Liên hợp quốc kêu gọi kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào bảo tồn thiên nhiên
Ngày 20/10, tại Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về đa dạng sinh học ( COP16) diễn ra ở Cali, Colombia, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi các quốc gia thành viên đầu tư mạnh mẽ vào quỹ bảo tồn và phục hồi thiên nhiên.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp báo ở New York, Mỹ ngày 16/8/2024. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Trong thông điệp bằng video được gửi đến các đại biểu tham dự COP16, chính thức bắt đầu vào ngày 21/10, Tổng thư ký LHQ đã nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên.
Ông Guterres nhấn mạnh việc hủy hoại thiên nhiên sẽ làm gia tăng xung đột về tài nguyên, nạn đói và bệnh tật, gây ra nghèo đói và làm giảm GDP. Sự sụp đổ của các “dịch vụ” mà thiên nhiên ban tặng như như cung cấp nước sạch và thúc đẩy sự thụ phấn không chỉ gây ra thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ USD mỗi năm mà còn đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người, đặc biệt là những người nghèo nhất trên hành tinh.
Để ngăn chặn một tương lai như vậy, ông Guterres nhấn mạnh thế giới cần hành động ngay bây giờ. Điều này có nghĩa là các quốc gia cần tuân thủ các cam kết tài chính, tăng cường hợp tác quốc tế và hỗ trợ các nước đang phát triển. Người đứng đầu LHQ đồng thời kêu gọi các nước thành viên đóng góp những khoản “đầu tư quan trọng” cho Quỹ Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBFF).
GBFF được thành lập vào năm 2023 để hỗ trợ các quốc gia đạt được mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF) được thông qua tại COP15 diễn ra ở Canada hồi năm 2022, trong đó đưa ra lộ trình đầy tham vọng để đạt được tầm nhìn toàn cầu về một thế giới sống hòa hợp với thiên nhiên vào năm 2050. Nội dung chính của GBF đặt ra 23 mục tiêu nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy giảm đa dạng sinh học từ nay đến năm 2030. Trong số 23 chỉ tiêu mà GBF đề ra có việc khôi phục và bảo tồn ít nhất 30% diện tích đất và biển của hành tinh từ nay đến năm 2030 và ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng đối với các loài động, thực vật do các hành động của con người gây ra . Theo các cơ quan giám sát tiến độ, cho đến nay, các quốc gia đã cam kết đóng góp khoảng 250 triệu USD cho quỹ này.
Độc đáo phiên bản quốc ca Colombia tại hội nghị về đa dạng sinh học
Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, trước thềm Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về đa dạng sinh học (COP 16), dự kiến diễn ra từ ngày 21/10 - 1/11 tới, Colombia đã ghi lại thanh âm của 41 con chim thuộc các loài khác nhau trong môi trường sống tự nhiên để tạo nên phiên bản quốc ca độc đáo nhất từ trước tới nay.
Nhà sản xuất âm nhạc Miguel de Narváez, người phụ trách tích hợp âm thanh, cho biết trong đoạn ghi âm còn có tiếng của 3 loài lưỡng cư, ếch, báo đốm và thậm chí cả cá voi ở Thái Bình Dương, loài có "chất giọng" đáng kinh ngạc. Ngoài ra, đội ngũ sản xuất còn ghi lại cả âm thanh của thiên nhiên như gió, biển và mưa.
Để thực hiện bản ghi này, một nhóm các nhà sinh vật học và nhạc sĩ đã đi qua nhiều khu vực của Colombia, từ bờ biển Caribe đến bờ Thái Bình Dương, từ đồng bằng phía Đông đến một số đồng hoang để ghi lại tuyển tập âm thanh bằng những chiếc micro "rất tinh vi".
Bản phối quốc ca độc đáo này của Colombia đã bắt đầu được phát trên một số chương trình phát thanh từ ngày 16/10. Chính phủ Colombia mới đây cũng đã phát hành một bài hát dành cho hội nghị thượng đỉnh ca ngợi phương châm "hòa bình với thiên nhiên" theo nhịp điệu của mộc cầm, trống và các âm thanh khác của vùng Thái Bình Dương Colombia.
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Colombia là quốc gia có sự đa dạng sinh học về loài chim lớn nhất trên thế giới, với tổng cộng 1.935 loài chim được xác định cho đến nay.
Báo cáo Sức sống Hành tinh 2024, được WWF công bố ngày 9/10, cho thấy quần thể các loài động vật hoang dã thuộc động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá trên toàn cầu đã giảm hơn 70% trong 50 năm qua.
Căng thẳng tại Trung Đông: Tổng thư ký LHQ cảnh báo nguy cơ chiến tranh toàn diện Trong tuyên bố tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York ngày 8/10, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo Liban đang "trên bờ vực của cuộc chiến tranh toàn diện". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng mặc dù tình hình hiện tại đang rất căng thẳng, nhưng vẫn còn cơ hội để ngăn chặn những hậu quả thảm...