- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Mik Group: Đằng sau quá trình ‘lớn’ nhanh như thổi của là gì? (kỳ cuối)

On 26/04/2020 @ 9:46 AM In Kinh tế

Bằng cách thâu tóm, Mik Group đã có gần 20 lần thay đổi đăng ký kinh doanh và 3 lần tăng vốn chỉ trong 5 năm. Tính đến năm 2019, vốn điều lệ của Mik đã tăng từ 150 tỷ đồng lên 5.500 tỷ đồng với nhiều cái tên đến rồi đi.

"Zíc zắc" để tạo thành Mik Group

Mik Group được thành lập vào ngày 2/6/2014 với tên ban đầu là Công ty TNHH Terra Capital Vietnam. Công ty có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trong đó, Chủ tịch Nguyễn Hồng Ngọc (sinh năm 1985) sở hữu 55% vốn, còn bà Nguyễn Ngọc Liên Hương nắm 45% vốn.

Tuy nhiên, chỉ nửa năm sau đó, tháng 12/2014, Terra Capital Vietnam lại có biến động lớn cả về cổ đông lẫn chủ tịch. Cụ thể là sự xuất hiện của bà Nguyễn Thanh Mai (sinh năm 1983) khi nắm cổ phần chi phối 80%, còn bà Nguyễn Thị Thu Hương sở hữu 20%. Bà Mai cũng trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của công ty này khi đó.

Chưa dừng lại ở đó, đến tháng 3/2015, Terra Capital Vietnam tăng vốn từ 150 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng. Trong đó, người cũ là Chủ tịch Nguyễn Thanh Mai nắm 66,67% vốn, tương ứng 200 tỷ đồng, còn người mới xuất hiện thay thế bà Hương là ông Vũ Đình Chiến khi góp 100 tỷ đồng, chiếm 33,33%.

Dấu ấn Mik xuất hiện khi tháng 12/2015, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Mik Group thâu tóm hoàn toàn Terra Capital Vietnam và đổi tên thành Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Mik Holding Việt Nam với Chủ tịch là Vũ Đình Luyện (sinh năm 1963).

Tháng 6/2016, cơ cấu cổ đông của Mik Holding Việt Nam lại có biến động khi có tới 5 người cổ đông gồm bà Trần Ngọc Lan sở hữu cao nhất với 79,56% vốn, ông Nguyễn Quang Hưng 10,35%, bà Nguyễn Thu Minh 4,75%, ông Nguyễn Thái Dũng 5% và Chủ tịch Vũ Đình Luyện chỉ vỏn vẹn 0,33%.

Sau khi sáp nhập và đổi tên, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Mik Group - đơn vị đứng ra thâu tóm ban đầu, cũng tiến hành giải thể.

Từ đây, Mik Holding Vietnam bắt đầu có những biến động lớn, nhất là về vốn điều lệ. Chỉ sau 1 tháng thâu tóm, tháng 7/2016, Mik Holding Vietnam tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên gần 2.000 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông của Mik Holding Vietnam có sự góp mặt 9 cổ đông. Trong đó, lớn nhất là Công ty TNHH Delta Valley Bình Thuận chiếm 32%, tương ứng 640 tỷ đồng.

Còn CTCP Kinh doanh Quốc tế Mik đóng góp 16% vốn (tức 320 tỷ đồng); tiếp đến là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Tiến An cùng Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản khu Đông đều nắm giữ 11,2%, tức mỗi đơn vị 224 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư CTP Đại Dương sở hữu 5,2%, tức 104 tỷ đồng. Công ty TNHH Thương mại Trường Sa 4.29%, tức góp 85,8 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có 3 cá nhân khác gồm ông Nguyễn Quang Hưng cũng nắm lượng lớn với 10,36%, tức 207 tỷ đồng; ông Nguyễn Thái Dũng 5%, tức 100 tỷ; và bà Nguyễn Thu Minh 4,75%, tức 95 tỷ đồng.

Sau đó cũng một tháng, tháng 8/2016, cơ cấu cổ đông của Mik lại có sự biến động khi tăng lên 11 người khi Công ty TNHH Delta Valley Bình Thuận biến mất, thay vào đó là ông Trần Ngọc Bê 10,08%, ông Vũ Tiến Đức 9,6% và ông Vũ Đình Luyện 12,32%. Các cổ đông còn lại vẫn giữ nguyên.

Mik Group: Đằng sau quá trình lớn nhanh như thổi của là gì? (kỳ cuối) - Hình 1
"Mắt xích quan trọng", cổ đông lớn và là Chủ tịch hiện tại của Mik Group - ông Vũ Tiến Đức

Tháng 9/2016, cổ đông Mik rút xuống còn 6 người, trong đó Công ty TNHH Quản lý Quỹ đầu tư Thiên An đóng góp 416 tỷ, tương ứng nắm 20,8% vốn; Công ty TNHH Đầu tư thương mại Trường Thịnh Phát góp 552 tỷ, tương ứng 27,6% vốn; Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản An Thịnh Lộc 629,8 tỷ, chiếm 31,49%.

Còn lại 3 cá nhân gồm ông Nguyễn Quang Hưng góp 207,2 tỷ, chiếm 10,36%; bà Nguyễn Thu Minh 95 tỷ với 4,75% và ông Nguyễn Thái Dũng 100 tỷ với 5%.

Tháng 12/2016, cổ đông vẫn là 6 người nhưng vẫn tiếp tục có những xáo trộn khi cổ đông Nguyễn Thái Dũng được thay bằng Nguyễn Thị Thái Anh với 5% vốn.

Tính tới thời điểm ngày 29/6/2018, MIK đã tăng quy mô vốn điều lệ lên tới hơn 18,3 lần, đạt mức 5.500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của công ty cũng thường xuyên được "thay máu", có lúc đạt tới 11 cổ đông (bao gồm 5 tổ chức và 6 cá nhân) trước khi được "thu gọn" xuống con số 6.

Trong đó, 3 cổ đông tổ chức chiếm tỷ lệ cổ phần chi phối là Công ty TNHH Quản lý đầu tư Thiên An; Công ty TNHH Đầu tư thương mại Trường Thịnh Phát và Công ty TNHH Đầu tư bất động sản An Thịnh Lộc.

Các cổ đông cá nhân còn lại nhiều khả năng sẽ sớm bị thay thế. Bởi vào tháng 6/2019, Hội đồng quản trị CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đã thông qua việc mua tối đa 45 triệu cổ phần của MIK Group với mức giá mua không quá 10.000 đồng/cổ phần.

TCBS sẽ mua lại cổ phần trên thị trường thứ cấp từ các cổ đông cá nhân của MIK, trong vòng 3 tháng kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực. Thời hạn nắm giữ tối đa 12 tháng.

Nếu thực hiện mua tối đa số cổ phần nêu trên, TCBS sẽ có cơ hội trở thành cổ đông lớn của MIK, với tỷ lệ sở hữu gần 8,2%.

Mik Group liên quan gì đến VPBank?

Theo cập nhập gần đây nhất, vị trí Chủ tịch của Mik Group là ông Vũ Tiến Đức.

Các thành viên hội đồng quản trị khác gồm Nguyễn Thị Thái Anh, Trần Ngọc Lan, Nguyễn Thị Hương Giang và Hoàng Quốc Quân.

Tổng giám đốc là ông Trần Như Trung (đồng thời là người đại diện theo pháp luật).

Theo báo Đấu thầu, ông Vũ Tiến Đức chính là chồng bà Nguyễn Quỳnh Anh - cựu Trưởng Ban kiểm soát của của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, VPB).

Ông Đức từng nắm giữ 5,9 triệu cổ phiếu VPB và thoái hết vào tháng 9/2016. Bà Quỳnh Anh với ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank từng là nhân sự nòng cốt của Techcombank.

Còn Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Trường Thịnh Phát (nắm 27,6% cổ phần MIK Group) được thành lập cuối năm 2012, vốn điều lệ hiện tại là 130 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông nắm giữ 80% quyền chi phối là ông Vũ Đình Chiến - người đã từng nắm giữ 33% vốn điều lệ của MIK Group. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hiện tại của Trường Thịnh Phát là ông Vũ Tiến Đức, có mối quan hệ mật thiết với VPBank.

Công ty TNHH Bất động sản An Thịnh Lộc (nắm 31,5% cổ phần MIK Group) thành lập tháng 6/2011, hiện có vốn điều lệ hơn 200 tỷ đồng. Công ty này tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam và do Công ty TNHH Quản lý tài sản Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank AMC) sáng lập.

Ông Nguyễn Quang Hưng, người vẫn đang nắm giữ 10,3% vốn điều lệ của MIK Group từng là người đại diện theo pháp luật của CTCP Đầu tư Việt Hải, đơn vị từng nắm giữ 2,29% cổ phần của VPBank. Đầu tư Việt Hải là công ty do Phó Chủ tịch HĐQT VPBank Bùi Hải Quân làm Chủ tịch HĐQT và sở hữu 90% vốn điều lệ.

MIK Group và VPBank có mối quan hệ bắt nguồn từ thương vụ phát hành cổ phiếu riêng lẻ của VPBank vào cuối tháng 9/2017. Theo đó, 3 cá nhân là Lê Việt Anh, Nguyễn Phương Hoa và Trần Ngọc Lan đã chi ra hơn 6.400 tỷ đồng để nắm giữ hơn 164,7 triệu cổ phiếu VPBank.

Trong đó, bà Trần Ngọc Lan đã mua hơn 58,9 triệu cổ phần VPBank cuối tháng 9/2017 trùng tên với con gái ông Trần Ngọc Bê, anh rể Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng. Ông Bê và bà Lan đã từng sở hữu lần lượt 10% và 79,5% vốn điều lệ của MIK Group.

Ông Lê Việt Anh - người có tên trùng với nhà đầu tư mua 46,7 triệu cổ phần VPBank tháng 9/2017 - đã từng có thời gian công tác tại VPBank (2012 - 2014) và Techcombank (giai đoạn 2010 - 2012). Ông Việt Anh cũng là thành viên Ban kiểm soát CTCP HBI - chủ đầu tư Dự án Imperia Garden, sản phẩm bất động sản được phát triển bởi MIK Group.

Người còn lại là bà Nguyễn Phương Hoa đã mua hơn 59 triệu cổ phần VPBank, người trùng tên với vợ Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank Nguyễn Cảnh Sơn. Ông Sơn và Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng từng đứng trong HĐQT Techcombank và từng lập ra Công ty Chứng khoán Eurocapital năm 2008.

Minh An


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/mik-group-dang-sau-qua-trinh-lon-nhanh-nhu-thoi-cua-la-gi-ky-cuoi-20200426i4881032/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.