lẫn giữa các khái niệm sinh học."
Chú ý những câu phủ định
Môn Sinh học vừa có đặc thù của một môn khoa học tự nhiên với những hệ thống lý thuyết tổng quát, với những công thức và hệ thống bài tập tương đối phức tạp, có sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực nghiệm. Ở cấp độ phổ thông, đó là sự kết hợp giữa hệ thống lý thuyết và hệ thống bài tập vận dụng tương ứng.
"Đối với bài thi trắc nghiệm môn Sinh, theo kinh nghiệm của tôi, các em nên làm bài thi làm nhiều vòng. Lượt thứ nhất có thể trả lời nhanh được 50% số câu hỏi tùy khả năng. Lượt thứ 2 suy nghĩ để trả lời những câu còn lại. Đừng mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi".
Th.S Nguyễn Thành Công -
Giáo viên chuyên Sinh, Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội
Theo Th.S Nguyễn Thành Công: "Ở nước ta hiện nay, đặc biệt là ở cấp phổ thông, việc gắn giữa lý thuyết và thực nghiệm ít được chú trọng, nhiều bài thực hành bị bỏ qua do vậy đối với một số học sinh, việc học môn Sinh chỉ đơn thuần là học thuộc lòng một "mớ" lý thuyết nên dễ gây nhàm chán và khô khan, thậm chí khó hiểu. Nội dung kiến thức trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH của Bộ GD&ĐT chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12, tuy nhiên để nắm vững và làm tốt được, đòi hỏi học sinh phải có hệ thống kiến thức nền có ở các cấp học và lớp học trước đó".
Về cách làm bài thi trắc nghiệm môn Sinh, Th.S Nguyễn Thành Công đưa ra lời khuyên: "Đọc kỹ đề trước khi làm bài là điều mà các giáo viên thường xuyên nhắc học sinh, nhưng rất nhiều em không để ý. Đặc biệt trong đề trắc nghiệm, các em hãy chú ý những câu mang tính chất phủ định để trả lời câu hỏi một cách chính xác. Ví dụ: "Điều khẳng định nào dưới đây là không chính xác về...?". Đối với bài thi trắc nghiệm, các em đừng làm tuần tự các câu (từ đầu đến cuối), điều này sẽ dẫn đến tình trạng mắc kẹt và đi vào bế tắc, mặc dù nhiều câu khác có thể làm được".
Th.S Nguyễn Thành Công cho rằng, trong kỳ thi tốt nghiệp, nếu học sinh vận dụng được các phương pháp tư duy, học có kế hoạch và khoa học và có cách thức làm bài thi phù hợp, việc giành được điểm cao ở môn Sinh không khó.
Box: "Đối với bài thi trắc nghiệm môn Sinh, theo kinh nghiệm của tôi, các em nên làm bài thi làm nhiều vòng. Lượt thứ nhất có thể trả lời nhanh được 50% số câu hỏi tùy khả năng. Lượt thứ 2 suy nghĩ để trả lời những câu còn lại. Đừng mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi".
Th.S Nguyễn Thành Công - Giáo viên chuyên Sinh, Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội
Theo Giadinh.net.vn
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/mon-sinh-thi-tot-nghiep-thpt-dung-mat-nhieu-thoi-gian-cho-mot-cau-hoi-20110405i128735/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.