- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Lập trung tâm khảo thí độc lập: Băn khoăn thêm một kỳ thi!?

On 07/10/2021 @ 9:59 AM In Học hành

Chủ trương thành lập các trung tâm khảo thí nhận được ý kiến trái chiều từ các chuyên gia ngành giáo dục.

Bộ GD-ĐT đang có chủ trương đẩy mạnh thành lập các trung tâm khảo thí tại hai đại học quốc gia và các địa học vùng. Bộ cho biết, hiện các đại học quốc gia, đại học vùng và các trường/nhóm trường đại học đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện có thể tổ chức kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng và chia sẻ, hỗ trợ các trường khác có nhu cầu.

Cứ nên ổn định

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ quan điểm, những năm trở lại đây, Việt Nam đã đổi mới chuyện thi cử, tuyển sinh và đã khả ổn định. Do vậy, theo ông, cứ theo sự ổn định này mà làm thì tốt hơn.

Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề tuyển sinh như: thành lập trung tâm khảo thí; không thi tốt nghiệp THPT chỉ xét học bạ... Việc này, theo ông Nhĩ, không riêng gì Việt Nam, thế giới cũng làm.

"Khi học sinh học hết phổ thông, để có một thước đo đánh giá thật khách quan cần tổ chức một kỳ thi phổ thông nghiêm túc từ khâu ra đề đến tổ chức thi, chấm thi. Tất cả các trường muốn tuyển sinh thì căn cứ vào kết quả thi đó để lựa chọn sinh viên đào tạo. Đây là cơ sở đáng tin cậy", nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá.

Trường hợp không tổ chức kỳ thi nêu trên, các trường có thể căn cứ vào học bạ để đánh giá, tuyển chọn, nhưng với tình trạng hiện nay, theo nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ, đó chỉ là thứ để... tham khảo.

Một số nước trên thế giới cũng căn cứ vào học bạ, ở đó giáo viên đánh giá thực sự khách quan. Nhưng ở Việt Nam, yêu cầu đó chưa đạt được, có thể có nhiều yếu tố làm cho kết quả học tập thực sự của học sinh sai lệch, từ đó khiến việc tuyển sinh trở nên lệch lạc. Cho nên, ở thời điểm này, ông Nhĩ cho rằng căn cứ vào học bạ thì không ổn.

Lập trung tâm khảo thí độc lập: Băn khoăn thêm một kỳ thi!? - Hình 1

Bộ GD-ĐT chủ trương lập các trung tâm khảo thí ở hai đại học quốc gia và các đại học vùng. Ảnh minh họa

Đối với việc thành lập các trung tâm khảo thí, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng sẽ lại sinh ra kỳ thi nữa.

"Chúng ta mong muốn giảm thi cử để bớt tốn kém, giờ lại thêm các trung tâm khảo thí thì không thực sự cần thiết. Chỉ cần một kỳ thi phổ thông là đủ, học sinh buộc phải trải qua kỳ thi để kiểm tra, đánh giá em nào đạt, em nào không đạt. Dĩ nhiên quan trọng là cách thi, giám sát kỳ thi như thế nào.

Còn các trường đại học, cao đẳng, sau khi tuyển vào, muốn xem chất lượng sinh viên được tuyển vào ra sao thì có thể làm một OTK, giống như OTK hàng hóa.

Một nhà máy sản xuất ra hàng hóa, cuối cùng phải có khâu OTK để đánh giá xem sản phẩm nào đạt, sản phẩm nào không đạt. Trường đại học cũng kiểm tra lại để phân loại, biết em nào giỏi, em nào khá, em nào yếu kém ở chỗ nào, cần bồi dưỡng thêm... Còn lại, không nên tổ chức các trung tâm khảo thí làm gì, làm rắc rối thêm tình hình hiện tại", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ giải thích.

Ông nói thêm, một kỳ thi quốc gia Bộ GD-ĐT đứng ra chịu trách nhiệm về đề thi, biểu điểm để chấm, các địa phương chịu trách nhiệm về vấn đề tổ chức, nó sẽ hình thành phổ điểm để các trường lựa chọn được.

Còn nếu tổ chức các trung tâm khảo thí, bỏ thi phổ thông, theo ông Nhĩ, là điều sai lầm. Nhưng nếu không bỏ thì lại thành hai hệ thống thi, thi phổ thông rồi lại thi ở các trung tâm khảo thí sẽ khiến tình hình thêm phức tạp.

"Dứt khoát phải có một kỳ thi phổ thông, xem đó là thước đo chung của cả nước, từ thước đo đó các trường đại học muốn lấy thế nào thì lấy. Cũng không cấm việc các trường tuyển sinh rồi kiểm tra để biết trình độ của các em thế nào để dạy cho sâu sát, giúp đỡ các em... Chuyện đó từng trường sẽ làm. Còn giờ ra mấy trung tâm khảo thí, các trung tâm ra đề thi, chấm thi, mỗi nơi có thể khác nhau... hoàn toàn không cần thiết", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ một lần nữa lưu ý.

Quan điểm khác

Cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) bày tỏ ủng hộ việc thành lập các trung tâm khảo thí. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, không quan trọng các trung tâm này nằm ở đâu mà quan trọng là phải xác định điều kiện, khung pháp lý cho các trung tâm này hoạt động một cách độc lập, năng lực đội ngũ ra sao, có thể có tư vấn hoặc chuyên gia nước ngoài để xây dựng đề thi cho tốt...

"Qua đây phải có nghiên cứu, đánh giá. Khi hai đại học quốc gia và một số trường đánh giá như vậy thì đâu là bài học để rút ra kinh nghiệm, ưu điểm, nhược điểm là gì, kinh nghiệm thế giới ra sao...", TS Hoàng Ngọc Vinh gợi ý.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nêu quan điểm, các trung tâm khảo thí nên theo nguyên tắc xã hội hóa, thị trường cạnh tranh, còn quản lý nhà nước thật chặt trong việc kiểm soát, kiểm định chất lượng xem trung tâm có thực hiện đúng các quy định của luật pháp hay không.

"Đại học quốc gia hay bất cứ trường đại học nào có năng lực thì cứ để cho họ làm, nếu làm mà không độc lập, khách quan thì tự dưng họ sẽ mất uy tín. Chỉ cần ra quy định chặt chẽ, Nhà nước không nên hỗ trợ gì. Xã hội hóa trung tâm khảo thí thì mỗi người khi làm sẽ nỗ lực để giữ danh tiếng, uy tín của mình", TS Hoàng Ngọc Vinh nói.

Ông nhắc lại câu chuyện sách giáo khoa làm ví dụ. Sách giáo khoa được ví như trái tim của hệ thống giáo dục, một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa. Quan trọng là cần phải có một hội đồng độc lập đánh giá trở lại về các bộ sách. Quá trình thành lập hội đồng cũng cần dân chủ để chọn ra những người tài năng, đức độ, phẩm chất tốt. Những người thẩm định phải là những chuyên gia sâu, có trải nghiệm thực tế dạy học ở cấp học đó, công tâm, liêm chính, thẳng thắn, trách nhiệm vì sự nghiệp giáo dục. Còn nếu thành viên hội đồng vẫn nằm trong nhà xuất bản, mang tiếng là độc lập nhưng cuối cùng vẫn là "tổ con chuồn chuồn" thì rất không ổn.

Bởi vậy, trở lại với chủ trương thành lập các trung tâm khảo thí, TS Hoàng Ngọc Vinh đề nghị phải xem xét các điều kiện khả thi để có thể tiến hành, bước quan trọng phải thật chu đáo, cần có quá trình chuẩn bị, nghiên cứu, đánh giá rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Đối với trung tâm khảo thí, vị chuyên gia cũng chỉ rõ, đây là dịch vụ "hái ra tiền". Với một đất nước có hàng chục triệu học sinh, sinh viên, các trung tâm khảo thí có thể làm dịch vụ cung ứng đề thi, kéo the đó là hàng loạt dịch vụ ăn theo khác, từ thiết bị, máy móc đến công nghệ, tổ chức thi, trông coi, quản trị...

"Tôi nhấn mạnh là cần đánh giá, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, chứ không thể vỗ trán ra chính sách. Thành lập trung tâm khảo thí, trường nào tin cậy thì mua có thể mua đề thi. Quan trọng nhất là phải hướng về lợi ích của người học, bởi thực tế không phải trường nào cũng có đầy đủ năng lực", TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/lap-trung-tam-khao-thi-doc-lap-ban-khoan-them-mot-ky-thi-20211007i6077795/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.