Lãng phí vì hướng nghiệp sai
Chỉ 5% học sinh hiểu biết về ngành mình chọn thi ĐH, 20% hiểu một cách tương đối và 75% không biết gì, theo một cuộc khảo sát tại TP HCM.
So với bạn bè trong lớp an ninh mạng năm nhất Trường CĐ Nghề Công nghệ thông tin (CNTT) iSpace, Đinh Quốc Phong (quê An Giang) thuộc lớp đàn anh bởi Phong sinh năm 1989 và từng tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng ở Trường ĐH An Giang.
Bỏ ĐH theo trường nghề
Phong bảo em thích ngành CNTT. Lúc đầu, em tính thi vào ngành này ở Trường ĐH Cần Thơ nhưng ba má không đồng ý và ép em thi vào ngành tài chính ngân hàng. “Vì là con một, không nỡ làm bố mẹ buồn nên em phải học ngành mình không thích” – Phong kể.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP HCM) tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh “Đưa trường học đến thí sinh” do Báo Người Lao Động tổ chức năm 2013 Ảnh: Tấn Thạnh
Bốn năm học ĐH là khoảng thời gian dài đằng đẵng đối với Phong. Năm 2011, Phong tốt nghiệp ĐH với tấm bằng loại trung bình và em bắt đầu gõ cửa xin việc ở nhiều ngân hàng nhưng chờ mãi không thấy nơi nào gọi phỏng vấn. Chán nản, Phong xin đi làm cho môt siêu thị tại An Giang. Làm được một thời gian thì đến tháng 4-2013, Phong quyết định lên
TP HCM đăng ký học nghề an ninh mạng. “Đi học nghề, ba mẹ cũng không hài lòng lắm nhưng biết làm sao được vì em đã học ĐH rồi mà không xin được việc. Giờ em được học nghề mà em thích. Đó là tâm nguyện của em!” – Phong nói.
Nhiều bạn trẻ đang học ĐH bỗng nghỉ ngang, chuyển sang học nghề khi nhận ra ngành mình chọn không phù hợp. Lê Thị Nhung (quê Khánh Hòa) là một ví dụ. Năm 2010, Nhung thi đậu vào ngành địa chất của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM). Học được 2 năm, Nhung thất vọng vì ngành mình đang học không phải như những gì em đã nghĩ. Thế là Nhung bỏ học đi làm công nhân để kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Video đang HOT
Tháng 4-2013, Nhung đăng ký học nghề thiết kế đồ họa tại một trường CĐ nghề. Nhung chia sẻ: “Giờ nghĩ lại công sức 2 năm đi học ĐH thấy cũng tiếc nhưng lúc đó, em kiên quyết nghỉ học chứ theo học mãi cái ngành mà mình không thích thì càng lãng phí hơn. Giờ em đi học nghề này là đúng với nguyện vọng và sở thích của em”.
Trong lớp thiết kế đồ họa của Nhung cũng có khá nhiều bạn từng học ĐH nhưng đã chuyển sang học nghề.
Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi), cho biết: Mỗi năm, cả nước có hơn 1 triệu lượt học sinh thi ĐH, CĐ. Trong đó, hơn 400.000 em đạt nguyện vọng này và khoảng 370.000 chọn vào các trường dạy nghề. Hơn 1/3 thí sinh chờ kỳ thi năm sau.
Khi chọn ngành nghề, học sinh thường chạy theo ngành thời thượng như có nhu cầu việc làm nhiều và lương cao chứ không phải theo năng lực, sở thích. Vì lẽ đó, nhiều sinh viên đang học dở ĐH hay ra trường rồi mới nhận ra ngành mình đã chọn không phù hợp.
Một cuộc thăm dò của Falmi mới đây cho thấy chỉ khoảng 5% học sinh hiểu biết về ngành mình chọn học, 20% hiểu một cách tương đối và đến 75% hoàn toàn không biết gì.
“Chẳng biết tìm ai để được tư vấn!”
Đó là tâm sự của nhiều học sinh khối 12 của Trường THPT Dân lập Thanh Bình (quận Tân Bình) trong buổi tham quan hướng nghiệp tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM mới đây. Các em cho biết rất cần tìm hiểu nghề nghiệp cho tương lai nhưng không biết tìm thông tin ở đâu, tìm ai để được tư vấn chọn nghề.
Theo bà Trần Thị Kim Quy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Thanh Bình, năm nay trường tổ chức cho học sinh đi tham quan hướng nghiệp tại các trường ĐH nhằm giúp các em nhìn nhận cụ thể hơn về nghề nghiệp trong tương lai.
Trong trường phổ thông, công tác hướng nghiệp đã được Bộ GD-ĐT đưa vào chương trình và tiến hành theo 4 hướng là thực hiện đồng bộ qua việc dạy các môn văn hóa, dạy lao động kỹ thuật và lao động sản xuất; sinh hoạt hướng nghiệp và hình thức ngoại khóa. Tuy nhiên, công tác hướng nghiệp này vẫn chưa đạt hiệu quả.
Tại hội thảo về công tác hướng nghiệp do Sở GD-ĐT TP HCM vừa tổ chức, đại diện của sở nhận định công tác hướng nghiệp cho học sinh rất khó khăn bởi giáo viên hướng nghiệp không được đào tạo bài bản nên còn hạn chế khi tư vấn cho các em. Điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí hạn hẹp nên nhà trường không thể đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác hướng nghiệp. Vì vậy, các buổi sinh hoạt hướng nghiệp chỉ dừng ở lý thuyết.
Trong khi đó, việc lồng ghép vào các môn học cũng không dễ. Nhiều giáo viên bộ môn thậm chí không thể giới thiệu cho học sinh về một nghề hoặc ngành học liên quan vì việc truyền thụ nội dung trọng tâm của môn vốn đã chịu áp lực rất lớn về thời gian.
Hướng đi mới của công tác hướng nghiệp hiện nay như đưa học sinh đi tham quan thực tế tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở nghiên cứu, tham gia giao lưu, học hỏi về quy trình sản xuất… được xem là thuyết phục hơn nhưng cũng khó thực hiện. Bởi việc làm này đòi hỏi nhiều thời gian, nguồn tài chính và đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường đối với công tác hướng nghiệp.
Cần hướng nghiệp từ bậc THCS
Theo ông Trần Anh Tuấn, công tác hướng nghiệp ở trường học cần giúp học sinh chọn lựa và phát triển nghề nghiệp phù hợp nhất với bản thân; hiểu được hệ thống nghề nghiệp trong xã hội; phương hướng phát triển nền kinh tế quốc dân và kinh tế địa phương… Việc hướng nghiệp cho học sinh hiện nay gần như chỉ tập trung cho học sinh khối 12 trong khi lẽ ra cần chuẩn bị từ sớm, ngay từ bậc THCS, để các em có định hướng rõ ràng nếu không chuyển tiếp lên THPT thì chuyển sang học nghề
Theo TNO
Ì ạch tiến độ xét tuyển nguyện vọng 2
Đã bắt đầu đợt tuyển sinh theo nguyện vọng bổ sung được 5 ngày nhưng đến nay nhiều trường ĐH vẫn đang chờ thí sinh đến đăng ký khi lượng hồ sơ không nhiều như dự kiến. Trong khi đó, những thí sinh trượt nguyện vọng 1, trông chờ vào cơ hội thứ 2 cũng đang hết sức sốt ruột do vẫn chưa nhận được giấy báo kết quả thi ĐH.
Việc chuyển giấy báo kết quả thi năm nay được cho là chậm trễ hơn các năm trước
Giấy báo kết quả đến chậm
Mấy ngày nay, Sở GD-ĐT Hà Nội nhận được khá nhiều thắc mắc về việc chưa có giấy báo kết quả thi cho thí sinh đăng ký dự thi tại hệ thống của Sở. Theo ông Hoàng Hữu Niềm - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hà Nội, việc nhận và trả giấy báo kết quả thi cho thí sinh diễn ra cấp tập trong vòng chục ngày nay với hàng trăm trường gửi về Sở và từ Sở chuyển về các trường THPT và Phòng GD-ĐT. "Vẫn còn một số trường đến thời điểm này vẫn chưa chuyển giấy báo kết quả thi cho thí sinh. Chúng tôi cũng rất sốt ruột vì đây là cuộc đua vào đại học, quyền lợi của thí sinh phải được đảm bảo. Nếu không nhận được giấy báo kết quả thi, các em sẽ không thể đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung" - ông Hoàng Hữu Niềm cho biết. Đưa ra ví dụ về một trong những trường có lượng thí sinh chờ giấy báo kết quả thi khá đông là ĐH Lâm nghiệp, ông Hoàng Hữu Niềm cho biết, trường báo đã chuyển mấy ngày nay, nhưng đến chiều 23-8, Sở GD-ĐT Hà Nội vẫn chưa nhận được khoảng 1.000 giấy báo kết quả thi của trường này mà không biết tắc ở khâu nào. Như vậy, tính đến ngày 24-8, tức là sau 5 ngày các trường ĐH, CĐ thông báo xét tuyển nguyện vọng 2, vẫn có hàng nghìn thí sinh chưa nhận được giấy báo kết quả thi ĐH, CĐ 2013.
Theo quy định, thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ ở đâu sẽ nhận giấy báo kết quả thi ở đó. Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị ngay sau khi nhận giấy báo kết quả thi ĐH, CĐ phải thông báo để các thí sinh đến nhận, kịp thời làm hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung của các trường ĐH, CĐ từ ngày 20-8 đến 30-10-2013. Các thí sinh không trúng tuyển vào trường dự thi nhưng có kết quả thi từ điểm sàn trở lên (không có môn nào bị điểm 0) được nhận 3 giấy chứng nhận kết quả thi có dấu đỏ. Thí sinh sử dụng giấy này để đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Theo ông Hoàng Hữu Niềm, trường hợp thí sinh không nhận được giấy báo kết quả thi, Sở GD-ĐT sẵn sàng hỗ trợ thí sinh phản ánh đến các trường ĐH, CĐ cấp lại để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Nhiều ưu đãi để "vợt" thí sinh
Đối với phần lớn các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, việc tuyển sinh năm nay đều đang trông chờ vào đợt tuyển nguyện vọng bổ sung này. Điều dễ nhận thấy là điểm chuẩn nguyện vọng 1 vào hầu hết các trường công lập năm nay khá cao, đồng nghĩa với việc điểm tuyển nguyện vọng bổ sung vào các trường này cũng không thể thấp hơn, đó sẽ là cơ hội cho các trường ngoài công lập tuyển với mức điểm đầu vào thường chỉ bằng điểm sàn trở lên. Tuy nhiên, đến thời điểm này lượng hồ sơ vào các trường ngoài công lập vẫn khá nhỏ giọt.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh cho biết, ngoài việc triển khai nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh cung cấp thông tin cho các thí sinh trên các phương tiện truyền thông, trường còn thông báo xét giảm học phí năm thứ nhất nếu thí sinh có điểm thi đại học, cao đẳng năm 2013 cao hơn điểm sàn từ 2 điểm trở lên, trường cũng xét cấp học bổng hàng năm cho sinh viên đạt kết quả học tập từ khá trở lên và rèn luyện tốt đồng thời đảm bảo sinh viên được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi giáo dục theo quy định của Nhà nước. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, để tuyển đủ chỉ tiêu cho năm học này với các trường ngoài công lập là chuyện không hề dễ.
Các trường như ĐH dân lập Hải Phòng cũng công bố giảm học phí từ 10% đến 50% cho sinh viên nghèo, thưởng học bổng hàng năm cho sinh viên giỏi. ĐH Thành Tây dành cho Quỹ học bổng lên tới 1,5 tỷ đồng và thông báo sinh viên đến nhập học sẽ được miễn 1 tháng học phí trong học kỳ đầu tiên... Theo ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội thì năm nay, khó khăn trong bài toán tuyển sinh của các trường ngoài công lập xuất phát từ tình hình kinh tế suy giảm. "Năm nay thí sinh có xu hướng chọn trường gần nhà hơn, chi phí rẻ hơn, thay vì học ở trường ĐH ngoài công lập trên thành phố. Trong khi đang tuyển nguyện vọng bổ sung thì trường chúng tôi đã phải giải quyết hơn chục thí sinh đỗ nguyện vọng 1 nhưng xin rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển ở trường địa phương" - ông Vũ Văn Hóa cho biết.
Theo ANTD
Ước mơ làm báo, thí sinh cao 1m trốn nhà đi thi ĐH Sáng qua 8/7, tại đại học KHXH & NV Hà Nội xuất hiện một thí sinh "hạt tiêu", cao khoảng 1m có tên Nguyễn Thị Hải Yến, đến từ Hải Dương. Đăng ký dự thi vào ngành báo chí của trường nhưng muốn giấu bố mẹ nên bạn ấy đã một mình lên Hà Nội dự thi. Trong buổi làm thủ tục sáng...