Ly hôn vì chồng quá… sạch, những chuyện thật như đùa
Hôn nhân là việc trọng đại cả đời người nhưng với nhiều cặp vợ chồng trẻ, chỉ vì tự ái cá nhân mà họ quyết định chia tay.
Ly hôn vì chồng nghiện game hay… quá sạch sẽ
Sau thời gian việc ly hôn tại phải trải qua những thủ tục chặt chẽ và vô cùng khó khăn, khoảng 50 năm trở lại đây, việc ly hôn lại trở nên vô cùng dễ dàng. Một trong những mặt trái của sự nới lỏng này là sự gia tăng các vụ ly hôn . Cùng với đó, những giá trị truyền thống của gia đình đang ngày càng bị bào mòn và mai một.
Tham gia vào hội nhóm dành riêng cho những người trẻ ly hôn trên mạng xã hội không khó để bắt gặp những câu chuyện “cười ra nước mắt” về hôn nhân . Muôn vàn những lý do được chia sẻ và cũng là bài học kinh nghiệm cho những người chuẩn bị bước chân vào ngưỡng cửa hôn nhân .
Chị Nguyễn Thùy Dung (24 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, chị và chồng cũ quen nhau được một năm rồi làm đám cưới. Khi gần đến tháng sinh con, chị đã quyết định ly hôn do hai vợ chồng tính cách trái ngược nhau.
“Tôi không nghĩ khi cưới xong, ở chung nhà với nhau, chồng tôi lại thay tính đổi nết nhanh như thế. Về nhà sau giờ làm, anh ấy chỉ chơi game , có hôm chơi gần đến sáng mới đi ngủ, để mặc tôi xoay xở dù đang có bầu. Những đêm như thế, tôi thấy tủi thân ghê gớm. Chịu đựng các hành xử trẻ con của chồng từ lúc tôi có bầu, khi sắp sinh, tôi không thể tiếp tục được nữa”, chị Dung nói.
Câu chuyện của chị Phạm Hằng (27 tuổi, Hà Nội) có phần bi hề hơn. Lý do hai vợ chồng chị không sống chung là do chồng chị quá sạch sẽ. Mỗi lần chị rửa bát, hay lau dọn nhà, vợ chồng chị lại to tiếng với nhau.
“Chỉ cần sắp xếp lại đồ đạc không theo như ý của anh ấy là tôi cũng bị chì chiết là không biết để ý, một người làm để một người khác đi dọn lại. Thế nhưng, nếu tôi không dọn dẹp à thì chồng tôi lại kêu nhà cửa để bẩn, bừa bộn.
Từ những xích mích vặt vãnh như vậy mà tình cảm vợ chồng tôi càng ngày đi xuống. Quanh quẩn tranh cãi chuyện nhà cửa, bếp núc nên tối đi ngủ, hai vợ chồng cũng không ai muốn nằm gần ai”, chị Hằng tâm sự.
Trên thực tế, những mâu thuẫn khi chung sống cứ âm ỉ và dồn nén lâu dần tạo thành tâm lý chán chường, ghét bỏ người bạn đời . Khi đã không thể thấu hiểu, chỉ một sự việc rất nhỏ cũng trở thành “giọt nước tràn ly” khiến hôn nhân đi vào bế tắc. thậm chí có cặp đôi ly hôn chỉ vì hai vợ chồng… không chịu cãi nhau.
Giá trị cốt lõi của hôn nhân đang bị xói mòn
Bình luận về việc này, PGS. TS Trịnh Hòa Bình , chuyên gia Xã hội học cho biết, việc kết hôn nhanh chóng để rồi nhanh chóng ly hôn hay tỷ lệ ly hôn nhiều ở các cặp đôi hiện nay giống như một trào lưu, xu hướng. Việc đưa ra quyết định hôn nhân không còn kỹ lưỡng, thận trọng như trước và những điều đó cũng thể hiện giá trị của hôn nhân không còn được như xưa.
“Rõ ràng, theo quan niệm của nhiều người, việc hôn nhân và ly hôn hiện nay rất đơn giản. Họ không xem đó là trách nhiệm đối với nhau.
Về phía người phụ nữ, họ không còn chấp nhận nhẫn nhịn, chịu đựng người chồng. Họ cũng không còn lo lắng về áp lực của dư luận xã hội ”, PGS. TS Trịnh Hòa Bình nói thêm.
PGS. TS Trịnh Hòa Bình – Chuyên gia Xã hội học
Bằng kinh nghiệm của mình, PGS.TS Trịnh Hòa Bình còn thấy rõ một thực tế, rất nhiều cặp vợ chồng trẻ khi yêu nồng nhiệt bao nhiêu rồi lúc kết hôn lại thờ ơ bấy nhiêu. Họ coi việc sống chung với nhau là lẽ thường tình mà không cần vun vén, chăm sóc cho cuộc hôn nhân. Và khi có những biến cố dù nhỏ, mối liên kết giữa hai người dễ dàng bị phá vỡ.
“Cuộc sống có nhiều sự xáo trộn về kinh tế hay con cái cũng là giai đoạn khủng hoảng của nhiều cặp đôi.
Nhìn rộng hơn, xã hội Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi, phát triển kinh tế được chú trọng không đi kèm với việc quan tâm bảo vệ đúng mức những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống…. Chính điều này đã khiến nhiều vấn đề bộc lộ và nảy sinh, trong đó có các vấn đề liên quan tới mối quan hệ gia đình”, ông Trịnh Hòa Bình trăn trở.
Luật sư Đỗ Hải Bình, đoàn luật sư TP.HCM cũng thừa nhận thực tế, nhiều cặp đôi đến với nhau rất chớp nhoáng, rồi ly hôn cũng rất nhanh. Lẽ ra, trước khi đặt bút ký vào tờ giấy đăng ký kết hôn, cả hai bên phải suy nghĩ thật kỹ lưỡng.
Trong hôn nhân, tôi nghĩ đó phải là câu chuyện dài tập chứ không phải lúc nào cũng lãng mạn như lúc yêu .
” “Một sự nhịn, chín sự lành” hay “chồng giận thì vợ bớt lời;/Cơm sôi bớt lửa có đời nào khê”, đó là những kinh nghiệm ứng xử quý giá trong đời sống xã hội và gia đình đã được ông bà ta đúc rút từ hàng trăm năm trước, đến nay, vẫn còn nguyên giá trị.
Và để hướng tới một xã hội phồn vinh, hạnh phúc, chúng ta không chỉ cần có sự đầy đủ về vật chất, mà quan trọng hơn, mỗi người trong xã hội và từng gia đình cần phải ứng xử có văn hóa với nhau”, Luật sư Bình bày tỏ.
Để cuộc hôn nhân hạnh phúc
Thực trạng chung là như vậy nhưng vẫn có những cuộc hôn nhân rất đáng ngưỡng mộ, ngay cả trong môi trường điện ảnh – giải trí vốn bị coi là phức tạp.
Trong một lần hiếm hoi chia sẻ về cuộc sống cá nhân, NSND Lê Khanh đã có những tiết lộ bất ngờ về cuộc hôn nhân hơn 20 năm bên ông xã nổi tiếng, đạo diễn Phạm Việt Thanh. Họ chỉ có một tờ giấy chứng hôn để làm giấy khai sinh cho hai con còn cho tới tận bây giờ vẫn chưa có một lễ cưới.
“Nhiều năm qua, chúng tôi vẫn dành cho nhau những lời nhắn tình cảm: “Người yêu đi ngủ chưa?”, ”Hôm nay thế nào?”. Chuyện tình cảm của 2 quan trọng nhất vẫn là sự trải nghiệm dành cho nhau. Tôi và ông xã luôn cố gắng giữ gìn tình yêu thương như những ngày còn trẻ”, NSND Lê Khanh kể.
Thế nhưng, trong cuộc hôn nhân không phải lúc nào cũng chỉ toàn những yêu thương, lãng mạn.
NSND Lê Khanh cho biết, chị là người bình đẳng và tôn trọng tất cả những gì thuộc về tình yêu của chồng. Chỉ riêng với bóng đá, đã có lúc chị “ghen”: “Tôi đang bệnh, ốm nhưng anh để tôi ở nhà một mình và đi xem bóng đá. Có lúc tôi thấy tủi thân và chạnh lòng”. Rõ ràng, những xích mích vụn vặt có thể gây nên mâu thuẫn lớn hơn ở bất cứ gia đình nào. Vấn đề là cách ứng xử để vượt qua và giữ gìn ‘lửa ấm’ trong gia đình.
Một cặp đôi nghệ sĩ nổi tiếng với cuộc hôn nhân 3 thập kỷ khác là vợ chồng NSND Lan Hương – NSƯT Đỗ Kỷ.
Đối với NSND Lan Hương, niềm hạnh phúc của một người vợ là những bữa cơm đầm ấm, được chồng chở đi làm, đi chơi, là khoảnh khắc mỗi khi bước ra khỏi một cuộc vui đều thấy ông xã đã đứng chờ sẵn từ lâu.
Còn NSƯT Đỗ Kỷ, ông cũng luôn dành sự trân trọng cho người bạn đời của mình. Ông quan sát thái độ của vợ trước mỗi sự việc để ứng xử, tránh làm vợ buồn.
“Tôi nghĩ trong cuộc sống, mỗi người cần cố gắng nghĩ cho nửa kia nhiều hơn. Chúng tôi không bao giờ cãi nhau. Nếu một người to tiếng, phía còn lại sẽ im lặng, ai sai hay đúng sẽ tự nhận ra. Vợ chồng tôi không bắt ép người sai phải xin lỗi, chỉ cần qua thái độ là hiểu được nhau rồi”, ông xã nghệ sĩ Lan Hương vui vẻ nói về bí quyết giữ gìn một gia đình mẫu mực.
Có nên ly hôn khi chồng đưa 'tiểu tam' và con riêng về nhà?
Một khi người đàn ông không thiết tha với những điều phụ nữ cố gắng thì cứu vãn cũng trở nên vô ích. Do đó, không cần phải duy trì mối quan hệ cứng nhắc mà trên thực tế chỉ còn là hình thức.
Ảnh minh họa
Chuyên gia tâm lý, xã hội học PGS. TS Trịnh Hòa Bình cho biết từng tư vấn cho rất nhiều trường hợp chị em vật vã đau khổ nhờ chuyên gia làm sao để kéo chồng quay về, quên đi người thứ ba.
Trong đó, ông nhớ nhất hình ảnh một người phụ nữ có gương mặt phúc hậu nhưng đôi mắt quầng thâm, mang nỗi buồn u uẩn. Cô ấy tìm đến chuyên gia tư vấn trong trạng thái mất hết niềm tin vào cuộc sống.
Nguyên do là bởi, cô và chồng yêu nhau từ thời đại học, cùng nhau gây dựng cơ ngơi, sinh hai con đủ cả nếp tẻ. Đến giờ khi các con đã lớn, chồng có vị trí nhất định trong một doanh nghiệp nhà nước, cô cũng đảm nhiệm vai trò trưởng phòng của một công ty chuyên xuất nhập khẩu.
"Người ngoài ai cũng bảo cô may mắn lấy được chồng thành đạt, các con ngoan ngoãn. Nhưng cô ấy đã sốc khi bố chồng ốm nặng, dự báo không qua khỏi thì chồng cô đã đưa con riêng và mẹ của cháu bé về gặp gia đình. Cô ấy đau đớn, uất ức và từng không thiết sống", PGS. TS Trịnh Hòa Bình kể lại.
Nghĩ đến các con, giữ sĩ diện cho mình, cho chồng, cô lẳng lặng gặp riêng người phụ nữ ấy. Trái ngược với thái độ của người thứ 3 xen vào cuộc hôn nhân chính danh, người phụ nữ ấy trâng tráo tuyên bố chồng cô sống với cô chỉ là nghĩa. Không dừng lại ở đó, "tiểu tam" còn ráo hoảnh đề nghị cô ấy nên nhường chồng.
Gặp chuyên gia tư vấn, cô ấy chỉ duy nhất một câu hỏi: Có nên ly hôn hay không?.
PGS. TS Trịnh Hòa Bình: Một khi người đàn ông không thiết những điều phụ nữ cố gắng thì cứu vãn hôn nhân cũng trở nên vô ích.
PGS. TS Trịnh Hòa Bình cho hay, theo lẽ thông thường những tình huống như thế này người ta hay tư vấn kiểu vỗ về, chủ yếu khuyên cho phải đạo như khéo léo, tinh tế làm sao để giành lại chồng, tránh làm sứt mẻ tình nghĩa vợ chồng bao nhiêu năm...
"Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, không phải "xúi" đâu nhưng tôi thường động viên người ta tìm cách "giải tán" trong khi thiên hạ đa số tìm cách vun vào, khuyên nhủ chung sống hòa bình, thậm chí giả vờ như không biết hoặc là khéo léo bóng gió để cho người chồng biết rằng mình biết nhưng vẫn tin, vẫn hy vọng có sự hồi tâm, chuyển ý và xem như là một vấn đề nhỏ nhặt không phương hại đến quan hệ của cặp đôi", PGS. TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ.
Lý giải vì sao lại "xúi" khách hàng "chia loan, rẽ phượng", PGS. TS Trịnh Hòa Bình cho rằng để tư vấn cho một trường hợp ông thường phải dựa trên các phân tích kỹ về hoàn cảnh.
Theo đó, những cặp đôi của người Việt đi đến quyết định ly hôn hay không đều liên quan đến đời sống kinh tế, thu nhập. Chồng hay vợ có thu nhập lớn hơn sẽ có vai trò quyết định trong việc củng cố và phát triển gia đình...
Xuất phát từ những chiều cạnh ấy, chuyên gia Trịnh Hòa Bình sẽ khuyên người phụ nữ nên dứt bỏ hơn là đeo đẳng để phải suy sụp, thậm chí bị khinh rẻ, bị nhìn nhận yếu thế.
"Đa số trong những trường hợp này sau khi phân tích các mối quan hệ kinh tế, xã hội, gia đình lớn... thấy người phụ nữ có thể độc lập, kiêu hãnh được thì tôi thường khuyên họ nên dứt bỏ, giải quyết một cách đàng hoàng", TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ.
Theo ông Hòa Bình, việc chia tay trong tình huống này còn tốt hơn khi xét về phương diện hôn nhân trên thực tế không còn, tình yêu đã chết.
"Vợ chồng sống với nhau bao lâu rồi, cái gọi là đầu mày cuối mắt đâu còn nữa. Đa số các cặp vợ chồng chuyển sang nghĩa. Như vậy xuất phát từ nghĩa mà các cặp vợ chồng cứ phải gò lại sống với nhau, cộng thêm sự yếu thế của người phụ nữ, đa số nhiều người khuyên phải cố gắng nhẫn nhịn, tìm cách đuổi "tiểu tam" ra khỏi cuộc chơi. Nhưng nếu như nhu cầu làm mới, nhu cầu hưởng thụ đời sống tình dục ở chồng vẫn còn thì có khuyên đến đâu họ vẫn chẳng hồi tâm chuyển ý.
Cho nên rõ ràng câu chuyện ở đây là vì để xuôi chèo mát mái, để gia đình không thất bại, tức là duy trì mối quan hệ vợ chồng "thắng lợi", "bảo vệ" được gia đình kiểu này là phải nhẫn nhịn.
Thế nhưng một khi người đàn ông không thiết những điều phụ nữ cố gắng thì cứu vãn cũng trở nên vô ích. Do đó, nếu người phụ nữ độc lập về kinh tế, tự làm sáng được bản thân mình thì bao giờ tôi cũng khuyên nên giải tán sớm. Không cần thiết phải duy trì mối quan hệ cứng nhắc mà trên thực tế chỉ còn là hình thức", chuyên gia Trịnh Hòa Bình phân tích.
Vô sinh bị đuổi ra khỏi nhà, 3 năm sau gặp lại, chồng cũ gào lên khi nhìn thấy tôi Chồng cũ sau khi biết là tôi thì lập tức hét lên một tiếng thất thanh khiến những người xung quanh nhốn nháo tưởng có chuyện gì xảy ra. Cách đây 3 năm tôi bị đuổi khỏi nhà chồng vì không thể sinh được con. Lúc ấy tôi và chồng đã kết hôn được 3 năm, đi khám thì phát hiện tôi bị...