Mạnh Bi: 9x bỏ học Bách Khoa, đi từ số 0 trở thành nhiếp ảnh gia thời trang có tiếng
Cái tên Mạnh Bi bây giờ thường xuất hiện ở phần “ Nhiếp ảnh gia” của các bộ ảnh thời trang hay trang bìa các tạp chí lớn, thu nhập tính bằng vài nghìn đô. Nhưng nếu ai từng biết cậu trước đây, sẽ hiểu rằng hành trình đến với vị trí hiện tại của Mạnh Bi chẳng đơn giản và nhẹ nhàng chút nào.
Tôi biết đến Mạnh Bi vào khoảng mùa hè 2 năm trước. Lúc ấy, bọn tôi chuẩn bị thực hiện một bộ ảnh thời trang quan trọng, người stylist đề cử Mạnh Bi làm nhiếp ảnh chính. Quả tình khi đó, tôi hơi ngạc nhiên, bởi trong thâm tâm tôi chỉ nghĩ tới một Mạnh Bi duy nhất, vốn là một nhiếp ảnh khá có tiếng ở Hà Nội nhưng lại sớm vướng vào lùm xùm chuyện gia đình. Thế nhưng hóa ra, lại có một Mạnh Bi khác, ấy là Mạnh Bi của bài viết này. Ngày ấy, Mạnh Bi mới vào nghề chụp ảnh thời trang chưa lâu, cũng chưa có tên tuổi của riêng mình. Thành quả của buổi chụp hôm ấy không tệ, nhưng nó không đủ khiến tôi đánh giá cao Mạnh Bi bởi lối chụp và chỉnh màu như vậy, ở Hà Nội không hề thiếu người có thể làm được hơn.
Một vài sản phẩm của Mạnh Bi.
Ấy thế mà, ngót hơn 1 năm sau, Mạnh Bi khiến tôi “đứng tim” khi nhìn thấy ảnh của cậu chụp lên… bìa báo Đẹp. Thế rồi trong suốt 1 năm sau đó cho đến tận bây giờ, hàng loạt những bộ ảnh của chàng trai này xuất hiện trên các tạp chí thời trang lớn và bản thân Mạnh Bi cũng đã trở thành một cái tên hot, được nhiều người “chọn mặt gửi vàng”. Nhưng trái với mường tượng của bạn về một nhiếp ảnh gia thời trang là phải lạnh lùng, phải thế này thế kia, Mạnh Bi thật sự là một chàng trai cực kỳ dễ mến và ấm áp. Gặp Mạnh Bi vào một tối mùa hè oi ả, chúng tôi đã cùng ngồi nói chuyện với nhau về nhiếp ảnh, về chính câu chuyện của Mạnh Bi mà tôi tin là, ai trong chúng ta nghe xong cũng sẽ tìm thấy những mối dây liên hệ để truyền cảm hứng cho chính mình.
Profile Họ và tên: Nguyễn Đức Mạnh Ngày sinh: 10/6/1991 Công việc hiện tại: Nhiếp ảnh gia Từng cộng tác với tạp chí Đẹp, Style, Fame, Sành điệu
1. Bỏ nhà để chụp ảnh
Đến cuộc hẹn của tôi muộn khoảng nửa tiếng, nhưng tôi chẳng có thời gian để nghĩ xấu về chàng trai này bởi ngay khi xuất hiện ở cửa quán cafe, cậu ta đã nở một nụ cười hiền khô: “Tớ vừa đi chụp về, mệt không tả nổi”.
Hỏi ra mới biết, một ngày của Mạnh Bi luôn full với ít nhất 3 buổi chụp. Và trong tháng, chuyện đi đi về về giữa các thành phố để chụp ảnh cưới có thể đếm hết hai bàn tay. Một con vụ chính hiệu! Tôi nói đùa với Mạnh Bi: “Bạn à, bạn chụp quá nhiều thế này thì tiêu tiền vào lúc nào đây?”. Mạnh Bi nhún vai: “Được chụp đã là rất thích rồi mà!”.
Vậy là chúng tôi bắt đầu câu chuyện của mình ở đây: Nơi niềm đam mê bắt đầu. “Tất cả mọi thứ bắt đầu từ năm cấp 3, khi đó mình hay chụp ảnh cho bạn bè, chỉ chụp bằng điện thoại thôi!”. Nhưng khi đó, như bao cô cậu cấp 3 khác, Mạnh Bi chỉ nghĩ rằng mình thích chụp ảnh, chứ hoàn toàn chưa có khái niệm rằng đến một ngày, cậu sẽ đấu tranh để được cầm máy ảnh. “Mình lên đại học, học khoa Công nghệ thông tin, đại học Bách Khoa được 2 năm. Đến Tết năm 2011, bố mình mua máy ảnh và mình thử cầm chụp nghịch, và thế là đã biết mình thật sự rất rất rất thích chụp ảnh rồi!”.
Và thế là câu chuyện của chúng ta bắt đầu bước vào đoạn gay cấn, khi chàng trai nhận ra niềm đam mê của đời mình và cố gắng sống vì nó. “Mình vay mẹ 3 triệu, vay cô 3 triệu, bán laptop mua Canon 40D, ống MF.” Mạnh Bi vừa cười vừa miên man quay lại với quá khứ. “Thời gian đầu mình chụp linh tinh thôi, đến khoảng 30/4 – 1/5, mình đi Hoà Bình chơi với bạn. Lúc đó, bố gọi điện cấm không cho đi chơi, rồi bắt bán máy ảnh để đi học tiếp còn nếu vẫn giữ máy ảnh thì đừng có đi học nữa”.
“Khi về đến nhà, bố đứng trước cửa và mắng rất dữ, nhưng cứ mắng một câu là mình cãi một câu”. Mạnh Bi cười. “Mày bán ngay máy đi! Không, con không bán!”. Cậu cố diễn lại cảnh tượng khi đó bằng một sự hài hước nhẹ nhàng. “Thế rồi mình bị đánh một trận, mình tức quá không về nhà nữa, gọi điện bảo em lấy ba lô, xe máy để phóng lên trường luôn”. Cậu nhún vai: “Mình đã bỏ nhà đi trong 3 tháng”.
Vậy 3 tháng đấy Mạnh Bi làm gì để sống? “Mình học IT mà, nhớ không?”, cậu cười nhăn nhở. Trong suốt 3 tháng, Mạnh Bi vừa đi làm IT ở một công ty tại Vincom, vừa tranh thủ đi chụp ở shop quần áo để kiếm tiền trang trải cho tiền nhà, tiền sinh hoạt, ăn uống, tiền tiêu và cả tiền tiết kiệm mua máy mới. Nghe thì có vẻ dễ dàng, nhưng thực tế bao giờ vẫn khó khăn hơi lời kể gấp nhiều lần. “Mình lao vào làm việc như điên, ban ngày đi chụp shop, chụp bài, đến 7h tối lại đi làm đến 3-4h sáng.”
Video đang HOT
“Có những hôm căng thẳng nhất là sáng đi chụp ở Long Biên, trưa chụp ở Ngã tư Sở, chiều lại chạy đi chụp ở Cầu Giấy, rồi 7h về làm tiếp ở công ty”. Nghe Mạnh Bi kể mà tôi cũng phải thoáng rùng mình về mức độ chạy sô khi đó của cậu. “Thế mà cũng không đủ tiền để sống thoải mái đâu. Tháng đầu tiên thì vẫn tự tin có đủ tiền nhà, đến tháng thứ 2 thì không xoay kịp, rồi phải khất, phải vay hết người này đến người kia”.
Nhưng cuối cùng thì sự cố gắng cũng đã được đền đáp phần nào, khi bố mẹ Mạnh Bi đã đồng ý nhìn nhận lại đam mê của cậu. Đó là lúc, bố cậu gọi về nhà rồi tha thứ và hai bố con cùng làm lành. “Mình đã chứng minh được là mình có thể kiếm tiền bằng khả năng của mình”.
2. Chương thứ 2: Khi thành công mỉm cười
Tôi luôn tin vào duyên may, tôi nghĩ rằng: Duyên may nào cũng đẹp và thật hạnh phúc cho những ai gặp được duyên may rồi biết cách nắm lấy nó. Mạnh Bi cũng là một người như vậy, đã nắm lấy được duyên may của cuộc đời mình và cũng đã nắm lấy nó rất chặt. Trong suốt cuộc nói chuyện của mình, Mạnh Bi nhắc rất nhiều đến những người đã từng giúp đỡ cậu trên con đường chụp ảnh. “Ngày đầu mới chụp , mình được anh Nick D dìu dắt rất nhiều”, Mạnh Bi bồi hồi kể lại. Cậu bạn này, ngay cả khi thành công rồi, vẫn chưa bao giờ quên mình đến từ đâu và con đường mình đi đã được những ai dìu dắt.
“Mình rất hâm mộ nhiếp ảnh gia Samuel Hoàng.” Mạnh Bi kể. “Mình hay vào Facebook anh ấy xem ảnh, rồi hay hỏi anh ấy về kỹ thuật chụp. Khi anh ấy về Việt Nam, mình có hẹn cafe. Chắc là vì thấy mình mê chụp ảnh quá nên anh ấy đã giúp mình rất nhiều.”
Cũng trong thời gian này, Mạnh Bi bắt đầu được biết đến nhiều hơn khi thường xuyên cộng tác với nhiếp ảnh gia đình đám Samuel Hoàng. Được chính thần tượng của mình dìu dắt, những bức ảnh của Mạnh Bi bắt đầu khoác lên mình vẻ lộng lẫy hơn, ấn tượng hơn và cũng chuyên nghiệp hơn nữa. “Hồi đầu mới gặp anh Samuel Hoàng, mình có nói với anh ấy rằng ước mơ của mình là được chụp cho báo Đẹp. Một thời gian sau, khoảng tháng 8 năm ngoái, anh ấy nhắn tin cho mình và bảo: Anh sẽ cho em thực hiện ước mơ của mình”. Mạnh Bi nhắc lại câu chuyện bằng đôi mắt say sưa không giấu diếm được niềm tự hào. “Mình mất ngủ cả một đêm, hết xem đi xem lại concept rồi lại lên mạng xem cách chụp. Mọi thứ hôm chụp cực kỳ vất vả, chụp từ 5h sáng đến 5h chiều, nhưng mình phải luôn cố gắng hết sức để không khiến mọi người thất vọng.”
Vậy cảm giác của cậu khi cầm thành quả trên tay như thế nào? “Hãnh diện, nhưng biết ơn rất nhiều vì nghĩ đến những người đã dẫn dắt mình đi, nghĩ về những khó khăn và cả cảm giác sung sướng vì có thể cho mọi người thấy được mình làm như thế nào”.
Sau bức ảnh chụp bìa báo Đẹp, sự tin tưởng và những lời mời đến với Mạnh Bi nhiều hơn. Cậu cộng tác với những tạp chí thời trang lớn với sản phẩm là những bộ ảnh chỉn chu, long lanh tới từng chi tiết. Khó mà nhận ra được một Mạnh Bi mới chỉ 1-2 năm trước thôi còn mới chập chững cầm máy chụp thời trang mà đã có một bước tiến xa khủng khiếp đến vậy. Thành quả này đến từ sự chăm chỉ, cần mẫn đáng ngạc nhiên và thái độ cầu thị khi học hỏi. “Lần đầu tiên chụp ảnh kiếm được tiền là chụp cho shop quần áo, được 1 triệu đấy! Lúc ấy, mình không bao giờ nghĩ là mình kiếm được nhiều tiền, chỉ nghĩ chụp là sở thích, là đam mê thôi”. Mạnh Bi cười bồi hồi.
Mạnh Bi từ chối cho tôi biết con số cụ thể cậu kiếm được một tháng, nhưng ước lượng vào khoảng 8 số 0. Tôi hỏi cậu, có bao giờ cậu cảm thấy tiếc vì đã bỏ học Bách Khoa không, dù sao thì một ngôi trường danh giá có thể đảm bảo tương lai cho bất cứ sinh viên nào cũng là một điều mà không phải ai cũng có. “Không, mình không tiếc. Ngay kể cả khi mình đi chụp ảnh và không kiếm được nhiều tiền thì mình cũng không thấy tiếc. Bạn không thể làm tốt được điều mà bạn không thích”.
3. Và tình yêu với nhiếp ảnh
Nghĩ lại những ngày đầu mới chụp, Mạnh Bi không khỏi bồi hồi trước những cảm xúc khi bắt đầu tiếp xúc với nhiếp ảnh. “Từ những ngày đầu chập chững bước vào nghề, mình luôn cảm thấy hồi hộp và lo lắng trước mỗi buổi đi chụp. Nhưng với mỗi cú bấm máy, nhờ có sự lo lắng, hồi hộp đó mà mình đã nỗ lực rất nhiều để chuẩn bị cho những thứ tốt hơn và hoàn thiện bản thân hơn. Thế nên, mình rất trân trọng mỗi giây phút của sự hồi hộp lo lắng đó. Cho tới bây giờ trước những buổi chụp quan trọng, ở những môi trường mới, những đối tác lớn, ekip chuyên nghiệp hơn thì mình vẫn đều có chút cảm giác hồi hộp và đó chính là sự hấp dẫn với mình khi theo đuổi con đường này.”
Mạnh Bi hào hứng lôi Iphone ra và chỉ cho tôi xem những bộ hình đẹp mà cậu thích, cậu say sưa nói về nhiếp ảnh gia này, concept kia và không thể giấu diếm sự hào hứng muốn được trải nghiệm mình trong những concept khó như vậy. “Học hỏi, quan sát và lắng nghe. Đó là ba yếu tố mình luôn cố gắng khi làm việc cùng ekip để tạo nên những sản phẩm tuyệt vời. Vì với nghề của mình, một bức ảnh đẹp, sáng tạo là sự kết tinh của cả một ekip rất nhiều người và nhờ có sự kết hợp và nỗ lực của tất cả, mình mới đạt được những thành quả như ngày hôm nay”.
Có một chuyện mà cả tôi và Mạnh Bi đều đồng ý với nhau, đó là việc các bạn trẻ hiện đại quá đỗi ảo tưởng vào nhiếp ảnh, họ đến với nhiếp ảnh chỉ vì nghĩ đây là nghề thời thượng, có thể hái ra tiền trong khi chẳng phải đầu tư chất xám và nhiều công sức. “Họ có ý nghĩ việc kiếm tiền quá dễ dàng và nói qua lên, có khi làm 1 nhưng lại nói năm nói mười. Còn mình nghĩ, bất kể công việc gì, nhất là việc liên quan đến nghệ thuật thì việc đầu tư chất xám được thể hiện bằng chính sản phẩm mình làm ra, và đó mới chính là thứ quyết định bạn kiếm tiền dễ hay khó”.
Nhưng nói đi nói lại thì nhiếp ảnh vẫn còn là một nghề rất mới và… rất mơ hồ. Trong khi nhiều bạn trẻ lại rất khát khao muốn thử sức vì nó, bởi ai mà không muốn sống một cuộc sống đầy những thử thách và bất ngờ của một người nghệ sĩ cơ chứ? Nhưng ai cũng còn trẻ, và điều đó đồng nghĩa với nông nổi, thế nên, mấy phụ huynh nào chịu nhìn con mình vứt bỏ tất cả để dấn thân vào con đường chụp choẹt? Để kết thúc buổi nói chuyện, tôi nhờ Mạnh Bi – một người đã rất có “kinh nghiệm” trong việc này dành ra một lời khuyên cho những bạn trẻ muốn đến với nhiếp ảnh. Cậu vò đầu bứt tai một hồi rồi cuối cùng cũng nghĩ ra được một vài lời khuyên mà theo cậu là “chắt lọc từ chính những gì mình trải qua”.
“Mình khuyên với những bạn trẻ đam mê với nghề nên thi vào một trường đào tạo về nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng, như vậy bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc sát với nghề hơn, việc thuyết phục gia đình lúc đó dựa trên những gì bạn đã làm đã trải qua, và chắc chắn sẽ được sự ghi nhận bởi phụ huynh, và mình nghĩ không bậc phụ huynh nào không muốn thấy sự thành công của con cái mình.”
Còn về tương lai? Mạnh Bi vẫn tiếp tục chụp, chụp và chụp. Mong ước lớn nhất của cậu thì đã thực hiện được, đó là mở một studio riêng. Thế nên những gì tiếp theo sẽ chỉ là cố gắng hết mình để có thể chăm chút cho studio này, nâng cấp cho nó, chụp nhiều hơn, đến nhiều nơi trên thế giới.
Trong truyện Lord of the Rings, có một câu nói: “Bạn bước chân vào con đường, và nếu bạn không cẩn thận, bạn sẽ không biết được con đường này dẫn mình tới đâu”. Nếu bạn cũng có một khát khao cháy bỏng, một tình yêu say đắm với một thứ gì đó, hãy tự tin thoát ra khỏi vòng an toàn của mình. Nhưng cùng với lúc đó, hãy luôn nhìn xuống con đường mình đang đi để chắc rằng bạn đang đi đúng hướng, và con đường khi đó sẽ kéo dài, dài mãi với đầy những trải nghiệm làm thoả lòng trái tim yêu phiêu lưu của bạn. Cũng giống như Mạnh Bi, đã bước chân ra, dấn thân vào cuộc sống trong khi vẫn giữ được lòng lạc quan và sự chăm chỉ của mình, và con đường của cậu ấy chắc chắn sẽ trải dài mãi cho trái tim luôn căng đầy tình yêu với thứ mình làm.
Một vài sản phẩm của Mạnh Bi trong quá trình làm nhiếp ảnh gia thời trang.
TheoHik Nguyễn / MASK Online
Cụ bà gây sốc khi làm người mẫu thời trang cực chất
Nhiếp ảnh gia Charlie Engman chia sẻ, mẹ chính là nguồn cảm hứng bất tận để anh thực hiện những bộ ảnh thời trang nghệ thuật.
Charlie Engman, 27 tuổi, là một nhiếp ảnh thời trang đến từ Chicago. Anh từng theo học khoa tiếng Nhật tại trường Đại học Oxford, nhưng sau đó lại đam mê và đi theo con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp.
Charlie Engman bắt đầu chụp ảnh cho mẹ - bà Kathleen McCain - vào năm 2009 khi anh tốt nghiệp đại học và trở về nhà sống cùng bố mẹ. Charlie chia sẻ, hầu hết anh chụp ảnh cho mẹ vì xung quanh cũng chẳng còn ai khác: "Ban đầu tôi chỉ chụp một vài bức, nhưng mọi thứ sau đó thật tuyệt vời. Một số người có thể rụt rè hoặc làm quá khi đứng trước ống kính. Nhưng mẹ tôi thì khác, bà lột xác hoàn toàn so với hình ảnh bên ngoài, đến mức tôi không thể nhận ra".
Charlie Engman và mẹ đẻ.
Năm 2012, khi tạp chí The Room (Hungary) mời Charlie thực hiện một bộ ảnh thời trang, anh đã quyết định chọn mẹ mình làm người mẫu.
"Đó là lần đầu tiên tôi coi mẹ mình như một người mẫu thực sự. Phải nói là mẹ tôi ở ngoài đời và trong ảnh không có nhiều sự tương đồng. Trong quá trình làm việc, mẹ tôi cũng nghĩ ra những ý tưởng khá hay ho" - Charlie chia sẻ.
Kể từ đó trở đi, bà Kathleen McCain trở thành "nàng thơ" đặc biệt của anh và đồng hành cùng anh trong nhiều bộ hình thời trang. Charlie Engman cũng thực hiện khá nhiều bức ảnh nhạy cảm cho mẹ và nhận được không ít ý kiến trái chiều từ bạn bè, người thân xung quanh.
"Bạn bè của mẹ tôi rất sốc khi xem những bức ảnh đó. Họ nói tôi đang hủy hoại hình ảnh của bà, nhưng tôi nghĩ đó mới là nghệ thuật nhiếp ảnh. Hơn nữa, gia đình tôi đều cảm thấy thoải mái" - anh nói.
Với Charlie, mẹ chính là "nàng thơ" để anh sáng tạo nghệ thuật.
Anh chọn mẹ làm người mẫu khi chụp ảnh cho tạp chí.
Charlie trêu đùa nhờ có anh mà bà Kathleen trở nên nổi tiếng. Bà được một số kênh truyền hình mời quay phim, sắp tới còn tham gia diễn xuất trong một MV nhạc.
Bà Kathleen tạo dáng chuyên nghiệp dưới ống kính của con trai.
Charlie Engman chia sẻ có những bức ảnh mẹ anh không thật sự hài lòng, nhưng bà luôn dành lời khen cho anh.
Theo Zing
Giám đốc casting U40 diện đồ phong cách Là một fashionista nổi bật, Natalie Joos có nhiều cách biến hóa mới lạ, đầy tươi tắn nhưng phù hợp với độ tuổi trung niên của mình. Hình ảnh fashionista Natalie Joos luôn phủ sóng rộng rãi tại các Tuần lễ thời trang khắp thế giới. Cô là giám đốc casting, nhà tư vấn phong cách, nhiếp ảnh gia, đồng thời viết cho...