Mở cửa khi ngủ, chủ nhà bị kẻ trộm đâm suýt chết
Từ thói quen tưởng chừng vô hại là mở cửa khi ngủ, chủ nhà suýt mất mạng vì bị đối tượng trộm cắp đâm 12 nhát.
Suýt chết vì thói quen mở cửa khi ngủ
TAND TP. Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt Nguyễn Minh Vui (24 tuổi, quê Nghệ An) 18 năm tù về tội giết người. Hồ sơ vụ án cho thấy, Vui cư trú trên địa bàn Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội. Bị cáo thường tới các khu vực ngoại thành để trộm cắp tài sản.
Chiều 17.11.2022, Vui chuẩn bị công cụ gây án, gồm 2 đôi găng tay y tế để xóa dấu vết khi trộm cắp và 1 con dao nhọn để tấn công chủ nhà nếu bị phát hiện.
Bị cáo Nguyễn Minh Vui tại tòa. Ảnh PHÚC BÌNH
Rạng sáng hôm sau, khi có mặt tại phố Chùa Thông, TX.Sơn Tây (Hà Nội), Vui thấy cửa sổ tầng 2 của một căn nhà đang mở hé cửa. Bị cáo trèo lên, lách người để vào trong, lục lọi tài sản hòng trộm cắp.
Trong lúc này, anh N.Đ.M (21 tuổi) đang nằm ngủ thì giật mình tỉnh giấc. Phát hiện kẻ trộm, anh M. hô “cướp, cướp”. Vui liền rút dao, đâm anh M. 12 nhát.
Gây án xong, Vui tháo bóng đèn đang sáng ở hành lang, lao ra ban công để tháo chạy. Bị cáo sau đó vứt bỏ găng tay, quần áo… rồi trốn về quê; 5 ngày sau thì ra đầu thú.
Về phía mình, nạn nhân N.Đ.M được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không chết, nhưng bị tổn hại sức khỏe đến 88%.
Bị xét xử tội giết người, Nguyễn Minh Vui nói rất ăn năn, hối hận, mong được nạn nhân và gia đình tha thứ.
Đáng chú ý, được triệu tập tới tòa, anh M. vẫn gặp khó khăn khi vận động, nửa thân trái cử động chậm chạp, bàn tay khó cử động…
Nạn nhân cho biết có thói quen mở hé cửa phòng khi ngủ trong những ngày trời nóng. Đại diện viện kiểm sát cảnh báo “đây là bài học cho mọi người”, bởi chính thói quen này đã tạo điều kiện cho kẻ trộm cắp đột nhập.
Video đang HOT
Trộm cắp vào nhà, xử trí sao cho an toàn?
Từ vụ án nêu trên, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: nếu không may có trộm cắp đột nhập vào nhà, cần xử trí như thế nào để đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất hậu quả có thể xảy ra.
Theo thượng tá, tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu, với tội phạm trộm cắp, mục đích đầu tiên là lấy tài sản; nhưng nếu chủ nhà không biết ứng xử sẽ ngay lập tức chuyển hóa thành tội ác.
Vị thượng tá phân tích, tâm lý của tội phạm thường quyết tâm thực hiện hành vi đến cùng và luôn chứa đựng nỗi sợ bị bắt. Nhiều trường hợp khi thấy trộm thay vì đóng cửa hoặc báo công an thì lại lao vào, hô hét hoặc cố bắt giữ; vô tình kích hoạt nỗi sợ và bản năng tự vệ của đối tượng, dẫn tới chống trả, thậm chí là giết người. “Một con vật khi bị dồn vào đường cùng sẽ quay lại tấn công, con người cũng vậy”, ông nói.
Thượng tá Hiếu khuyến cáo, nếu phát hiện trộm cắp vào nhà, “nguyên tắc vàng” là ưu tiên bảo vệ tính mạng chứ không phải tài sản.
Đầu tiên, chủ nhà cần tìm một vật để tự vệ, sau đó tiếp cận các phòng có người già, trẻ em hoặc người không có khả năng tự vệ, yêu cầu giữ bí mật rồi đưa vào căn phòng có cửa chắc chắn, khóa chặt và gọi điện thoại cho công an.
Trường hợp đang ngủ mà trộm vào, chủ nhà không nên hô hoán mà hãy giả vờ ngủ say, coi như không biết gì; khéo léo mở hé mắt, khi nào đối tượng ra khỏi phòng thì chạy đến đóng cửa, bật điện rồi báo công an.
Trường hợp bị gọi dậy và yêu cầu chỉ chỗ cất tài sản, chủ nhà hãy làm theo, đồng thời đề nghị không xâm phạm đến tính mạng các thành viên trong gia đình. Nếu có thể, chủ nhà quan sát khéo (không nhìn chằm chằm), đánh giá một số đặc điểm như giới tính, chiều cao, khuôn mặt, giọng nói… của đối tượng để sau này trình báo cơ quan chức năng.
Riên trường hợp trộm cắp là người quen và đã lộ mặt, thượng tá Hiếu khuyên phải chống cự, bởi đối tượng biết rằng chắc chắn sẽ bị lộ. Quá trình chống cự, chủ nhà tìm cơ hội chạy vào phòng đóng cửa hoặc thoát thân ra ngoài rồi hô hoán, tuyệt đối không lao vào để bắt giữ.
Thường xuyên gia cố hệ thống cửa
Thượng tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh, mọi gia đình phải luôn có ý thức cảnh giác, thường xuyên gia cố hệ thống cửa; bởi 2/3 vụ đột nhập là qua cửa tum hoặc cửa sổ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những căn nhà gần trụ điện hoặc cây xanh.
Chủ nhà cũng cần tập thói quen trước khi đi ngủ phải kiểm tra tất cả các cửa, nếu có điều kiện thì hãy lắp đèn cảm ứng báo động. Bên trong nhà nên có một căn phòng có cửa kiên cố; luôn lưu số máy công an phường/xã hoặc hàng xóm để liên lạc nếu gặp tình huống cấp thiết…
Vụ ẩu đả 'cướp' đi cuộc đời 2 nam thanh niên
Sau vụ ẩu đả giữa nhóm thanh niên, một người lãnh án 20 năm tù, một người thương tật tới 91%, phải ngồi xe lăn nhiều tháng nay.
Sáng 28.8, Thủy (18 tuổi, đã đổi tên) ngồi xe lăn, được cha mẹ đẩy tới trụ sở TAND TP.Hà Nội, để tham dự phiên tòa xét xử vụ án "giết người" mà Thủy là bị hại.
Kẻ tù tội, người suýt mất mạng
Vụ án xảy ra cách đây 5 tháng, đó cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất từ trước tới nay với Thủy và cả gia đình Thủy.
Thủy ngồi xe lăn, được gia đình đưa đến phiên tòa mà mình là bị hại. Ảnh PHÚC BÌNH
Cáo trạng xác định, tối 30.3.2022, tại quán trà chanh trên địa bàn xã Dân Hòa (H.Thanh Oai, Hà Nội), Thủy xảy ra ẩu đả với một nhóm thanh niên, trong đó có Nguyễn Thành Duy (20 tuổi).
Thủy đẩy tay vào người Duy, Duy liền dùng tua vít đâm vào vùng thái dương của Thủy. Hậu quả, Thủy bị tổn thương não để lại di chứng liệt nửa người, mất vận động ngôn ngữ, khuyết xương sọ...
Do được đưa đi cấp cứu kịp thời, Thủy may mắn sống sót, dù vậy bị tổn hại sức khỏe lên tới 91%.
Vụ ẩu đả xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt, nhưng hậu quả để lại vô cùng lớn. Cuộc đời 2 nam thanh niên bước sang ngã rẽ không ai mong muốn.
Gia đình Thủy cho hay, từ ngày xảy ra vụ án đến nay, tuần nào cũng phải đưa Thủy sang H.Thường Tín (Hà Nội) để điều trị phục hồi chức năng. Tốn công, tốn tiền là vậy, Thủy vẫn chưa thể hoạt bát như xưa.
"Cháu nói chuyện được, nhưng vẫn chậm, lúc nhớ, lúc quên", bố của Thủy buồn bã.
Về phía nghi phạm, sau khi gây án, Duy di chuyển sang H.Gia Lâm (Hà Nội), ăn trộm một số tài sản trị giá 24 triệu đồng rồi bỏ trốn, đến hơn 2 tuần sau mới ra đầu thú.
Vì thế, Duy bị truy cứu về 2 tội danh giết người và trộm cắp tài sản.
Không hy vọng nhiều về bồi thường
Cáo trạng thể hiện, Duy có bố đẻ "không xác định". Khi nữ kiểm sát viên hỏi về việc này, Duy nói "ông ấy bỏ em từ lúc bé".
Tại tòa, Duy không chối tội mà thừa nhận toàn bộ hành vi dùng tua vít đâm Thủy trong lúc ẩu đả. Bị cáo khẳng định không bàn bạc với ai, không có đồng phạm.
Bị cáo Nguyễn Thành Duy tại tòa. Ảnh PHÚC BÌNH
Tuy vậy, gia đình Thủy phản đối, cho rằng Duy được một nhóm bạn lôi kéo đến quán rồi mới xảy ra xô xát với con mình; vì thế nhóm này cũng cần bị xử lý.
"Gia đình họ đến nhà, bảo tôi ký vào đơn là con nhà họ không liên quan đến Duy, nếu đồng ý sẽ được cho 10 triệu đồng. Tôi không ký nhưng đã cầm đơn này đến nộp tòa. Nếu không tham gia đánh, tại sao phải làm vậy?", bố của Thủy đặt câu hỏi.
Ông cũng nói bản thân không biết chữ, không hiểu biết pháp luật, nên mong hội đồng xét xử trả hồ sơ vụ án để làm rõ uẩn khúc cho gia đình.
Về trách nhiệm dân sự, gia đình Thủy cho biết, điều kiện kinh tế gia đình vốn khó khăn, nay lại phải bỏ công bỏ việc, vay mượn khắp nơi để đưa con đi chữa trị.
Từ khi vụ ẩu đả xảy ra, gia đình Duy mới đưa "7 triệu đồng viện phí". Gia đình Thủy đề nghị bị cáo phải bồi thường thêm 251 triệu đồng.
Ngược lại, bị cáo Duy không đồng ý con số trên, chỉ chấp nhận bồi thường viện phí và những gì có hóa đơn.
Đánh giá toàn diện hồ sơ vụ án cùng diễn biến phiên tòa, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Duy 20 năm về tội giết người, cộng với bản án 15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản tại H.Gia Lâm, tổng hợp hình phạt chung là 21 năm 3 tháng tù.
Tòa còn buộc Duy bồi thường 296 triệu đồng, cấp dưỡng cho Thủy đến khi khỏi bệnh mỗi tháng 3 triệu đồng, cấp dưỡng cho cha mẹ của Thủy (là người chăm sóc Thủy) mỗi tháng 4,6 triệu đồng.
Số tiền phải bồi thường là rất lớn, gia đình Thủy cho hay cũng không hy vọng nhiều về việc bị cáo Duy sẽ thực hiện được nghĩa vụ này.
Nữ Tổng giám đốc "quên" hoàn 9 tỷ đồng cho đối tác Ứng trước tiền của đối tác để mua găng tay y tế, thay vì phải hoàn lại cho đối tác khi không có hàng, nữ Tổng giám đốc lại "quên", giữ lại để sử dụng vào mục đích cá nhân. Ngày 7/8, Nguyễn Thanh Hà (SN 1981, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Coko Việt Nam - Công ty Coko) đã bị...