Lo ngại thuế quan từ Mỹ, Trung Quốc mở rộng xuất khẩu ô tô điện sang châu Phi
Các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc tìm cách mở rộng thị trường châu Phi nhằm né tránh thuế quan cũng như các hạn chế nhập khẩu khác do Mỹ và châu Âu áp đặt.
Ô tô điện được sản xuất tại nhà máy ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Các nhà sản xuất xe điện (EV) Trung Quốc đang mở các cửa hàng lớn và nhà máy lắp ráp tại châu Phi khi các doanh nghiệp này tìm cách mở rộng thị trường tại lục địa này và né tránh thuế quan cũng như các hạn chế nhập khẩu khác do Mỹ và châu Âu áp đặt.
Nhà sản xuất ô tô BAIC Group và Zeekr, nhà sản xuất xe điện cao cấp của Geely Auto, đều đã công bố kế hoạch thâm nhập vào Ai Cập, một địa điểm quan trọng cho các công ty muốn khai thác thị trường Trung Đông và châu Phi.
Vào cuối năm tới, Tập đoàn BAIC dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất 20.000 xe điện mỗi năm tại một nhà máy lắp ráp mà họ đang thành lập tại Ai Cập. Con số này sẽ tăng lên 50.000 xe vào năm thứ năm trong một thỏa thuận với Alkan Auto, một công ty con của Egyptian International Motors (EIM Group).
Thỏa thuận nói trên có sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Phát triển Công nghiệp Ai Cập Kamel al-Wazir, cũng là Bộ trưởng Công nghiệp và Giao thông. Ông cho biết khoản đầu tư này phù hợp với mục tiêu của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sisi là biến quốc gia Bắc Phi này thành một trung tâm công nghiệp khu vực và bản địa hóa ngành công nghiệp ô tô.
Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu trong nước, nhà máy sẽ xuất khẩu sang các nước châu Phi khác và Trung Đông, tận dụng lợi thế vị trí của Ai Cập tại ngã ba của châu Á, châu Phi và châu Âu. Hơn 10% thương mại toàn cầu hoặc hàng nghìn tàu thuyền đi qua hàng năm qua Kênh đào Suez của Ai Cập, nơi nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ và là tuyến đường biển ngắn nhất giữa châu Á và châu Âu, thị trường lớn nhất của Bắc Kinh. Khi nhà máy EV bắt đầu sản xuất vào cuối năm sau, dự kiến sẽ tạo ra khoảng 1.200 việc làm cho lực lượng lao động Ai Cập.
Ông Song Wei, chủ tịch của BAIC Group, cho biết công ty cam kết tăng cường sự hiện diện của mình tại thị trường Ai Cập vì đây là “một trong những thị trường quan trọng nhất” trong khu vực. Tháng trước, công ty lần đầu tiên ra mắt thị trường toàn cầu thông qua một mẫu xe mới từ Ai Cập.
Video đang HOT
Ai Cập đã thu hút lượng lớn đầu tư từ Trung Quốc, đặc biệt là vào Khu kinh tế kênh đào Suez khi các công ty tìm kiếm tuyến đường ngắn hơn đến các nước châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Vào tháng 10 vừa qua, nhà sản xuất xe điện Zeekr cũng đã công bố kế hoạch thâm nhập thị trường Ai Cập trước cuối năm nay. Sau khi ký kết thỏa thuận phân phối với EIM Group vào tháng trước để xây dựng mạng lưới bán hàng và dịch vụ tại Ai Cập.
Ông Lauren Johnston, chuyên gia về Trung Quốc-châu Phi và là phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Sydney, cho biết với việc Mexico, Mỹ và châu Âu áp thuế đối với xe điện Trung Quốc, các nhà sản xuất ô tô đang tìm kiếm thị trường thay thế. Theo vị chuyên gia này, Ai Cập được các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hướng tới vì vị trí chiến lược và chi phí lao động, tiền lương chỉ bằng khoảng một nửa so với Maroc và cũng thấp hơn ở Nam Phi. Ngoài ra, nơi này nằm trong khu vực hiệp định thương mại tự do châu Phi và cũng gần với các thị trường thu nhập cao ở Trung Đông và châu Âu”.
Sự kiện này cũng diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine và các vấn đề thuế quan ở châu Âu đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng, trong khi căng thẳng trong khu vực đã khiến số lượng tàu sử dụng Kênh đào Suez giảm do các cuộc tấn công vào tàu thương mại trên Biển Đỏ của phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen. Việc chuyển sản xuất đến gần thị trường hơn sẽ tránh được những rủi ro này.
Ông Kai Xue, một luật sư doanh nghiệp tại Bắc Kinh chuyên tư vấn về đầu tư trực tiếp nước ngoài và tài chính xuyên biên giới, cho biết với mức thuế suất 100% được áp dụng, xe điện Trung Quốc về cơ bản đã bị loại khỏi thị trường Mỹ.
Những động thái mới nhất của các công ty xe điện nhằm mở rộng tại Ai Cập diễn ra sau xu hướng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tìm kiếm thị trường châu Phi vì sự cạnh tranh địa chính trị của Trung Quốc với Mỹ và châu Âu ngày càng gia tăng tại đây.
Những công ty khác bao gồm BYD Auto, Neta Auto EV và Xpeng đã thâm nhập vào các thị trường như Morocco, Kenya, Rwanda và Nam Phi. Đáng chú ý, hãng BYD đã giới thiệu ba mẫu xe điện tại Kenya vào tháng 9 và hiện đã có mặt tại 12 thị trường châu Phi sau khi ra mắt gần đây tại Zambia và Madagascar.
Theo số liệu, xuất khẩu xe năng lượng mới của Trung Quốc sang châu Phi năm 2023 tăng 291% so với năm trước. Các nước châu Phi không chỉ chào đón thương mại mà còn mong muốn phát triển chuỗi công nghiệp xe điện tại địa phương.
Dự báo biện pháp đối phó với Mỹ của Trung Quốc khi ông Trump trở lại
Bắc Kinh được dự báo sẽ đứng trước nhiều biến động và sự cạnh tranh hơn với Mỹ, mặc dù nền kinh tế đang chậm chạp của họ có thể hạn chế các lựa chọn "phản công".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Bắc Kinh. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ New York Times, trong năm qua, Mỹ và Trung Quốc đã cố gắng kiểm soát cuộc cạnh tranh của họ để trấn an thế giới rằng căng thẳng giữa các siêu cường sẽ không leo thang thành xung đột. Nhưng việc ông Trump trở lại Nhà Trắng có thể sẽ làm đảo lộn sự cân bằng mong manh đó.
Là một chính khách có những quan điểm và chính sách khó đoán, ông Trump đã cam kết sẽ áp thuế đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh chắc chắn đã có thể đưa ra kết luận sau nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump rằng ông có ý định tiến hành một cuộc cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc.
Ryan Hass, giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton tại Viện Brookings, đánh giá. "Ông Tập Cận Bình sẽ cởi mở với mối quan hệ cấp lãnh đạo thân thiện hơn với ông Trump, nhưng ông ấy sẽ không mong đợi một mối quan hệ cá nhân nồng ấm hơn sẽ làm giảm bớt động lực cạnh tranh của Mỹ đối với Trung Quốc".
Củng cố quan điểm của Bắc Kinh là thực tế về sự đồng thuận lưỡng đảng tại Mỹ trong việc đối đầu với Trung Quốc. Ông Trump có thể đã bắt đầu một kỷ nguyên cạnh tranh quyết liệt với cuộc chiến thương mại và sự ủng hộ ngày càng tăng của Mỹ đối với Đài Loan/Trung Quốc, nhưng cách tiếp cận đó không thay đổi dưới thời Tổng thống Biden.
Áp lực từ Mỹ có thể sẽ được tăng cường. Ông Tập Cận Bình đã cáo buộc chính quyền Biden kiềm chế Trung Quốc một cách bất công. Ông chỉ ra các thỏa thuận an ninh ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và các đồng minh và đối tác của họ ở châu Á; các hạn chế đối với việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ của Mỹ như chip tiên tiến; và việc sử dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào Bắc Kinh vì sự ủng hộ ngầm của nước này đối với Nga liên quan đến xung đột ở Ukraine.
Mặc dù các chi tiết chính xác về chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của ông Trump có thể vẫn chưa rõ ràng cho đến khi ông chọn được nội các của mình, nhưng Trung Quốc đã cho thấy rằng họ đã chuẩn bị tốt hơn cho bất cứ điều gì sắp xảy ra, so với nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump.
Chỉ trong tháng qua, Trung Quốc đã làm thân với các đồng minh và đối tác của Mỹ. Họ đã đạt được thỏa thuận với Ấn Độ để giảm bớt căng thẳng biên giới và quân đội Trung Quốc đã trao đổi đồ ngọt với quân đội Ấn Độ trong lễ hội Divali, dọc theo lãnh thổ tranh chấp. Bắc Kinh cũng đã tiếp đón các quan chức cấp cao của Anh và Nhật Bản để xoa dịu mối quan hệ. Và họ đã dỡ bỏ các hạn chế đối với các mặt hàng xuất khẩu chính của Australia sang Trung Quốc, như rượu vang và tôm hùm.
Trong những năm qua, Trung Quốc cũng đã tăng gấp đôi nỗ lực để tự chủ hơn về công nghệ, đầu tư hàng tỷ USD vào việc phát triển các loại chip hàng đầu của riêng mình. Và nước này đã tiếp tục xây dựng quân đội của mình.
Tuy nhiên, nỗ lực của Trung Quốc nhằm bảo vệ mình khỏi cú sốc tiềm tàng từ ông Trump có thể bị hạn chế bởi nền kinh tế đang chậm chạp của nước này, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng bất động sản. Trung Quốc đã không dễ bị tổn thương như vậy trong chính quyền ông Trump nhiệm kỳ đầu và lần này họ có thể có ít lựa chọn hơn để trả đũa trong một cuộc chiến thương mại.
Một số tiếng nói ở Trung Quốc đang thúc giục nước này kiềm chế. Jia Qingguo, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, đã thúc giục Trung Quốc chuẩn bị cho sự cạnh tranh lớn hơn với Mỹ không chỉ bằng cách đầu tư vào quân đội và kinh tế mà còn bằng cách tránh xung đột quân sự ngoài ý muốn ở Biển Đông và Đài Loan, và tránh các tranh chấp không cần thiết với các quốc gia khác.
Nhưng một số nhà phân tích Trung Quốc như Zhou Bo, một đại tá đã nghỉ hưu của Quân đội Giải phóng Nhân dân và là thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh và Chiến lược Quốc tế của Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc đang trở nên tốt hơn trong việc đối phó với Mỹ vì họ đã vượt qua được phong cách đối đầu của ông Trump ở nhiệm kỳ đầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 9/11/2017. Ảnh: AFP/ TTXVN
Trung Quốc đã từng đáp trả lại chính sách "ngoại giao Twitter" dữ dội của ông Trump bằng cách đưa ra chiến thuật chính trị mạnh mẽ và gay gắt được gọi là "Chiến binh sói". Và để chống lại việc xây dựng liên minh dân chủ của Tổng thống Biden, Trung Quốc đã tích cực tìm kiếm mối quan hệ sâu sắc hơn với các quốc gia đang phát triển và với Nga. Khi Mỹ tăng cường mối quan hệ với Đài Loan/Trung Quốc, Bắc Kinh đã tăng cường các cuộc tập trận gần đó.
"Một số người ở Trung Quốc nói rằng ông Trump đã đập Trung Quốc bằng búa và ông Biden đã cắt Trung Quốc bằng dao phẫu thuật", ông Zhou nói. "Chúng tôi đã trải qua cả hai điều đó. Nhưng xu hướng là Trung Quốc đang mạnh lên, bất chấp căng thẳng".
Mối quan hệ đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào đầu năm 2023 sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua bầu trời nước này. Nhưng mối quan hệ đã ổn định trong năm qua khi chính quyền Tổng thống Biden nhấn mạnh vào ngoại giao chuyên sâu - cử Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan đến gặp nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị nhiều lần.
Liệu sự tương tác như vậy có tiếp tục dưới thời chính quyền ông Trump hay không sẽ phụ thuộc một phần vào việc Tổng thống Mỹ đắc cử sẽ chọn ai làm cố vấn. Những người đó có thể bao gồm những người theo chủ nghĩa diều hâu với Trung Quốc, chẳng hạn như Robert E. Lighthizer, cựu đại diện thương mại Mỹ. Tùy thuộc vào người được chọn, các thành viên nội các của ông cũng có thể kiềm chế xu hướng tương tác của ông Trump và thay vào đó ủng hộ một cách tiếp cận mang tính ý thức hệ hơn đối với Trung Quốc.
Chính sách "Nước Mỹ trên hết" theo chủ nghĩa cô lập của ông Trump cũng có thể khiến Washington làm suy yếu các liên minh của mình trên toàn thế giới. Điều đó có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc lấp đầy khoảng trống và mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của mình.
Những quan ngại về các tác động sau khi châu Âu áp thuế xe điện Trung Quốc Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA) ngày 3/7 kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) hủy bỏ kế hoạch áp thuế đối với ô tô điện do Trung Quốc sản xuất trong nỗ lực cuối cùng nhằm tác động đến các cuộc đàm phán trước khi thuế quan có hiệu lực vào ngày 4/7 tới. Ô tô điện được sản xuất...