Liên hợp quốc sẽ duy trì các giám sát viên tại Syria
Các quan chức Liên hợp quốc ngày 19/6 đã cam kết tiếp tục duy trì các giám sát viên của tổ chức này tại Syria bất chấp bạo lực đang tiếp tục leo thang ở quốc gia Trung Đông này.
Các giám sát viên LHQ tại khách sạn Dama Rose ở Damascus ngày 16/6. (Nguồn: THX/TTXVN)
Phát biểu tại phiên báo cáo vắn tắt về tình hình Syria tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trưởng phái bộ giám sát của Liên hợp quốc tại Syria (UNSMIS), Thiếu tướng Robert Mood đã nêu bật những mối đe dọa đối với sự an toàn của 300 giám sát viên của Liên hợp quốc tại quốc gia bất ổn này.
Ông nhận định tình hình khủng hoảng tại Syria “ngày càng diễn biến xấu đi” khi tình trạng sử dụng thiết bị gây nổ và súng bắn tỉa vẫn tiếp tục gia tăng, gây nhiều thương vong cho người dân tại đây.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Thiếu tướng Mood khẳng định các phái viên giám sát của Liên hợp quốc có “nghĩa vụ đạo đức” phải tiếp tục ở lại quốc gia bất ổn này, đồng thời cảnh báo việc giám sát của Liên hợp quốc khó có thể được tái khởi động nếu chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phe đối lập tiếp tục thể hiện sự bất hợp tác.
Quan chức này cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa nhằm kêu gọi chính quyền Damacus và phe đối lập nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng bạo lực kéo dài suốt 16 tháng qua.
Cũng tại phiên báo cáo, Trợ lý của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, ông Oscar Fernandez Taranco cho biết, tình hình tại Syria đang ở mức “báo động,” đặc biệt tại thành phố Homs, nơi các giám sát viên Liên hợp quốc chứng kiến khoảng 1.000 gia đình bị mắc kẹt trong cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh chính phủ và các tay súng phe đối lập.
Ông Taranco kêu gọi Hội đồng Bảo An và cộng đồng quốc tế cùng gia tăng áp lực buộc các bên liên quan ngay lập tức tuân thủ đầy đủ các cam kết trong kế hoạch hòa bình sáu điểm của của Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan.
Sau khi UNSMIS tại Syria quyết định tạm ngừng các hoạt động giám sát tại nước này từ ngày 16/6, bạo lực đã bùng phát mạnh trong phạm vi cả nước.
Riêng trong ngày 16/6, trên phạm vi cả nước đã có khoảng gần 80 người chết vì bạo lực, trong đó có 44 người bị quân đội chính phủ giết hại trong cuộc lục soát tại vùng ngoại ô Damacus.
Phái bộ UNSMIS được cử tới Syria từ ngày 12/4 để thực hiện sứ mệnh giám sát thỏa thuận ngừng bắn đề ra trong kế hoạch hòa bình sáu điểm của Đặc phái viên Annan.
Tuy nhiên, phái bộ này đã buộc phải quyết định tạm ngừng các hoạt động giám sát nhằm đảm bảo an toàn cho 300 quan sát viên đang có mặt tại Syria cũng như để phản đối việc các bên thiếu thiện chí trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
Tình hình Syria cũng trở thành chủ đề được nhắc đến nhiều bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tại Los Cabos, Mexico.
Trong một cuộc gặp bên lề tối 18/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào rằng chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria có thể không còn bám trụ được lâu nữa.
Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố Nga và Trung Quốc nhận thức được những mối đe dọa của cuộc nội chiến ở Syria song chưa có dấu hiệu cho thấy họ có ý định hối thúc Tổng thống al-Assad từ bỏ quyền lực.
Trước đó, Tổng thống Obama đã gặp Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan – một đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Trung Đông – để thảo luận về sự cần thiết của một cuộc chuyển giao quyền lực ở Syria.
Phát biểu về vấn đề này, Tổng thống Nga Putin khẳng định chính người dân Syria sẽ quyết định liệu nhà lãnh đạo của họ (tức Tổng thống al-Assad) có tiếp tục tại vị hay không.
Tuyên bố này trái ngược với những tuyên bố trước đó của Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng, Mátxcơva không còn ủng hộ nhà lãnh đạo al-Assad và đang tìm kiếm một cuộc chuyển giao quyền lực ở Syria./.
Theo TTXVN